Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Father of a Nation: Lee Kuan Yew

Lee Kuan Yew (1923-2015)
Mấy hôm nay cả thế giới bày tỏ lòng tiếc thương và kính trọng đối với ông Lý Quang Diệu, nguyên thủ tướng đầu tiên của đảo quốc Singapore vừa qua đời ở tuổi 91 (1923-2015). Ngay kênh truyền hình Discovery Channel cũng chiếu bộ phim Father of a Nation: Lee Kuan Yew. 

Có lẽ cho đến lúc này, ông là một người có đầy đủ nhất những phẩm chất của một nhà lãnh đạo tài ba ở châu Á. Đó là đạo đức, học vấn, tài năng, nghị lực, sự kiên định và cả sự cứng rắn cần thiết trong những tình huống của đất nước. Ông được rất nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới kính trọng thực sự. Người dân Singapore thương tiếc ông một cách chân thành và văn hóa khác hẳn những tình cảm mê muội, giả dối, sắp đặt của người dân Bắc Hàn đối với Kim Jung Il.

Nếu Việt Nam có một lãnh đạo tài ba thật sự như ông thì đất nước sẽ ra sao nhỉ?

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Một quyết định của lòng tự trọng

Sáng nay Vnexpress.net đưa tin thầy giáo Phan Thanh Nguyên,  Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) đã xin từ chức và nhận mọi lỗi lầm về mình vì đã để xảy ra vụ việc một HS nữ lớp bảy bị bạn cùng lớp đánh đập dã man. Thầy Nguyên nói:  Tôi là người đứng đầu nhà trường, để xảy ra vụ việc đáng tiếc trên, tôi nhận thấy bản thân phải chịu trách nhiệm cao nhất, chứ không đổ lỗi cho ai. Tôi thành thật xin lỗi nạn nhân, gia đình nạn nhân, các cấp lãnh đạo”. Có lẽ đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời đi dạy của thầy, nhưng cũng là một quyết định dũng cảm của một người hiệu trưởng có trách nhiệm và tự trọng. Tôi khâm phục dũng khí của thầy nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy trong cuộc sống này còn biết bao kẻ đáng phải từ chức hoặc bị sa thải gấp trăm lần mà họ vẫn bình chân như vại. 

Càng xót xa hơn khi người ta cảm thấy dường như báo chí và các phuong tiện truyền thông đang khai thác “quá nhiệt tình” đề tài bạo lực học đường xem như một cách để câu khách và cũng để né tránh những vấn đề nhức nhối của xã hội mà họ không đủ dũng khí để nói lên. Với mục đích đó người ta dần dà đẩy hết trách nhiệm giáo dục trẻ em cho nhà trường và do đó bạo lực học đường cũng chỉ còn là trách nhiệm của mỗi người thầy. Họ cố tình lờ đi rằng bạo lực học đường vốn là một hiện tượng xã hội thời nào chả có và nó chỉ là một phần của bạo lực gia đình và bạo lực xã hội, những vấn đề vốn phụ thuộc vào độ bền vững của nền tảng đạo đức xã hội và hệ thống pháp luật, mà điều này thì đâu phải chỉ có trách nhiệm ở mỗi nhà trường. Nhưng báo chí và xã hội đều biết rằng đổ hết trách nhiệm cho người thầy luôn là một giải pháp dễ dàng và ổn thỏa nhất, bởi từ xưa đến nay người thầy luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và ít khả năng chống đỡ nhất!

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Tôi có quyền nghi ngờ

Thời gian gần đây rộ lên phong trào các nghệ sĩ và người mẫu cùng chung hát những bài hát về các chủ đề Tôi yêu Việt Nam, Hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, rồi Những trái tim Việt Nam… Việc các nghệ sĩ, các người mẫu cùng cất tiếng hát để biểu lộ lòng yêu nước và ý chí sẵn sàng bảo vệ tổ quốc là hết sức đáng quí, vì hấp lực của họ luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng tạo nên những hiệu ứng tích cực.

Tuy nhiên tôi, một người đã về hưu, chợt nghĩ liệu đây có phải là sự biểu lộ chân thực hay chỉ thuần túy hình thức theo kiểu “mồm miệng đỡ chân tay”, và liệu khi tổ quốc lâm nguy thì những người này, nhất là những nghệ sĩ trẻ có sẵn sàng tòng quân “đứng lên cùng Việt Nam” (như lời bài hát), để sẵn sàng hy sinh bảo vệ tổ quốc Việt Nam của mình hay không? Tôi có quyền nghi ngờ vì từ trước đến nay tôi chưa bao giờ được nghe thấy một nghệ sĩ hay người mẫu nào lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, dù phần lớn họ đều nằm trong lứa tuổi phải thi hành NVQS theo luật định. Hơn nữa, thực tế cho thấy dường như việc thi hành NVQS chỉ là “đặc quyền” dành riêng cho con em những người nông dân, lao động nghèo, thấp cổ bé miệng mà thôi!

Ngày xưa, trước nguy cơ quân Nguyên xâm lược, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng từng viết trong Hịch tướng sĩ rằng: Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai… Vâng, nếu chỉ có tiếng hát thì dù hùng hồn hay đanh thép đến đâu cũng không làm giặc sợ hãi, mà phải bằng những hành động cụ thể xuất phát từ những trái tim yêu nước thương nòi. Bởi thế rất mong các anh chị nghệ sĩ, người mẫu hãy nhớ lấy những thông điệp mà các bạn đã hùng hồn tuyên bố qua những bài hát hôm nay, xin đừng để tiếng hát chỉ là những âm thanh “réo rắt” mua vui và thoảng bay theo gió…

Thế nhưng, ai hát cứ hát, ai nói cứ nói còn Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa đã mất thì vẫn cứ mất. Vậy thì nói và hát bao nhiêu đi nữa phỏng có ích gì?