Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Chuyện thầy Khoa

Một bài viết hay về tấn bi kịch của thầy Khoa, một biểu tượng “của một thời nông nỗi” về chống tiêu cực trong giáo dục của thầy Nhân
Nguồn: blog Trương Duy Nhất ngày 24.05.2010
Câu chuyện thầy giáo Đỗ Việt Khoa lại nóng trên báo chí. Thầy Khoa định nghỉ dạy. Báo chí như thể bị sốc. Như thể vụt mất một… tượng đài chống tiêu cực mà chính họ vừa dựng lên.
Cũng cảm thông cho báo chí. Bởi trong một xã hội toàn người câm thì việc dám nói của thầy Khoa quả là một của hiếm để tuyên truyền.
Nhưng báo chí đã thổi quá đà. Cứ mỗi ngày, mỗi sáng là hàng chục bài dựng chân dung thầy như một người hùng. Từ một... ông giáo làng, hình ảnh thầy Khoa ngày một vụt lớn như thể một tượng đài chống tiêu cực.
Cả nước biết thầy.
Rồi thầy thành “người đương thời”. Ngồi ghế “người đương thời”, thầy nói như vĩ nhân!
Thế nên, cái kết cục... mất dạy (giã từ nghề giáo) của thầy bây giờ là điều không quá bất ngờ (xin lỗi thầy Đỗ Việt Khoa, tôi dùng lối chơi chữ này không nhằm nhạo báng thầy, mà để nói tới một bi kịch đáng nhạo báng khác trong lối thổi anh hùng của báo chí và trong bản chất của một nền giáo dục vốn sẵn khá nhiều điều... mất dạy- giáo dục phản giáo dục!).
Đó là cái “tội” của báo chí. Bi kịch của thầy Khoa phần lớn do sự thổi dựng của báo chí. Hệ quả tất yếu của một kiểu lối dựng anh hùng trong thời buổi khan hiếm những tấm gương điển hình “người tốt việc tốt”.
Nếu bình tĩnh và chừng mực hơn, có thể báo chí và thầy Khoa sẽ góp phần kéo cái đích của việc “đấu tranh” đến gần hơn, chứ không phải vô tình lại đẩy nó... vời xa như bây giờ.
Về phần thầy Khoa. Tôi tôn trọng việc làm của thầy, đặc biệt là trong một môi trường mà hầu như tất thảy ai cũng chọn cách câm lặng. Nhưng tôi cũng ngộ như thầy Văn Như Cương: Hình như thầy Khoa… không bình thường?
Không dám nói nhiều. Nhưng tôi giật mình khi nghe những phát biểu của thầy trên báo, trên truyền hình. Càng hốt hoảng và... bật cười khi nghe tin thầy ứng cử Đại biểu Quốc hội.
Mặt khác, cứ có cảm giác thầy Khoa luôn nghĩ mình rất gần gũi thầy Nhân Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng). Hình như trước khi quyết định giã từ nghề giáo, thầy Khoa cũng đã chủ động bắn tin đến thầy Nhân Phó Thủ tướng và ông Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo ?
Ngay từ khi chuyện thầy Khoa mới nóng, tôi đã viết những dòng này:
Chuyện thầy giáo Khoa một mình ngáng gậy chống... trời làm om cả nước. Dư luận đồng tình, dân chúng ngợi khen. Nhưng không ít (nếu không muốn nói là quá nhiều) đồng nghiệp của thầy, những giáo viên đang đứng trên bục giảng lại cười khỉa thầy là "thằng điếc". Tôi nghe nhiều lắm. Và vì thế đến giờ, dẫu ủng hộ quyết định tự ứng cử Quốc hội của thầy, nhưng tôi không dám tin vào khả năng trúng cử. Và hồi đó, phải đợi lâu lắm, khi sự việc inh ỏm cả nước, khi tính mạng thầy và cả gia đình có nguy cơ bị đe dọa.... Lúc đó ông Bộ trưởng mới tiền hô hậu ủng đẫn đoàn quan chức có đủ nhà báo, truyền hình về thăm thầy để... quay phim chụp ảnh. Dường như sau chuyến thăm ấy, ông Bộ trưởng có vẻ được điểm, phiếu có vẻ... tăng. Có lẽ cũng chính vì thế mà cái phong trào "chống tiêu cực" trong giáo dục nhân chuyện thầy Khoa được thổi lên mấy tháng rồi lại... tắt lịm ! Nực cười đến độ lãnh đạo nhà trường nọ yêu cầu các thầy cô phải nộp bản báo cáo thành tích "chống bệnh thành tích và chống tiêu cực" đúng hạn, nếu không sẽ bị trừ điểm... thi đua! (Đọc thêm bài: Những chuyến viếng thăm).
Chuyện thầy Khoa, ngay từ lúc đầu đã được nhân điển hình để dồn phiếu cho một chuyện khác, một phong trào khác.
Báo chí không ngộ ra. Thầy Khoa không ngộ ra. Và cả một đội ngũ đông đảo những người ủng hộ thầy Khoa cũng đã không ngộ ra điều này.
Nhiều cái ngộ quá, cộng với công nghệ thổi dựng của báo chí khiến thầy Khoa như người hùng trên mây.
Đó là bi kịch từ chuyện ngộ ở chính thầy Khoa. Đánh trận… giáo dục, chỉ có lòng tốt, sự thật thà và dũng cảm chưa đủ. Phần trí phải cao mới mong thắng nổi.
Về phía nhà trường. Tất nhiên không ai gật đầu đồng ý trước kiểu lối thi cử và giáo dục hiện lộ trong những đoạn clip của thầy Khoa. Nhưng có ai, khi nào thử đặt mình đứng về phía những người thầy khác của trường Vân Tảo?
Nhiều người bảo: mình không làm gì sai thì không mắc gì phải sợ. Đúng. Nhưng có ai, có người thầy nào chịu nổi khi lúc nào, ngày nào cũng có người cặp kè cái máy ghi âm, theo dõi từng bước chân để phục thu tất tật những gì mình chuẩn bị nói? Một ngày hai ngày còn cố im chịu được. Nhưng mãi mãi quanh năm suốt tháng như thế thì… không nổi đóa lên mới là lạ!
Vì thế, tôi đồng với cách nghĩ của Phó Giáo sư Văn Như Cương khi lắc đầu không nhận thầy Khoa, cho dù trước đó ông đã hứa (Đọc thêm bài trên Tuần Vietnamnet:Phó Giáo sư lừng lẫy Văn Như Cương thất hứa với thầy Khoa?). Giả như tôi là hiệu trưởng như Phó Giáo sư Cương, tôi cũng lắc đầu nói không với thầy Khoa.
Bi kịch của thầy Khoa- âu cũng chính là bi kịch của nền giáo dục!

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Đừng tưởng

Đừng tưởng cứ núi là cao,
                  cứ sông là chảy,
                  cứ ao là tù !
Đừng tưởng cứ dưới là ngu,
                  cứ trên là sáng,
                  cứ tu là hiền !
Đừng tưởng không động là yên,
                  cứ nhiều là được,
                  cứ tiền là xong !
Đừng tưởng không nói là câm,
                  không nghe là điếc,
                  không trông là mù !
Trời thì mưa gió phập phù
Đời thì thật giả,
                  Bạn Thù trắng đen !

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

Câu chuyện giáo dục

Trên đường vân du, một hôm Khổng Tử hỏi Tử Cống, một trong 72 học trò hiền của mình:
- Theo con, thế nào là người nhân, thế nào là người trí?
Tử Cống suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Thưa thầy! Người nhân là người biết thương người, còn người trí là người biết hiểu người.
Khổng Tử khen hay rồi cho gọi Tăng Tử vào hỏi lại câu trên. Tăng Tử suy nghĩ một hồi rồi đáp:
- Thưa thầy! Người nhân là người biết thương mình, người trí là người tự biết mình.
Khổng Tử khen: “Giỏi lắm!”. Rồi ông lại tiếp tục gọi người học trò thứ ba là Tử Lộ vào và hỏi giống y như câu hỏi trước. Tử Lộ ngẫm nghĩ một lúc rôi thưa:
- Theo con, người nhân là người làm sao cho người khác thương được mình, còn người trí là người làm sao cho người khác hiểu được mình!
Khổng Tử rất đỗi ngạc nhiên, ngửa mặt khen rằng:
- Bất ngờ thay!
 (Theo Thuật xử thế người xưa của Ngô Nguyên Phi)

Câu chuyện giáo dục:

Cả ba người học trò hiền ưu tú Tử Cống, Tăng Tử và Tử Lộ đều cùng học với thầy Khổng Tử. Vậy mà khi thầy đưa ra đề tài Nhân và Trí thì ba người lại có ba câu trả lời khác biệt nhau. Tuy ba đáp án hoàn toàn khác nhau nhưng đều được thầy khen hay vì ba cách trả lời đó đã cho ra một đáp án đầy đủ và hoàn chỉnh nhất: người có Nhân, có Trí là biết thương người, thương ta; hiểu người, hiểu ta và biết làm cho người ta thương mình, hiểu mình. 


Câu chuyện nhỏ này quả là bài học thú vị về giáo dục. Khổng Phu tử sống cách ta mấy ngàn năm mà trong giáo dục vẫn không bắt học trò mình trả lời rập khuôn máy móc mà luôn khuyến khích tư duy sáng tạo và tôn trọng sự khác biệt (mà lẽ tất nhiên là đã khuyến khích sáng tạo thì phải tôn trọng sự khác biệt, bởi không tôn trọng sự khác biệt thì làm gì có sáng tạo). Ấy vậy mà nền giáo dục hiện đại của ta chả lẽ lại bắt học trò học vẹt với những đáp án duy nhất dựa theo Sách giáo khoa, sách giáo viên hoặc những bài mẫu, đáp án mẫu của thầy cô hay sao? Buồn thay!

Tắt đèn - Câu chuyện về Thiền



Một anh mù đến chơi nhà  bạn đến khuya mới về. Trước khi về, người bạn trao cho anh ta một cái đèn.
- Tôi thì cần chi đèn đóm anh ơi. Đối với tôi, ngày cũng như đêm, sáng cũng như tối mà thôi”. Người mù buồn bã trả lời.
- Tôi biết, anh chẳng cần đèn để soi đường đi, nhưng anh có đèn thì sẽ không bị người khác đâm vào. Thôi anh cứ cầm lấy mà đi đường.
Người mù cầm đèn và mạnh dạn bước đi trên đường. Nhưng chẳng bao lâu có kẻ đâm thẳng vào anh ta:
- Ô hay, đi đứng phải cẩn thận chứ, bộ anh không nhìn thấy ánh đèn của tôi mà tránh sao?
Người lạ mặt kia bèn trả lời:
- Ông bạn ơi, đèn của ông đã tắt từ lâu rồi …