Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Nhớ bạn

Hôm nay, 11/11 âm lịch, giỗ đầu của Hào. Cách đây ba hôm nhận được điện báo tin của anh Nhàn, anh rể Hào, mình gọi ngay cho anh Đảng, Đường, T.Hưng và Th, T; anh Đảng gọi thêm cho anh Đoan để hẹn nhau cùng đi, chỉ tiếc T. Hưng bệnh ở SG; Th, Tr bận gì đó nên không đi được.

Nhà Hào, vẫn khu vườn xưa rợp bóng mát nhưng thiếu tay người chăm sóc nên hoang vắng đầy lá rụng, chỉ mấy chậu hoa giấy trước nhà là vẫn vô tư trổ hoa trong nắng và cây mít già bên hiên lặng lẽ vẫn cố nảy vài trái oặt oẹo cuối mùa. Trong nhà, trên bàn thờ di ảnh Hào vẫn đó, vẫn cái nhìn hiền lành với mọi người, chân thật với tất cả và ngơ ngác với đời.

Nhớ ngày xưa khi Hào còn ở tập thể, khu bệnh viện cũ, căn phòng nhỏ tường không trát vữa, chỉ dán bằng những tờ giấy báo ố vàng loang lỗ, tấm bảng đen ngăn đôi căn phòng, bên ngoài kê bộ bàn ghế vừa là chỗ tiếp khách, vừa là chỗ thỉnh thoảng kèm cặp vài ba đứa học trò, bên trong là chỗ ngủ với mấy tấm ván sơ sài ghép lại gọi là giường. Tuềnh toàng thế nhưng lại là nơi tụ họp gắn kết anh em-bè bạn xa gần. Nơi ấy, hàng ngày, Hào một mình lủi thủi đi về đến tội nghiệp, rồi lúi húi nấu nướng, kê mấy cục gạch tạm bợ làm ông đầu rau, củi vơ vội sau nhà chưa khô nên khói đặc cả phòng, nước mắt nước mũi sặc sụa mỗi lần vào bếp. Anh em thúc lấy vợ để có người hủ hỉ đỡ đần, lần nào Hào cũng nhe hàm răng cải mả ra cười khơ khớ rồi giọng đặc sệt Quảng Trị bảo: “Sặp rồi, sặp rồi, chuẩn bị tiền đi là vừa!”. Thế nhưng cái "sặp rồi" đó cứ lùi dần lùi dần, mặc cho mọi người trêu ghẹo, mặc cho biết bao biên bản cam kết được ký, Hào vẫn không có nổi một mảnh tình vắt vai, bởi không ai chịu làm người để cho anh yêu thương chăm sóc, để anh được đem bờ vai gầy guộc của mình ra làm chỗ dựa cho họ. Thực ra, trước đây, có người mai mối, Hào cũng hẹn hò với một cô thợ may, nhưng chỉ được vài lần, sau đó chẳng thấy cô ấy đến nữa.

Nhưng cũng có lần Hào yêu, đấy là lần duy nhất anh em chứng kiến. Hào yêu người ấy bằng một tình yêu ngây thơ chân thành và tin rằng người ấy cũng yêu mình như thế. Những ngày ấy người ta thấy ở anh dáng dấp mới mẻ của một chàng trai mới lớn cùng những buổi hẹn hò cuống quít đầy hăm hở vụng dại. Mỗi chiều ăn uống xong, anh lại chăm chút vuốt ve từng cái quần, cái áo để đến nhà người ấy, nếu chiều ấy anh em có bày độ nhậu ngay tại nhà mình cũng mặc, Hào chẳng lỗi hẹn với người ấy bao giờ. Chẳng biết khi đến đó Hào và người ấy nói gì, nhưng mỗi lần trở về, trên chiếc xe đạp cọc cạch, qua mảnh vườn hoang đầy cỏ dại, tù mù ánh đèn vàng vọt, từ xa, người ta đã thấy Hào vừa đạp xe vừa huýt gió xem chừng vui tươi và yêu đời lắm. Thấy vậy, anh em vừa mừng vừa ái ngại, bởi cô ấy còn trẻ quá, mà Hào thì đã già. Thế nhưng, đùng một cái, cô ấy bỏ đi lấy chồng, anh chồng là bạn học cùng lớp sư phạm ngày xưa, trẻ tuổi, đẹp trai. Anh em hỏi sao lại thế, Hào chỉ mím môi cười nhạt và hôm đám cưới, Hào không đến dự, anh đóng chặt cửa, không gặp ai, một mình nằm chơ vơ trong phòng suốt một ngày như để cố chôn chặt nỗi đau đớn trong lòng mình.

                  ...Ngày nhà em pháo nổ, 
                     Anh cuộn mình trong chăn, 
                     Như con sâu làm tổ, 
                    Trong trái vải cô đơn. 
                     Ngày nhà em pháo nổ, 
                     Tâm hồn anh nhuốm máu, 
                     Ôi nhát chém hư vô! 
                     Ôi nhát chém hư vô!" (Chuyện tình buồn - Phạm Duy). 

Ngày hôm sau Hào vẫn đi làm, vẫn cười cười nói nói nhưng giọng cười, tiếng nói héo hắt và chua xót thế nào ấy. Mọi người đều biết nhát chém hư vô đã khiến anh ngã quỵ và không còn đủ sức che giấu nỗi đau trong lòng mình nữa rồi!

Sau cú sốc đó một thời gian, Hào xin chuyển về PM, nói là để cho gần bà chị. Cách BR hơn hai mươi cây số nhưng tháng nào Hào cũng xuống BR với anh em, khi thì ghé anh Đ, khi thì ghé kiếm TH, Đg và mình. Đó là những lúc trong túi anh có rủng rỉnh dăm ba trăm ngàn tiền bán cháo phổi. Gặp nhau nói chuyện câu trước, câu sau là Hào rủ anh em ra quán. Trước khi uống, bao giờ Hào cũng bảo: “Uộng đi, tợ cọ nhiều tiền lặm, chơi thoải mại”. Hào uống không nhiều, vài ba chai bia là đã ngà ngà say, nhưng thích tụ tập để trò chuyện, đùa giỡn rồi chọc phá nhau đến phát cáu, có lẽ đó là cách để anh vơi bớt nỗi cô đơn chăng? Mỗi lần đùa giỡn, khi bạn bè vặn lại là Hào lại gân cổ: “Cải cho cộ, cải cho cộ!” rồi cười khơ khớ, khơ khớ như một đứa trẻ.

Nhớ có lần vào dịp Tết, Hào từ PM xuống ghé mình chơi rồi rủ đến thăm Tư H. Ngồi nhà Tư H uống rượu, đang vui, tự dưng Hào bảo Tư H: “Chút tui về mà có chuyện gì ông lo cho tui he!”. Tư H vỗ vai cười đùa: ”Yên tâm, cứ uống đi!”. Vài tiếng sau mình nhận điện Tư H, giọng hốt hoảng: ”Cha Hào bị xe đụng rồi”. Tư H luống cuống bảo mình chuẩn bị để xe đến đón đi thăm Hào, rồi lại nhờ anh em trên đó chạy gấp vào trạm xá nơi Hào đang nằm xem tình hình thế nào. Chỉ dăm phút sau, Tư Hùng gọi lại “Thôi, chả tỉnh dậy, dzề rồi, tự té, không sao cả!”. Anh em thở phào nhẹ nhõm, Tư H lại bảo: “Cha này nói linh thiệt!”. Hào sống chân chất, thật thà, hết mình với bạn, không lươn lẹo, bợ đỡ, đôi khi vụng về nên có nhiều người thương nhưng cũng lắm kẻ không thích. Không thích vì Hào không giống họ, không cùng phe với họ.

Thương Hào nên mình nhờ mấy người bạn ở Ủy ban xin cho anh miếng đất thổ cư được trăm mét vuông ở khu vườn thuốc Nam, đi đâu Hào cũng khoe lòng tốt của anh em đối với mình, Hào khoe chân thật và cảm động với chút tình nghĩa ấy. Mình cứ nghĩ đấy sẽ là mảnh đất Hào cất nhà, lấy vợ, sinh con đẻ cái để bà cụ ngoài quê yên lòng khi tuổi đã gần đất xa trời. Thế mà đường tình duyên của bạn vẫn cứ thăm thẳm. Chẳng hiểu sao, do số phận hay do Hào không đẹp trai, tướng tá thấp bé lại không nhanh nhẩu mồm miệng và nhất là lại nghèo nên khó lấy vợ? Nhưng thôi có lẽ thế cũng là cái may, vì nếu có ai gắn bó với bạn mình thì lại thêm một người phải khổ khi bạn mình nằm xuống. Phải chăng vì biết thế nên Hào không mặn mòi lắm với việc lấy vợ, bởi bạn mình có muốn ai khổ vì mình bao giờ đâu!

Rồi Hào làm nhà trên PM, cạnh nhà bà chị, mời anh em lên tân gia, nhậu một trận tưng bừng. Lần này Hào lại cười khơ khớ, khơ khớ và bảo: "Chuẩn bị nhà để lấy vợ đọ". Nghe nói, anh em cũng mừng cho bạn. Cả bọn còn bàn đến chuyện tổ chức cưới xin cho một thằng cha già đầu bạc mới chịu đi lấy vợ như thế nào cho vui và ý nghĩa. Bàn tới bàn lui, nhưng cô dâu là ai thì chú rể già này cứ hẹn lần hẹn lữa chưa cho gặp mặt. Hẹn mãi cho đến ngày Hào đổ bệnh.

Hôm nghe Hào bệnh mình cứ tưởng bệnh thường thôi, chẳng ngờ khi bạn ghé nhờ mình làm cho cái giấy chuyển viện về CR thì đã thấy Hào xuống sắc lắm, nhìn bạn xạm đen, gầy xọp, dáng đi liêu xiêu từ ngoài sân, chiếc áo mỏng trở nên rộng thùng thình phất phơ trong gió, mình đã linh cảm chuyện chẳng lành, thế nhưng Hào vẫn ngây thơ cho rằng không có gì, trong khi hồ sơ bệnh án đã nói rõ. Khổ thế!

Vài tuần sau, khi mình đi cùng PGD lên thăm thì Hào đã yếu lắm rồi, mồm miệng vẩu ra, nụ cười héo hon gượng gạo vì đau đớn mệt mỏi, ánh mắt đã xuộm màu buông xuôi tuyệt vọng. Thương Hào nhưng chẳng ai nói được điều gì ngoài những câu vớ vẩn nhạt nhẽo, bởi lúc này mọi thứ trên đời này, kể cả ngôn từ đều trở nên vô nghĩa và bất lực. Mọi người chợt nghĩ đến tình cảnh của bà mẹ già nơi làng quê Quảng Trị nghèo khó xa xôi kia đang ngày đêm thắt thẻo chờ đợi... Và đó cũng là lần cuối cùng mình gặp Hào.

Hôm nay giỗ đầu của Hào, nhìn mấy cái bàn chổng chơ với vài nhúm khách giữa khu vườn vắng đầy nắng gió, tự nhiên thấy buồn, càng buồn hơn khi sáu, bẩy chục đồng nghiệp của Hào ở ngôi trường cấp ba to đùng gần đó nhưng tuyệt nhiên không một ai đến dự. Anh Nhàn, anh rể Hào, chắc vì áy náy nên cứ phân bua với bọn mình: "Các thầy cô tiếc lắm nhưng vì bận dự đám cưới con của một giáo viên trong trường...". Vâng, đám cưới thì vui hơn và cũng quan trọng thật nhưng chẳng lẽ cả một ngôi trường đủ những ban bệ nào Ban giám hiệu, nào Chi bộ đảng, rồi Công đoàn, Đoàn thanh niên, lại còn Tổ Chuyên môn... mà chẳng cử được ai đến thắp một nén hương, cắm một cành hoa cho người đồng nghiệp xấu số vừa mất tròn một năm hay sao? Chẳng lẽ người ta có thể nhanh chóng lãng quên một người tổ trưởng bộ môn hiền lành chân chất, một người đã từng gắn bó với họ cả chục năm trời từ khi ngôi trường ấy mới được thành lập? Quên nhanh được đến thế sao?

Thôi, tất cả cũng đã qua và Hào cũng chẳng buồn trách gì nữa đâu, tính bạn mình vốn thế mà! Hôm nay, ngày giỗ đầu, mình viết mấy dòng này nhớ bạn như một nén hương lòng của anh em bè bạn gửi đến cho Hào, một người Quảng Trị tốt nhất mà mình từng biết, và cầu mong cho bạn nơi cực lạc xa xăm nào đó, sớm tìm được hạnh phúc thật sự cho mình, cái hạnh phúc mà cả cuộc đời Hào khắc khoải tìm kiếm nhưng vô vọng giữa cái trần gian muôn màu và đầy khổ lụy này.


(trích đăng fb Tran Nam)

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Bộ phong trào

Nhớ cách đây hơn 3 năm, trong lần gặp gỡ các giáo sư và nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng danh hiệu, ngày 17/11/2006, ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc ấy mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được hơn 4 tháng, tuyên bố sẽ cải cách chế độ tiền lương ngành giáo dục để đến năm 2010 các nhà giáo có thể yên tâm sống bằng đồng lương của mình.

Nghe thế mọi người và cả các nhà giáo đều ngớ người ra tự hỏi: từ trước đến giờ nhà giáo sống bằng gì và từ nay đến 2010 các nhà giáo phải sống ra sao, nếu lương vẫn chưa đủ sống?

Sau khi đưa ra lời tuyên bố hùng hồn đó, ông Bộ trưởng đã tích cực có những biện pháp để chấn hưng ngành giáo dục. Nào là qui đinh đạo đức nhà giáo, rồi các phong trào thi đua, các cuộc vận động, rồi các chuẩn nghề nghiệp, và đủ thứ thông tư thông tiếc … Chạy theo các phong trào, các cuộc vận động của ông, các nhà giáo ta cũng mệt bở hơi tai. Mệt nhưng vẫn vui, giống như người đi đêm thấy được chút tia sáng le lói ở cuối đường. Các thầy cô bảo nhau cố mà sống mà làm việc đến năm 2010 để thấy đời sang trang mới, con cái đỡ khổ, cha mẹ già được báo hiếu …

Thế nhưng cho đến nay, khi chỉ còn mấy ngày nữa là đến cái thời hạn ông Nhân đưa ra, xem chừng chút hy vọng le lói cách đây gần bốn năm đã tắt ngóm tự bao giờ và thế là cái tương lai xán lạn ông vẽ ra cho các nhà giáo sẽ không thể trở thành hiện thực. Có người bảo ông Nhân hứa hão. Tôi thì không nghĩ ông hứa hão mà chẳng qua ông đã quá hăng tiết và thiếu am hiểu tình thế mà thôi, cũng giống như ông Tiến sĩ Viện trưởng Kinh tế kinh tiếc nào đó dám tuyên bố xanh rờn rằng với tiềm lực kinh tế hiện nay thì chỉ cần 20-30 năm nữa, Việt Nam ta sẽ là một trong 15 nền kinh tế mạnh nhất thế giới! Đúng là những tuyên ngôn bạt mạng đáng được ghi vào kỷ lục Guiness!

Thôi sự đã thế thì các nhà giáo đành chia tay với giấc mơ vui và cũng xin đừng “nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi” để ông Bộ trưởng thanh thản tìm vui với những phong trào và các cuộc vận động này nọ.

Cầm lòng vậy, đành lòng vậy!

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Nhà thờ chánh tòa Bà Rịa

Ngôi giáo đường cổ kính không còn nữa
Vài năm trước, Bà Rịa còn ngôi nhà thờ rất đẹp được đức Cha người Pháp Errard cho khởi công xây dựng từ năm 1887. Người Bà Rịa đi đâu cũng tự hào về ngôi nhà thờ tồn tại hơn trăm năm mà vẫn vững bền, nguyên vẹn với thời gian. Nó mang vẻ uy nghi của chốn tôn nghiêm, trong nét đẹp cổ kính của kiến trúc Roman phương Tây mà vẫn tạo cảm giác thân thiện, gần gũi của một ngôi nhà chung, hài hòa giữa một không gian đô thị nhỏ miền Đông Nam bộ.
Nhưng từ khi giáo phận Bà Rịa được thành lập, tách ra từ giáo phận Xuân Lôc, 22/11/2005, giáo dân chưa kịp hưởng trọn niềm vui với Sắc chỉ Tông tòa thiết lập tân giáo phận, thì sau đó ít lâu, bỗng dưng người ta thấy ngôi nhà thờ cổ kính ấy bị đập bỏ để xây dựng ngôi nhà thờ chánh tòa của tân giáo phận Bà Rịa theo lối kiến trúc hiện đại hoành tráng với hàng trăm tỷ đồng.

Nào những ô cửa ghép bằng thủy tinh đủ màu sắc khắc họa những hình ảnh, sự tích trong kinh thánh được đặt từ Ý; nào là bộ chuông sáu cái được đúc từ Đức; rồi những phiến đá cẩm thạch, hoa cương được lôi về từ mọi miền đất nước để ốp tường, lót cầu thang, trang trí, làm trụ rào; rồi những đồ gỗ nội thất có giá hàng chục triệu đồng cho mỗi cái; rồi tranh ảnh, tượng thánh, bệ thờ, đèn chùm … 
Nhà thờ chánh toà mới đang xây dựng
Dự kiến thời gian xây dựng là ba năm, đến giữa năm 2010 sẽ hoàn thành ngôi nhà thờ hoành tráng này và lại tiếp tục khởi công xây dựng tòa nhà cho vị giám mục tiên khởi của giáo phận cũng hoành tráng không kém ngay bên cạnh. Nhà thờ mới to thế nhưng giáo dân sao chẳng thấy vui. Buổi sáng nhìn những cụ ông, cụ bà đi lễ nhất, lưng họ như còng xuống hơn và giữa sự phô phang về đường nét, hình khối với những mái vòm, cột, tháp cao vút của ngôi nhà thờ mới, bóng dáng họ sao trở nên nhỏ nhoi, lạc lõng đến tội nghiệp! Phải chăng vì những gánh nặng mà họ phải oằn lưng chịu đựng? Nhiều người bảo giáo dân còn nghèo, thậm chí có người không có nổi miếng đất cắm dùi, phải chạy ăn từng bữa, con cái nhếch nhác, thất học thì có nên xây ngôi nhà thờ to lớn một cách lãng phí như thế không? Bởi kinh phí xây dựng phần lớn đều trông chờ vào sự đóng góp của giáo dân qua các đợt vận động những viên gạch vàng, viên gạch bạc … Nhà thờ đã kêu gọi thì giáo dân ắt phải mở hầu bao đóng góp, nhưng liệu mấy ai biết rằng trong thời buổi suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay thì mỗi đồng tiền của họ đều thấm đẫm vị mặn của mồ hôi và cả nước mắt? Chẳng hiểu đức giám mục và các cha nghĩ gì? Chắc các ngài chưa thấu được dân tình, hay các ngài cũng đang mang căn bệnh thời đại: bệnh thành tích, thích làm những công trình kỳ vĩ, bự sự để đua chen cùng 25 giáo phận khác trong cả nước, và cũng để người đời qua đó mà ghi nhớ thời trị vì của các ngài?
Nếu quả vậy thì cũng đành cúi đầu: “Xin Chúa thương xót chúng con, Amen!”.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Văn hóa còi


Đường phố Thái Lan không có tiếng còi xe (Ảnh SD)










Nhớ ngày trước, gần trường học, bệnh viện, bao giờ người ta cũng gắn biển báo cấm bóp còi xe. Ngay trong phạm vi thành phố người ta cũng yêu cầu hạn chế tiếng còi. Mãi thành quen nên mỗi lần qua trường học, bệnh viện hay vào thành phố người đi xe luôn đi chậm lại và hạn chế tối đa việc bóp còi. Nhờ thế mà phố phường có được