Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Lão Cự

Ngày xưa, ở làng mình có lão Cự, người thấp đậm, da bánh ít, đầu húi cua gần như trọc lóc, lúc nào cũng trần xì, chỉ mặc mỗi cái quần nái thâm xắn quai cồng đã bạc thếch bạc thác, tướng đi thì uỳnh uỵch, chỉ được mỗi con mắt thì lúc nào cũng hấp ha hấp háy vui vui, hiền hiền không làm bọn trẻ chúng mình sợ hãi. Nhưng nói chung nhìn lão chẳng ra vẻ gì nếu không nói là tầm thường xấu xí so với nhiều người khác. Ở cái vùng quê hẻo lánh, đất cày lên sỏi đá, chó ăn đá gà ăn sỏi này, chỉ mỗi cái gió Lào thổi cũng đủ héo rũ cả người chứ nói gì đến cây cối, ấy thế mà mấy công vườn nhà lão Cự lúc nào cũng xanh ngăn ngắt với rau, chuối, khoai sắn, rồi cả một vườn cây ăn trái mùa nào thức nấy, lại còn có cả cái ao con con thả cá nữa … Mọi thứ trong nhà lão dường như lúc nào cũng sẵn. Bọn trẻ chúng mình thích lắm, những buổi trưa đi học về, trời nắng như đổ lửa, ngồi ngoài giậu rào nhìn vào vườn nhà lão Cự mà mát cả mắt rồi xăm soi xem có quả roi, quả ổi nào rơi rụng thì tìm cách khều ra ngồi ăn với nhau. Thật tình cái vườn nhà lão Cự xanh mượt mà như thế chẳng phải không có nguyên cớ mà rõ ràng là vì lão có đến ba bà vợ. Bà Cả, bà Hai, bà Ba. Cả ba bà đều hay lam hay làm, đầu tắt mặt tối việc nhà cửa, vườn tược đến hàng họ, chợ búa từ sáng sớm đến nhọ mặt người. Nhiều vợ nhưng lạ là lão chẳng có đứa con nào. Không biết có phải vì thế mà lão thân thiện với trẻ con chúng mình hơn những người khác chăng?

Lũ trẻ con bọn mình lúc bấy giờ cũng chẳng hiểu làm sao lão Cự lại có nhiều vợ đến thế, có người bảo rằng lão xấu người nhưng lại đẹp cái khác. Chẳng biết là đẹp cái gì, mà bọn mình cũng chẳng cần biết, chỉ thấy là lạ. Thích lão nhất ở cái tài trị vợ. Lão giao hẹn chỉ cần một trong ba bà gây ra điều lộn xộn trong nhà hay với làng xóm là cả ba bà đều bị phạt đòn. Mỗi lần lão phạt đòn vợ là cả một cuộc vui đối với cả làng, nhất là với lũ trẻ con bọn mình. Lão đánh vợ không cần dấu diếm, đánh công khai giữa bàn dân thiên hạ, giữa ban ngày ban mặt, bởi nhà lão là ba gian nhà tranh vách đất nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, sáng sủa với bốn bên là liếp phên tre chống lên cho mát nên ai cũng có thể nhìn thông thống vào nhà. Giữa nhà là cái giừơng rộng bằng gỗ mít vừa làm chỗ nằm nghỉ trưa của lão, vừa là chỗ cả nhà ăn cơm, uống nước, tiếp khách. Gian bên trái là buồng cho ba bà vợ, gian bên phải là buồng ngủ của lão Cự. Chái sau là bếp núc, chuồng gà chuồng vịt nối liền với cái giếng đá ong và ao cá. Mỗi lần đánh vợ, lão Cự bắt cả ba bà nằm trải sấp trên cái giường ở gian giữa, còn lão ngồi trên cái đầu giường, tay cầm cái roi tre nhìm nhịp, miệng kể tội các bà… Lũ trẻ chúng mình thích lắm, vì những lúc ấy trông lão Cự vừa oai phong vừa ngộ nghĩnh, chả thế mà đứa nào cũng ước lớn lên có nhiều vợ như lão. Cứ hết một lượt kể tội, lão lại vụt xuống một roi trên mông một bà nào đấy, bọn trẻ chúng tôi bên ngoài lại nhao lên “Nhẹ quá, nhẹ quá!”, lão Cự lại quay ra “Tiên sư bay, thế mà nhẹ à!”. Những lúc ấy người ta không hề thấy sự giận dữ trong mắt lão mà chỉ thấy cái gì đó hiền hiền và yêu thương. Sau lưng bọn trẻ con chúng mình lúc ấy thỉnh thoảng lại vang lên một câu nói cay độc của một ông bà nào đấy “Gớm, hay hớm gì cái trò hề của thằng tiệt tự!”. Bọn trẻ chúng tôi chẳng hiểu gì và cũng chẳng màng đến, chỉ mỗi quan tâm đến lão Cự. Mỗi khi ăn đòn người ta thấy các bà vợ của lão Cự cũng khóc, nhưng sau đó lại thấy các bà vui vẻ bảo ban nhau làm lụng việc nhà, chợ búa, cơm nước và lão Cự cũng vẫn bình thường, xem như chẳng có chuyện gì xảy ra, lão vẫn dự đám, đi nhà thờ hoặc sang chơi cờ nhà hàng xóm. Thỉnh thoảng nếu có ai hỏi sao lão tài thế thì lão lại cười hề hề: ”Tài chi tui, chẳng qua là … hề hề …”. Nhưng có người bảo cũng có lúc thấy lão ngồi một mình dưới hiên nhà hút thuốc lào sòng sọc đến tận khuya rồi thở dài thườn thượt…

Có lần lão Cự làm một việc động trời khiến cả làng nhốn nháo. Lần ấy lão đi đâu về không biết nhưng lại mang theo một cái đài bán dẫn (thu thanh). Cả ngày hôm ấy cả làng náo động vì tiếng nhạc, tiếng ca phát ra từ cái đài bán dẫn đó. Có kẻ ganh tị thì bảo lão Cự chơi trội, làm tàng, nhưng có người lại bảo lão là người đầu tiên mang cái văn minh hiện đại đến cho cái làng quê tăm tối này. Tối ấy, lão Cự thắp đèn hoa kỳ ngoài hiên, rồi trải mấy manh chiếu xuống mảnh sân đất nện, pha trà và bày cả bánh cốm nữa. Đàn ông đàn bà và nhất là lũ trẻ chúng tôi xúm đen xúm đỏ dưới sân để nghe những âm thanh phát ra từ cái đài bán dẫn diệu kỳ được lão đặt trang trọng trên chiếc bàn nước và còn cẩn thận phủ thêm một tấm voan, vốn là khăn trùm đầu của một trong ba bà vợ. Tiếng ca tân nhạc cao vút của một ca sĩ nào đó thỉnh thoảng lại chen vào tiếng khọt khẹt, khọt khẹt khiến lão Cự lại phải giở cái khăn voan ra và khẽ lấy tay vê vê cái nút trên chiếc đài bán dẫn, âm thanh lại trong trẻo rõ ràng, những lúc ấy, lão Cự lại bảo có cái gì chặn luồng sóng vào đài. Cả làng thán phục, mấy mụ đàn bà chép miệng tiếc thầm, các lão đàn ông thì hậm hực vì ganh ghét. Thế nhưng chiếc đài bán dẫn chỉ hát được chừng non tháng thì tắt ngóm, chỉ còn mỗi tiếng khọt khẹt, khọt khẹt phát ra đều đặn, nghe bảo lão Cự chạy chữa khối tiền nhưng cuối cùng cũng đành bó tay, có người lại bảo hình như có lệnh trên cấm lão Cự không được sử dụng đài! Nhưng cũng có người bảo, mẹ kiếp, lão vờ làm hỏng để nghe một mình, khốn nạn thế đấy! Làng xóm yên bình trở lại, vắng hẳn tiếng ngấm nguýt xách mé của các ông các bà trong làng, còn bọn trẻ chúng tôi thì cứ thắc mắc không biết bọn người hát hát, nói nói trong đó họ lại đi đâu, về đâu?

Thế nhưng cái gia đình yên lành dưới tài tề gia của lão Cự cũng bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Đầu tiên là chuyện bà Ba có chửa. Người ta nghĩ phen này lão Cự phải điên lên vì giận, bởi cái sự chửa của bà Ba là một vết nhơ không thể gột rửa. Bà Ba ngoại tình, bà Ba cắm cái sừng tổ bố lên đầu lão Cự! Nhục quá, nhục quá, phen này thì lão chỉ có nước độn thổ. Điều ong tiếng ve râm ran cả xóm, những khuôn mặt đàn ông đàn bà phởn phơ trước nỗi ê chề của lão. Nhưng không, lão Cự chẳng hề đau, chẳng hề buồn, mà ngược lại lão còn tỏ ra hả hê vui sướng và hạnh phúc ra mặt. Lão đi chợ gánh hàng cho bà Ba, đỡ bà lúc bước lên ngạch cửa, lão cười vang vang cả nhà, lão lợp lại mái nhà, cơi nới thêm gian chái nữa để bà Ba có chỗ lót ổ. Rồi các bà Cả, bà Hai đều rối rít chăm sóc cho bà Ba, các bà bảo nhau gánh vác mọi công việc để bà Ba nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Thế là cả làng lại chưng hửng tẽn tò rồi thì ngạc nhiên. Quái lạ! Sao thế nhỉ? Chả lẽ bao nhiêu năm tịt ngòi, bây giờ lão lại có khả năng đẻ con? Lão là thánh à? Hay là lão chỉ giỏi che đậy cho vết nhơ trên mặt lão? Mấy mụ đàn bà hóng hớt thì năng lui đến nhà lão hơn, mượn cớ là thăm hỏi và mừng cho bà Ba, nhưng kỳ thực là để dò la ngọn nguồn. Bụng bà Ba ngày càng lớn, lão Cự ngày càng vui. Dạo này, thỉnh thoảng lão còn mời được cả lão xã trưởng và tay trung sĩ trung đội trưởng trung đội bảo an về nhà uống rượu. Cả nhà cười vui như tết. Khi cánh đàn ông đàn bà trong làng bắt đầu mệt mỏi vì chờ đợi ngày tàn lụi của nhà lão Cự thì đùng một cái, bà Ba bỏ đi. Ha ha, có thế chứ, cây kim trong bọc lâu ngày cũng phải thòi ra, vải thưa sao che được mắt thánh! Thế mới biết Giời có mắt! Cả làng lại râm ran xầm xì nào là bà Ba bỏ nhà theo trai, bà Ba bị lão Cự tống cổ ra khỏi nhà, thậm chí có người còn bảo không khéo lão Cự uất vì nhục nên đã giết bà Ba và phi tang không chừng. Có mấy lần lão xã trưởng và tay trung sĩ trung đội bảo an đến nhà, họ không ăn uống, chỉ ngồi một lúc rồi về. Người ta lại đồn họ đến để điều tra vì sự mất tích của bà Ba. Cơ chừng thế này thì không chóng thì chầy thể nào lão Cự cũng bị tóm và rũ tù thôi. Chẳng mấy chốc! Quân giết người! Thế nhưng lão Cự không bị bắt, chí ít là chẳng ai thấy lão bị trói tay dắt đi, chỉ có điều lão Cự cũng biến mất. Cả làng lại râm ran lão đi tìm bà Ba chứ gì hoặc lão nhục quá nên phải trốn khỏi làng. Cả gian nhà và khu vườn nhà lão Cự trở nên trống vắng, cây cối rau cỏ trong vườn dường như cũng không còn xanh nữa dù cho bà Cả, bà Hai vẫn luôn tay chăm sóc. Đàn se sẻ làm tổ ở đầu hồi mọi ngày vẫn ríu ra ríu rít bỗng trở nên im hơi lặng tiếng hơn, chúng buồn hay người buồn mà cảm ra như thế! Rồi cây gạo trước cổng nhà bao năm nở hoa đỏ chót bỗng dưng vàng úa rồi chết. Thiên nhân tương ứng chăng? Chuyện xảy ra ở nhà lão Cự khiến cho cả làng đâm ra lặng lẽ vì người ta không còn ai để soi mói, để dèm pha nữa, tựa như đám hát đã hết trò để xem nên khung cảnh cũng buồn bã hiu quạnh.

Im lặng một thời gian, làng buồn hẳn, mọi câu chuyên khác đều nhạt nhẽo, vô vị, rồi người ta chợt thấy rằng hình như họ đang nhớ lão Cự và nhớ cả cái bà Ba giọng nhẹ mà ngọt như đường phèn hay mang cho lũ trẻ khi thì khúc mía, khi thì rá ổi sẻ chín thơm lừng. Mấy bà hàng xóm thì chợt nhận ra bà Ba tốt đáo để, thỉnh thoảng cần giật tạm vài đồng là bà Ba lúc nào cũng sẵn sàng, không ky bo chắc lép. Từ ngày bà Ba đi rồi làng xóm trống trếnh, đìu hiu hẳn ra. Rồi người ta lại nghĩ ối dào, con trong bụng mình thì mình đẻ, mình đẻ thì mình nuôi, có gì mà phải xấu hổ! Cả lão Cự cũng vậy, cớ gì phải bỏ làng mà đi, mình không có con thì con vợ mình cũng là con mình chứ sao đâu! Tự nhiên người ta trở nên rộng lượng, khoan hòa…

Sau này, chiến tranh lan rộng, nhà tôi rời làng, vào SG, từ đó tôi không biết tin tức gì về lão và các bà vợ nữa. Có bận lâu lắm rồi, tình cờ gặp một người ở làng, tôi có hỏi, nhưng người ấy cũng chẳng biết gì hơn về vợ chồng lão Cự.

Và cho đến bây giờ tôi vẫn không thôi tự hỏi không hiểu làm sao, ngày ấy, bà Ba và lão Cự lại bỏ làng ra đi và bây giờ thì họ đang ở nơi nào còn sống hay đã ra người thiên cổ ?

(Truyện này tôi đã trích đăng trên Fb Tran Nam)