Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Tính thượng tôn pháp luật


Dạo này hiện tượng người dân chống lại người thi hành công vụ xảy ra như ăn cơm bữa. Nhẹ thì chửi mắng, hơn nữa thì tát tai, nặng hơn thì dùng hung khí rượt đuổi, chân tay đấm đá, hất văng lên ca-pô xe, thậm chí nhiều vụ còn xả súng bắn giết cả công an, cảnh sát. Người thi hành công vụ được luật pháp thừa nhận lại có công cụ trấn áp trong tay mà còn như thế, thử hỏi những người dân chân yếu tay mềm làm sao bảo vệ được mình. Chán nhất là những kẻ cứ mở mồm ra là bảo do các phần tử xấu xúi giục, kẻ địch kích động… Nói thế thì biết thế chứ xấu là ai, địch là ai thì cũng chẳng có ông bà nào nói ra môn ra khoai được.

Chỉ có điều cần phải nhìn nhận là những người thi hành công vụ nhiều khi hành xử chưa chuẩn mực, thiếu tôn trọng người dân, thậm chí có người còn ngang nhiên hạch sách nhũng nhiễu, hối lộ khiến dư luận bất bình. Sang Thái Lan, thấy đường phố rất ít cảnh sát, nhưng khi gặp cảnh sát thì thấy lực lượng này chủ yếu giúp dân qua đường, xách hàng từ siêu thị ra xe, hay gọi giúp taxi… Thế nên cảnh sát họ đúng là bạn dân, còn ở ta nhìn anh cảnh sát, anh công an người ta cứ có cảm giác sờ sợ, rồi đến những nơi có cảnh sát công an làm việc, thấy mặt các anh chị cứ lạnh như tiền, nói năng thì hách dịch, cộc lốc, nụ cười dường như chưa bao giờ trú ngụ trên gương mặt, thì thử hỏi dân nào dám mon men đến làm bạn? Xét cho cùng ở xã hội nào cũng có người tốt kẻ xấu. Nhưng xấu tốt là do một phần lớn ở định chế xã hội, phần lớn được tạo nên bởi tính nghiêm minh của pháp luật. Thử hỏi nếu người ta cứ hành xử kiểu “luật pháp bất vị thân” thì liệu có ai dám ngang nhiên phạm pháp rồi vỗ ngực xưng tên là con ông này cháu bà kia? Chắc chắn hiện tượng đó phải bắt nguồn từ tiền lệ.

Nhưng điều đáng lo ngại nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật của mọi người rất kém. Từ người dân bình thường đến cả quan chức, dường như ai cũng sẵn sàng làm trái với pháp luật khi có thể, nhẹ thì vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, nặng thì tham ô, móc ngoặc, cắt xén công thổ làm đồn điền trang trại gia đình, nặng hơn thì như Vinalines, vinashin... Những vi phạm phổ biến đến độ mà ông Nguyễn Sinh Hùng bảo là nếu cứ sai là xử thì lấy đâu người mà làm việc, rồi Ông Trương Tấn Sang bảo bây giờ dân không sợ một vài con sâu mà là sợ một bầy sâu…

Lại nói về định chế xã hội, không phải ta không có, nhưng không nghiêm túc, không kiên quyết, người ta cũng đề ra những nền móng, nhưng thiếu sức mạnh ý chí của cả một xã hội, do đó cứ có cảm giác như người ta sợ “thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ” vậy, mà đã sợ thế thì làm sao có những thanh gỗ thẳng thớm để cho ra những sản phẩm đẹp đẽ chất lượng?