Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Tôi có quyền nghi ngờ

Thời gian gần đây rộ lên phong trào các nghệ sĩ và người mẫu cùng chung hát những bài hát về các chủ đề Tôi yêu Việt Nam, Hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, rồi Những trái tim Việt Nam… Việc các nghệ sĩ, các người mẫu cùng cất tiếng hát để biểu lộ lòng yêu nước và ý chí sẵn sàng bảo vệ tổ quốc là hết sức đáng quí, vì hấp lực của họ luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng tạo nên những hiệu ứng tích cực.

Tuy nhiên tôi, một người đã về hưu, chợt nghĩ liệu đây có phải là sự biểu lộ chân thực hay chỉ thuần túy hình thức theo kiểu “mồm miệng đỡ chân tay”, và liệu khi tổ quốc lâm nguy thì những người này, nhất là những nghệ sĩ trẻ có sẵn sàng tòng quân “đứng lên cùng Việt Nam” (như lời bài hát), để sẵn sàng hy sinh bảo vệ tổ quốc Việt Nam của mình hay không? Tôi có quyền nghi ngờ vì từ trước đến nay tôi chưa bao giờ được nghe thấy một nghệ sĩ hay người mẫu nào lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, dù phần lớn họ đều nằm trong lứa tuổi phải thi hành NVQS theo luật định. Hơn nữa, thực tế cho thấy dường như việc thi hành NVQS chỉ là “đặc quyền” dành riêng cho con em những người nông dân, lao động nghèo, thấp cổ bé miệng mà thôi!

Ngày xưa, trước nguy cơ quân Nguyên xâm lược, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng từng viết trong Hịch tướng sĩ rằng: Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai… Vâng, nếu chỉ có tiếng hát thì dù hùng hồn hay đanh thép đến đâu cũng không làm giặc sợ hãi, mà phải bằng những hành động cụ thể xuất phát từ những trái tim yêu nước thương nòi. Bởi thế rất mong các anh chị nghệ sĩ, người mẫu hãy nhớ lấy những thông điệp mà các bạn đã hùng hồn tuyên bố qua những bài hát hôm nay, xin đừng để tiếng hát chỉ là những âm thanh “réo rắt” mua vui và thoảng bay theo gió…

Thế nhưng, ai hát cứ hát, ai nói cứ nói còn Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa đã mất thì vẫn cứ mất. Vậy thì nói và hát bao nhiêu đi nữa phỏng có ích gì?