Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009
Văn hóa còi
Đường phố Thái Lan không có tiếng còi xe (Ảnh SD)
Nhớ ngày trước, gần trường học, bệnh viện, bao giờ người ta cũng gắn biển báo cấm bóp còi xe. Ngay trong phạm vi thành phố người ta cũng yêu cầu hạn chế tiếng còi. Mãi thành quen nên mỗi lần qua trường học, bệnh viện hay vào thành phố người đi xe luôn đi chậm lại và hạn chế tối đa việc bóp còi. Nhờ thế mà phố phường có được
chút yên ắng, trật tự, bớt đi cái ồn ào khó chịu.
Bây giờ phố xá đông đúc nào người, nào xe nhưng giao thông thật hỗn loạn, không chỉ vì các phương tiện tranh nhau lạng lách, lấn đường, vượt ẩu mà ngay việc bóp còi xe cũng khiến mọi người kinh hoàng. Tiếng còi xe thì muôn hình vạn trạng với âm lượng tối đa. Xe nào cũng muốn tiếng còi xe mình là độc đáo, không đụng hàng, nghe một lần là nhớ và phải chạy "xếp de" hoặc ép sát vào lề. Có tiếng còi lớn đến độ làm người nghe buốt óc, đau tim, thậm chí có người giật mình ngã xuống đường và thiệt mạng … Theo tài liệu khoa học thì chỉ cần âm thanh lớn hơn 80dB là đã gây hại đến tai nghe và sức khoẻ con người, vậy mà có những xe tải, xe khách vô tư trang bị các loại còi có công suất từ 120dB đến 250dB, nhưng chẳng thấy ai nhắc nhở và cũng chẳng thấy biển cảnh báo nào dù là nơi bệnh viện hay trường học. Không cấm, không nhắc nhở thì người ta vẫn cứ vô tư bóp, bóp cả khi đang đi trên đường vắng, bóp để giành quyền ưu tiên qua giao lộ, bóp cả khi dừng xe nơi đèn đỏ, bóp để cảnh báo mọi người rằng ta đang chạy nhanh đừng xớ rớ mà mất mạng, và bóp cả khi muốn khoe với mọi người ta đang có một bộ cánh độc hay một chiếc xe đời mới láng coóng …
Công bằng mà nói thì tiếng còi xe đúng lúc là rất cần thiết. Nó nhắc nhở người khác chú ý cẩn thận và tôn trọng luật khi giao thông vì thực tế còn có nhiều người lơ đễnh hoặc cố tình phạm luật. Thế nhưng tiếng còi ở ta thường là của những người vô ý thức. Và đã là sản phẩm của sự vô ý thức thì bao giờ cũng làm người khác bực mình, khó chịu, thậm chí còn nguy hiểm cho cộng đồng.
Khi tôi sắp sửa qua Bangkok, chú em bảo: "Bên Bangkok không có tiếng còi xe". Tôi nghĩ bụng: "Để xem!”. Qua rồi mới thấy điều chú em nói là sự thật. Đường xá họ thì thênh thang, tầng lớp, xe cộ như mắc cửi, nhưng làn đường nào ra làn đường đó, lưu thông trật tự theo qui định tại các biển báo không cần cảnh sát. Cũng có kẹt xe, nhưng mọi người đều kiên nhẫn chờ đợi, không bóp còi, không cãi vã, la hét, văng tục, chửi thề hay đập vào thùng xe ầm ầm như ở bên ta. Mà không tiếng còi cũng phải, bởi khi mọi người đều có ý thức tôn trọng luật lệ thì cần gì phải dùng đến tiếng còi để nhắc nhở nữa! Còn ở ta thì cứ vô tư còi. Nhưng mọi người không nghĩ rằng cứ một tiếng còi vang lên không đúng lúc đúng chỗ lại trở thành một tín hiệu cho thấy sự thiếu văn hoá của chính mình!