Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Đường xa nghĩ nỗi...

Mình có ông bạn cùng tuổi (chỉ là tuổi giấy tờ thôi chứ tuổi thật thì lớn hơn, vì ngày xưa để trốn quân dịch nên anh em ta thường phải khai bớt tuổi), chỉ còn hai năm nữa về hưu, thế mà đùng một cái làm đơn xin nghỉ dạy về giải quyết chuyện gia đình! Hỏi thì bảo việc ở quê bức bách quá nên đành phải vậy. Mình bảo sao không xin nghỉ không lương một thời gian mà thu xếp việc nhà? Anh bạn buồn buồn lắc đầu bảo: “Thôi, đã nghỉ là nghỉ hẳn, vì nghỉ không lương thì cũng chẳng biết đến bao giờ mà còn làm khó cho anh em”.

Nói vậy thôi chứ chuyện anh bạn thì ai cũng có thể lờ mờ hiểu ra. Ba mươi sáu năm đứng lớp cũng vào loại lão làng, lại mấy năm đi tăng cường vùng sâu, chỉ còn vài năm nữa về hưu, tưởng đã yên lành, thế mà mới đây lại bị điều đi nơi khác. Tiếng là điều động luân chuyển nhưng thực ra là muốn “thay máu” đội ngũ, vì nghe đâu nơi anh dạy mấy năm nay bị đánh giá là bết bát. Nhưng thói thường xưa nay hễ thua trận thì chém tướng chứ ai lại chém quân. Còn đây tướng vẫn sống phây phây, quân thì bị dập vùi tan tác. Có phải do thân cô thế cô mà anh bạn mình và nhiều người nữa đành phải làm phận chốt? Chỉ tội là con chốt này già yếu quá, nhỡ có qua được bên kia sông chắc cũng chẳng còn hơi sức nào mà hóa kiếp, cứ nhìn cái dáng vốn đã nhỏ bé, nay lại càng nghiêng xuống, liêu xiêu giữa sân trường đầy nắng gió mà cảm thấy bùi ngùi.

Mấy bữa nay, nghe anh bạn xin nghỉ tự dưng mình có cảm giác mệt mỏi rã rời. Cái mệt mỏi của một người thấy kẻ đồng hành với mình đã về đến nhà và từ nay trên những dặm đường còn lại chỉ còn lại một mình anh trơ trọi...

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh! 

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Khổ cho anh Mách nhà mình


Mách khoe: "Cái gì của tui cũng cỡ này hết!"
Mấy tuần nay thế giới showbiz lại dậy sóng với gameshow Cặp đôi hoàn hảo mà tâm điểm lại là anh Mách nhà mình. Từ một lực sĩ thể hình với vẻ mặt ngơ ngơ chân chất, bộ dạng cục mịnh, tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với cái thế giới nghệ thuật, vốn đỏng đảnh và đĩ thõa, Phạm Văn Mách tự tin tham gia Cặp đôi hoàn hảo cùng với người đẹp á quân Việt Nam Idol 2011 Văn Mai Hương và giờ đây, khi trò chơi mới đi được nửa chặng đường, chưa biết ngã ngũ ra sao thì anh lại  hăng hái tuyên bố sẽ bước vào lĩnh vực ca nhạc chuyên nghiệp nếu khán giả cứ tiếp tục ủng hộ như thế(!)

Khổ cho Mách nhà mình, cũng chỉ vì những lời tâng bốc thái quá và cả những lời khen “mát mẻ” của báo chí rồi các ông bà giám khảo trong gameshow Cặp đôi hoàn hảo. Cái giọng sên sến cải lương của Mách được họ đẩy lên thành giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, điêu luyện, hớp hồn… thậm chí còn có lời khen đêu đểu kiểu như “Lực sĩ Phạm Văn Mách hút hồn bằng giọng hát Nhà vô địch thể hình châu Á. Rõ đểu, khen mà cứ như xỏ xiên người ta vậy. Cái khổ là anh Mách nhẹ dạ nhà mình lại tưởng thật nên rất ư là phấn khích và mới đây khi được ông "thần đèn" Phước Sang mời đóng phim, mà là phim Tết mới kinh chớ, thì anh cũng lại hăng hái không kém.

Thật ra nếu anh Mách làm được những điều đó thì quá tốt (mà hoàn toàn có thể làm được, bởi hát cỡ Noo Phước Thịnh mà còn làm được ca sĩ thì Mách ta đây thừa sức), song sợ rằng các phù thuỷ showbiz chỉ đẩy anh ra sân khấu làm trò trong chốc lát để kiếm tiền bỏ đầy túi mình, và khi trò chơi chấm dứt, hào quang sân khấu tắt lịm, giấc mơ hoa về con đường nghệ thuật cũng không còn, thì anh Mách lại trở về trơ trọi với những cơ bắp thoi thóp của mình. Như thế thì quả là tội cho anh Mách lắm!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Chuyện chẳng biết vui hay buồn!


Tôi có anh bạn Bắc kỳ, tuy đã “di tản” vào Nam từ năm bẩy sáu,  song vẫn giữ cái kiểu cách lịch sự thơm thảo của dân quê gốc Bắc. Hễ ngồi vào bàn, bất kỳ là cưới hỏi hay giỗ chạp, ăn cơm hay nhậu nhẹt,  anh cũng có thói quen gắp thức ăn cho người này người nọ, đôi khi đầy cả bát, bất kể thân hay sơ, rồi mời mọc “Bác ăn đi! Chú ăn đi!” nhặng cả lên.

Lần một, lần hai, người được mời còn cảm nhận được quan tâm quý trọng nhưng lâu dần nhiều người tỏ rõ sự khó chịu, nhất là các anh Nam bộ. Họ quan niệm rằng đã ngồi vào bàn thì ai thích gì, ăn nấy, sao cứ phải ép, cứ như buộc người ta ăn nhanh để còn dọn dẹp vậy. Thế là bất lịch sự!

Của đáng tội, anh bạn tôi ý đâu phải vậy! Chẳng qua cũng chỉ do cái nếp sống, nếp nghĩ xuất phát từ nỗi ám ảnh một thời về cái đói triền miên nên người ta cho rằng tiếp đãi nhau bằng miếng ăn là cách thể hiện tình cảm quí mến nhất, tử tế nhất. Bởi họ quan niệm có gì quan trọng hơn miếng ăn đâu? Mà quả thật ngay cả trong văn chương các cụ nhà mình cũng còn hằn lại dấu ấn đó. Cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa trí thức phong nhã là thế nhưng trong thơ đùa “Bạn đến chơi nhà” cũng chỉ nói đến miếng ăn chứ đâu nói gì đến cầm kỳ thi hoạ. Những  tác phẩm nổi tiếng của giai đoạn 1930-1945 cũng vậy (nhiều người vẫn cho rằng đây là thời kỳ vàng son nhất của văn chương Việt Nam), đều ít nhiều mang nỗi ám ảnh của cái đói. Những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... Rồi trong tâm thức dân gian, miếng ăn luôn được coi trọng hàng đầu: “Dĩ thực vi tiên”, “Có thực mới vực được đạo”, “Trời đánh còn tránh bữa ăn” hoặc “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”... Trong từ vựng ta cũng thế, cả một lớp từ gắn liền với chữ ăn, tuy rằng ngữ nghĩa của nó có khi chẳng dính dáng gì chuyện ăn uống cả, như: ăn cắp, ăn cướp, ăn hối lộ, ăn gian, ăn hiếp... (Hay là những hành động này, trước đây, cũng khởi đầu bằng việc tước đi miếng ăn của người khác chăng?).

Tôi cũng là dân Bắc kỳ chánh hiệu, di cư vào Nam khi còn nằm trong bụng mẹ, tuy "hương âm vô cải",  song tính cách cũng đã phai nhạt ít nhiều, thấy kiểu cách anh bạn vậy bèn bảo: “Thôi thì ăn trông nồi ngồi trông hướng, thời nay đã khác trước nhiều rồi, ông liệu mà đổi mới đi, kẻo thiên hạ lại bảo mình hâm”. Anh bạn buồn buồn bảo: “Mình cùng lắm chỉ làm người khác  bực nhất thời, chứ còn lắm kẻ vẫn nghĩ và làm theo nếp cũ hàng mấy chục năm nay, gây tổn hại biết bao nhiêu, sao chẳng ai nói gì?”. Nghe anh bạn nói thế mình chẳng biết nói sao, đành ngậm hột thị cho xong.

Chuyện chỉ có vậy, chẳng biết là vui hay buồn nữa!

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Chuyện cười cấm phụ nữ đọc

 Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp đàn bà VN, tặng các bà các cô một chùm vui, nhưng... chỉ để đàn ông mình đọc. Chùm vui này do nhà văn Trang Hạ dịch từ chuyện bên Tàu, nơi mà lắm kẻ cứ nhầm là quê cha đất tổ...


1. Chàng yêu nàng từ thuở nàng mười lăm mười sáu tuổi. Cả hai lén lút đi lại, quan hệ, quậy gia đình, trốn nhà đi, dọa chết nếu không được chấp nhận. Nếu quan hệ ấy kéo dài một năm, được gọi là phạm pháp, dụ dỗ trẻ vị thành niên, có nguy cơ ra tòa thụ án. Nếu mối tình ấy kéo dài ba năm, được gọi là yêu trộm, tình yêu oan trái. Nếu mối tình kéo dài sáu bảy năm, sẽ được gọi là tình yêu đích thực, vượt núi trèo đèo qua bao khó khăn để yêu nhau. Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm được trong… bao lâu!
2. Một nàng cave, nếu ngủ với thợ thuyền hoặc lao động ngoại tỉnh, thì bị gọi là đối tượng xã hội. Nếu ngủ với đại gia lừng lẫy, thì được gọi là chân dài. Nếu ngủ với một ngôi sao sân cỏ hoặc màn bạc, sẽ được đàng hoàng lên báo kể chuyện “nghề nghiệp” và trưng ảnh hở da thịt giữa công chúng, không ai có ý định bắt nàng. Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm điều đó với ai!
3. Phòng tắm công cộng bỗng dưng bị chập điện gây hỏa hoạn lớn, vô số chị em chạy túa ra đường mà không kịp mặc gì. Những nàng thông minh là người không lấy tay che thân thể, mà lấy tay che… mặt. Kết luận: Hãy quan tâm tới mấu chốt của mọi vấn đề.
4. Một nàng gái ế chạy tới đồn cảnh sát tố cáo: “Tôi đã cẩn thận để tiền trong áo lót, thế mà thằng cha đẹp trai đứng cạnh tôi ở trên xe bus đông đúc đã móc lấy mất tiền của tôi!”. Cảnh sát ngạc nhiên: “Tại sao nó có thể móc tiền được ở một vị trí “nhạy cảm” như thế, mà cô không phát hiện ra?”
Cô nàng gái ế thút thít: “Ai ngờ được là nó chỉ muốn moi tiền?”
Kết luận: Một nhà kinh doanh tài ba là người moi được tiền của khách hàng trong lúc đang khiến khách hàng sung sướng ngất ngây.
5. Nhân viên vệ sinh của công ty rất buồn phiền vì các quý ông thường lơ đãng khi vào nhà vệ sinh. Để giải quyết những vũng nước vàng khè dưới nền toilette, công ty dán lên tường, phía trên bệ xí nam một tờ giấy: “Không tiểu tới bô chứng tỏ bạn bị ngắn, tiểu ra ngoài bô chứng tỏ bạn bị… ủ rũ!”. Ngay từ ngày hôm sau, toilette nam sạch bóng và không còn quý ông nào lơ đãng nữa. Kết luận: Hãy chứng minh cho khách hàng thấy vấn đề một cách cụ thể, ấn tượng.
6. Bố mẹ nàng mở cuộc thi tuyển con rể. Chàng A nói, tài khoản có một triệu đô. Chàng B khoe, có biệt thự hai triệu đô. Bố mẹ nàng có vẻ ưng lắm. Chàng C nói, cháu chả có gì cả, thưa các bác. Cháu chỉ có mỗi một đứa con, hiện đang nằm trong bụng của con gái các bác! Kết luận: Muốn cạnh tranh với đối thủ, cần có tay trong!

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Adieu, Steve Jobs (1955-2011)

Một người có thể thay đổi thế giới nhưng lại không thể thay đổi số phận