Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Ngậm tăm


Người Việt ta có thói quen dùng tăm để xỉa răng sau khi ăn, có lẽ vì thói quen từ xa xưa, hơn nữa tăm tre lại sẵn, rẻ và tiện so với dùng chỉ nha khoa, nước xúc miệng hay chải  răng, nhai kẹo…Cách nào cũng được miễn là đạt được mục đích. Tuy nhiên nhiều người Việt ta lại có một thói quen lạ lùng là ngậm tăm trong miệng. Ngậm trong toillet thì kệ anh, trong nhà cũng mặc, nhưng ngậm tăm đi lại ngênh ngang ngoài đường hoặc nơi công sở thì nhìn hết sức kì quái. Thử theo dõi từ một quán ăn ra mà xem, dù toàn những quý ông, quý bà với đầy đủ váy vủng, suit, cà vạt… nhưng người nào trên miệng cũng ngậm một cây tăm và cứ thế mà chạy xe trên đường, về nhà hoặc tới nơi làm việc. Hình như họ ngậm tăm để cho mọi người biết rằng mình vừa được ăn thì phải? Thậm chí có người vừa ngậm tăm vừa nói chuyện với người khác. Nhìn cái tăm chạy qua chạy lại trên đôi môi bóng nhẫy thấy vừa bất lịch sự lại vừa mất vệ sinh quá thể!

Nhớ câu chuyện bố kể khi mình còn nhỏ. Có anh nọ nhà nghèo sặc máu, ngày hai bữa chưa đủ dính răng chứ nói gì đến ăn sáng. Thế nhưng sáng nào anh ta cũng đứng trước ngõ, miệng ngậm sẵn cây tăm tre, hễ thấy ai đi qua anh ta đều lên tiếng: “Gớm, bác đã ăn sáng chưa mà đi làm sớm thế?” rồi cầm cây tăm đánh qua đánh lại "tanh tách, tanh tách" trên hàm răng cải mả, cứ như một điệu nhạc vui sau khi được no nê. Khi thấy hết người qua ngõ, anh ta lại chạy vội vào nhà tu vài ngụm nước vối để xoa diu cái bụng lép kẹp đang sôi lên sùng sục. 

Có lẽ do đói nghèo mà miếng ăn đã trở thành một thứ được phô ra để thể hiện giá trị con người, thế nên mới có chuyện về cái anh chàng nghèo nhưng sĩ diện hảo kia, còn thời nay chả lẽ các nam thanh nữ tú của ta cũng vẫn sĩ diện về miếng ăn đến thế hay sao?

Nói chuyện này với một ông anh, anh ta bảo: "Mày cứ nhìn xem, cứ mười thằng  ngậm tăm thì có đến chín thằng rưỡi là bắc kỳ". Tôi bảo: "Tôi cũng là bắc kỳ mà tôi có ngậm tăm đâu?".  Ông anh lại bảo: "Tại vì mày vào Nam lâu quá rồi, con ạ".