Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Thông cảm cho bà xã tui nha ông Nghị!

Hôm 31/10, bên ngoài hành lang quốc hội, khi có phóng viên đề cập tới việc trang TripAdvisor, một website chuyên nghiên cứu về du lịch, đăng tải tên của 10 thành phố trên thế giới có nạn móc túi hoành hành nhất, trong đó Hà Nội niềm tin và hy vọng của ta xếp hàng thứ 9, Ông trùm Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị “nóng máy” cho rằng, thông tin này còn phải xem xét lại, vì nếu tính trong nước thi nạn móc túi ở Hà Nội rất hiếm (tự tin ghê!). Ông còn dẫn chứng: "Tôi hỏi một người ở Hà Nội đi xe buýt 8 năm liền thì không bị móc túi. Tôi hỏi tiếp câu thứ hai là có thấy những người xung quanh bị móc túi không? Cô ấy trả lời không thấy. Tám năm một người đi xe buýt không thấy ai bị móc túi thì là nhiều hay ít?".
Hè hè, ông Nghị này hỏi trúng bà xã tui rùi. Thưa ông Nghị, túi bà xã tui là nơi tiền bạc hiếm hoi nhứt trên thế giới. Bởi dzậy bả đâu có bị móc túi bao giờ, ngay tui là chồng ngày nào cũng mò mẫm mà có chôm chỉa được xu teng nào đâu? Còn hỏi bả có thấy ai bị móc túi không thì thiệt tội, mắt bả thì chập chờn “con đậu con bay”, tính lại makeno thì cần biết đếch gì ai bị móc túi. Hơn nữa rủi bả thiệt thà nói có thấy, ông Nghị lại hỏi ngặt tên, tuổi, địa chỉ, tôn giáo, đảng phái, thành phần xuất thân… người bị móc túi thì bỏ bà! He he, bả trả lời dzậy là đúng bản chất của bả đó cha. Thông cảm cho bà xã tui nha ông Nghị!

Còn tui chỉ cắc cớ hỏi ông Nghị một câu rằng: "Để khẳng định 8 năm liền Hà Nội không có nạn móc túi mà ông chỉ cần hỏi một người, dzậy là nhiều hay ít và dzậy thì liệu có láu táu lắm không, thưa ông?"

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Thành tựu 60 năm Hà Nội

        Sáng nay, 9/10/2014, nghe các diễn viên Vờ Tờ Vờ trong chương trình Chào buổi sáng điểm qua những thành tựu 60 năm giải phóng Hà Nội (thực ra là tiếp quản, chứ giải phóng quái gì, lịch sử sờ sờ ra đó mà vẫn xoen xoét dối trá. Bố khỉ!) nghe mà ngượng! Nào là từ một chiếc cầu duy nhất bắc qua sông Hồng khi đoàn quân giải phóng (tiếp quản) thủ đô tiến vào Hà Nội, bây giờ trên sông Hồng đã có thêm bao nhiêu chiếc cầu to đẹp hiện đại hơn. Nào là đường xá trước kia bé nhỏ loanh quanh, giờ thì dài rộng thênh thang, xe cộ như mắc cửi. Nào là Hà Nội xưa kia bé tẹo chỉ vài ba trăm ngàn dân, bây giờ thì mở rộng vài ba chục lần, dân số sáu, bảy triệu người…

        Nghe thế ông bạn mình vừa về hưu, tròn 60 tuổi cũng điểm lại thành tựu của mình rằng: 60 năm trước mới sinh đỏ hỏn có 2 ký giờ đã tăng lên 60 ký, lúc đó “thằng nhỏ” còn bé xíu giờ cũng to đùng, hùng dũng sang trọng, rậm rạp râu ria. Xưa mới đẻ chưa nghe bác sĩ nói gì, nay các bác sĩ đã dõng dạc tuyên bố huyết áp, mỡ máu, cholesterol, men gan… đều tăng vùn vụt…

        Nghe các diễn viên Vờ Tờ Vờ “tự sướng” trên tinh thần cao cả của A.Q (Lỗ Tấn), mình chợt hỏi sao nó không so sánh 60 thành tựu của Hà Nội với Bangkok, Jakarta, Hong Kong, Singapore, Manila, Kurla Lumpur hay Seoul nhỉ? Ông bạn tôi đập bàn phán ngay: Ai cho phép so sánh với bọn tư bản đang giãy chết dành đành đạch đó... Láo... Láo...

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Lời con gái gửi bố iu trước ngày về hưu

“Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời….thế là thế, đời sống không là bao”. Cuộc đời vốn là ngắn ngủi, chớp mắt đó mà đã bao nhiêu biến cố xảy ra, vật đổi sao dời. Kiếp người theo vận số đất nước đã ba chìm bảy nổi. Ta nhìn lại trên đầu ta vẫn còn mái nhà, trong bếp vẫn còn hũ gạo đầy, con cái ngoan ngoãn nay đã thành người. Ta tự hỏi kiếp người như vậy có gì để oán trách.

Ta ngẫm lại mình sống trên đời cái gì là quý nhất nếu không phải là cái tiếng để lại. Hùm chết để da mà, ta tự nhủ. Bao nhiêu năm lăn lộn trên đường đời, người ta thương mình cũng nhiều mà người ta ghét mình cũng không ít. Thì đúng rồi, thanh giả tự thanh mà, làm sao chiều hết ý thế gian. Miễn sao tối về gác tay lên trán ngủ yên giấc không hổ thẹn với chính mình và gia đình. Và ta tự nhủ cả đời ta đã làm được việc đó.

Bao nhiêu thế hệ học trò đã ra trường và thành người. Dù không phải là người lái đò ta cũng có công xây cái thuyền cho vững chãi. Một cái thuyền dù ta không còn là người bảo trì bảo dưỡng ta vẫn tin chắc sẽ còn mạnh mẽ vượt sóng trong tương lai. Nghĩ tới đó ta đã đủ mãn nguyện trao lại trát cầm quân cho người kế nhiệm.

Tre già măng mọc, sinh lão bệnh tử, quy luật đất trời đã định vậy. Ta vẫn sống thuận theo quy luật bất di bất dịch và hạnh phúc rằng nay ta đã làm tròn nhiệm vụ ta được giao phó để có thể vui vẻ sống cho chính mình, để theo đuổi những đam mê thời trẻ mà có thể vì trách nhiệm ta đã không thể theo đuổi. Ta hạnh phúc mà nghĩ rằng rồi đây ta sẽ ngấu nghiến những quyển sách hay trong một buổi trưa hè hay vi vu đạp xe vào buổi sớm mai hít thở căng tràn lồng ngực với hơi thở của sự tự do tự tại. Hay ta có thể ôm máy ảnh đi lang thang trên những nẻo đường quen thuộc và chộp lại các góc phố vừa quen vừa lạ mà cơm áo gạo tiền thường nhật đã khiến ta bỏ qua. Ta hạnh phúc biết mấy khi ta có thể viết nhiều hơn, và cảm xúc sẽ không bị vấy bẩn bởi những con người ngu lâu khó đào tạo.

Con tằm suốt đời nhả tơ phục vụ cho đời. Ta cũng đã cống hiến tuổi trẻ cho công việc, cho đàn em. Một cuộc đời như thế, ta tự nhủ, cũng không uổng kiếp người.

Ta hạnh phúc.

(Nguyên văn e-mail, không khác một dấu)


Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Tổng thống nghèo

Nếu chỉ nhìn vào hình, bạn có thể đoán được đây là ai không?

Giống như bao người khác, Tổng thống của Uruguay, ông José Mujica, cũng ngồi xếp hàng ở một bệnh viện công để đợi đến phiên mình được gọi tên.

Là tổng thống của một đất nước có nền kinh tế khá phát triển, với thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 15.000 đôla/năm, nhưng vợ chồng ông Mujica chỉ sở hữu mỗi căn nhà cũ ở ngoại ô và một chiếc xe sản xuất từ tận năm 1987.

Người đàn ông 79 tuổi, được mệnh danh là vị 'tổng thống nghèo nhất thế giới', đã từ chối căn biệt thự sang trọng được nhà nước cấp và dành 90% tiền lương cho các dự án xã hội. (BBC)















Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Phỗng đá đâu lắm thế!

Chưa thời nào lắm phỗng đá bằng thời nay. Thật đáng buồn!

Ông phỗng đá

Ông đứng làm chi đó hỡi ông ?
Trơ trơ như đá, vững như đồng.
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó ?
Non nước đầy vơi có biết không ?

                              (Nguyễn Khuyến)

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Di chúc vua Trần Nhân Tông hơn 700 năm trước

"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo.
Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo.
Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu.
Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải.
Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn.
Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước.
Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp.
Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta.
Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta
từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn :

"Một tấc đất của Tiền nhân để lại,
cũng không được để lọt vào tay kẻ khác".

Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu".

Đọc lại nghĩ mà kinh, vì hơn 700 năm trước mà vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) đã nhìn thấy hiểm họa “cốt lõi” của dân tộc. Thế mà ngày nay con cháu người nhiều kẻ như mù. Thật đáng trách!


Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Phải cảm ơn các "đồng chí" Trung quốc

Lâu quá không vào blog, phần bận việc, phần chán ngán. Nay ngồi viết trước 9g00, thời điểm mà bà con cả nước đang kêu gọi xuống đường biểu tình chống bành trướng Trung Quốc.

Viết vì cảm thấy cần phải cảm ơn các "đồng chí" Trung quốc khi chúng ngang nhiên kéo dàn khoan HD-981 vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và còn xua cả tàu bè tấn công hung hăng vào các tàu cá của ngư dân và cả tàu của cảnh sát biển Việt Nam...

Cảm ơn vì sự tham lam đê tiện đó đã tạt những gáo nước lạnh vào mặt những ai còn u u mê mê trong tình bạn hữu láng giềng “4 tốt”, “16 chữ vàng” và cùng chung chính thể.

Cảm ơn vì từ nay nhiều người sẽ "sáng mắt, sáng lòng" mà nhận rõ chân dung bọn cướp nước không ai khác ngoài “đồng chí” Trung Quốc, chứ không phải là bọn tư bản phương Tây nào sất.

Cảm ơn vì sự hèn hạ khốn nạn lại ung dung đến từ "tinh thần quốc tế vô sản cao cả" chứ không phải từ "âm mưu diễn biến hòa bình" của bọn thực dân đế quốc mà phe ta ngày đêm lo sợ.

Cảm ơn vì chính sự tham lam vô độ đó đã thổi bùng lên ngọn lửa hừng hực khí thế của 90 triệu người dân (chỉ dám nói người dân thôi) Việt Nam sẵn sàng hy sinh bảo vệ tổ quốc.

Và cũng cảm ơn vì nhờ thế mà mấy bữa nay bà con trong cả nước mới “được phép” biểu tình để biểu lộ lòng yêu nước mà không bị ai bắt bớ đánh đập.

Cảm ơn, cảm ơn các “đồng chí” Trung quốc! Hảo lớ, hảo lớ!

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Lại chờ đợi Godot?

Những lúc hoang mang tuyệt vọng hay cuộc sống vất vả khổ cực, tôi lại mơ đến thiên đường cộng sản. Bởi ở nơi đó tôi chỉ cần làm theo năng lực mà lại được hưởng theo nhu cầu. Hàng ngày, ở cơ quan tôi sẽ không phải đầu tắt mặt tối vì những việc vớ vẩn, không phải lấm lét khi nhìn thấy mặt thằng sếp khó ưa. Về nhà không còn cảnh vợ bắt lau nhà, rửa bát, rồi cuối tháng không phải thấy mắt vợ tối sầm khi thấy mấy cái hóa đơn điện, nước, gaz, truyền hình, điện thoại... Mỗi sáng thức dậy tôi sẽ khoan thai bước ra khỏi ngôi biệt thự to đùng, lái chiếc Mercedes bóng lộn ra chuỗi nhà hàng khách sạn 5 sao ngồi vào bàn gọi bữa sáng, tôi vừa ăn chậm rãi vừa đọc báo và đàm đạo với những người hiểu biết, sang trọng. Ăn xong tôi đủng đỉnh lái xe vào cơ quan, làm lụng qua loa cho có lệ (vì lũ robot làm hết rồi) còn rong chơi tìm cảm hứng để làm thơ là chính. Khi đó chắc chắn tôi sẽ có những kiệt tác để đời, rồi sẽ bay đến Stockholm để nhận giải Nobel văn chương danh giá, ở đó người ta sẽ yêu cầu tôi đọc một diễn từ khoảng 10 phút để ca ngợi cuộc sống thiên đường của đất nước mình, và nhỏ lệ trắc ẩn cho hàng tỷ kiếp đời còn u mê tăm tối trên khắp hành tinh này.

Nhưng mới đây khi nghe già làng Củ Lá bảo rằng hết thế kỷ này chưa chắc đã tìm thấy thiên đường thì tôi lại hụt hẫng như vừa rớt xuống hố thẳm Mindanao ngoài khơi Thái Bình Dương. Như vậy là dù tôi có chờ cả kiếp này cũng không thể nhìn thấy thiên đường CS hay sao? Rồi đời con, đời cháu, đời chắt, đời chít tôi sẽ như thế nào? Chả lẽ vẫn cứ chờ đợi trong vô vọng, như những anh chàng nghèo khổ hôi hám cùng những mơ ước hão huyền trong Thưở chờ đợi Godot của Samuel Beckett? Hu hu! Không thể như thế được!

Nói thế, nhưng rồi tôi và con tôi, cháu tôi, chít tôi… vẫn cứ phải chờ đợi và hy vọng… dù Godot có không đến đi nữa. Bởi ngoài chờ đợi và chờ đợi, chúng tôi còn có thể làm gì được nữa?