Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2008

Ôi Huế của ta ...

Đại nội - Huế
Huế bao giờ cũng là hình ảnh của lãng mạn, của mộng mơ. Có lẽ chưa ai có thể thống kê được số lượng thơ văn ca ngợi mảnh đất thần kinh cố đô này. Ở khắp nơi, trong và ngoài nước đâu đâu cũng có hội ái hữu, hội đồng hương, hội tương trợ … của những người con xứ Huế. Người ta thi nhau ca ngợi sông Hương, Núi Ngự, ca ngợi thiếu nữ Huế thuỳ mị nết na, rồi những hình ảnh các cô nữ sinh Đồng Khánh chiều chiều qua cầu với tà áo dài tím tung bay trong gió, trong nắng đẹp đến nao lòng. Rồi ngay giọng Huế, cũng là âm điệu miền Trung nhưng giọng Huế lại nhẹ nhàng mà đậm đà tình cảm và những tiếng dạ thưa ngọt lịm của các cô gái Huế làm say mê bao chàng trai tứ xứ.
                                              Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương (Bùi Giáng)
Dù gì thì Huế cũng là kinh đô của một thời. Sự lịch lãm, sang trọng trong phong cách của con người ở đây, không chỉ giới hoàng tộc, cũng là tất yếu. Huế là một trong ba trọng điểm của đất nước, nằm giữa Sài Gòn và Hà Nội, nhưng Huế mang một vẻ khác biệt so với hai thành phố kia ở chỗ còn lưu lại nhiều dấu tích của vua chúa nhà Nguyễn với thành quách, lăng tẩm, đến đài, miếu mạo, rồi dòng sông Hương chảy lững lờ quanh thành phố, những con đường nho nhỏ yên tĩnh, rợp bóng cây xanh.
Huế đẹp là thế nên ai chẳng mơ một lần đến để chiều chiều được ngồi trên bến Vân Lâu nghe lại câu hò đã từng được nghe trong giờ giảng văn từ khi còn học cấp hai. Được ngắm dòng sông Hương, núi Ngự và đắm mình trong sắc tím mộng mơ của xứ Huế.
Tôi cũng đã hai lần đến Huế, nhưng cả hai lần đều không nhìn ra Huế. Còn nhớ cách đây mấy mươi năm, trước khi đến Huế, đọc một bài trên báo kể chuyện một đoàn tham quan của Thanh niên Sài Gòn vừa đến Huế, xe dừng trước chợ Đông Ba, nghe tiếng loa phát vang vang bài hát “Ơi, Huệ của ta, ta có Huệ tự hào …” bỗng tiếng hát ngừng và tiếng loa chợ Đông Ba tiếp nối “Đồng bào vào chợ coi chừng mất đồ… coi chừng mất đồ …”. Thế là người ta xâu kết lại thành lời hát:”Ơi Huế của ta… coi chừng mất đồ …” Lúc đó tôi nghĩ mấy cha nhà báo bôi bác Huế thôi! Thế nhưng hai lần đến Huế chứng kiến mấy cảnh, mới hiểu “Ơi Huế của ta” là như thế nào.

Chuyện 1: Trên đường chúng tôi vào thăm thành nội, bỗng nghe tiếng chửi bới om sòm trong một quán nước ngay phía trước đường vào cổng thành. Nhìn vào thì thấy vợ chồng một cậu cùng đi trong tour  đang bị kẻ nắm tay, người nắm áo chửi bới to tiếng: “Đù mạ, không trả tiền tau đánh chệt mẹ. Đù mạ, ăn quịt hả, đù mạ …” Tôi vội vàng bước vào hỏi sự cớ thì được biết vợ chồng anh này vào uống nước nhưng khi trả tiền thì chủ quán lại đòi trả thêm gần chục suất ở bàn khác nữa vì cho rằng những người đó đi chung với họ. Vợ chồng anh cố giải thích là không biết những người đó, nhưng không ai nghe và cho rằng rõ ràng họ thấy vợ chông anh đi chung với họ. Tôi bèn giải thích với chủ quán là vợ chồng anh này thuộc đoàn chúng tôi và ngoài những người này (lúc đó đều đứng đó) thì không còn ai khác. Nhưng chủ quán hùng hổ: “Đù mạ, mi muốn binh đồng bọn hả?”. May thay ngay lúc đó anh con trai chủ quán đi đâu về nghe ra chuyện nên nói với mấy người nhà đang hùng hổ kia: “Đám kia trả rồi, bọn ni không phải”. Chỉ nói thế và cả bọn rút vào nhà, vẻ mặt lạnh tanh không một lời xin lỗi. Mẹ kiếp, giọng Huế, nét Huế lúc này sao mà ngoa ngoắt đến thế!

Chuyện 2: Chiều mát anh em rủ nhau rảo bộ dọc đường Lê Lợi, ngắm cảnh sông Hương, cầu Trường Tiền, thăm trường Quốc học, nhưng mấy bác xích lô cứ đạp lẽo đẽo theo dưới lòng đường, miệng nhai nhải mời: “Mấy mụ lên xe đi!”, bọn tôi lịch sự:”Cảm ơn, chúng tôi đi bộ ngắm cảnh”, nhưng vẫn không được buông tha, mấy bác cứ lẽo đẽo theo, miệng lải nhải liên tục. Mãi lúc sau thấy không ăn, bèn quay xe trở lui và buông ngay câu chửi: “Đụ mạ, đồ kiết xác …”

Chuyện 3: Mấy anh em bị các bác xích lô dụ vào một quán cà phê tên “Diễm xưa” bên bờ sông An Cựu, gọi cà phê nhưng chủ lại mang bia ra. Đang vui chuyện nên cũng uống, chủ quán lại ra gạ gẫm cho các em gái ngồi chung. Bọn tui từ chối vì đâu có nhiều tiền, thế nhưng các em vẫn ra. Tôi vốn nhát nên uống hết lon bia bèn bảo anh em rút sớm vì sợ những hệ lụy khó lường. Thế nhưng hệ lụy vẫn đến. Nhìn hoá đơn gần tám trăm ngàn cho tám người, mỗi người uống có một lon bia Sài Gòn và chỉ một đĩa trái cây. Hỏi ra thì thấy họ tính tiền trên trời và còn cộng thêm tiền đào. Bọn tui bảo có gọi đào đâu, nhưng nhìn thấy mấy thằng đầu trâu đứng khoanh tay trước cửa với vẻ mặt hằm hằm đành ngậm ngùi bảo nhau vét túi góp lại để trả. Bước ra ngoài, còn nghe mấy em giọng Huế nói theo: “Đù mạ, bọn mi còn cái quần về là may đọ!”. Mẹ kiếp, giọng Huế lúc này nghe mất dạy kinh khủng!

Trưa hôm sau xe ghé chợ Đông Ba cho khách mua sắm trước khi về, gặp anh bạn QD ở VT đi bên đoàn khác, ngồi uống nước kể chuyện mới biết bọn họ cũng bị luộc bởi một kịch bản y hệt. Tui bực mình bảo: “ Mẹ kiếp, mấy thằng đi khỏi Huế thì cố làm đẹp Huế bằng những mộng tưởng. Còn những thằng đang ở Huế thì lại bôi bẩn Huế”. Nói thế không biết có làm ai tự ái không? Nhưng tui thì kiên quyết không thèm đến Huế nữa! Hai lần là quá đủ.
Và bây giờ, mỗi lần nghĩ đến Huế, tôi lại muốn đọc câu thơ: “Giữ chút gì rất Huế đi em …”