Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010


Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Ấn tượng Ngô Bảo Châu

Ông trẻ Ngô Bảo Châu và Huy chương Fields
Cả thế giới ấn tượng, còn Việt Nam thì lên cơn sốt khi Ngô Bảo Châu dành được giải thưởng Fields, một giải thưởng danh giá cỡ "Nobel" trong lĩnh vực Toán học. Mình thì chẳng hiểu tí gì về Bổ đề cơ bản Langlands nên cũng chẳng thể thấy hết cái vĩ đại của ông trẻ này, thế nhưng lại ấn tượng với một câu trên blog: "Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết,  lần này cứ thắc mắc về chuyện Ngô Bảo Châu là lề trái hay lề phải. Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do" (Tâm sự và giải đáp thắc mắc - thichhoctoan.wordpress.com).
Ái chà, không ngờ khẩu khí của ông trẻ này cũng thâm hậu gớm!


Viết tiếp 07g17' ngày 28/8/2010: Mấy hôm nay có lẽ ông trẻ đã bắt đầu thấm mệt vì phải tiếp đón biết bao khách khứa, họ hàng thăm viếng, chúc tụng, nghe nói sắp tới còn được đè ra gắn cả huy chương nữa! 
Các bác nhà báo, nhà đài thì hè nhau tung hê ông trẻ lên tận mây xanh, nhiều câu tán dương nghe nổi gai ốc. Có người còn mừng đến độ muốn nhẩy cẫng lên, tưởng như chính họ được phiêu (Fields) ... Giá mà người ta làm từ từ, đừng vội vã như sợ mất phần thì có lẽ ông trẻ nhà ta không đến nỗi bội thực. 
Ôi, đến cái khen mà cũng phải tranh nhau, trong khi đời còn biết bao điều ...
Thế mới biết khen nhau cũng khó lắm và làm người nổi tiếng thì cũng chẳng sung sướng gì!
May cho mình ... hè hè ...

Adelita của Tarrega

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Vê đàn - Vế đan ...

Biểu tượng phá hoại môi trường
Sáng nay thật vui khi nghe tin Vedan đã hoàn toàn thúc thủ trước những đòn giáng trả liên hoàn của phe ta và đành phải chủ động xin thương lượng gấp với Bộ Tài nguyên-Môi trường.
Trước tiên là quyết định khởi kiện đến cùng của nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, các cơ quan chức năng và các văn phòng luật sư. Kế đến là những đòn bồi trí mạng của các hệ thống siêu thị. Đầu tiên là Coop-mart tuyên bố tẩy chay mọi sản phẩm Vedan. Hành động dứt khoát này đã kéo theo sự hưởng ứng mạnh mẽ của các hệ thống siêu thị khác trong cả nước. Đến nước này thì Vedan đành thúc thủ và xin được bồi thường 100% thiệt hại cho bà con nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Mà bồi thường chứ không phải là hỗ trợ như những tuyên bố láo toét trước đây. Vậy là sức mạnh đoàn kết vẫn còn nguyên giá trị, nhất là khi nó biết nhắm vào gót chân A-sin của Vedan là năng lực tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Chỉ tiếc cho anh Đồng Nai “dở dở ương ương” cứ mãi hoà hoãn, chần chừ, nhượng bộ … chẳng hiểu các bố ấy còn chờ gì ở Vedan? Hay là đã lỡ há miệng mắc quai mất rồi? Đúng là cháy nhà mới ra mặt chuột!
Xin chúc mừng thắng lợi của bà con ta!

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

USS George Washington

Hàng không mẫu hạm USS George Washington của Hoa Kỳ



Theo RFI (Pháp), Hàng không mẫu hạm USS George Washington cũa Mỹ vừa xong đợt tập trận ở Hàn Quốc đã ghé cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm 4 ngày nhân dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập bang giao Việt-Mỹ và trong dịp này, nhiều quan chức Việt Nam đã được trực thăng đưa ra thăm con tàu khổng lồ này.
Việc hàng không mẫu hạm USS George Washington ghé Đà Nẵng chắc sẽ làm anh Tàu khựa “khíu khíu chọ” lắm đây, bởi hành động này ngầm cho thấy  ta cũng có những đối sách quyết không để cho anh Tàu khựa tung hoành ngang ngược ở biển Đông để dễ bề thôn tính Hoàng Sa, Trường Sa.
Lại nghe gần đây Mỹ còn có những thoả thuận về chia sẻ công nghệ hạt nhân với ta mặc cho Tàu anh lên tiếng phản đối ầm ĩ!
Chà chà, chơi kiểu này chắc làm anh láng giềng lưu manh chuyên cậy thế mông to bụng phệ tức điên lên mất. Khe khe!

Nghệ sĩ nhân dân Y Moan

Nghệ sĩ Y Moan trong đêm liveshow ở Hà Nội
Nghe tin nghệ sĩ Y Moan bệnh nặng mà vẫn cố gắng tổ chức liveshow ở Hà Nội. Đồng nghiệp, khán giả yêu mến Y Moan đến đông nghẹt dù cho giá vé chẳng rẻ chút nào. Và cũng nghe rằng anh vừa hát vừa phải thở oxy sau cánh gà, rồi gia đình, bạn bè phải chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó trong tình huống xấu nhất đến với anh ...
Vào mạng, tìm được clip Y Moan hát “Giấc mơ Chapi” của Trần Tiến trong đêm liveshow, giọng anh vẫn ngọt ngào ấm áp và hừng hực nắng, gió cùng chất lửa của đại ngàn Tây Nguyên nhưng lại có cái gì đó cồn cào, da diết hơn. Anh hát như là lần được hát cuối cùng của đời mình. Dường như không chỉ là lời hát mà còn là lời tâm tình, nhắn nhủ trước lúc chia xa với nhân gian? Nghe mà cảm động đến ứa nước mắt.
Chắc chắn hàng triệu khán giả yêu thích chất mộc mạc khoẻ khoắn hoang dã của giọng ca Y Moan cũng đều xót xa khi ngày nào đó không còn được nghe tiếng hát của anh, không còn được thấy cái dáng sừng sững của anh trên sấn khấu ...
Thôi, cũng chỉ biết cầu nguyện để bệnh tình đừng làm khổ anh, để anh được tiếp tục sống trong những thời khắc không mùa đông không mùa nắng mưa,… chỉ có một mùa yêu nhau… như trong giấc mơ Chapi mà anh đã từng say sưa cháy bỏng đến nao lòng.

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Hội văn ve ...

Nhà văn Vũ Tú Nam tham gia bỏ phiếu
Mấy ngày nay, nhiều tờ báo sôi nổi tường thuật về Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tưng bừng với chủ đề “Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người”. 
Chủ đề hoành tráng là thế nhưng lại thấy có nhiều chuyện nhếch nhác rất buồn cười như việc chủ tịch đoàn tra tấn các đại biểu bằng các bài tham luận liên tu bất tận nên nhiều nhà văn bỏ ra ngoài hút thuốc, tán gẫu hoặc vỗ tay liên tục để mời diễn giả lui xuống; rồi hệ thống loa trong hội trường lúc thì oang oang, lúc thì ậm oẹ, lúc thì tịt hẳn khiến chẳng ai nghe được gì, nhất là khi nhà văn Trần Mạnh Hảo nhào lên chộp micro giành đọc tham luận thì ban tổ chức chơi ngắt luôn cầu dao điện. Buồn cười nhất là lúc bầu cử, có người còn đề cử cả Tố Hữu và Nguyễn Khải vào danh sách Ban chấp hành, mà hai vị này đã về cõi tiên từ thời tám hoảnh (theo Tuổi trẻ), rồi nhà thơ Vũ Quần Phương phán thẳng thừng về việc bầu bán rằng: “Các nhà văn phải có cái nhìn khinh bỉ hơn đối với công việc của Ban chấp hành thì sẽ dễ bầu thôi.”(?) (VietNamnet)
Có lẽ nói nặng lời như nhà thơ Vũ Quần Phương cũng chẳng có gì là quá vì nghe nói cả một cái đại hội danh giá gần ngàn con người đáng kính tham dự, thế mà chẳng có ai quan tâm đến văn chương, tác phẩm mà chỉ lo mắng nhau rồi vận động hành lang cho người này, người kia và nhấp nhổm xem ai trúng cử vào Ban chấp hành, ai là hội trưởng, ai là hội phó để rồi kéo bè, kéo cánh. Nói như những người phục vụ ở Học viện Hành chính Quốc Gia, nơi diễn ra hội nghị thì “chưa có cái đại hội nào khủng khiếp như Đại hội Hội Nhà văn, ồn ào nhất, lộn xộn nhất và bẩn nhất (Theo ViêtNamnet), có lẽ nhận xét này phải hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đúng là nhà văn nhà ve, toàn những người thích đùa, mà trò đùa lại chẳng mấy duyên dùng!
Thoạt đầu nghe chuyện thì buồn cười nhưng rồi lại thấy buồn buồn và đâm ra nghi ngờ cái hội văn này quá!
Chẳng biết các bác nhà văn đáng kính của chúng ta nghĩ gì?

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Tình yêu trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Hưng Quốc - Thứ Ba, 03 tháng 8 2010

Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp không hề viết về tình yêu.
Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, toàn bộ những mối tình của con người hiện đại đều vô cùng nhếch nhác; ở đó, tình yêu bị biến thành vô nghĩa bên cạnh thế lực của đồng tiền; ở đó, người ta chỉ biết có tiền và hình như không hề biết đến tình yêu. Như "mối tình" giữa Cún và Diệu: Diệu đồng ý hiến thân cho Cún để lấy chiếc nhẫn; sau khi ăn nằm với nhau, cô đẩy Cún ra vỉa hè với câu tuyên bố "Thế là chẳng có nợ nần gì nhé" (1). Như "mối tình" giữa Hạnh và hai mẹ con bà Thiều: Hạnh sẵn sàng mò dưới ống cống đầy cả phân người để tìm chiếc nhẫn hầu lấy lòng của Thoa, và hiếp cả bà Thiều, mẹ của Thoa, để đổi lấy chiếc vé số mà Hạnh tin là sẽ trúng giải ("Huyền thoại phố phường"). Trong truyện "Không có vua", cha chồng thì dòm lén cảnh nàng dâu tắm; em chồng thì đòi ngủ với chị dâu; em ra điều kiện với anh: nếu giúp anh tán và ngủ được với bạn gái của mình thì được thưởng cái đồng hồ, nếu lấy làm vợ được thì thưởng 5% của hồi môn. Trong truyện "Những bài học nông thôn" có mẩu đối thoại giữa hai người đàn bà, bà và mẹ của Lâm, như sau:
Bà Lâm bảo: "Ngày xưa có ông Hai Chép lái đò ham đánh tam cúc ăn tiền, đầu tiên mất tiền, rồi mất ruộng, mất đến nhà, vợ nó cũng bỏ đi nốt. Thế là đến đêm ra thuyền ngồi khóc. Giận đời, lại muốn chuộc tội, ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sông. Vợ nó cũng chẳng quay lại." Mẹ Lâm bảo: "Đàn bà thế là bạc." Bà Lâm bảo: "Bạc gì? Có hai hòn dái là của quý thì mất rồi còn đâu? Chị Hiền cười: "Gớm, chuyện của bà cứ rợn rợn là." (2)
Không phải chỉ có Hiền mới thấy "rợn rợn". Cả người đọc cũng thấy "rợn rợn". Mà "rợn rợn" không phải chỉ ở chi tiết "ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sông". Cảm giác "rợn rợn" còn xuất phát từ lời nhận định của bà nội của Lâm, một người đàn bà 80 tuổi, con cháu đầy nhà: bà không hề tin vào tình yêu.
Có lẽ chính Nguyễn Huy Thiệp cũng không tin vào tình yêu. Trong truyện của ông, hình như chỉ có hai mối tình đẹp: một trong huyền thoại (truyện về vợ chồng Lù và Hếnh trong "Những ngọn gió Hua Tát") và một của... khỉ (trong truyện "Muối của rừng"). Trong truyện ngắn "Chuyện tình kể trong đêm mưa", người ta những tưởng là sẽ bắt gặp một mối tình đẹp, nhưng không, cuối cùng, Muôn đã bỏ cuộc, bỏ Bạc Kỳ Sinh, người nàng yêu tha thiết để lấy Lò Văn Ngân, kẻ thù của người yêu cũ nhưng lại là người có tiền và có thế lực đủ để bảo đảm cho nàng một cuộc sống êm ấm. Bạc Kỳ Sinh ra đi, trôi giạt đến tận Hoa Kỳ, với một kinh nghiệm đau đớn: Tình yêu là "một hung thần" (3).
Thái độ ngờ vực đối với tình yêu của Nguyễn Huy Thiệp thể hiện rõ rệt nhất có lẽ là trong truyện "Trương Chi", ở đó, ông viết:
Trong truyện cổ, người ta kể rằng khi hát xong câu hát cuối cùng:
Kiếp này đã dở dang nhau
Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành.
Trương Chi đã nhảy xuống sông tự trầm. Hồn chàng nhập vào thân cây bạch đàn. Người ta lấy gỗ bạch đàn tiện thành bộ chén tiến vua. Mỵ Nương rót nước, nhìn thấy hình ảnh Trương Chi trong chén. Giọt nước mắt nàng lăn xuống, cái chén bạch đàn vỡ tan.
Tôi - người viết truyện ngắn này - căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Quả thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình.
Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng tôi. Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng.
Cách kết thúc riêng của Nguyễn Huy Thiệp là ông đã cho Trương Chi ra "đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần ra đái vọt xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy." (4) rồi chàng gào lên: "Cứt!" Một lần. "Cứt!" Hai lần. "Cứt!" Ba lần. Cứ thế, Trương Chi, một mình trên chiếc thuyền lênh đênh giữa sông, hết hát lại văng tục "Cứt!".
Như thế, một câu chuyện tình vốn được xem là đẹp và rất đỗi thơ mộng trong truyền thuyết Việt Nam, dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, bỗng dưng đầy những cay đắng, những phẫn hận, những tức tối. Nó không còn là tình yêu nữa. Nó là một sự vỡ mộng về tình yêu.

Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc blog