Sáng nay mình được gọi đi
dự lễ “Phát động tuần lễ học tập suốt đời”. Buổi lễ thật rình rang với văn nghệ văn gừng, hết của các cháu học sinh lại đến các cụ ông cụ bà, rồi diễn văn khai mạc, rồi các ban ngành phát biểu, rồi thông điệp... nghe cứ xủng xà xủng xoảng những chữ nghĩa.
Một thứ lễ có cũng được mà không có cũng chẳng chết thằng Tây nào. Ai cũng mong ngóng được về, thế nên tiếng vỗ
tay lớn nhất chính là tiếng vỗ tay của bà con khi nghe ban tổ chức tuyên bố bế
mạc.
Nghe bảo mô hình xã hội học
tập suốt đời ở nhiều nước phát triển đã thực hiện từ lâu và rất có hiệu quả như
Nhật, Úc, Hoa kỳ, Anh và các nước Bắc
Âu... Tuy chưa có quốc gia nào tuyên bố về tiêu chí đạt trình độ xã hội học tập,
nhưng họ đều đã có những chính sách thiết thực nhằm giúp người dân có được cơ hội học tập suốt
đời.
Nhờ đó mà nâng cao hiểu biết, nâng cao năng lực xã hội, giúp con người nắm bắt tốt hơn vận mệnh của mình, mở rộng tầm nhìn, giảm thiểu những
ách tắc xã hội, cuộc sống người dân ngày càng phong phú hơn, hạnh phúc hơn, giàu có hơn.
Ngồi dự lễ, nghe tiếng được tiếng mất, rồi ngẫm nghĩ ở các quốc gia đó họ trọng
cái thực học. Học để hiểu biết, học để làm việc, học để hoàn thiện kỹ năng sống,
vì thế mà họ có nhu cầu học tập suốt đời và đã học là học thực chứ không học giả.
Còn ở nước ta, một nước vốn chuộng bằng cấp, xem bằng cấp là cây thước duy nhất đo giá trị của
bản thân, của gia đình và cả dòng họ, dẫu rằng học cũng chỉ là học giả và bằng cũng
là bằng giả! Thử hỏi một xã hội như thế thì đẻ đâu ra được cái xã hội
học tập suốt đời? Anh công chức một khi đã lọt vào được một cái “ghế” nào đó
thì cố "chạy chọt" cho được một mảnh bằng tương ứng. Khi đã kiếm được mảnh bằng thì y nghiễm nhiên tồn tại lâu dài và chẳng cần phải học quái gì thêm cho đến ngày về
hưu (Vả lại, đi học là dễ có thằng cướp “ghế” lắm!). Cái cơ
chế bổ nhiệm quan chức của mình cũng lạ lắm. Nếu anh thuộc “phe ta” thì anh sẽ
được ấn vào một cái “ghế” nào đó, thiếu cái gì thì bổ sung từ từ, thiếu “đỏ”
thì chạy, thiếu bằng thì mua, cái nào cũng có người bán, chỉ cần cái bằng... lòng
của anh Hai, chị Ba nào đó là phải thứ thiệt! Thế nên ở ta không cần học suốt đời, học chỉ tổ mệt chứ bổ béo gì mà ham, mà chỉ cần học vừa đủ cho từng giai đoạn, cho từng
nhiệm kỳ, làm tới đâu, học tới đó. Còn một khi đã hết nhiệm kỳ
hay về hưu thì coi như xong "bổn phận" với dân với nước, anh nào cũng vội vàng tìm cách hưởng thụ những đồng tiền đã tích cóp được trước đó. Thế nên học làm mẹ gì cho mệt! Ông bà ta chẳng từng bảo học cho lắm tắm cũng ở truồng là gì!
Sáng nay, trong buổi lễ phát động phát điếc có một bác được các em-xi giới thiệu là đại diện cho người học
lên phát biểu, nghe bảo bác này nay đã vào loại U70, nhưng khi
về hưu bác mới bắt đầu đi học đại học và còn chuẩn bị học cao học nữa, hơn nữa
còn nghe nói bác đang nghiên cứu sâu về tin học, thế mới kinh! Tưởng là ai, té
ra đó là bác CL, gõ máy chữ nhà mình. Ai chứ bác này mình rành sáu câu. Chất lượng “nổ” của bác thuộc hàng đại
bác, con cái bác hơn chục đứa, hình như là mười hai thì phải, “quậy” thì khỏi chê, học
hành thì “hết biết”, toàn thi lại và ở lại lớp, rồi buồn tình bỏ học ngang
xương, thế mà bác nói nhờ học mà mình làm gương cho con cháu... He he, tài thật!
Nhớ khi xưa bác kể chuyện một vụ mất cắp máy đánh chữ ở một cơ quan nọ, công an
huyện vào cuộc điều tra tới điều tra lui rồi lấy dấu chân, dấu tay, thế mà vẫn
thua. Phải đến khi công an tỉnh xuống lấy dấu... mông thì mới tìm ra thủ phạm. Ơ hay chả lẽ bọn trộm khi "thi hành án" chúng nó cởi truồng ngồi vào ghế à? Anh em nghe bác kể mà ngớ người, tưởng bác đùa, té ra bác nói thiệt 100%, bác bảo
kỹ thuật lấy dấu mông trong khoa học hình sự là mới nhất và chỉ có cấp tỉnh trở
lên mới đủ phương tiện máy móc thực hiện. Mình bán tín bán nghi đem hỏi mấy thằng
bạn công an, bọn này tưởng mình nói xỏ bèn xầm mặt lại, mình phải phân bua mãi và kể lại chuyện bác CL nhà mình. Bọn công an cười ngất, vừa cười vừa chửi “Mẹ kiếp, láo
thật, láo thật”. Nghe bác phát biểu xong mình biết ngay là bác phịa nhưng mấy
cu cậu ở địa phương thì mặt cứ đực ra và vênh váo rằng xã mình có một tấm gương
tiêu biểu về học tập suốt đời đáng để cho nam phụ lão ấu phải noi theo. Nghĩ mà
thương cho mấy anh nhẹ dạ bị trúng quả lừa của bác CL nhà mình.
Kể chuyện để thấy cái “học tập suốt đời” của mình là như vậy đấy, cũng vẫn chỉ
là giả thôi!