Tại sao đổi mới phương pháp dạy học thì yêu cầu giải phóng, cởi trói cho học sinh để các em được độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, thăng hoa cảm xúc … trong khi người giáo viên thì vẫn còn bị ràng buộc, “bao cấp” bởi quá nhiều thứ, từ sách giáo khoa, sách giáo viên đến phân phối chương trình, đến chuẩn kiến thức, kĩ năng được qui định tại Chương trình giáo dục phổ thông, rồi việc dự giờ, kiểm tra, khảo sát của các cấp quản lý (mà thậm chí có những cán bộ quản lý hoặc cán bộ thanh tra chưa từng dạy lớp bao giờ và cũng không hề biết dạy).
Đọc qua Sách giáo viên (SGV) người ta thấy rõ đây là một con dao hai lưỡi. Vì chính SGV đã làm người thầy phải dạy theo sách, nói theo sách. Bởi làm sao dám nói khác đi được trong khi những người quản lý, thanh tra cũng dự giờ, khảo sát, ra đề kiểm tra theo các “khuôn vàng thước ngọc” trong SGV. Có thể SGV là cần thiết trong giai đoạn trước đây khi mà đội ngũ GV còn được đào tạo chắp vá, thiếu đồng bộ và không đạt chuẩn. Nhưng bây giờ thì phải khác. Dạy văn (và nhiều môn khác nữa) còn phải tùy thuộc vào tài năng, nhân cách và những rung động cảm xúc trong tâm hồn người thầy. Điều đó để người Thầy khác với người “thợ dạy”. Có đáng buồn chăng khi mọi tác phẩm văn chương đều chỉ được nhìn nhận từ một góc duy nhất, góc của các Giáo sư, Tiến sĩ, những người biên soạn SGK-SGV và do đó, bao nhiêu thế hệ học trò học văn cũng chỉ có một cách cảm, cách hiểu duy nhất đó. Vô hình trung chúng ta đang đào tạo bao nhiêu lớp người “đồng phục” về tâm hồn, về cảm xúc?
Chẳng đáng buồn lắm sao!