Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Lạ mà Quen

Tàu China marine surveillance 84 (Giám sát biển Trung Quốc)
 Sau rất nhiều lần cứ bị báo chí ta gọi là tàu lạ, bọn tàu khựa rất bực mình (vì bọn này rất thích vỗ ngực xưng danh mình là thằng ăn cướp, như kiểu hảo hớn Lương Sơn Bạc vậy), lần này chúng bèn hiện nguyên hình là tàu Giám sát biển Trung Quốc  (China marine surveillance) với hàng chữ to đùng trên thành tàu cho oai.

Nói là tàu giám sát biển nhưng thực chất là tàu chiến, và chúng ngang nhiên ép đuổi tàu của ta ra khỏi lãnh hải của chính ta, cắt đứt cáp thăm dò địa chấn của ta … Thế đấy, làm đếch gì nhau? Lần này thì chắc xì-pích-cơ  Phờ Phơ Ngơ lại lên tiếng phản đối và khẳng định “chủ quyền không tranh cãi” là cùng chứ gì? 

Ôi, thời oanh liệt với hùng khí Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Đống Đa... ngất trời dường như đã chìm vào rong rêu quên lãng? Tại sao người ta có thể nhớ rất lâu, rất kỹ, rất chi tiết về lịch sử đánh Pháp, Mỹ của dân tộc dù chỉ trên dưới trăm năm, song lại không dám nhớ đến một bề dày truyền thống quật cường của cha ông ta với hàng ngàn năm chống bọn Tàu khựa đầy lật lọng và xảo quyệt? Phải chăng cái mới thì dễ nhớ còn cái cũ thì đã quên? Hay chăng Pháp, Mỹ là đế quốc nên độc ác còn bọn Tàu láng giềng bốn tốt kia thì nhân từ? Đâu phải thế, còn nhớ cái vết thương mới nhất, đau nhất, bất ngờ nhất lại chính là cái sự kiện bọn bành trướng Bắc Kinh xua hàng vạn anh em tràn sang cướp, phá, chém, giết hết sức tàn-độc-ti-tiện ở các tỉnh biên giới phía Bắc hồi tháng 2/1979 cơ mà! Cái bản chất nướng dân đen, vùi con đỏ bao đời của chúng vẫn còn nguyên xi đấy, làm sao có thể thay đổi, vậy sao ta cứ phải nhịn nhục? Thật khó hiểu!

Chắc đây cũng là thứ cổ kim hận sự thiên nan vấn hay "Tàu thì lạ sự hèn hạ thì quen"?


Viết tiếp tối 30/5/2011: Hôm qua, Xì-pích-cơ Khương Du của Tàu khựa lại tuyên bố chủ quyền không tranh cãi và việc làm vừa qua đối với VN chỉ là thực thi luật pháp trên biển Đông. Bố láo đến thế là cùng. Bộ Ngoại giao ta tuyên bố hùng hồn rằng hải quân VN sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vể chủ quyền lãnh hải.
Tuy nhiên, tối 30/5/2010, chờ mãi mà chẳng thấy VTV nói gì về tình hình căng thẳng ở biển Đông trong chương trình thời sự? Thất vọng.


Viết tiếp tối 01/6/2011: Theo Tuoitre online: "Trưa 1-6, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên đã có báo cáo khẩn gửi Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và UBND tỉnh Phú Yên về việc bốn tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Phú Yên bị tàu Trung Quốc dùng súng bắn đuổi". Lần này thì báo ta dám khẳng định rõ ràng là Trung quốc rồi, không còn tàu lạ nữa. Tàu không lạ, sự hèn hạ rất quen!


Dân Hà Nội biểu tình chống Tàu khựa
Viết tiếp 05/6/2011: Tại Shangri-La, không biết đại tướng của ta gặp bọn tàu khựa nói gì mà báo chí chúng nó bảo rằng "cuối cùng thì VN cũng đã tỏ ra biết điều"(?) Tại sao chúng lại khen ta biết điều? Người ta bảo nếu kẻ thù ghét ta, chửi ta, căm giận ta thì còn được, còn nếu nó khen ta (mà lại khen biết điều) thì là hỏng bét! 




SV Sài Gòn dễ thương ghê!
Sáng nay, ở HN và TpHCM đều diễn ra biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc với hàng ngàn người hô vang các khẩu hiệu "Đả đảo TQ xâm lược" và hát vang bài ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" (xem youtube thì biết ngay). Cái hay là lần này công an, cảnh sát chỉ đứng giữ trật tự chứ không đàn áp hoặc bắt bớ người biểu tình. Một bước tiến mới của chính quyền để gần hơn với lòng dân? Có lẽ người ta thấy đã đến lúc cần phải để người dân biểu thị lòng yêu nước của họ một cách công khai, mạnh mẽ như Bác Hồ đã từng nói: "mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".


Hơn 500 năm trước, Nguyễn Trãi cũng đã từng thấy được sức mạnh vô song của lòng dân: "Phúc chu thuỷ, tín dân do thuỷ"

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Những trở ngại đích thực cho công cuộc phát triển tại Châu Mỹ La-tinh

Oscar Arias (Cựu Tổng thống Costa Rica, người nhận giải Nobel hòa bình năm 1987)
Bài đăng trên Foreign Affairs, số tháng Giêng/tháng Hai 2011

Cựu Tổng thống Costa Rica Oscar Arias, Nobel hòa bình 1987
Gần hai thế kỷ sau khi các nước Châu Mỹ La-tinh giành được độc lập từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, không một nước nào trong khu vực này là thực sự phát triển. Vậy các nước đó đã trật đường ở chỗ nào? Tại sao nhiều quốc gia trong các vùng khác, dù một thời đã tụt hậu khá xa, lại có thể đạt nhiều thành quả tương đối nhanh chóng, những thành quả mà các nước Châu Mỹ La-tinh đã mong ước quá lâu?
Nhiều người trong vùng này đã trả lời những câu hỏi ấy bằng các lý thuyết về âm mưu [đế quốc] hoặc chỉ đưa ra những lý cớ để than thân trách phận. Họ đổ lỗi cho đế quốc Tây Ban Nha đã vơ vét tài nguyên của vùng này trong quá khứ, hoặc đế quốc Mỹ mà họ cho là vẫn tiếp tục làm cạn kiệt sinh lực của đất nước họ cho đến ngày nay. Họ cho rằng các định chế tài chính quốc tế đã âm mưu kềm hãm vùng này, rằng tiến trình toàn cầu hóa được thiết kế để cố tình giữ Châu Mỹ La-tinh trong vòng tăm tối. Nói tóm lại, họ qui trách nhiệm về tình trạng chậm tiến của họ cho bất cứ quốc gia nào nhưng không phải cho chính bản thân Châu Mỹ La-tinh.
Sự thật là, một thời gian quá lâu dài đã trôi qua kể từ ngày độc lập khiến người dân Châu Mỹ La-tinh đã mất đi cái quyền dùng kẻ khác làm lý cớ cho sự thất bại của chính mình. Đúng là có nhiều thế lực bên ngoài đã ảnh hưởng đến vận mạng của vùng này. Nhưng điều này cũng đúng cho mọi khu vực trên thế giới. Những nước Châu Mỹ La-tinh không phải là những quốc gia duy nhất đã kinh qua một cuộc chiến đấu gian khổ trong lịch sử. Các quốc gia Châu Mỹ La-tinh đã bắt đầu cuộc chạy đua với những điều kiện bình đẳng, hoặc thậm chí thuận lợi hơn, những nước đã thành công ở những nơi khác. Nhưng họ — tức chúng ta — lại là những kẻ bị tụt hậu.
Khi Đại học Harvard [Mỹ] mở cửa năm 1636, thì tại Argentina, Bolivia, Chile, Columbia, Dominican Republic, Ecuador, Mexico, và Peru đã có những đại học uy tín. Vào năm 1820, GDP của toàn bộ Châu Mỹ La-tinh lớn hơn GDP của Hoa Kỳ 12,5%. Ngày nay, với một dân số khoảng 560 triệu người – đông hơn dân số Hoa Kỳ chừng 250 triệu – vùng này chỉ có một GDP bằng 29% GDP của người láng giềng phương bắc. Châu Mỹ La-tinh giành được độc lập trước những quốc gia như Nam Hàn và Singapore đến 150 năm; ngày nay bất chấp cả quá khứ làm thuộc địa bị khai thác bóc lột và thiếu những tài nguyên thiên nhiên quan trọng, lợi tức đầu người của những quốc gia này lớn hơn lợi tức đầu người của Châu Mỹ La-tinh dăm, bảy lần.
Một hậu quả của việc các nước Châu Mỹ La-tinh ngần ngại nhìn trực diện vào những so sánh này là sự không ăn khớp giữa lý thuyết và thực hành. Chán ghét những khẩu hiệu rỗng tuyếch và những hứa hẹn vô nghĩa, người dân trong vùng đã mất hết ảo tưởng về sinh hoạt chính trị nói chung. Tuy nhiên, nhìn nhận tránh nhiệm của mình trước thực trạng chậm tiến cũng có thể là phải viết lại lịch sử từ đầu. Chìa khóa của vấn đề là phải nhìn nhận rằng bốn đặc tính văn hóa toàn vùng sau đây là trở ngại cần phải khắc phục để tiến tới phát triển thành công: não trạng chống thay đổi, thiếu tin tưởng lẫn nhau, các mô hình dân chủ yếu kém, và khuynh hướng ưa chuộng chủ nghĩa quân phiệt.
NHÌN LẠI DĨ VÃNG
Người Châu Mỹ La tinh tôn sùng dĩ vãng một cách không ngưng nghỉ đến độ họ có thể làm cho các chủ trương đổi mới gần như bất khả thi. Thay vì theo đuổi một văn hóa cải thiện xã hội, họ luôn luôn cổ vũ một thứ văn hóa gìn giữ nguyên trạng (the status quo). Một sự đổi mới liên tục và kiên trì — loại đổi mới phù hợp với ổn định dân chủ — sẽ không làm thỏa mãn được con người ở đây; vùng này chấp nhận những gì đã có sẵn, mặc dù thỉnh thoảng cũng mơ tưởng những cuộc cách mạng sôi nổi, những cuộc cách mạng hứa hẹn mang lại cảnh dân giàu nước mạnh chỉ sau một cuộc nổi dậy mà thôi.
Một thái độ hoài cổ như vậy có thể là dễ thông cảm hơn đối với Canada hay Norway, những nước đã đạt được những trình độ phát triển con người đáng thèm muốn. Nhưng Guatemala hay Nicaragua đã đạt được thành tích nào đáng trân quí như thế trong dĩ vãng? Trong những trường hợp như thế này, chắc chắn khuynh hướng bảo thủ không chỉ phát xuất từ một ý muốn duy trì nguyên trạng nhưng, thậm chí đúng hơn, từ một ước muốn bảo vệ những đặc quyền cố hữu và từ một nỗi sợ hãi mông lung về những điều chưa biết. Người dân Châu Mỹ La-tinh thậm chí còn bám víu lấy cả sự đau thương, thà sống với một hiện tại chắc nịch hơn là theo đuổi một tương lai bấp bênh. Điều này có phần chỉ là tự nhiên, hoàn toàn là bản tính con người. Nhưng đối với chúng tôi, sự sợ hãi có thể làm tê liệt thần trí; nó tạo ra không những bồn chồn lo lắng mà còn làm tê liệt.
Tồi tệ hơn nữa, các nhà lãnh đạo chính trị của vùng này ít khi có đủ kiên trì hay khôn khéo để cẩn thận hướng dẫn người dân của mình đi qua những tiến trình cải tổ. Trong một chế độ dân chủ, nhà lãnh đạo phải là giáo viên chủ nhiệm [GV chủ đạo, hướng dẫn thì đúng hơn] (the head teacher), một người sốt sắng trả lời những hoài nghi, thắc mắc và giải thích sự cần thiết và lợi ích của một đường lối mới. Nhưng cứ lẽ thường tại Châu Mỹ La-tinh, các nhà lãnh đạo chỉ việc tự biện minh bằng một câu đơn giản “bởi vì tôi nói vậy”.
Điều này phù hợp sít sao với tham vọng bảo vệ những đặc quyền cố hữu — một hiện tượng rõ nét không những trong giới giàu sang và quyền lực mà còn đều khắp xã hội. Các công đoàn nhà giáo tự ý định đoạt giáo viên phải dạy bao nhiêu giờ một tuần và phải dạy những gì. Một sự kiện tương tự cũng diễn ra với các chủ công ty và các nhà thầu trong khu vực tư, một khu vực qua hằng chục năm nay vẫn chỉ cung cấp các dịch vụ kém phẩm chất vì họ không sợ bị cạnh tranh, nhờ vào việc “ngồi chỗ mát ăn bát vàng” và các thương vụ phi pháp. Và công nhân viên nhà nước cũng ù lì không kém: các cơ quan hành chánh dân sự trả lương cho công chức để họ chỉ biết tới ngồi bàn giấy và nói không với dân.
Thái độ này có nhiều hậu quả xấu, nhất là đối với doanh nghiệp. Tại Châu Mỹ La-tinh, số nhân viên kiểm soát doanh nghiệp thường đông đảo hơn số doanh nhân khá xa. Toàn khu vực thường tỏ ra hoài nghi đối với các sáng kiến và thiếu những cơ chế hữu hiệu để hỗ trợ các dự án canh tân. Người nào muốn mở một doanh nghiệp cũng phải lội qua nhiều ghềnh thác của bộ máy quan liêu và phải đáp ứng nhiều điều kiện độc đoán vô lý. Doanh nhân gần như không nhận được sự ca ngợi hoặc khích lệ văn hóa, ít khi được luật pháp che chở, và hiếm khi được giới khoa bảng yểm trợ.
Trong khi đó, các đại học trong khu vực không đào tạo được các loại chuyên gia mà công cuộc phát triển đòi hỏi. Tính trung bình, Châu Mỹ La-tinh đào tạo sáu chuyên viên khoa học xã hội cho mỗi hai kỹ sư và mỗi một chuyên viên trong các ngành khoa học chính xác. Một chuyến viếng thăm một khu đại học tại Châu Mỹ La Tinh sẽ cho ta cái cảm giác đang trở về quá khứ, trở về một thời đại trong đó Bức tường Bá Linh chưa sụp đổ và Liên bang Nga cũng như Trung Quốc chưa theo chủ nghĩa tư bản. Thay vì trang bị cho sinh viên những công cụ thực tiển – như các kỹ năng công nghệ và sinh ngữ — để giúp họ thành công trong một thế giới toàn cầu hóa, nhiều đại học chỉ chuyên dạy các tác giả không còn ai muốn đọc và lặp lại các học thuyết không còn ai muốn tin.
Muốn thực hiện công cuộc phát triển, tình trạng này phải thay đổi. Các nước Châu Mỹ La-tinh phải bắt đầu tưởng thưởng những con người có óc cải tiến và sáng tạo. Các đại học phải cải tổ các chương trình học của sinh viên và chịu đầu tư vào khoa học và công nghệ, phải giảm bớt các điều lệ cồng kềnh, thu hút đầu tư và khuyến khích việc chuyển giao tri thức. Nói cách khác, các đại học phải hiểu rằng chủ nghĩa thực tiển (pragmatism) là ý thức hệ phổ biến hiện đại — rằng, như Đặng Tiểu Bình có lần đã nói, vấn đề mèo đen hay mèo trắng là không quan trọng, miễn là chúng bắt được chuột.
XÂY DỰNG NIỀM TIN
Trở ngại thứ hai là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Không một dự án phát triển nào có thể thành công ở một nơi đầy dẫy ngờ vực, một nơi mà thành công của người khác được nhìn bằng con mắt nghi ngại, còn óc sáng tạo và động lực làm việc thì bị xã hội cảnh giác đề phòng. Người Châu Mỹ La-tinh được xếp vào các dân tộc đa nghi nhất thế giới. Cơ quan Thăm dò Các giá trị Thế giới (the World Values Survey) đặt ra câu hỏi: “Bạn có tin hầu hết mọi người không?” Vào năm 2000, có đến 55-65% số người được thăm dò tại 4 nước Bắc Âu – Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển – nói có; chỉ 16% số người được thăm dò tại Châu Mỹ La-tinh nói có, và chỉ 3% tại Brazil nói có mà thôi.
Người Châu Mỹ La-tinh hoài nghi lòng thành thật của hết thảy mọi người mà chúng ta gặp trên đường đi, từ chính khách đến bạn bè. Chúng ta tin rằng mỗi một người đều nuôi một ý đồ thầm kín và rằng ta không nên quá dấn thân vào các nỗ lực tập thể. Chúng ta bị giam hãm trong tình trạng “tiến, thoái lưỡng nan” của một tù nhân vĩ đại, trong đó mỗi người tìm cách đóng góp ít chừng nào hay chừng ấy cho lợi ích chung.
Nhưng trong một thế giới toàn cầu hóa, sự tin tưởng lẫn nhau là điều không thể thiếu. Những quốc gia sẵn sàng tin tưởng nhất là những quốc gia sẵn sàng phát triển nhất, bởi vì công dân nước đó có thể hành động dễ dàng, dựa vào một dự kiến hợp lý về cách người khác sẽ ứng xử thế nào. Bất an pháp lý là một vấn đề đặc biệt của vùng này. Sự việc diễn ra ở một tần số báo động là, người dân Châu Mỹ La-tinh không làm sao biết được hậu quả pháp lý của các việc mình làm là gì, hoặc nhà nước sẽ phản ứng ra sao đối với các dự án của họ. Trong một số quốc gia thuộc vùng này, các cơ sở kinh doanh có thể bị sung công mà không cần giải thích, giấy phép kinh doanh bị hủy bỏ dưới sức ép chính trị, nhiều bản án được đưa ra bất chấp cả pháp luật, và tình trạng pháp lý thay đổi xoành xoạch thường cản trở việc thành tựu các mục tiêu dài hạn. Như cựu Tổng thống Ecuador, Ông Osvaldo Hurtado, ghi nhận trong cuốn Lợi ích của Mỹ (The American Interest) xuất bản gần đây:
Người dân Châu Mỹ La-tinh không tin tưởng các cơ chế và tác nhân pháp lý…dù đó là toà án chính phủ hay luật sư tư nhân. Thật vậy, thói quen coi thường pháp luật có gốc rễ sâu xa qua nhiều thế kỷ đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên lục địa này hơn cả vô số luật lệ đã ban hành qua hằng trăm năm nay để điều hành các quan hệ kinh tế, xã hội và chính trị. Trong 175 năm qua, các quốc hội Châu Mỹ La-tinh có lẽ đã làm ra nhiều luật hơn các quốc hội của vùng nào trên hành tinh này, nhưng chưa  bao giờ có quá nhiều luật lệ bị quá nhiều người coi thường quá lâu dài như thế.
Người ta nói rằng an ninh pháp lý (legal security) là phương tiện bảo vệ niềm tin. Để cho việc phát triển kinh tế thành công, người dân Châu Mỹ La-tinh phải tin được nhà nước của mình hành động hợp lý và có thể đoán trước được. Họ phải dự kiến được các hậu quả pháp lý sẽ dành cho các hành vi của mình. Và họ phải tin tưởng được rằng những người khác cũng sẽ hành động phù hợp với qui luật của cuộc chơi.
QUYẾT TÂM THEO ĐUỔI DÂN CHỦ
Trở ngại thứ ba chặn đứng công cuộc phát triển là sự yếu kém trong quyết tâm theo đuổi dân chủ tại Châu Mỹ La-tinh. Hẳn rằng, với Cuba là ngoại lệ duy nhất, ở một mức độ nào đó toàn vùng có thể được coi là hoàn toàn đi theo thể chế dân chủ. Sau nhiều thế kỷ trải qua nội chiến, đảo chính, và các chế độ độc tài, thể chế dân chủ tại đây đã thực sự có những bước tiến ngoạn mục trong mấy thập kỷ qua. Nhưng sự thật là, chiến thắng của dân chủ vẫn chưa mỹ mãn. Bất chấp những bản hiếp pháp được soạn thảo công phu, những tuyên bố long trọng, và những hiệp ước cao thượng, Châu Mỹ La-tinh vẫn dễ dàng ngã theo chế độ độc tài.
Fidel và Raúl Castro tại Cuba hành xử như những thủ lĩnh độc tài (caudillos) truyền thống của Châu Mỹ La-tinh – nhưng Hugo Chávez tại Venezuela và Daniel Ortega tại Nicaragua cũng hành xử tương tự mà thôi, bằng cách sử dụng các tiến trình và cấu trúc dân chủ để phá hoại chính hệ thống dân chủ của nước họ. Một khi đã đắc cử, các nhà độc tài này bèn giải thích sự ủy thác của nhân dân như là một thứ toàn quyền hành động (carte blanche) để làm bất cứ điều gì họ muốn, kể cả đàn áp đối lập, kềm kẹp giới truyền thông, và cố tình bóp méo chế độ chính trị để duy trì quyền lực bằng mọi giá. Trong khi đó, quá nhiều công dân trong nước bằng lòng để cho các nhà lãnh đạo này tiếp tục cai trị, vì có lẽ nhận thấy chủ nghĩa cứu thế (messianism) và chính sách mị dân của các nhà độc tài như là một lối thoát để đất nước ra khỏi cái mê cung của tình trạng chậm tiến (labyrinth of underdevelopment) đang chi phối toàn vùng.
Nếu các chế độ dân chủ Châu Mỹ La-tinh không thực hiện được những mục tiêu chính trị và kinh tế đã hứa hẹn, nếu những hi vọng của người dân vẫn chỉ là một ước mơ bị trì hoãn, thì chế độ độc tài sẽ ngóc đầu trở lại. Phương thức để ngăn ngừa điều đó là phải chứng tỏ cho dân chúng thấy rằng chế độ dân chủ mang lại hiệu quả tốt đẹp, rằng chế độ này thực sự có thể kiến tạo những xã hội công bình và thịnh vượng hơn. Vươn ra khỏi tình trạng xơ cứng chính trị, biết đáp ứng những đòi hỏi của người dân, và tạo nguồn lực ngân sách bằng cách đánh thuế người giàu là tất cả những biện pháp thiết yếu cần phải thi hành trên bước đường tiến tới một văn hóa đích thực tự do và tiến bộ.
MỘT VĂN HÓA HÒA BÌNH
Gia tăng lợi tức công (public income) là cần thiết, nhưng chưa đủ. Ngân quĩ quốc gia cần phải được chi tiêu một cách khôn ngoan, để hỗ trợ cho việc phát triển con người. Các nước Châu Mỹ La-tinh đã chi tiêu quá nhiều tiền trong quá khứ, đùn lên những núi nợ khổng lồ, nhưng họ thường phung phí nguồn lực vào những ưu tiên không chính đáng. Họ đã tiêu pha hào phóng cho quân đội những số tiền mà lẽ ra họ phải chi tiêu rộng rãi cho tương lai của con cháu họ.
Ngoài Colombia ra, không một nước nào tại Châu Mỹ La-tinh hiện đối đầu một cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra hay sắp xảy ra. Nhưng mỗi năm, toàn khu vực chi tiêu đến 60 tỉ đôla về vũ khí và cho quân lính — gấp đôi ngân sách quốc phòng chỉ 5 năm trước đây. Vì sao? Ai sẽ tấn công ai? Kẻ thù của nhân dân trong vùng này là nghèo đói, dốt nát, bất bình đẳng, bệnh tật, tội ác, và nạn xuống cấp môi trường. Chúng là những kẻ nội thù, và chúng ta chỉ có thể đánh bại chúng bằng một chính sách công khôn khéo (smart public policy), chứ không bằng một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Rosta Rica là nước đầu tiên trong lịch sử đã bãi bỏ quân đội và tuyên bố hòa bình với thế giới. Con em nước này không hề biết đến quân dịch là gì. Chúng chưa bao giờ thấy một chiếc phi cơ trực thăng có vũ trang hay dấu vết của một chiếc xe tăng. Và kể từ khi bãi bỏ quân lực cách đây 62 năm, Costa Rica chưa bao giờ kinh qua một cuộc đảo chính. Tôi thiển nghĩ toàn bộ Châu Mỹ La-tinh có thể theo bước chân của Costa Rica, nhưng tôi biết rằng thế giới không tưởng này (this utopia) sẽ không thể trở thành hiện thực trong đời tôi. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng một sự giảm dần ngân sách quốc phòng có trách nhiệm không những là khả thi mà còn khẩn thiết. Chúng ta phải làm điều này vì biết ơn những nạn nhân của các chế độ độc tài, những nạn nhân đã viết lên những trang sử bi thảm nhất của Châu Mỹ La-tinh trong thế kỷ 20 bằng chính máu của mình. Chúng ta phải làm điều này vì mang ơn những kẻ còn sống sót sau những đợt đàn áp và tra tấn. Chúng ta làm điều này vì những kẻ đã cảm thấy nỗi lo sợ cùng cực trổi lên trong lòng mình khi phải đối diện với một người lính.
Từ bỏ loại văn hóa võ biền này cũng là thiết yếu bởi vì việc gia tăng sự hiện quân đội trong thị xã và thành phố của chúng ta sẽ khuyến khích một thái độ hiếu chiến không có lợi cho phát triển kinh tế. Nó ngụ ý rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết tốt đẹp nhất bằng cách chống lại một kẻ thù, chứ không phải bằng đường lối xây dựng tình đoàn kết với bạn bè và láng giềng. Nó dạy rằng sự chinh phục sẽ được thực hiện bằng vũ khí, hò hét, và đe nẹt, chứ không bằng ngôn từ, bằng sự tôn trọng, và bao dung. Chủ nghĩa quân phiệt trong văn hóa của vùng này là một lực thoái hóa và hũy hoại, cần được thay thế bằng một văn hóa hoà bình.
Người Châu Mỹ La-tinh phải nhìn vào trong gương và đối diện với thực tế là nhiều vấn đề của chúng ta không nằm trên những vì sao bổn mạng mà nằm ngay giữa chúng ta. Chúng ta phải dứt khoát chấm dứt nỗi sợ hãi về đổi mới. Chúng ta phải trân trọng óc kinh doanh. Chúng ta phải tập tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta phải tăng cường quyết tâm theo đuổi dân chủ và pháp trị. Và chúng ta phải từ bỏ những đường lối quân phiệt, những đường lối vẫn còn tiếp tục xát muối vào những vết thương quá khứ. Chỉ có như vậy Châu Mỹ La-tinh mới nhiên hậu đạt được mức phát triển mà chúng ta cố tìm kiếm từ lâu.
Trần Ngọc Cư dịch

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Một bầy sâu là chết...

Ảnh này ông Sang tươi và ít ngầu hơn, có lẽ
đây sẽ là tấm ảnh đẹp nhất của ông
Tiếp xúc với cử tri quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, với tư cách ứng viên đại biểu quốc hội, sáng 7/5/2011, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cho rằng những năm qua quốc hội đã làm được một số việc, nhưng so với mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng thì vẫn chưa thành công. Ông Sang nói:
"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này". (Theo VieNamnet)
Một nhận định thẳng thắn, chính xác và đầy bất ngờ.
Thêm một người biết “xấu hổ” và thấy được sự nguy hại của “bầy sâu” thì chắc sẽ bớt khổ cho dân, cho nước.
Nhưng biết, thấy chưa đủ. Mà phải ra tay diệt sâu và cả trứng sâu nữa, thưa ông Sang!

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

"Con cóc" là một bài thơ hay?

Nguyễn Hưng Quốc blog


Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
Yêu thơ, thuộc khá nhiều thơ, tôi có thói quen hay đọc thơ, khe khẽ, một mình, nhất là vào những buổi chiều, đi làm về, nhìn nắng ngẩn ngơ vàng, lòng bỗng dưng, nói như Xuân Diệu, hiu hiu khẽ buồn. Những lúc ấy, dù không mong, thơ vẫn hiện về, thầm thì, như một lời đồng điệu. Thường là thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử và nhiều nhà thơ khác, trước năm 1945; những bài thơ ngọt ngào vô hạn, đọc lên, ngỡ có hương thơm thoang thoảng quanh mình và ngỡ lòng mình, giống như Hồ Dzếnh ngày nào, hoá thành rừng, thành mây, đầy một niềm chiều.
Thế nhưng, lạ, dễ đã mấy năm rồi, không hiểu tại sao, càng ngày tôi càng mất dần cái thói quen thơ mộng ấy. Tôi vẫn đọc thơ nhưng hầu như bài thơ nào đang đọc dở dang cũng đều bị cắt ngang bởi một bài thơ rất vô duyên: thơ “Con cóc”. Từ đâu đó, tận trong tiềm thức, bài thơ “Con cóc” nhảy chồm ra, giành giật, chen lấn, xô đẩy, cuối cùng, thật oái oăm, bao giờ nó cũng thắng thế.
Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao...
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra...
Cứ thế. Có thể nói, suốt mấy năm nay, cơ hồ tôi không đọc trọn vẹn một bài thơ nào ngoài bài thơ “Con cóc”. Bận bịu quá, quên đi thì thôi, còn hễ nhớ đến thơ thì bao giờ cũng thế, bài thơ “Con cóc” lại hiện ra, sừng sững, án ngữ hết mọi nẻo đường, không cho bài thơ nào khác có được cái quyền được ngâm nga nữa. Quái.
Mà quái thật. Đâu phải tôi không biết đó là một bài thơ dở, cực kỳ dở, hơn nữa, với người Việt Nam, còn là điển hình của cái dở nói chung. Mỗi lần bắt gặp bài thơ nào kém cỏi, chỉ có vần điệu ê a mà tình ý hoặc rỗng tuếch hoặc nhạt nhẽo, người Việt chúng ta - trong đó có tôi, dĩ nhiên - thường có thói quen phán: “Thơ con cóc!” “Thơ Con cóc”, do đó, được coi là lời chê bai nặng nề nhất, một sự phủ định hoàn toàn. Tôi biết. Biết vậy mà vẫn bị nó ám ảnh mãi. Xua, nó không đi. Nó cứ phục kích đâu đó, trong một ngóc ngách nào của tâm hồn, chực có cơ hội, những lúc tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn, lại hiện ra, thoạt đầu, như một sự nghịch ngợm, sau, dần dần, thật lạ lùng, cứ như một lời đồng điệu.
Vâng, như một lời đồng điệu. Tôi mơ hồ cảm thấy bài thơ “Con cóc” đã nói hộ giùm tôi bao nhiêu niềm u uẩn, cứ day dứt trong lòng. Những nỗi niềm ấy nhoi nhói đòi phát ngôn, đòi tìm tri âm mới sau khi đã giã từ những người bạn cũ, rất mực hiền lành, chỉ quen một điệu ví dầu cầu ván đóng đinh... hayôi nắng vàng sao mà nhớ nhung...
Từ sự cảm nhận mơ hồ này, dần dần, tôi khám phá ra một điều, là, trái hẳn những định kiến quen thuộc của chúng ta lâu nay, bài thơ “Con cóc” không chừng là một bài thơ hay. Mà đâu chỉ có một mình tôi nhận ra điều đó. Dường như, tự thâm tâm và một cách thiếu tự giác, rất nhiều, nếu không nói là hầu hết người Việt Nam đều công nhận như thế. Có hai chứng cứ:
Một là, mọi người đều ghi khắc mãi bài thơ ấy vào trí nhớ.
Hai là, mọi người đều coi nó là điển hình của cái dở nói chung.
Trong số những bài thơ khuyết danh tại Việt Nam, dễ không có bài thơ nào được nhiều người nhớ như bài thơ “Con cóc”. Ngay cả những người hoàn toàn hờ hững với thơ ca cũng thuộc lòng bài thơ ấy. Trong ngôn ngữ của chúng ta, chữ thơ “Con cóc” được dùng để chỉ sự nôm na, cọc cạch cũng như chữ Hoạn Thư chỉ sự ghen tuông, chữ Thúc Sinh chỉ sự sợ vợ, chữ Tào Tháo chỉ sự gian hùng.
Hai sự kiện này hoàn toàn mâu thuẫn với những lời lẽ bỉ thử chúng ta dành cho bài thơ “Con cóc” vì lý do giản dị: một tác phẩm văn học đã trở thành điển hình và được mọi người, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thời đại này qua thời đại khác, ghi nhớ thì không thể nào dở được. Trong khi cái dở, nói như Hoài Thanh, “không tiêu biểu gì hết” (1), điển hình, một thuật ngữ quen thuộc trong trào lưu Tân cổ điển, được Engels và sau đó, giới nghiên cứu văn học Mác-xít mượn lại, là cái gì có tính khái quát cao, thể hiện bản chất sự vật, là đại diện cho số đông và do đó, chỉ có thể là kết quả của tài hoa và trí tuệ. Hạng người đểu giả và đồi bại trong tình yêu bao giờ cũng nhan nhản trong cả cuộc đời lẫn văn chương ở mọi thời nhưng phải đợi đến ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du, trong vài câu, với vài nét chấm phá, mới thành một điển hình: Sở Khanh. Hạng người hợm mình và láu cá hẳn không hiếm trong xã hội Việt Nam, đặc biệt trong những buổi giao thời, được nhiều nhà văn quan tâm phản ánh, nhưng phải đợi đến ngòi bút sắc sảo của Vũ Trọng Phụng nó mới thành một điển hình: Xuân tóc đỏ. Khuôn mặt “hao hao như mặt lợn”, trên đó gắn cái mũi “vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành”, một đôi môi như “miếng thịt trâu xám ngoách” phải nhờ Nam Cao mới trở thành một điển hình cho cái xấu nói chung, cái Xấu viết hoa: Thị Nở.
Về phương diện giá trị điển hình, hình tượng con cóc không hề thua kém hình tượng Sở Khanh, Xuân tóc đỏ hay Thị Nở. Về phương diện sức sống, nó cũng đã vượt qua bao nhiêu thử thách, từ đời này qua đời khác, cứ tồn tại hoài. Không ngoa chút nào nếu gọi thơ “Con cóc” theo cách nói quen thuộc đã thành sáo ngữ của chúng ta là bài thơ “vượt thời gian”. Nhà văn Nhất Linh, trong quyển Viết và đọc tiểu thuyết, đã coi tính chất “vượt thời gian” là cơ sở chắc chắn nhất để xác định một tác phẩm lớn. Nhà thơ Xuân Diệu có cách ví von khá thú vị:
Chiếc thuyền thơ thả trong biển thời gian, lúc đầu mới hạ thuỷ còn chao lên chao xuống, gió bão từng kỳ làm chòng đi chành lại, cứ cho thăng trầm mỗi đợt là mất hai mươi năm đi, thì trải qua năm đợt hai mươi năm, mà vẫn cứ giong lèo giương buồm phơi phới, như vậy có thể nói được rằng: từ đây vào bất hủ được rồi. (2)
Bài thơ “Con cóc” ra đời đã lâu, lâu lắm, được Trương Vĩnh Ký sưu tập, in trong quyển Chuyện đời xưa xuất bản lần đầu tiên năm 1866, cho đến bây giờ, vượt xa thời hạn Xuân Diệu đã nêu, vẫn còn âm vang trong lòng mọi người, còn gì mà ngờ nữa?
Tôi đoán, sẽ có người biện bạch, cho hiện tượng “vượt thời gian” của bài thơ “Con cóc” xuất phát từ những nguyên nhân khác, không phải là giá trị nghệ thuật của nó, chẳng hạn, vì nó ngắn nên dễ nhớ, vì nó dở đến cực độ của cái dở hoặc vì nó gắn liền với một câu chuyện tiếu lâm nổi tiếng (3). Theo tôi, những luận cứ này đều không vững. Đồng ý ngắn thì dễ nhớ nhưng không phải cứ hễ ngắn là được người ta nhớ. Có khối bài thơ ngắn hơn hoặc bằng bài thơ “Con cóc”. Thơ 14 chữ của Thi Vũ hoặc thơ mini của Trần Dần, chẳng hạn. Còn cái dở thì hiếm gì, đầy dẫy, có bài nào được nhớ đâu? Trong ngôn ngữ xưa nay, chúng ta thường nói: làm thơ hay như Đỗ Phủ, phóng túng như Lý Bạch, giản dị như Bạch Cư Dị, đẽo gọt kỳ khu như Giả Đảo, nhưng không hề có cách nói nào đại loại như làm thơ dở như ông A bà B. Tuyệt đối không. Đã dở thì bị diệt vong, bị tiêu tán tức khắc, không còn lại gì cả, kể cả một cái tên, đừng nói gì là nguyên vẹn một tác phẩm. Bài thơ “Con cóc” được tồn tại cũng không phải nhờ câu chuyện tiếu lâm gắn liền với nó nếu không muốn nói, ngược lại, câu chuyện tiếu lâm ấy sở dĩ còn được lưu truyền là nhờ bài thơ “Con cóc”. Có ba lý do để khẳng định điều này: một là, nếu bỏ bài thơ đi, câu chuyện sẽ trở thành hoàn toàn nhảm nhí và vô nghĩa; hai là, đã nhiều người dùng lại câu chuyện ấy, chỉ thay đổi những lời thơ xướng hoạ, có những lời thơ tục, vui và ngộ nghĩnh hơn bài thơ “Con cóc” nhiều (4), song tất cả đều rơi hút vào quên lãng; ba là, rất nhiều người chỉ nhớ bài thơ “Con cóc” nhưng lại không nhớ được câu chuyện tiếu lâm kia, nghĩa là, nói cách khác, với họ, bài thơ “Con cóc” được ghi nhận như một tác phẩm độc lập.
Như vậy, có thể nói, qua việc nhớ bài thơ “Con cóc”, việc coi thơ “Con cóc” như là một điển hình của cái dở, từ trong vô thức, chúng ta đã thừa nhận giá trị của nó, đã linh cảm được đó là một bài thơ hay. Song có lẽ vì cái hay của nó quá lạ, khác hẳn những cái hay chúng ta quen thưởng thức, cho nên lý trí chúng ta tự nhiên đâm ngờ vực, cuối cùng, lý trí thắng thế: bài thơ bị liệt vào loại dở. Sự hàm oan của bài thơ “Con cóc”, do đó, gắn liền với sự hàm oan của một quan điểm thẩm mỹ. Khôi phục giá trị của bài thơ “Con cóc” cũng có nghĩa là đặt thành nghi vấn đối với những quan điểm thẩm mỹ quen thuộc, đang giữ vai trò thống trị trong sinh hoạt văn học nghệ thuật lâu nay.
***
Chú thích:
1.       Hoài Thanh & Hoài Chân (1967), Thi nhân Việt Nam, Thiều Quang (tái bản), Saigon, tr. 329.
2.       Xuân Diệu (1982), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập 2, nxb Văn học, Hà Nội, tr. 227.
3.       Câu chuyện có thể tóm tắt đại khái như sau:
Có ba anh học trò dốt, một hôm, nhìn một con cóc, nổi hứng rủ nhau làm thơ vịnh. Anh thứ nhất đọc:
Con cóc trong hang / Con cóc nhảy ra.
Anh thứ hai tiếp:
Con cóc nhảy ra / Con cóc ngồi đó.
Anh thứ ba nối lời:
Con cóc ngồi đó / Con cóc nhảy đi.
Làm xong bài thơ, tự trầm trồ khen mình giỏi, rồi sực nhớ lời người xưa nói kẻ tài hoa thường mệnh yểu, ba anh rất lo, sai tiểu đồng ra phố mua sẵn ba cái quan tài. Ngoài phố, nghe lời tiểu đồng kể lại, một khách qua đường dặn:
- Mày mua luôn giùm tao một cái nữa, để lỡ cười quá, tao chết mất.
4. Ví dụ lời thơ trong truyện “Thơ cái chuông”:
Chùa này có cái chuông 
Đánh tiếng kêu boong boong
Treo lên như cái vại 
Ấy nó vốn bằng đồng.

hoặc trong truyện “Thơ con ngựa”:

- Chậu nước thả cây kim 
Cha tôi cưỡi ngựa chạy như chim 
Chạy đi chạy lại cây kim chưa chìm.

- Lò than để cái lông 
Cha tôi cưỡi ngựa chạy như giông 
Chạy đi chạy lại, cái lông chưa hồng.

- Mẹ tôi xáng cái địt
Cha tôi phi ngựa chạy như hít
Chạy đi chạy lại cái đít mẹ tôi chưa khít.
 (Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc blog)

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Công lý đã được thực thi!

Theo VOA, trong một bản tin đặc biệt truyền hình trực tiếp từ Tòa Bạch Ốc lúc 11 giờ 30 tối Chủ nhật, 01/5/2011, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tuyên bố nhân vật khủng bố khét tiếng trên thế giới Osama bin Laden, lãnh tụ mạng lưới khủng bố al-Qaida đã bị bắn chết trong một vụ nổ súng với lực lượng đặc nhiệm Seal của Hoa Kỳ bên trong lãnh thổ Pakistan. Hiện phía Hoa Kỳ đang giữ xác của lãnh tụ al-Qaida này và sẽ tổ chức nghi lễ theo đúng nghi thức đạo Hồi, sau đó sẽ thủy táng dưới biển.

Ngày hôm nay, các đài truyền hình các nước, kể cả đài THVN, đều đưa tin người dân nhiều nước trên thế giới tràn xuống đường phố reo hò vui mừng vì tin rằng công lý đã được thực thi như lời Tổng thống Obama.