Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Chuyện chẳng biết vui hay buồn!


Tôi có anh bạn Bắc kỳ, tuy đã “di tản” vào Nam từ năm bẩy sáu,  song vẫn giữ cái kiểu cách lịch sự thơm thảo của dân quê gốc Bắc. Hễ ngồi vào bàn, bất kỳ là cưới hỏi hay giỗ chạp, ăn cơm hay nhậu nhẹt,  anh cũng có thói quen gắp thức ăn cho người này người nọ, đôi khi đầy cả bát, bất kể thân hay sơ, rồi mời mọc “Bác ăn đi! Chú ăn đi!” nhặng cả lên.

Lần một, lần hai, người được mời còn cảm nhận được quan tâm quý trọng nhưng lâu dần nhiều người tỏ rõ sự khó chịu, nhất là các anh Nam bộ. Họ quan niệm rằng đã ngồi vào bàn thì ai thích gì, ăn nấy, sao cứ phải ép, cứ như buộc người ta ăn nhanh để còn dọn dẹp vậy. Thế là bất lịch sự!

Của đáng tội, anh bạn tôi ý đâu phải vậy! Chẳng qua cũng chỉ do cái nếp sống, nếp nghĩ xuất phát từ nỗi ám ảnh một thời về cái đói triền miên nên người ta cho rằng tiếp đãi nhau bằng miếng ăn là cách thể hiện tình cảm quí mến nhất, tử tế nhất. Bởi họ quan niệm có gì quan trọng hơn miếng ăn đâu? Mà quả thật ngay cả trong văn chương các cụ nhà mình cũng còn hằn lại dấu ấn đó. Cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa trí thức phong nhã là thế nhưng trong thơ đùa “Bạn đến chơi nhà” cũng chỉ nói đến miếng ăn chứ đâu nói gì đến cầm kỳ thi hoạ. Những  tác phẩm nổi tiếng của giai đoạn 1930-1945 cũng vậy (nhiều người vẫn cho rằng đây là thời kỳ vàng son nhất của văn chương Việt Nam), đều ít nhiều mang nỗi ám ảnh của cái đói. Những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... Rồi trong tâm thức dân gian, miếng ăn luôn được coi trọng hàng đầu: “Dĩ thực vi tiên”, “Có thực mới vực được đạo”, “Trời đánh còn tránh bữa ăn” hoặc “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”... Trong từ vựng ta cũng thế, cả một lớp từ gắn liền với chữ ăn, tuy rằng ngữ nghĩa của nó có khi chẳng dính dáng gì chuyện ăn uống cả, như: ăn cắp, ăn cướp, ăn hối lộ, ăn gian, ăn hiếp... (Hay là những hành động này, trước đây, cũng khởi đầu bằng việc tước đi miếng ăn của người khác chăng?).

Tôi cũng là dân Bắc kỳ chánh hiệu, di cư vào Nam khi còn nằm trong bụng mẹ, tuy "hương âm vô cải",  song tính cách cũng đã phai nhạt ít nhiều, thấy kiểu cách anh bạn vậy bèn bảo: “Thôi thì ăn trông nồi ngồi trông hướng, thời nay đã khác trước nhiều rồi, ông liệu mà đổi mới đi, kẻo thiên hạ lại bảo mình hâm”. Anh bạn buồn buồn bảo: “Mình cùng lắm chỉ làm người khác  bực nhất thời, chứ còn lắm kẻ vẫn nghĩ và làm theo nếp cũ hàng mấy chục năm nay, gây tổn hại biết bao nhiêu, sao chẳng ai nói gì?”. Nghe anh bạn nói thế mình chẳng biết nói sao, đành ngậm hột thị cho xong.

Chuyện chỉ có vậy, chẳng biết là vui hay buồn nữa!