Nguyễn Hưng Quốc - Thứ Ba, 03 tháng 8 2010
Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp không hề viết về tình yêu.
Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, toàn bộ những mối tình của con người hiện đại đều vô cùng nhếch nhác; ở đó, tình yêu bị biến thành vô nghĩa bên cạnh thế lực của đồng tiền; ở đó, người ta chỉ biết có tiền và hình như không hề biết đến tình yêu. Như "mối tình" giữa Cún và Diệu: Diệu đồng ý hiến thân cho Cún để lấy chiếc nhẫn; sau khi ăn nằm với nhau, cô đẩy Cún ra vỉa hè với câu tuyên bố "Thế là chẳng có nợ nần gì nhé" (1). Như "mối tình" giữa Hạnh và hai mẹ con bà Thiều: Hạnh sẵn sàng mò dưới ống cống đầy cả phân người để tìm chiếc nhẫn hầu lấy lòng của Thoa, và hiếp cả bà Thiều, mẹ của Thoa, để đổi lấy chiếc vé số mà Hạnh tin là sẽ trúng giải ("Huyền thoại phố phường"). Trong truyện "Không có vua", cha chồng thì dòm lén cảnh nàng dâu tắm; em chồng thì đòi ngủ với chị dâu; em ra điều kiện với anh: nếu giúp anh tán và ngủ được với bạn gái của mình thì được thưởng cái đồng hồ, nếu lấy làm vợ được thì thưởng 5% của hồi môn. Trong truyện "Những bài học nông thôn" có mẩu đối thoại giữa hai người đàn bà, bà và mẹ của Lâm, như sau:
Bà Lâm bảo: "Ngày xưa có ông Hai Chép lái đò ham đánh tam cúc ăn tiền, đầu tiên mất tiền, rồi mất ruộng, mất đến nhà, vợ nó cũng bỏ đi nốt. Thế là đến đêm ra thuyền ngồi khóc. Giận đời, lại muốn chuộc tội, ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sông. Vợ nó cũng chẳng quay lại." Mẹ Lâm bảo: "Đàn bà thế là bạc." Bà Lâm bảo: "Bạc gì? Có hai hòn dái là của quý thì mất rồi còn đâu? Chị Hiền cười: "Gớm, chuyện của bà cứ rợn rợn là." (2)
Không phải chỉ có Hiền mới thấy "rợn rợn". Cả người đọc cũng thấy "rợn rợn". Mà "rợn rợn" không phải chỉ ở chi tiết "ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sông". Cảm giác "rợn rợn" còn xuất phát từ lời nhận định của bà nội của Lâm, một người đàn bà 80 tuổi, con cháu đầy nhà: bà không hề tin vào tình yêu.
Có lẽ chính Nguyễn Huy Thiệp cũng không tin vào tình yêu. Trong truyện của ông, hình như chỉ có hai mối tình đẹp: một trong huyền thoại (truyện về vợ chồng Lù và Hếnh trong "Những ngọn gió Hua Tát") và một của... khỉ (trong truyện "Muối của rừng"). Trong truyện ngắn "Chuyện tình kể trong đêm mưa", người ta những tưởng là sẽ bắt gặp một mối tình đẹp, nhưng không, cuối cùng, Muôn đã bỏ cuộc, bỏ Bạc Kỳ Sinh, người nàng yêu tha thiết để lấy Lò Văn Ngân, kẻ thù của người yêu cũ nhưng lại là người có tiền và có thế lực đủ để bảo đảm cho nàng một cuộc sống êm ấm. Bạc Kỳ Sinh ra đi, trôi giạt đến tận Hoa Kỳ, với một kinh nghiệm đau đớn: Tình yêu là "một hung thần" (3).
Thái độ ngờ vực đối với tình yêu của Nguyễn Huy Thiệp thể hiện rõ rệt nhất có lẽ là trong truyện "Trương Chi", ở đó, ông viết:
Trong truyện cổ, người ta kể rằng khi hát xong câu hát cuối cùng:
Kiếp này đã dở dang nhau
Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành.
Trương Chi đã nhảy xuống sông tự trầm. Hồn chàng nhập vào thân cây bạch đàn. Người ta lấy gỗ bạch đàn tiện thành bộ chén tiến vua. Mỵ Nương rót nước, nhìn thấy hình ảnh Trương Chi trong chén. Giọt nước mắt nàng lăn xuống, cái chén bạch đàn vỡ tan.
Tôi - người viết truyện ngắn này - căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Quả thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình.
Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng tôi. Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng.
Cách kết thúc riêng của Nguyễn Huy Thiệp là ông đã cho Trương Chi ra "đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần ra đái vọt xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy." (4) rồi chàng gào lên: "Cứt!" Một lần. "Cứt!" Hai lần. "Cứt!" Ba lần. Cứ thế, Trương Chi, một mình trên chiếc thuyền lênh đênh giữa sông, hết hát lại văng tục "Cứt!".
Như thế, một câu chuyện tình vốn được xem là đẹp và rất đỗi thơ mộng trong truyền thuyết Việt Nam, dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, bỗng dưng đầy những cay đắng, những phẫn hận, những tức tối. Nó không còn là tình yêu nữa. Nó là một sự vỡ mộng về tình yêu.
Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc blog