Trên đường vân du, một hôm Khổng Tử hỏi Tử Cống, một trong 72 học trò hiền của mình:
- Theo con, thế nào là người nhân, thế nào là người trí?
Tử Cống suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Thưa thầy! Người nhân là người biết thương người, còn người trí là người biết hiểu người.
Khổng Tử khen hay rồi cho gọi Tăng Tử vào hỏi lại câu trên. Tăng Tử suy nghĩ một hồi rồi đáp:
- Thưa thầy! Người nhân là người biết thương mình, người trí là người tự biết mình.
Khổng Tử khen: “Giỏi lắm!”. Rồi ông lại tiếp tục gọi người học trò thứ ba là Tử Lộ vào và hỏi giống y như câu hỏi trước. Tử Lộ ngẫm nghĩ một lúc rôi thưa:
- Theo con, người nhân là người làm sao cho người khác thương được mình, còn người trí là người làm sao cho người khác hiểu được mình!
Khổng Tử rất đỗi ngạc nhiên, ngửa mặt khen rằng:
- Bất ngờ thay!
(Theo Thuật xử thế người xưa của Ngô Nguyên Phi)
Câu chuyện giáo dục:
Cả ba người học trò hiền ưu tú Tử Cống, Tăng Tử và Tử Lộ đều cùng học với thầy Khổng Tử. Vậy mà khi thầy đưa ra đề tài Nhân và Trí thì ba người lại có ba câu trả lời khác biệt nhau. Tuy ba đáp án hoàn toàn khác nhau nhưng đều được thầy khen hay vì ba cách trả lời đó đã cho ra một đáp án đầy đủ và hoàn chỉnh nhất: người có Nhân, có Trí là biết thương người, thương ta; hiểu người, hiểu ta và biết làm cho người ta thương mình, hiểu mình.
Câu chuyện nhỏ này quả là bài học thú vị về giáo dục. Khổng Phu tử sống cách ta mấy ngàn năm mà trong giáo dục vẫn không bắt học trò mình trả lời rập khuôn máy móc mà luôn khuyến khích tư duy sáng tạo và tôn trọng sự khác biệt (mà lẽ tất nhiên là đã khuyến khích sáng tạo thì phải tôn trọng sự khác biệt, bởi không tôn trọng sự khác biệt thì làm gì có sáng tạo). Ấy vậy mà nền giáo dục hiện đại của ta chả lẽ lại bắt học trò học vẹt với những đáp án duy nhất dựa theo Sách giáo khoa, sách giáo viên hoặc những bài mẫu, đáp án mẫu của thầy cô hay sao? Buồn thay!
Câu chuyện nhỏ này quả là bài học thú vị về giáo dục. Khổng Phu tử sống cách ta mấy ngàn năm mà trong giáo dục vẫn không bắt học trò mình trả lời rập khuôn máy móc mà luôn khuyến khích tư duy sáng tạo và tôn trọng sự khác biệt (mà lẽ tất nhiên là đã khuyến khích sáng tạo thì phải tôn trọng sự khác biệt, bởi không tôn trọng sự khác biệt thì làm gì có sáng tạo). Ấy vậy mà nền giáo dục hiện đại của ta chả lẽ lại bắt học trò học vẹt với những đáp án duy nhất dựa theo Sách giáo khoa, sách giáo viên hoặc những bài mẫu, đáp án mẫu của thầy cô hay sao? Buồn thay!