Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Miếng ăn hay miếng khổ?

Xếp hàng rồng rắn để chờ được mua 5 cái bánh chưng 
Có lẽ không ai không biết bài hát rất nổi tiếng Xuân này con không về của bộ ba Trịnh-Lâm-Ngân trong Sài Gòn, trước 75, bài hát đã từng gắn liền với tên tuổi của Duy Khánh. Nhất là vào những dịp giáp tết, giai điệu Habanera (bolero) da diết của bài hát lại vang lên khắp nơi từ thôn quê đến thành thị như thổn thức một nỗi niềm của kẻ tha hương. Có lẽ bài hát đã lấy nước mắt của rất nhiều người xa xứ, nhất là những người vì hoàn cảnh nào đó không thể về nhà trong dịp tết, bởi những ca từ thật bình dị và gần gũi gợi nhớ một nét văn hóa của người Việt mình:
Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng chờ trời sáng
Đỏ hây hây những đôi má đào

Những cái bánh được đổ ra ngay trên nền nhà bẩn thỉu
Cả nhà quây quần quanh bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng trong đêm giao thừa cùng chờ trời sáng, hình ảnh thật êm đềm và ấm cúng của một gia đình Việt.
Thế nhưng trên VnExpress.net hôm 8/2 thật bất ngờ khi thấy bà con ở Hà Nội xếp hàng rồng rắn, chen chúc nhau đi mua bánh chưng, giò chả ở một cửa hàng trên Hàng Bông (HN). Đến mức này thì mình thấy cái thanh tao truyền thống của người Hà thành dường như đã nhạt hẳn. Miếng ăn đã trở thành một nỗi đày đọa con người, sau những phở quát, cháo chửi, bún mắng nay lại đến bánh chưng xếp hàng “do cửa hàng quy định mỗi người chỉ được mua tối đa 5 bánh chưng nên nhiều gia đình phải đi vài người để mua đủ hàng ăn Tết”. Dường như cái bánh chưng chỉ còn đơn thuần là cái ăn để chặt bụng chứ không còn là một hình ảnh tượng trưng cho văn hóa Việt nữa. Có lẽ cụ tổ Lang Liêu mà biết mấy cái bánh đổ lăn lóc trên nền nhà bẩn thỉu kia sẽ được con cháu mình dâng lên ông bà tổ tiên mấy ngày Tết chắc sẽ buồn lắm đây!
Xem ra cái đói và thiếu thốn triền miên của thời bao cấp ngày xưa vẫn còn ám ảnh bà con ta lắm lắm?