“Tranh thủ”, trong từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ, có nghĩa là “giành lấy về phần mình sự đồng tình, ủng hộ. Ví dụ: Các đảng đối lập ra sức tranh thủ quần chúng”. Còn trong nghĩa Hán-Việt là “tranh đoạt trên tay kẻ khác”.
Xem ra dù là nghĩa nào thì “tranh thủ” cũng cũng chẳng có vẻ gì “chính đạo” cho lắm, vì đã tranh giành thì có kẻ được- người mất; kẻ vui-người buồn; kẻ hơn-người thua… Và tranh giành lại gợi nhớ về cái thời “bao cấp”, với cơ chế “xin-cho”, khi mọi thứ, từ gói thuốc, bao diêm, cái lốp xe đạp, vài lạng thịt, mớ rau … đều phải tranh giành, cầu cạnh mới có được. Mà càng tranh giành, cầu cạnh bao nhiêu thì con người ta càng trở nên hèn mọn, nhỏ bé, tầm thường bấy nhiêu.
Thế nên mỗi lần nghe hoặc đọc đâu đó nói rằng “phải tranh thủ ý kiến lãnh đạo” là mình cảm thấy cái gì đó không ổn. Tại sao cấp dưới phải tranh giành nhau sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên, thay vì cấp trên phải có trách nhiệm, bổn phận quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp dưới thực thi nhiệm vụ. Đó mới là cái đạo lý của người làm lãnh đạo.
Còn xét cho cùng cái ý nghĩa của “tranh thủ” mà người ta thường dùng thì chẳng qua cũng chỉ là sự luồn lách, nịnh nọt, bợ đỡ cấp trên để tìm sự chiếu cố, ban bố chút bổng lộc cho cá nhân mình, cho cơ quan mình. Trong sự “tranh thủ” đó, anh nào "giỏi" sẽ được tất cả, anh nào "kém" sẽ chẳng có gì. Và người ta lại lấy kết quả “tranh thủ” làm thước đo lòng nhiệt tình và tài năng của người công chức (!)
Thử hỏi, nếu “tranh thủ” là vậy thì có đáng cho người đàng hoàng phải “tranh thủ” hay không?