Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Chuyện cũ

Lái Thiêu

Mẹ con tôi dắt díu nhau rời Rừng Lăng (QN) để vào Nam theo bố tôi trên chuyến xe lửa chạy rì rầm suốt hai ngày hai đêm, qua biết bao vùng đất vừa cằn cỗi vừa thơ mộng của "quê hương xứ dân gầy", một bên là Trường Sơn thăm thẳm trùng điệp, một bên là cát trắng biển xanh mà đến nay tôi vẫn còn ghi rõ trong ký ức. Tàu đến ga Sài Gòn lúc 3 giờ sáng. Mẹ con tôi phải nghỉ tạm ở ga trên những băng ghế dài, chung quanh là lỉnh kỉnh hòm xiểng. Đến gần sáng thì thấy bố tôi đến đón bằng chuyến xe Dogde quân đội để chở những đồ đạc gói ghém của mẹ tôi cho chuyến Nam du, tôi nhớ thứ giá trị nhất là cái hòm gỗ to đùng, đánh verni vàng nhạt  có đai đồng, quai sắt mà bố tôi đặt đóng khi còn ở Quảng Ngãi, có lẽ trong đó chứa đựng những thứ quan trọng của gia đình nên lúc nào mẹ tôi cũng khóa kỹ và bắt anh em tôi ngồi lên trên nắp để không ai có thể cạy được. Riêng ít vàng chắt chiu dành dụm bấy lâu, trước khi đi mẹ tôi đã cẩn thận khâu những cái dây lưng nhỏ đựng những chiếc nhẫn vàng buộc lại với nhau bằng chỉ như sợi xích, khâu kín hai đầu rồi đeo vào  bên trong lưng quần của mẹ và tôi. Sợ chúng tôi lạc trên tàu, mẹ bắt tôi nắn nót ghi họ tên từng đứa, cùng tên cha mẹ, đơn vị đóng quân và KBC của bố lên giấy rồi nhét vào túi mỗi đứa. May mắn là chuyến đi yên ổn, anh em tôi chẳng đứa nào lạc, còn điều lo sợ nhất là xe lửa bị mìn thì cũng không xảy ra dù thời đó chuyện này xảy ra như cơm bữa.

Từ ga Sài Gòn chuyến xe Dogde chạy thẳng về Lái Thiêu, ở đó bố tôi đã thuê sẵn một căn ở đầu dãy phố cổ ngay trước cổng chi khu, chếch đối diện nhà tôi là ngôi biệt thự của gia đình ông quận trưởng. Năm đó tôi vào học lớp ba trường quận, trường ở ngay cạnh nhà, từ cửa sổ lớp học có thể nhìn sang khoảng sân đầu hồi nhà tôi với mấy cây nhãn um tùm và cái giếng phía trước sân, gần cổng, dùng chung cả phố.

Thuở ấy có lẽ thiếu phòng học nên trường tôi học 3 ca, lớp tôi phải học ca trưa từ 10 giờ rưỡi đến đến một hai giờ chiều gì đó. Cả lớp đều buồn ngủ, thầy giáo già của chúng tôi cũng vậy, có lẽ do buồn ngủ nên thầy hay cáu giận và phạt học trò bằng cây roi mây dài cả thước. Cả lớp đứa nào cũng sợ, thế nhưng trẻ con chúng tôi cũng ma le lắm, biết nhà thầy có bán cóc, ổi, chùm ruột dầm cam thảo và mía ghim ướp đá lạnh (miền Trung không có những thứ này) nên cả lớp hay ghé mua để được thầy nhớ mặt mà thương. Thỉnh thoảng những hôm hết bài sớm, thầy cũng kể chuyện cổ tích hay ra câu đố vui cho cả lớp. Nhớ mãi câu đố của thầy “Lỗ đít có mấy khía?”. Nghe câu đố buồn cười quá cả lớp lợi dụng đập bàn ghế la hét ỏm tỏi, rồi mỗi đứa trả lời một kiểu, ai cũng cho mình đúng. Cuối cùng thầy bảo đứa nào nói mình đúng thì tụt quần ra chổng mông lên đếm mới biết. Cả lớp lại một phen cười nghiêng ngả, nhưng sau đó im thin thít, mấy đứa con gái thì chúi đầu vào vai nhau khúc khích.

Lúc bấy giờ, chúng tôi gọi hiệu trưởng là ông Đốc, cằm ông Đốc trường tôi có vệt chàm bằng đồng năm cắc có hình ông Ngô Đình Điệm và bông lúa, trông ông nghiêm nghị và xa cách. Ông ở một mình trong một căn nhà nhỏ có vườn hoa ở ngay trong khuôn viên trường, có lẽ là nhà công vụ. Có lần tôi bị cấm túc và phải làm cỏ ở vườn hoa của trường sáng chủ nhật, thì thấy ông Đốc đọc sách và thơ thẩn trong sân. Cả chục đứa đang lúi húi nhổ cỏ không biết ông đến sau lưng lúc nào, khi nghe tiếng ông cả bọn giật mình, đứng lên lấm lét. Ông hỏi vì sao mà bị cấm túc, chúng tôi mỗi đứa một kiểu, đứa thì không thuộc bài, đứa đi học muộn, đứa đánh nhau… Ông lắng nghe rồi nhẹ nhàng khuyên bảo nhắc nhở từng đứa. Giọng ông lúc đó thật hiền khác hẳn những lúc ông nói chuyện dưới cờ hay mắng mỏ học sinh nào đó trong văn phòng. Từ hôm đó tôi không thấy sợ ông Đốc nữa, nhưng vẫn thắc mắc mãi về vết chàm trên cằm ông rồi thấy vết chàm đó làm ông sang trọng hẳn lên và tôi lại ước ao giá mình cũng có được vết chàm như thế!

Lớp tôi học có con Hoa, nó là dân Ba Tàu, nhà có tiệm buôn bán tạp hóa ở phố chợ, không hiểu sao nó thích tôi dù tôi gầy gò ốm yếu lại có cái sẹo ở đầu chứ không phương phi béo tốt và có cái rốn sâu hun hút như thằng Út, bạn cùng lớp gần nhà tôi [1] (ở nhà ba mẹ nó gọi nó là Út Chót). Con Hoa tặng tôi cây bút máy Tatung, chắc nó lấy trộm ở tiệm nhà nó, cây bút làm tôi sướng điên nhưng thằng Út Chót thì hậm hực ra mặt. Ngày ấy cây bút Tatung là tài sản quá quý giá đối với lũ học trò tiểu học mà chỉ những anh lớp Nhất mới thấy dùng còn đám lớp Ba chúng tôi thì chưa mơ tới. Tôi dấu mẹ tôi nên chẳng dám dùng, cứ để trong cặp lâu lâu lại lôi ra ngắm nghía, vuốt ve, rồi khẽ khàng kéo lên kéo xuống cái piston bơm mực. Con Hoa hỏi tôi sao không lấy ra viết bài, tôi bảo chưa có mực, thế là hôm sau nó lại tặng tôi lọ mực tím hiệu Queen, lần này thằng Út không biết nên không hậm hực nữa.

Ít lâu sau có lẽ vì thiếu phòng học nên lớp tôi phải chuyển sang học ở một gian trong đình thần cách trường chính độ vài ba trăm mét. Học ở đây không vui như ở trường chính nhưng bù lại là được học buổi sáng và cô giáo dạy, hình như thầy giáo già của chúng tôi đến tuổi về hưu thì phải, thế là cả lớp thoát được nỗi ám ảnh cây roi mây của thầy. Có lẽ nhờ lớp học ở đình, gần gũi các vị thành hoàng nên cô giáo rất hiền lại vui tính. Không hiểu sao cô hay chòng tôi với con Hoa, tôi xấu hổ còn con Hoa lại vui ra mặt. Có lẽ nó kể với cô là đã tặng tôi cây bút và lọ mực nên một hôm cô hỏi tôi có tặng lại gì cho cái Hoa chưa, tôi nghệch mặt, chẳng biết nói gì. Cô bảo con trai lịch sự là phải tặng lại quà cho bạn gái, nhất là khi mình đã nhận quà của người ta. Tôi cảm thấy giận con Hoa vì đã mách lẻo với cô giáo nhưng cũng thấy lòng mình đau khổ  vì mang tiếng một kẻ chẳng lịch sự. Mấy trưa liền tôi trằn trọc, suy nghĩ mãi mà không biết tặng lại nó cái gì vả lại tôi cũng đâu nhiều tiền để mua quà tương xứng với cây bút Tatung. May sao mẹ tôi vừa mua cho tôi đôi dép nhựa (bây giờ giờ gọi là dép Lào), chân tôi lại nhỏ như chân con gái, vừa với chân con Hoa. Thế là một hôm, tôi mang dép cũ đi học nhưng trong cặp dấu sẵn đôi dép mới gói trong giấy báo. Vào lớp, tôi dúi cho con Hoa dưới hộc bàn. Con Hoa mở ra cười toe toét. Tôi thở phào nhẹ nhõm và bỗng thấy mình lịch sự hơn bao giờ hết. Hôm sau mẹ tôi hỏi đôi dép mới đâu sao không đi, tôi đã chuẩn bị kỹ nên nói dối leo lẻo rằng bị mất khi về tập thể dục ở trường chính. Mẹ tôi mắng cho một trận về tội lơ đễnh nhưng rồi cũng êm xuôi cả (mẹ tôi quên rằng những ngày có học thể dục bọn tôi phải đi giầy bata). Nhưng bi kịch xảy ra là hôm sau con Hoa mang dép mới đi học và khoe với bọn trong lớp. Thằng Út biết chuyện liền về mách mẹ tôi, thế là mọi chuyện đổ bể. Thật lạ là mẹ tôi không la mắng mà lại cười vui và hỏi tôi bao giờ dắt cô con dâu về cho mẹ xem mắt. Tôi ngượng ngùng ấp úng, nhưng rồi cũng kể hết mọi chuyện với mẹ, vì không kể thì thằng Út xấu tính kia cũng sẽ mách lẻo hết thôi. Hôm sau mẹ tôi ra chợ mua lại cho tôi đôi dép khác y hệt đôi dép tôi đã tặng cái Hoa, thế là chúng tôi đi học với hai đôi dép giống nhau, bây giờ người ta gọi đó là dép tình nhân?

Tôi không nhớ chuyện tình tôi và con Hoa đi đến đâu, ngoài những chuyện chơi đùa bông phèng ở lớp hay rủ nhau cùng đi bắt cá lia thia dưới những con mương trong khu vườn nhãn, vườn măng cụt nhà lũ bạn cùng lớp hay rủ nhau cùng đi cầu cá sau giờ tan học mãi bên kia cầu Tân Lạc (Ở Lái Thiêu, ngày đó có 2 câu cầu gắn liền với hai rạp hát là Tân Lạc và Phương Lạc ở mỗi đầu cầu nên mọi người lấy tên rạp hát để gọi luôn tên cầu). Một hôm tôi và nó rủ nhau đi cầu cá, nó xong trước, lên bờ đứng chờ tôi, buồn chân, nó lấy dép phủi sỏi xuống ao chọc lũ cá tra, không hiểu sao làm văng cả chiếc dép xuống ao cá, báo hại tôi và nó phải ngồi cả buổi để nhờ anh thằng bạn gần đó quăng dây móc lên và còn bị ông chủ cầu cá chửi cho một trận, dọa không cho đi ở đây nữa.

Lái Thiêu là thủ phủ của đồ gốm, đi chỗ nào cũng gặp lò gốm, rồi những đống đồ gốm bị loại vì lỗi đổ khắp nơi, thấy bọn con gái hay mang về chơi đồ hàng, tôi cũng khuân về một đống chất ở góc vườn cho con H em gái tôi. Đặc biệt đất sét là thứ mà bọn tôi rất thích nghịch. Tôi lại có biệt tài làm những con vật nhỏ bằng đất sét rồi tô màu rất được lũ bạn hâm mộ. Những buổi trưa trốn ngủ, tôi lẻn ra khỏi nhà sang các lò gốm xin đất sét đem về ngồi tỉ mẩn nặn những con vịt, con trâu, con cá… sau đó cắt đôi, khoét ruột, chọc lỗ rồi hàn hai nửa thân lại, đem phơi khô, tô màu. Những con vật do tôi làm trông rất sống động và thổi kêu rất to, tôi dùng làm quà tặng mấy đứa bạn thân thiết. Riêng con Hoa tôi đã tặng gần chục con khác nhau, đủ màu sặc sỡ, còn thằng Ch, con H em tôi thì suốt ngày thổi toe toe khiến mẹ tôi phát bực.

Cùng dãy phố với nhà tôi có thím người Huế mới theo chồng chuyển vô Nam, chồng cũng đi lính ở chi khu với bố tôi, thím có con còn nhỏ ẵm trên tay. Thím hay qua nhà chơi với mẹ tôi những khi rỗi rãi rồi hỏi han những chuyện mà một người phụ nữ từ Huế mới vào còn cảm thấy xa lạ bỡ ngỡ. Một buổi thím đi chợ về, mang cá ra ngoài giếng ngồi làm, vừa làm thím vừa khen mấy con cá mua được bụng đầy trứng. Lát sau nghe tiếng thím la oe óe bên nhà và cái nồi cá bay ra ngoài bờ rào gần giếng. Mẹ tôi chạy vội ra thì biết thím mua cá tra nhưng ác quá, người bán cá chưa nhốt đủ ngày để tiêu hết phân trong bụng, thím cứ ngỡ đó là trứng nên khen rối rít, đến khi đem kho, bốc mùi mới biết. Quẳng nồi cá xong thím ôm ngực ngồi nôn ọe cả buổi. Thế nhưng sáng hôm sau khi ra giếng thấy cái nồi vẫn còn đó, chỉ có cá là hết sạch, có lẽ chó đã ăn hết, thì thím mừng rỡ nhặt lấy chiếc nồi, miệng lẩm bẩm: “Ụa chà chà, Ụa chà chà , sổ tui chưa mật của, may ghê nì, may ghê nì” rồi lấy cát chùi rửa sạch sẽ mang vào nhà. Cả dãy phố được một phen cười vỡ bụng.

Lúc này tôi có nuôi một con nhòng đen, mỏ đỏ, rất thích ăn ớt. Tôi nuôi từ nhỏ nên nó tỏ ra quấn quít và không bay xa, những lúc ở nhà tôi thường thả cho nó đi quanh quẩn trong nhà, khi thì nó bay lên cửa sổ, khi bay ra hàng rào, khi lại quanh quẩn xuống bếp theo chân mẹ tôi hay con em gái. Tôi rất thương nó, đi chơi đâu cũng mang theo và cho nó đậu trên vai. Đến nhà thằng Út Chót nó thấy chậu mai tứ quý có đài hoa màu đỏ, tưởng ớt nó nhảy lên vặt ăn trụi lủi. Tôi và đám bạn hay đi ra bờ rào chi khu bắt cào cào, chuồn chuồn cho nó ăn rồi dạy nó tập nói. Tiếng đầu tiên tôi tập cho nó gọi là tên tôi. Nhưng tên tôi chưa kịp nói sõi thì nó đã chết. Chẳng hiểu vì sao? Sau một đêm mưa, sáng ra tôi thấy nó gục chết trong chuồng, thân thể cứng đờ. Tôi khóc nhiều vì thương nó, cả con H em tôi cũng khóc, chỉ có thằng Ch là đòi vặt lông làm thịt. Tôi lấy một cái hộp giấy cứng đặt xác con chim vào, rồi đào lỗ sau nhà chôn và đắp cho nó một nấm mộ nhỏ. Tôi cũng lấy đất sét nặn một cái bia rồi ghi chữ “Nhòng” lên đó, đặt trước mộ. Nghe tôi kể chuyện này, con Hoa bảo tối tối phải thắp nhang trên mộ chim. Sau này khi nhà tôi ở Long Khánh bố tôi mua lại cho tôi một con nhòng khác, nhưng vì là nhòng đã lớn lại hoang dã nên không dạy được, nó không biết nghe lời. Đến khi nhà tôi rời LK, tôi đã đem ra bán ở bến xe, bên khu rừng cao su, hình như được hai đồng bạc thì phải.

Nhà tôi, nhìn qua bên kia đường là cổng Chi khu Lái Thiêu, bố tôi làm việc ở đây nên anh em chúng tôi "được quyền" ra vào như nhà mình, chỗ nào cũng vào được kể cả kho quân tiếp vụ, chỉ trừ mấy căn phòng có ghi hàng chữ “Bí mật quân sự, lộ bí mật tử hình” mà lúc nào cũng khép kín cửa. Mấy chú lính gác cổng thì chú nào tôi chẳng quen, hơn nữa nhà tôi ngay cổng trại, tháng nào mà mấy chú chẳng mang khẩu phần quân tiếp vụ sang bán cho mẹ tôi. Trong số đó có chú Toản, dân Sài Gòn đi quân dịch, bọn tôi đứa nào cũng thích chú vì chú biết đàn lại hay kể chuyện cho chúng tôi nghe. Những tối không có ca trực thể nào chú cũng ôm cây đàn mandolin nhỏ tẹo ra ngồi ngay vỉa hè chờ chúng tôi, rồi đàn hát và kể chuyện ngay dưới ngọn đèn đường. Những tối có mưa, trời vừa tạnh, chú lại cùng bọn tôi cầm đèn pin lao ra đường bắt dế cơm và cà cuống (tinh dầu cà cuống thơm lừng mà dằm nước mắm ăn với bánh cuốn thì phải biết, còn dế cơm ngắt đầu, nhét hạt đậu phộng vào bụng, lăn bột chiên thì hết ý). Chú chơi với cả bọn nhưng chiều nhất thằng Út, vì nó có chị gái, chị nó là chị Đức đang học đệ ngũ, đệ tứ gì đó thì xin nghỉ, ở nhà làm thợ may, chú Toản lại thích mê thích mệt chị thằng Út và hay viết thư cho chị nó. Những tối đi bắt dế cơm, cà cuống, được bao nhiêu chú cũng bỏ hết vào hộp guigoz đưa cả cho thằng Út mang về làm đồ nhậu cho cha nó. Nói thật là tôi rất đau khổ vì thua thằng Út khoản này, tôi không có chị gái để được chú Toản yêu chiều, tôi chỉ có em gái, mà con H, em gái tôi thì lại quá nhỏ đang học ký nhi viện nên chú Toản chẳng thèm để ý đến, vả lại nó cũng còn hay đái dầm nữa. Nhưng dù sao tôi cũng may mắn hơn nhiều đứa khác vì đã mấy lần được chú giao trọng trách đưa thư cho chị Đức. Mỗi lần đưa thư tôi lại nhìn thẳng vào mặt chị Đức, để thấy mặt chị bèn bẹt, tròn xoay, có cái mụn ruồi trên má, tóc ngắn cũn cỡn chẳng xinh bằng con Hoa. Tôi nghĩ bụng mình mà là chú Toản thì chẳng bao giờ mình viết thư cho chị Đức.

Nhưng thật không ngờ chuyện của chú Toản và chị Đức lại có một kết cục khủng khiếp làm xôn xao cả quận lúc bấy giờ. Ngày ấy chúng tôi còn nhỏ quá nên không thể hiểu hết ngọn ngành, chỉ nhớ vào một tối, cũng sau một cơn mưa, chúng tôi lại lao ra tìm dế và cà cuống. Hôm ấy chú Toản phải gác không ra được với chúng tôi. Cả bọn mê mải tìm dế và cà cuống cho đến khi chị Đức bước ra ngõ (nhà thằng Út trong hẽm gần dãy phố nhà tôi) đứng gọi thằng Út Chót về thì xảy ra chuyện. Cũng phải nói thêm Chi khu Lái Thiêu ngày ấy có nhiều bót gác chung quanh đồn, trong đó có 3 bốt gác nằm sát con đường nhà tôi. Bót cuối cùng nằm ở góc cuối đường đâu lưng với Trại Quân cụ, vuông góc với con đường dắt qua rạp hát Tân Lạc, bốt gác này cách ngõ vào nhà thằng Út độ năm chục mét. Tối ấy chú Toản gác ở bót cuối cùng, sát đường và khi thấy chị Đức ra gọi thằng Út thì chú bắn chị, thấy chị gục xuống, tưởng chị chết, chú kê súng lên cằm tự sát, chết tại chỗ. Bọn trẻ chúng tôi nghe tiếng súng, lại thấy chị Đức ngã xuống thì hoảng hốt bỏ chạy. Cả phố náo động, người lớn túa ra đường tìm con cái, tiếng la hét hoảng loạn hòa trong tiếng còi báo động rúc lên ngay lúc đó. Mẹ tôi lúc này mới sinh thằng M, em trai tôi, đầu còn trùm khăn cũng chạy ra lôi tôi vào nhà đóng kín cửa. Lát sau bố tôi về thì thầm với mẹ, tôi mới lõm bõm biết chú Toản thất tình gì đó nên muốn cùng chết với chị Đức, để cả hai hóa thành đôi bướm trắng cùng nhởn nhơ hạnh phúc nơi thiên đường như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài trong tuồng cải lương. Nhưng chị Đức không chết, chị chỉ bị đạn sượt qua vai, vào nhà thương vài hôm rồi về, nhưng chị khóc rất nhiều sau chuyện đó. Tôi hỏi thằng Út nhưng nó nói chẳng biết gì, tôi tin nó nói thật vì nó đã có bạn gái như tôi đâu mà biết gì về chuyện tình cảm. Có lẽ đó là sự kiện chấn động đầu tiên kể từ khi tôi về Lái Thiêu và trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của nhiều người dân ở đây một thời gian dài sau đó. Và câu chuyện tình đau thương này chỉ tạm lắng xuống khi có sự kiện thứ hai to lớn xảy ra.

Một buổi sáng tháng 11 năm 1963, tôi được bố cho nghỉ học và hai bố con bắt taxi con cóc lên Sài gòn để mua một cái radio mới và định sau đó sẽ ghé qua Gò Vấp thăm gia đình bác Hiệu (vào Nam sau gia đình tôi một năm). Dọc đường thấy chuyện lạ là sao đường phố Sài gòn chỗ nào cũng có lính đứng gác, có những con đường toàn quân cảnh Mỹ mặc quân phục trắng bồng súng đứng nghiêm nghị. Rồi những hàng quán hai bên đường hầu hết đều đóng cửa im ỉm dù lúc này đã hơn 7g sáng, đến tiệm bán radio cũng vậy, cửa sắt kéo kín mít. Bố tôi quen một tiệm nên bấm chuông gọi, ông chủ tiệm mở cửa kéo bố con tôi vào rồi sập cửa lại ngay. Ông chủ thì thầm hình như có đảo chính gì đó. Bố tôi lo lắng vì bỏ doanh trại lúc này là vi phạm quân lệnh, và hôm nay lại mới thứ sáu. Thấy tình hình không ổn, bố tôi vội vàng chọn cái radio hiệu Philips 3 band có bao da mà ông chủ tiệm khen là tốt nhất rồi lên taxi trở về, bỏ dự định ghé Gò Vấp. Dọc đường bật cái radio mới, dò đài phát thanh Sài gòn nhưng toàn nghe chương trình ca nhạc, thỉnh thoảng lại bị đứt quãng chỉ nghe tiếng rè rè hay khọt khẹt mà không thấy tin tức gì cả. Về gần tới Lái Thiêu thì thấy những chiếc xe tàu bò bọc thép, xe GMC chở đầy lính với đầy đủ súng ống, lá ngụy trang và cả những chiếc xe chở đầy quân khuyển (chó đánh trận) đi ngược lại, hướng về phía Sài gòn. Bố tôi biết có biến thật rồi. Về đến nhà ông thay ngay quân phục chạy vội vào doanh trại chi khu. Mãi đến chiều qua đài phát thanh quốc gia Sài Gòn mọi người mới biết đích xác là có đảo chính và lệnh giới nghiêm toàn quốc, hôm ấy là ngày 1 tháng 11 năm 1963. Cuộc đảo chính này do các tướng quân đội tổ chức mà cầm đầu là tướng Dương Văn Minh, họ đã bắt và giết chết ông Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu vào ngay sáng ngày hôm sau (lúc đó họ bảo hai ông này tự sát). Sự kiện thứ hai này tuy to lớn cấp quốc gia, đánh dấu sự sụp đổ của nền đệ nhất cộng hòa sau gần chục năm tồn tại và được ghi vào sách lịch sử hẳn hoi, nhưng bọn trẻ con chúng tôi không để tâm nhiều, chỉ biết rằng từ nay khi xem xi-nê sẽ không còn phải đứng lên suy tôn Ngô Tổng thống trước khi vào phim nữa, còn mẹ tôi, người luôn bị ám ảnh bởi ngày lễ Phật đản bị đàn áp ở Quảng Ngãi và hình ảnh tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức trước đó, thì bảo sẽ không còn cảnh đàn áp Phật giáo, chùa chiền từ nay sẽ được yên ổn…

La Ngà

Tôi lên lớp Nhì, học ở Lái Thiêu được vài tháng thì bố tôi chuyển về La Ngà, Định Quán (lúc bấy giờ còn thuộc tiểu khu Long Khánh), doanh trại nằm ngay dưới chân cây cầu sắt sừng sững bắc qua dòng sông La Ngà cuồn cuộn chảy. Bên kia đường là những cột điện cao thế hùng vĩ có hàng rào bao bọc và gắn bảng nguy hiểm chết người với hình cái đầu lâu. Cột điện này nằm gần một con suối nước trong vắt, lòng suối đầy đá cuội và là nơi người lớn hay giặt giũ trên những phiến đá to, phẳng lì còn bọn trẻ con chúng tôi thì tắm, bắt cá và đùa nghịch.

Ở La Ngà, trường tôi học là một dãy nhà ba gian làm bằng gỗ lợp tole nằm trên một ngọn đồi nhỏ, cạnh ngôi nhà thờ cũng bằng gỗ, sát quốc lộ 20 đi Đà Lạt. Tuy chuyển trường đến nhưng thầy giáo vẫn bắt tôi phải làm bài khảo sát trước khi cho vào học chính thức. Tôi nhớ thầy bắt tôi làm toán, tập làm văn và vẽ hình chai xá xị có tô màu. Ngày hôm sau tôi được nhập học. Lớp Nhì của tôi có độ hai chục đứa, chỉ dăm đứa là con lính còn hầu hết là có cha mẹ làm vườn quanh đó. Bố tôi muốn tôi phải đứng đầu cái đám trẻ "rừng rú" này nên nhờ một chú lính biết nghề thợ mộc đóng cho một cái bảng, sơn đen hẳn hoi và mua quyển “365 bài toán đố” về kèm cặp, sau đó lại nhờ mấy chú lính có bằng trung học trong đồn ra kèm thêm mỗi tuần mấy buổi. Tôi không ấn tượng lắm về trường học ở đây nên chẳng nhớ đứa nào, có lẽ vì phải xa con Hoa nên tôi buồn và phớt lờ tất cả. Chỉ ấn tượng nhất là dòng sông La Ngà chảy ầm ầm đêm ngày, giữa giòng có những phiến đá to, nước đập vào tung bọt trắng xóa và cây cầu sắt cũ kỹ xây từ hồi Pháp thuộc có những hàng lò xo khổng lồ làm bệ đỡ bên dưới mỗi nhịp khiến chiếc cầu rung lên bần bật mỗi khi có xe tải hay xe be chở gỗ đi qua. Ở La Ngà, bố tôi thân với chú lính người Nùng, tên Minh, săn bắn rất giỏi, thế nên nhà tôi thường xuyên được ăn thịt rừng, khi thì nai, mễn, khi thì heo rừng. Chú Minh  ở ngay trong đồn một mình, hiền, ít nói, lúc rãnh rỗi chỉ biết lấy cây súng săn ra lau chùi và ngắm nghía, chú hay dắt tôi vào bìa rừng chỉ cách ngắm bắn súng, cách nhìn mắt thú ban đêm và đặt bẫy gà rừng, nhưng tôi không tha thiết lắm, với tôi rừng đầy nguy hiểm và bất trắc không phải chỗ dành cho tôi, chỉ có dòng suối bên kia đường là bình yên và dịu dàng, nơi tôi và lũ em hay lẽo đẽo theo mẹ đi giặt rồi ngâm mình dưới dòng suối mát lạnh hay tha thẩn dọc ven suối để tìm những hòn sỏi đẹp làm đá kỳ cho mẹ tôi.

Mùa nắng sông La Ngà khá hiền hòa và trong vắt, nhưng mùa mưa, nước đầu nguồn từ cao nguyên Di Linh đổ về, dòng sông dâng cao, mênh mông, dữ tợn nhận chìm tất cả những tảng đá giữa dòng. Những lúc này không còn thấy nước tung bọt trắng xóa, chỉ thấy dòng nước đục ngầu, đặc quánh phù sa, gầm gừ chảy cùng những xoáy nước hun hút như những con mắt của thủy quái, phô bày sự hiểm ác và sức mạnh ghê gớm của nó. Mọi người không ai dám xuống bến, trẻ con thì bị cấm chỉ tuyệt đối. 

Một buổi chiều khi nắng đang nhạt dần, tôi với mấy đứa em đứng thơ thẩn ở sân nhà nhìn xuống bến sông, bỗng tôi thấy chấp chới một hình ảnh giống như một đầu người đang chới với giữa giòng nước cuồn cuộn, tôi hoảng sợ vì nghĩ có người chết đuối vội vàng chạy vào gọi mọi người. Bố tôi và mấy người hàng xóm chạy ra, nhưng không ai nhìn thấy gì cả, bố tôi lại chạy lên cầu, hỏi mấy chú lính gác dưới gầm cầu cũng chẳng ai thấy gì, mọi người bảo tôi trông gà hóa cuốc, tôi cũng mong mình nhầm lẫn, nhưng hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi mãi đến sau này.


(còn nữa)