Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Càm ràm vơ vẩn

Dự hội thảo “Bàn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh” của một trường THCS với tư cách là một phụ huynh học sinh mình cảm thấy vui vì nhiều lẽ. Trước hết, vui vì thấy ngày nay cái “cửa Khổng sân Trình” uy nghiêm im ỉm đã chịu mở toang cánh cửa để sẵn sàng chia sẻ và lắng nghe những ý kiến đóng góp của phụ huynh, của địa phương, của các vị cựu giáo chức, của hội đồng giáo dục …, dẫu rằng không phải ý kiến nào cũng đúng và mang tinh thần xây dựng. Vui vì mình hiểu được tấm lòng của thầy cô lo cho con cái tụi mình, vui vì hiểu thêm cái nghề giáo tưởng nhẹ bâng, “ngồi mát ăn bát vàng” mà sao cũng gian nan cực khổ quá chừng… Vui nhiều lắm nhưng vui nhất là thấy được cái trách nhiệm của người thầy đối với học trò…

Hiểu thầy cô của con mình cũng là điều tốt, hiểu để tri ân, để không làm những gì thất lễ, để mình khác đi với những ông bà phụ huynh trời ơi đất hỡi nói năng ậm oẹ mà cứ như chủ tịch tỉnh chỉ đạo nhà trường thế này, thế kia, rồi ba hoa những điều mà chính người nói cũng chẳng hiểu gì. Ôi chao, thế mới biết làm người đã khó, mà làm người tử tế thì càng khó vô cùng.
Thế nhưng dự hội thảo xong mình cứ phân vân hoài một điều, định nói nhưng lại ngại nên đành im. Đó là lời than phiền của một vài thầy cô khi thấy học sinh mình chưa xác định được mục đích động cơ học tập để làm gì ? Rồi các em còn rụt rè nhút nhát không dám phát biểu bày tỏ ý kiến của mình trong lớp… Vâng, điều băn khoăn lo lắng của các thầy cô thật đúng, thật sâu xa, nhưng mình lại nghĩ, xét cho cùng đâu chỉ các em, mà cả ngay người lớn như tôi đây cũng vậy. Cái rụt rè, nhút nhát dường như đã là bản chất của người Việt mình. Bởi giáo dục mình từ xưa cũng đã rập khuôn theo anh ba tàu (không thèm viết hoa) ông bà cha mẹ muốn con cháu đi vào “khuôn phép” nên thường dạy ngay từ nhỏ những nguyên tắc bất di bất dịch “phải ngoan ngoãn, biết vâng lời”, “trên bảo – dưới nghe”, "Kính trên-nhường dưới", "tôn ti trật tự" thậm chí có bài hát dạy ngay từ tuổi măng là “có con chim vành khuyên nhỏ, dáng trông thật xinh xắn, gọi dạ, bảo vâng lễ phép ngoan nhất nhà …”, rồi về sự học hỏi thì “biết thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” … tất cả như những khuôn vàng thước ngọc để đánh giá mức độ đạo đức, giáo dục của một con người và cả một gia đình, dòng họ. Nhỏ đã ngoan, lớn cũng vẫn ngoan, khi đi làm việc, ở cơ quan cũng phải “khuôn phép” có ai cho mình nói thật đâu. Họp hành, hội nghị … mọi chuyện đều được sắp xếp thành một kịch bản, được cấp trên phê duyệt, cứ thế mà nói, cứ thế mà làm, đừng dại dột nói khác, làm khác, kẻo bị quy là chống đối, phản động hoặc sẽ đươc nhắc khéo rằng nói không trúng ý lãnh đạo... Nguy hiểm lắm! Cách sống đó đã ăn sâu vào máu nên đến khi bọn mình đi tập huấn một chương trình do nước ngoài tài trợ thì mới cảm thấy xa lạ làm sao! Lúc người ta yêu cầu làm việc nhóm và các cá nhân trình bày dự án của minh, thì ai cũng ngồi im, cúi mặt, người chủ trì hội thảo năm lần bảy lượt mời gọi, nhưng chẳng ai động tĩnh. Khi nghe tiếng chuông giải lao thì mọi người thở phào nhẹ nhõm, ùa ra ăn uống, vài người tìm cách trốn, nhưng trước khi đánh bài chuồn thì cố tìm cô văn thư để đòi cho được quyển vở cây bút bi theo “tiêu chuẩn hội thảo". Khốn thế!
Chẳng nói đâu xa, cứ nhìn các ông bà đại biểu quốc hội nhà ta chất vấn chính phủ thì rõ. Nhiều ông bà chất vấn mà ấp a ấp úng, rụt rè như gà phải cáo, ngôn từ thì hạ mình hết mức, nào là "xin được ...", nào là "cho phép tôi ..." cứ như kiểu con nói với bố thì làm sao mà dám tranh luận hay thẳng thắn bày tỏ ý kiến thay cho người dân thấp cổ bé họng!
Còn nói cái mục đích của sự học ư? Học chỉ để đi thi, thi để lấy cái bằng, ngày xưa lấy cái bằng là để trốn lính, ngày nay thì để kiếm được việc làm nuôi sống bản thân để khỏi đi làm cu-li, và nếu có dịp thì ngồi trên đầu thiên hạ. Thế thôi! Chứ còn bảo học là để hiểu biết, để làm việc, để chung sống và để tự khẳng định theo mấy ông Unesco thì hay nhưng khó quá chừng chừng.
Nhưng thôi điều thầy cô kỳ vọng con em mình về mục đích về lý tưởng cũng là tốt thôi, và cũng là nhiệm vụ của các thầy cô, dẫu là "nhiệm vụ bất khả thi" đi nữa thì cũng đáng quí, còn chuyện mình nói cũng chỉ là càm ràm vơ vẩn vài lời không đầu không đuôi, mà cũng chỉ dám nói một mình hoặc ba hoa với mấy ông bạn nhậu là cùng, chứ trong hội nghị bố bảo dám nói. Ấy cũng là bởi cái người mình có nói được cái gì cho nên hồn nên vẻ bao giờ đâu… Buồn thế!