Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Cung Chúc Tân Xuân


Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học là đổi mới hay chỉ là đổi khác?

Mới đây, Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến với 700 hiệu trưởng các trường tiểu học của thủ đô để lấy ý kiến việc thực hiện thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét thay vì cho điểm, thế nhưng cả 700 hiệu trưởng đều không có ý kiến gì. Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Phạm Xuân Tiến phát biểu: “Tôi không thấy đầu cầu nào đăng ký phát biểu. Không thể hơn 700 hiệu trưởng mà không ai có băn khoăn”.

Người ta thường bảo im lặng cũng là một thái độ. 700 hiệu trưởng im lặng vì có nói cũng chẳng thay đổi được gì, hơn nữa trước khi đưa thông tư vào áp dụng Bộ có lấy ý kiến hiệu trưởng đâu. Có lẽ đến lúc này ngoài những thông tin  có tính định hướng trên báo chí cho rằng cách thay đổi đánh giá này "đầy tính nhân văn" thì hầu hết các Hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh trong cả nước đều không đồng tình (Mới đây kết quả thăm dò trên báo Giáo dục.net.vn cho thấy 83,4% không đồng tình với Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT). Nhiều người nêu rõ rằng việc đánh giá bằng nhận xét đã làm giảm đi hứng thú thi đua học tập của HS; giáo viên các bộ môn nhạc, họa, thể dục phải làm việc quá tải với những lời nhận xét hàng ngày, hàng tuần, hằng tháng, mỗi học kỳ…; phụ huynh khó theo dõi quá trình học tập của con em mình qua những lời phê “giàu” cảm tính. Ngay trong ngành, việc thực hiện thông tư 30/2014/TT-BGDĐT  cũng sẽ rất khác nhau ở từng địa phương, điều này cũng gây ra những bất cập chưa lường hết khi HS phải chuyển trường, rồi đến việc kiểm tra thực hiện quy chế này của các cấp quản lý cũng sẽ vô cùng khó khăn vì không tránh khỏi những tranh luận “bất phân thắng bại”.

Các nhà quản lý giáo dục tầm vĩ mô thì luôn miệng cho rằng việc quá tải khi thực hiện thông tư này là do sự máy móc của GV, cần phải linh hoạt, sáng tạo. Nhưng thử hỏi linh hoạt, sáng tạo như thế nào đây? Một Thông tư hướng dẫn cách đánh giá HS mà đòi hỏi người thực hiện phải linh hoạt thì dễ dẫn đến tùy tiện, cảm tính và không thống nhất. Hơn nữa trong các lớp tập huấn, các chuyên viên của Bộ cho thấy họ cũng không lường hết được mọi tình huống và cách duy nhất để trả lời cho người dự hội nghị là “cần phải linh hoạt, sáng tạo”, chiêu bài đó cho thấy Bộ Giáo dục luôn đẩy những khó khăn do chính họ tạo ra về phía giáo viên, ngoài ra cách trả lời ỡm ờ đó cũng cho thấy họ là bậc thầy về sự lập lờ và lươn lẹo.

Rõ ràng Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về việc đổi khác  cách đánh giá này (chứ không phải đổi mới) chưa đủ độ chín và một lần nữa cho thấy Bộ Giáo dục dưới thời ông giáo sư chân đất Phạm Vũ Luận lại hấp tấp vội vàng, thiếu chọn lọc khi du nhập những cách thức của nước ngoài vào ngành giáo dục nước nhà. Hình như ông Bộ trưởng và các giáo sư tiến sĩ ở Bộ chưa hiểu rằng việc nâng cao chất lượng giáo dục đâu phải bắt đầu từ thay đổi cách đánh giá!