Những lúc hoang mang tuyệt vọng hay cuộc sống vất vả khổ cực,
tôi lại mơ đến thiên đường cộng sản. Bởi ở nơi đó tôi chỉ cần làm theo năng lực
mà lại được hưởng theo nhu cầu. Hàng ngày, ở cơ quan tôi sẽ không phải đầu tắt
mặt tối vì những việc vớ vẩn, không phải lấm lét khi nhìn thấy mặt thằng sếp
khó ưa. Về nhà không còn cảnh vợ bắt lau nhà, rửa bát, rồi cuối tháng không phải
thấy mắt vợ tối sầm khi thấy mấy cái hóa đơn điện, nước, gaz, truyền hình, điện
thoại... Mỗi sáng thức dậy tôi sẽ khoan thai bước ra khỏi ngôi biệt thự to đùng, lái chiếc
Mercedes bóng lộn ra chuỗi nhà hàng khách sạn 5 sao ngồi vào bàn gọi bữa sáng, tôi
vừa ăn chậm rãi vừa đọc báo và đàm đạo với những người hiểu biết, sang trọng.
Ăn xong tôi đủng đỉnh lái xe vào cơ quan, làm lụng qua loa cho có lệ (vì lũ robot làm hết
rồi) còn rong chơi tìm cảm hứng để làm thơ là chính. Khi đó chắc chắn tôi sẽ có
những kiệt tác để đời, rồi sẽ bay đến Stockholm để nhận giải Nobel văn chương
danh giá, ở đó người ta sẽ yêu cầu tôi đọc một diễn từ khoảng 10 phút để ca ngợi cuộc
sống thiên đường của đất nước mình, và nhỏ lệ trắc ẩn cho hàng tỷ kiếp đời còn u mê tăm
tối trên khắp hành tinh này.
Nhưng mới đây khi nghe già làng Củ Lá bảo rằng hết thế kỷ này chưa chắc đã
tìm thấy thiên đường thì tôi lại hụt hẫng như vừa rớt xuống hố thẳm Mindanao
ngoài khơi Thái Bình Dương. Như vậy là dù tôi có chờ cả kiếp này cũng không thể nhìn
thấy thiên đường CS hay sao? Rồi đời con, đời cháu, đời chắt, đời chít tôi sẽ
như thế nào? Chả lẽ vẫn cứ chờ đợi trong vô vọng, như những anh chàng nghèo khổ hôi hám cùng những mơ ước hão huyền trong Thưở chờ đợi Godot của Samuel Beckett? Hu hu! Không thể như thế
được!
Nói thế, nhưng rồi tôi và con tôi, cháu tôi, chít tôi… vẫn cứ
phải chờ đợi và hy vọng… dù Godot có không đến đi nữa. Bởi ngoài chờ đợi và chờ
đợi, chúng tôi còn có thể làm gì được nữa?