Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Dân biểu hay Chính phủ biểu?

Tuổi trẻ cuối tuần kỳ này (ra ngày 21/11/2012) đăng lại mấy tiểu phẩm báo chí của nhà văn Vũ Trọng Phụng thật hay, xét đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Như tiểu phẩm “Bỏ dân biểu chính phủ cử là phải” đăng trên Hà Nội báo từ năm 1936, thời mà nền dân chủ ở  ta còn chập chững. Nguyên văn tiểu phẩm như sau:
“Mới đây trong buổi họp thường niên của Viện dân biểu có nhiều ông xin bỏ hạng dân biểu do chính phủ cử ra đi. Bỏ đi là phải, đã là người thay dân mà sao lại do chính phủ cử ra được? Nếu thế thì phải gọi là chính phủ biểu mới được chứ? Bỏ đi!” (trích Đếm sỉa… Người và vật, Hà Nội báo, s. 44, 4-11-1936).
Đọc lại tiểu phẩm báo chí cách nay 76 năm, có thể thấy ngay từ thời bấy giờ, ông cha ta cũng đã ý thức được vai trò của các ông nghị, những người thay mặt dân, giữ quyền lập pháp trong nền tam quyền phân lập của một xã hội dân chủ. Ngày nay, xét cho cùng thì hầu hết những ông nghị của ta đều do chính phủ cử ra mà thôi. Vậy thì so với 76 năm trước, nền dân chủ của ta cũng chưa có gì tiến triển à?