Nhớ cách đây hơn 3 năm, trong lần gặp gỡ các giáo sư và nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng danh hiệu, ngày 17/11/2006, ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc ấy mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được hơn 4 tháng, tuyên bố sẽ cải cách chế độ tiền lương ngành giáo dục để đến năm 2010 các nhà giáo có thể yên tâm sống bằng đồng lương của mình.
Nghe thế mọi người và cả các nhà giáo đều ngớ người ra tự hỏi: từ trước đến giờ nhà giáo sống bằng gì và từ nay đến 2010 các nhà giáo phải sống ra sao, nếu lương vẫn chưa đủ sống?
Sau khi đưa ra lời tuyên bố hùng hồn đó, ông Bộ trưởng đã tích cực có những biện pháp để chấn hưng ngành giáo dục. Nào là qui đinh đạo đức nhà giáo, rồi các phong trào thi đua, các cuộc vận động, rồi các chuẩn nghề nghiệp, và đủ thứ thông tư thông tiếc … Chạy theo các phong trào, các cuộc vận động của ông, các nhà giáo ta cũng mệt bở hơi tai. Mệt nhưng vẫn vui, giống như người đi đêm thấy được chút tia sáng le lói ở cuối đường. Các thầy cô bảo nhau cố mà sống mà làm việc đến năm 2010 để thấy đời sang trang mới, con cái đỡ khổ, cha mẹ già được báo hiếu …
Thế nhưng cho đến nay, khi chỉ còn mấy ngày nữa là đến cái thời hạn ông Nhân đưa ra, xem chừng chút hy vọng le lói cách đây gần bốn năm đã tắt ngóm tự bao giờ và thế là cái tương lai xán lạn ông vẽ ra cho các nhà giáo sẽ không thể trở thành hiện thực. Có người bảo ông Nhân hứa hão. Tôi thì không nghĩ ông hứa hão mà chẳng qua ông đã quá hăng tiết và thiếu am hiểu tình thế mà thôi, cũng giống như ông Tiến sĩ Viện trưởng Kinh tế kinh tiếc nào đó dám tuyên bố xanh rờn rằng với tiềm lực kinh tế hiện nay thì chỉ cần 20-30 năm nữa, Việt Nam ta sẽ là một trong 15 nền kinh tế mạnh nhất thế giới! Đúng là những tuyên ngôn bạt mạng đáng được ghi vào kỷ lục Guiness!
Thôi sự đã thế thì các nhà giáo đành chia tay với giấc mơ vui và cũng xin đừng “nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi” để ông Bộ trưởng thanh thản tìm vui với những phong trào và các cuộc vận động này nọ.
Cầm lòng vậy, đành lòng vậy!