Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Một quyết định của lòng tự trọng

Sáng nay Vnexpress.net đưa tin thầy giáo Phan Thanh Nguyên,  Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) đã xin từ chức và nhận mọi lỗi lầm về mình vì đã để xảy ra vụ việc một HS nữ lớp bảy bị bạn cùng lớp đánh đập dã man. Thầy Nguyên nói:  Tôi là người đứng đầu nhà trường, để xảy ra vụ việc đáng tiếc trên, tôi nhận thấy bản thân phải chịu trách nhiệm cao nhất, chứ không đổ lỗi cho ai. Tôi thành thật xin lỗi nạn nhân, gia đình nạn nhân, các cấp lãnh đạo”. Có lẽ đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời đi dạy của thầy, nhưng cũng là một quyết định dũng cảm của một người hiệu trưởng có trách nhiệm và tự trọng. Tôi khâm phục dũng khí của thầy nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy trong cuộc sống này còn biết bao kẻ đáng phải từ chức hoặc bị sa thải gấp trăm lần mà họ vẫn bình chân như vại. 

Càng xót xa hơn khi người ta cảm thấy dường như báo chí và các phuong tiện truyền thông đang khai thác “quá nhiệt tình” đề tài bạo lực học đường xem như một cách để câu khách và cũng để né tránh những vấn đề nhức nhối của xã hội mà họ không đủ dũng khí để nói lên. Với mục đích đó người ta dần dà đẩy hết trách nhiệm giáo dục trẻ em cho nhà trường và do đó bạo lực học đường cũng chỉ còn là trách nhiệm của mỗi người thầy. Họ cố tình lờ đi rằng bạo lực học đường vốn là một hiện tượng xã hội thời nào chả có và nó chỉ là một phần của bạo lực gia đình và bạo lực xã hội, những vấn đề vốn phụ thuộc vào độ bền vững của nền tảng đạo đức xã hội và hệ thống pháp luật, mà điều này thì đâu phải chỉ có trách nhiệm ở mỗi nhà trường. Nhưng báo chí và xã hội đều biết rằng đổ hết trách nhiệm cho người thầy luôn là một giải pháp dễ dàng và ổn thỏa nhất, bởi từ xưa đến nay người thầy luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và ít khả năng chống đỡ nhất!