Nói đến văn hóa nhà trường là nói đến những
hệ thống giá trị nhân văn, niềm tin, những chuẩn mực trong những hành vi ứng xử
giữa các thành viên trong nhà trường với nhau và giữa nhà trường với phụ huynh,
với chính quyền, với xã hội… Văn hóa nhà trường bao gồm nhiều yếu tố, từ đồng
phục học sinh đến cách thức bài trí, sắp xếp khuôn viên nhà trường, lớp học,
văn phòng cho đến cách tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường, cách xây
dựng các mối quan hệ ứng xử giữa thầy với trò, giữa trò với trò, giữa thầy với
thầy, giữa Ban giám hiệu với giáo viên, nhân viên…
Không thể phủ nhận những năm gần đây văn
hóa các nhà trường đã có nhiều chuyển biến, nhiều Hiệu trưởng đã có ý thức xây
dựng nhà trường như một thương hiệu chất lượng và uy tín, trong đó các yếu tố
văn hóa đã được chú ý nhằm góp phần tạo dựng diện mạo nhà trường gây ấn tượng
cho học sinh, phụ huynh và xã hội.
Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng mới chỉ tập
trung cho các hoạt động giảng dạy và tạo dựng các mối quan hệ thân thiện giữa
GV với HS rồi giữa GV với GV… mà chưa chú ý đến cách hành xử của các nhân viên
trong nhà trường, mà những người này, ngoại trừ những chức danh chuyên môn được
đào tạo hẳn hoi như: Thư viện, kế toán, y tế… thì còn lại thường là lao động phổ
thông và được hợp đồng ngắn hạn như nhân viên Bảo vệ, Phục vụ, Cấp dưỡng…
Khi đến một trường học, người chúng ta gặp
đầu tiên là ông bảo vệ, rồi sau đó là những nhân viên văn phòng, họ sẽ là những
người để lại những ấn tượng ban đầu rất sâu đậm với khách và phụ huynh, có thể
là một cảm giác thân thiện, gần gũi, tin tưởng nhưng cũng có thể là một cảm
giác bực dọc, khó chịu vì không được tôn trọng đúng mực.
Hãy bắt đầu từ cổng trường với người gặp đầu
tiên là ông bảo vệ. Ngày xưa người ta thường nói “Thủ kho to hơn thủ trưởng”,
còn bây giờ ở nhà trường, nhiều phụ huynh lại bảo gặp Hiệu trưởng thì dễ nhưng
gặp Bảo vệ mới khó. Nếu một Hiệu trưởng biết quan tâm đến mọi góc cạnh của văn
hóa nhà trường thì nhân viên bảo vệ sẽ biết cách tiếp đón và chỉ dẫn ân cần cho
khách và phụ huynh, còn ngược lại họ sẽ hành xử như những nhân viên công quyền
hạch sách, kém văn hóa. Tôi từng có dịp đến các trường để làm việc và thấy rằng
nhân viên bảo vệ ở nhiều trường còn nhiều điều chưa ổn. Một lần, dù đã hẹn trước
và được Hiệu trưởng chờ đón nhưng khi đến cổng, anh bảo vệ vẫn hạch sách không
chịu mở cổng chỉ mãi đến khi Hiệu trưởng đích thân bước ra thì anh ta mới mở cổng
nhưng cũng bằng một thái độ rất khó chịu. Rồi khi làm việc xong, vì trời mưa
to, chúng tôi phải ngồi xe từ văn phòng để ra cổng, dù thấy xe chúng tôi ra và
hiệu trưởng vẫn đứng ở sảnh nhìn ra, nhưng anh bảo vệ vẫn ngồi, chiếc áo bộ đội
mở phanh các nút áo, ung dung trong phòng bảo vệ, gác chân lên bàn hút thuốc,
nhìn chúng tôi mà không thèm mở cổng. Phải đến lúc anh lái xe bước ra nói một
tiếng, anh ta mới chậm rãi đi ra mở cổng và cũng bằng một thái độ rất trịch thượng
và khó chịu. Một lần khác chúng tôi tổ chức hội thảo giáo dục ở một trường tiểu
học, anh em đến trước một ngày để chuẩn bị bandrole, phông màn, âm thanh. Một
người trong nhóm chúng tôi hỏi anh bảo vệ mượn cái thang để treo bandrole, anh
ta trả lời thẳng thừng không có rồi bỏ đi. Lát sau, tôi giật mình khi thấy đích
thân ông Hiệu trưởng còng lưng vác chiếc thang lên cho chúng tôi mượn, khi ấy
ông bảo vệ vẫn ngồi uống trà và tán gẫu gần đó, hỏi ra mới biết trường có thang nhưng ông bảo
vệ lười bảo không có để khỏi phải vác cho mượn (?) Rồi trong những dịp tổng kết
cuối năm, trường nào mà không tổ chức tiệc tùng liên hoan, trong những buổi này
có những trường cũng để cho bảo vệ ngồi chung (vì là nam), rồi những ông bảo vệ
này cũng đi mời khách, trong đó có cả những người là cấp trên, rồi cũng ôm vai
bá cổ, anh anh, chú chú, lè nhè ngả nghiêng, ép khách phải cạn ly bằng được, bất
kể là nam hay nữ... Thật chẳng ra thể thống gì cả. Vẫn biết các ông bảo vệ thường
lớn tuổi, nhưng không thể cậy vào tuổi tác để xưng hô bỗ bã với khách là cấp trên,
dù họ có nhỏ tuổi hơn mình. Thực ra không thể trách bảo vệ vì họ có thể không
nhận thức được điều đó, nhưng trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải
xây dựng được những quy tắc ứng xử của nhân viên mình với khách, với phụ huynh
để giúp họ hiểu được vị trí, nhiệm vụ của mình và có cách hành xử như thế nào
cho đúng mực, có tôn ti trật tự, phù hợp trong một môi trường văn hóa. Có người
bảo Hiệu trưởng cũng nói nhiều lần mà họ không nghe, nếu thế thì phải xem lại cách
làm việc và uy tín của ông Hiệu trưởng, bởi người ta thường nói “thượng bất
chính, hạ tắc loạn”. Một lần nói về chuyện này, một ông hiệu trưởng nói, tài sản
nhà trường rất lớn nên phải nhờ vào bảo vệ thế nên cũng phải gượng nhẹ đối với
họ, nếu không sẽ nguy hiểm lắm. Nói như thế thì thật hết biết và như vậy thì đối
với kế toán, thủ quỹ, những người giữ tiền, hiệu trưởng càng phải cưng chiều vì
sợ họ sẽ gây ra những tai họa về tài chính hay sao?
Vài chuyện nhỏ để thấy văn hóa nhà trường không
chỉ là những cái gì to tát, vĩ mô, mà ngay cả những chuyện ứng xử nhỏ nhặt hằng
ngày của những người bảo vệ hay phục vụ cũng cần được các ông bà hiệu trưởng
quan tâm bồi đắp, nếu không thì mọi công sức xây dựng hình ảnh nhà trường của
thầy và trò cũng sẽ nhạt nhòa chỉ vì những hành vi thiếu chuẩn mực của một vài
nhân viên nào đó. Trách nhiệm đó phải thuộc về hiệu trưởng và hoàn toàn tùy thuộc
vào uy tín và bản lĩnh của người hiệu trưởng.