Đọc bài phỏng vấn Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trên Sài
Gòn giải phóng được biết ông là lớp nghệ sĩ tài năng, tâm huyết của miền Bắc. Nói
“được biết” bởi vì tôi là dân miền Nam và cũng mới chỉ coi mỗi bộ phim “Thương nhớ đồng quê” của ông chiếu trên
TV, chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn nổi tiếng một thời, Nguyễn Huy Thiệp
(giờ thì Nguyễn Huy Thiệp đã “chết” rồi, một nhà văn đã “chết” thì không nên viết
nữa, bởi có cố cũng chỉ toàn những cái vớ vẩn, nhạt nhẽo và rỗng tuếch. Tiếc rằng
NHT vẫn cố viết!) và biết một bộ phim nữa của ông, phim “Đừng đốt”, một bộ phim
mà chưa bấm máy đã biết chắc sẽ được giải, mà quả thật nó được ngay giải “Cánh diều vàng”,
vì nó là bộ phim “rất chính trị và rất thời sự”.
Bài báo viết rằng qua bài phỏng vấn, ông
đã “chia sẻ những tâm huyết và trăn trở của
mình về điện ảnh nước nhà”. Thế nhưng đọc xong tôi vẫn thấy băn khoăn đôi điều. (http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/nguoicuacongchung/2015/1/372504/)
Theo ông, “điện ảnh Việt Nam chỉ có hai thời kỳ, thời kỳ làm phim không vì tiền và
thời kỳ làm phim vì tiền”, và ông cũng chia 3 loại phim: Phim giải trí do tư nhân bỏ tiền (có lúc
ông gọi là phim thương mại), phim do nhà
nước đầu tư nhằm kỷ niệm những ngày lễ lớn (ông cũng gọi là phim giáo dục
truyền thống, tức là phim chính trị) và phim
nói về thân phận con người, những người bình thường trong xã hội hôm nay mà
ông còn gọi là phim nghệ thuật(?)
Theo tôi, chẳng làm gì có cái gọi là ”thời kỳ làm phim không vì tiền và thời kỳ
làm phim vì tiền”, cách gọi đó sặc mùi đạo đức giả, kể cả mùi của AQ, mà phải
gọi đúng bản chất của nó là thời kỳ làm phim bao cấp và thời kỳ làm phim không
bao cấp. Bởi trong cách hoài niệm của ông ”thời kỳ làm phim không vì tiền”, tức
bao cấp, nó như là “thời kỳ ánh sáng”, mang tính mẫu mực của nghệ thuật. Nhưng
thưa ông thời kỳ này mọi thứ đều do nhà nước cung cấp, từ phương tiện máy móc,
đến kịch bản, đạo diễn, diễn viên, nhân viên… Mọi người làm phim đều là cán bộ,
nhân viên ăn lương nhà nước và sản phẩm nghệ thuật làm ra cũng là loại sản phẩm
được phân phối bắt buộc như cây kim, sợi chỉ, ổ bánh mì… người tiêu thụ đâu có
quyền lựa chọn thì làm sao dám nói chuyện khen chê. Chắc ông cũng còn nhớ chất
lượng của cây kim, sợi chỉ, ổ bánh ở cửa hàng mậu dịch ngày ấy như thế nào, vậy mà ai cũng
phải dùng và chẳng ai dám chê, vì làm gì có cái nào khác nữa đâu để so sánh hơn
thua? Ông lại bảo “Trước đây, người nghệ sĩ làm phim không vì tiền mà vì danh dự,
vì sự rung động bên trong”. Thưa ông, như đã nói ở trên, thời bao cấp, 100% nghệ
sĩ các ông là công chức ăn lương nhà nước, có muốn làm phim vì tiền cũng chẳng ai cho,
còn đã là nghệ sĩ thì ai chẳng hoài thai tác phẩm của mình bằng sự rung động
bên trong, chỉ khác về “khả năng” và “chất lượng” rung động ở mỗi người, nếu không
có cái đó thì đâu ai gọi các ông là nghệ sĩ nữa?
Còn ông phân biệt phim giải trí, phim
chính trị và phim về thân phận con người. Theo tôi cũng chẳng cần phân loại như
thế làm gì, với khán giả chúng tôi chỉ có hai loại phim: phim hay và phim dở mà
thôi. Bất kỳ sản phẩm nghệ thuật nào cũng hướng đến đối tượng là con người, phân loại như ông chả lẽ phim giải trí và phim chính trị không hướng đến thân phận
con người? Phân thành loại phim chính trị vì các ông, những nghệ sĩ
quan phương, cho rằng chính trị là chuyện của giai cấp cầm quyền, phim chính trị
chỉ là phương tiện để minh họa cho chủ trương, chính sách, thế nên không cần ngó
ngàng gì đến số phận con người. Phim như thế thì “con người” ai thèm xem. Hãy để
ý những bộ phim “có yếu tố chính trị” của phương Tây, để thấy trong đó, số
phận của từng cá nhân con người, của từng thế hệ, cùng vận mệnh của đất nước, của
dân tộc, của nhân loại hòa quyện vào nhau và hấp dẫn lôi cuốn như thế nào.
Ông cũng bảo ngày xưa “phương tiện kỹ thuật thiếu thốn mà điện ảnh
Việt Nam làm được những phim hay, rung động lòng người”. Vâng, có thể cái
hay, cái rung động lòng người cũng chỉ còn là của những ngày ấy mà thôi, liệu những bộ phim đó bây giờ có còn đủ sức hay và
rung động nữa không, thưa ông? Tôi cho rằng nếu bây giờ chiếu lại những bộ phim
“kinh điển” ngày ấy chắc chắn cũng chẳng kéo được mấy ai đến rạp, trong
khi những bộ phim kinh điển của nước ngoài dẫu với hoàn cảnh sống và văn hóa khác biệt nhưng tại sao nó vẫn có thể làm rung động hàng triệu trái tim khán
giả người Việt?
Tóm lại, có lẽ ông đạo diễn cũng thấy tiếc
nuối cái thời bao cấp vàng son đã đi qua, cái thời mà mỗi năm cả nước làm được dăm ba bộ phim truyện và khán giả không có quyền lựa chọn, mà đã không có quyền
chọn lựa thì chuyện khen chê hay dở cũng đâu cần phải bàn đến nữa. Nhưng ở góc
độ khán giả, chúng tôi nghĩ rằng, ngay lúc này, nếu có cả tỷ đô trong tay thì
các nhà biên kịch, đạo diễn nhà mình cũng chẳng làm được cái phim nào ra hồn
đâu, thưa ông, bởi cái tầm và cái năng lực của mình chỉ đến thế. Chắc ông đạo diễn còn nhớ bộ phim truyền hình “Gió qua miền
tối sáng” với kinh phí bao cấp khổng lồ, equip đạo diễn, diễn viên toàn loại
siêu sao thượng thặng của Việt Nam thời bấy giờ, và kết cục của bộ phim ấy như ra sao, chắc ông cũng đã rõ!