Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Lại một chuyện buồn giáo dục

Tuổi trẻ online hôm nay đưa tin trường THPT Kiến Tường (Long An) sẽ đánh giá lại hạnh kiểm của nữ sinh “chê” bệnh viện.

Chuyện nghe thật tức cười, chẳng là em T, một nữ sinh lớp 12 của trường đã từng bị tai nạn và nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đồng Tháp Mười, TX Kiến Tường sau khi xuất viện em viết lên tài khoản facebook cá nhân nội dung: “Nói thật, thái độ phục vụ của bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sỹ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi”.

Vì dòng Stt này đăng trên Facebook mà học sinh T bị kỷ luật
Từ nhận xét trên, HS này bị nhà trường mời lên kiểm điểm, lập hội đồng kỷ luật em ở mức độ khiển trách và cuối năm hạ bậc hạnh kiểm từ Tốt xuống Trung bình (dù điểm trung bình các môn văn hóa cuối năm của em là 8,7, đạt khung Giỏi. Điều này cũng có nghĩa trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia cuối năm em T có đạt bao nhiêu điểm đi nữa thì cũng chỉ được xếp tốt nghiệp loại Trung bình và rất thiệt thòi khi dự xét tuyển Đại học) với lý do vi phạm điều 41, Điều lệ nhà trường trung học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo . Cụ thể là đã có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười trên mạng xã hội Facebook (Lưu ý: Điều 41, khoản 1 của Thông tư trên là cấm HS không được: “Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác”).

Qua sự việc người ta thấy ngay nhà trường căn cứ vào điều 41 của Thông tư 12/2011/TT/BGDĐT để kỷ luật và hạ bậc hạnh kiểm HS này là hoàn toàn không đúng và quá tàn nhẫn, vì em này chỉ nhận xét cách hành xử của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên nơi em đã trải qua thời gian điều trị và chứng kiến. Nên nhớ với tư cách một bệnh nhân, tức là khách hàng sử dụng dịch vụ của bệnh viện, em T. hoàn toàn có quyền đưa ra những nhận xét, góp ý về chất lượng phục vụ. Người ta thắc mắc tại sao nhà trường không tìm hiểu ngọn nguồn để xem điều em phản ánh có đúng hay khộng mà vội vàng cho rằng em làm mất uy tín danh dự của bệnh viện rồi kỷ luật và hạ bậc hạnh kiểm em, trong khi ai cũng biết uy tín và danh dự của bệnh viện phụ thuộc phần lớn vào chất lượng phục vụ của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên!

Càng buồn cười hơn khi nhà trường đã kỷ luật, hạ bậc hạnh kiểm HS, giờ bảo muốn đánh giá lại thì HS phải làm đơn. Thật đúng kiểu tư duy ban phát xin - cho. Chợt nghĩ cứ theo đà này ông Nguyễn Thanh Chấn và những người dân bị án oan muốn được xin lỗi chắc cũng phải làm đơn xin tòa án chăng?

Một điều cũng cần suy nghĩ thêm, đó là một HS đã có điểm trung bình các môn cuối năm 8.7, đạt khung Giỏi, nghĩa là có quá trình học tập cả năm nghiêm túc thì ít khi có nhận xét hồ đồ, còn việc em T. xóa nội dung trên facebook thì chẳng qua vì em quá sợ cái quyền uy sinh sát của thầy cô, khi em đang là HS cuối cấp, kết quả hạnh kiểm và lời phê trong học bạ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai vào đời của em sau này, mà trước mắt là kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học sắp tới.

Nói đi thì cũng phải nói lại, không ít người cho rằng thầy cô trường THPT Kiến Tường cũng bị áp lực từ đâu đó nên phải xuống tay với HS của mình, vì ai cũng biết một ông bà giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực quyền uy hơn rất nhiều so với một ông bà hiệu trưởng trường THPT. Càng quyền uy hơn nếu ông bà giám đốc này lại nằm trong BCH thị ủy, lúc đó ông bà Hiệu trưởng sẽ là đảng viên cấp dưới và nếu không biết làm vừa lòng cấp trên thì thân phận thế nào chắc ai cũng rõ! Như vậy, vì áp lực mà thầy cô phải ngậm miệng kỷ luật HS mình cho vừa lòng người ta chứ thầy cô đâu có ngu đến nỗi áp đặt một cách phi lý điều 41 của Thông tư 12 như thế!

Nhưng nói gì thì nói, một khi thầy cô đã cúi đầu trước quyền lực để bắt HS mình phải ngậm miệng làm ngơ trước những điều chướng tai gai mắt kể cả những oan khuất cho bản thân thì có nghĩa là thầy cô đã muốn sản phẩm của mình cũng trở thành những kẻ hèn như chính mình hiện nay! Vậy thì đáng buồn cho giáo dục biết bao nhiêu!
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170602/se-danh-gia-lai-hanh-kiem-cua-nu-sinh-che-benh-vien/1324977.html

P/S: Sáng nay (03/6), cũng theo TTO, nữ sinh T được xếp lại hạnh kiểm Khá nhưng phụ huynh vẫn không đồng tình. Cũng qua bài báo lại thấy thêm những khuất tất trong việc thực hiện quy chế của trường THPT Kiến Tường, như: lập hội đồng kỷ luật mà không có mặt phụ huynh của em T, sau đó cũng không thông báo kết quả kỷ luật (Mẹ em T. cố liên lạc với nhà trường để xin cho em…, bà cũng không biết rằng bị kỷ luật thì sẽ hạ bậc hạnh kiểm…) và cuối năm cũng không thấy nhà trường tổ chức phiên họp xét lại kỷ luật cho em T. theo quy định tại Thông tư 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục (Lưu ý: Thông tư này tuy cũ nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào thay thế)! Lạ, vậy mà bà Hiệu trưởng vẫn nói việc thực hiện kỷ luật em T. đúng quy trình! (Lại thêm vụ việc đúng quy trình mà sao thấy trật lất!)
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170602/xep-lai-hanh-kiem-nu-sinh-che-benh-vien-tren-facebook-loai-kha/1325160.html

Những chuyện tầm phào

Chuyện 1: Gần đây báo chí và mạng xã hội ồn ào việc ông chủ tịch thành phố Sài Gòn đề xuất văn phòng nên mua cho mỗi vị Phó chủ tịch một cái đồng hồ để giờ nào việc đó, tránh làm việc theo giờ giấc dây thun. Ngay một anh ngốc nghếch hay một đứa trẻ con cũng biết đó là cách nói bóng gió để nhắc nhở cách làm việc khoa học, tôn trọng giờ giấc chứ chẳng ai nghĩ là thành phố sẽ phải chi ra một khoản tiền để mua đồng hồ cho các quan chức theo nghĩa đen cả. Ấy thế mà nhiều bộ óc cả nghĩ lại cho rằng ông Chủ tịch đề xuất mua đồng hồ thật, rồi từ đó mà suy luận rằng đồng hồ cho lãnh đạo chắc phải là đồng hồ xịn, đắt tiền, rằng là chi tiêu lãng phí tiền thuế của dân… Vậy là từ một cách nói bóng gió họ đẩy lên thành một giải pháp “làm nghèo đất nước”, “lạ lùng”, “quái đản”, “ngỡ ngàng”… 

Chuyện 2: Chuyện ông Thủ tướng Phúc tặng ông TT Trump cái đèn dầu trong chuyến thăm Mỹ vừa qua cũng tạo thành “cơn bão mạng” bàn tán đủ kiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của món quà… Người thì bảo chiếc đèn này không phải của Hoa Kỳ mà có xuất xứ từ Ba Lan, có người lại bảo nó được làm từ mấy nghệ nhân Hàng Thiếc (Hà Nội), rồi lại có ý kiến cho rằng đó là đèn được bán ra từ hiệu Hoa Ky (Hàng Trống, Hà Nội)... Còn ý nghĩa món quà thì ôi thôi đủ kiểu… Thôi thì, dù xuất xứ ở đâu đi nữa nhưng cả trăm năm nay chiếc đèn đó, ở Việt Nam cũng đã chết tên “đèn Huê Kỳ” (cũng như cứ xe gắn máy thì gọi là xe Honda vậy, bất kể là Suzuki, Yamaha hay Kawasaki) thế nên cứ trong ý tứ mà suy thì xét cho cùng món quà ấy vẫn mang những thành ý tốt đẹp cho cả hai bên: người tặng lẫn người nhận, khác hẳn trò xỏ lá trẻ con của món quà mà người ta tặng ông nghị sĩ John Mc Cains năm nào.

Chỉ thế thôi, chuyện có gì mà ầm ĩ, mà “âm mưu”, mà “diễn biến” đến thế?