Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Lỗi thời!

Đủ thứ loại pháo đốt nổ ì xèo mừng xuân Tân mão, 2011!
Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh BR-VT có hình thiệp chúc Tết Tân Mão 2011 ngay trang chủ thật ấn tượng. Gọi là ấn tượng vì nay đã là năm 2011, nghĩa là sau hơn 15 năm từ khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lệnh cấm đốt pháo (1995) thế mà website của Sở vẫn có hình cổ vũ bà con mình đốt pháo để mừng xuân (?)


Không biết những người quản trị trang web có thấy rằng hình ảnh đó đã lỗi thời và hoàn toàn đi ngược với công văn 46/SGDĐT-VP của chính Sở này là Nhắc nhở giáo viên, cán bộ, công nhân viên, học sinh, học viên nghiêm túc thực hiện các quy định của nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn, phòng chống cháy nổ; không mua bán, tàng trữ, đốt pháo; không tham gia các trò chơi cờ bạc, sát phạt nhau; không uống rượu bia say xỉn, vi phạm an toàn giao thông và các quy định trật tự an toàn ở nơi cư trú” (?)

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Cung Chúc Tân Xuân

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Một trò lố của Vietnamnet

Bài báo vẫn còn lưu trong bộ nhớ cache sau đó
Ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng được bầu vào vị trí Tổng bí thư Đảng CSVN, Vietnamnet có liền bài báo “Tân tổng bí thư đi xe máy tới thăm thầy cũ”. Tên bài báo khiến người ta tò mò, nhưng đọc xong mới biết đó là sự việc cách đây 10 năm, thời ông Nguyễn Phú Trọng mới về làm Bí thư thành uỷ Hà Nội, hôm đó ông Trọng cùng một nhóm cựu học sinh trở về trường cũ dự lễ mừng thọ thầy giáo của mình thời còn học phổ thông .

Rõ ràng tên bài báo là một sự dối trá trơ trẽn, bởi lúc đó ông Trọng đã là Tổng bí thư đâu. Có lẽ bị nhiều người phản ứng nên sau đó tựa bài báo đã sửa lại thành “Tân tổng bí thư từng đi xe máy tới thăm thầy cũ”. Thêm một chữ “từng” cho sự việc đó ở thì quá khứ để chính xác hơn về mặt thời gian, song người viết lại không hiểu rằng về nội dung ngữ nghĩa vẫn bộc lộ lắm cái bất ổn đến vớ vẩn, vì chả lẽ ở Việt Nam, một người tử tế lại không thể đi xe máy (một phương tiện rất phổ biến) để đến thăm thầy cô giáo cũ của mình hay sao? Hay người viết cho rằng đó là một hành động phi thường hoặc quá đỗi lạ lùng?

Chắc người viết và kể cả Vietnamnet đều muốn "nịnh" để bày tỏ lòng thành với tân tổng bí thư nhưng vì quá vội vã hấp tấp, và dốt nữa, nên trở thành lố bịch, kệch cỡm như kiểu khen trong dân gian: “Đồn rằng quan tướng có danh/ Cỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai...”.

Khen kiểu này chắc ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải đỏ mặt.

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Cũng là một tài năng!


Mấy tháng trời nay báo giấy, báo mạng xôn xao chuyện ông Trần Đăng Tuấn, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam từ chức.

Ở Việt Nam, việc một ông lớn bỗng dưng từ chức là chuyện lạ xưa nay hiếm, bởi mọi người đều nghĩ rằng quyền bao giờ cũng đi đôi với lợi, quyền càng lớn thì lợi càng to, mà đã là lợi thì ngu gì mà bỏ. Thấy lạ nên người ta ra sức tán dương ông, nào là người tài đức vẹn toàn, lại điềm đạm tế nhị được anh em, bạn bè kính mến, là người khai sáng ngành truyền hình Việt Nam, người có công đặt nền móng, xây dựng các chiến lược phát triển cho VTV, lại là người có chuyên môn cao, tiến sĩ chuyên ngành truyền hình đầu tiên của Việt Nam, được đào tào tại trường ĐH Tổng hợp Lomonosov và Viện Hàn lâm khoa học ở Liên Xô cũ cơ mà (những điều này có thể hoàn toàn đúng)... Và rồi dư luận đoán giá đoán non rằng ông bị chèn ép bởi những kẻ bất tài, bởi âm mưu bè phái (điều này không biết có đúng?)... Báo chí thi nhau lên tiếng, kể cả độc giả những người chẳng biết trời trăng mây nước gì nhưng vốn nhẹ dạ và nông nổi lại thêm “tâm lý bầy đàn” nên cũng ào ào góp gió. Chỉ có những người trong cuộc như Đài THVN và ông Trần Đăng Tuấn là vẫn im hơi lặng tiếng. Và sự im lặng bao giờ cũng là mảnh đất màu mỡ để gieo trồng những hạt giống “sự tích” và “huyền thoại”.
Nhưng đùng một cái ông Tuấn bỗng lên tiếng, nhưng lên tiếng một cách rất nghệ sĩ qua bài thơ “Có một ngày”, nghe bảo được viết trên điện thoại chỉ trong một đêm, (không biết anh nào rình mò mà thánh thế) và lại được một số ông nhà thơ chính hiệu con nai vàng bốc thơm rằng đó là một thi phẩm chất chứa đầy nỗi niềm tâm sự (?). Lại im lặng. Rồi sau đó ông lại tuyên bố rằng chỉ trả lời phỏng vấn một lần duy nhất về việc ông rời Đài THVN. Sau đó ông lại im lặng (!)
Và bây giờ, thêm một cái đùng, ông Tuấn bỗng tuyên bố sẽ về làm Tổng giám đốc AVG (Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu thuộc An Viên Group). Dư luận ngỡ ngàng, ra là thế! Bao nhiêu đồn đoán bỗng trở nên vô nghĩa. Như vậy thì làm gì có chuyện ông “rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi” như bao con người lam lũ khác, và cũng làm gì có chuyện Tết này ông thấm giọng bằng rượu đế để “Càng thấu tình men lá rượu ngô trong”...
Đọc lại những câu cuối “đầy nỗi niềm và cảm động” (chữ nghĩa của mấy ông nhà thơ thích chơi với người quyền chức và giàu có để hưởng lộc rơi lộc vãi), tôi chỉ băn khoăn cho những ai từng đoán già đoán non rồi thương cảm, xót xa cho nỗi niềm xuất xử của ông Tuấn.
Nhưng điều đáng nể nhất ở ông chính là tài năng P.R (Public Relations), nhất là P.R cho bản thân, vì chỉ có mỗi chuyện rất đỗi bình thường là chuyển từ việc làm này sang việc làm khác thôi mà ông đã khiến người ta phải hao tổn biết bao giấy mực(!) Quả là về khoản này ông rất giỏi, giỏi đến độ như tôi đây, một thằng dân quèn ngồi đáy giếng từ chỗ chẳng biết ông Tuấn kia là ai mà cũng phải biết, và còn biết cả tài năng làm thơ của ông nữa chứ. Xin bái phục!

CÓ MỘT NGÀY
Có một ngày
Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
Có một ngày
Không vui sướng cũng không ngần ngại
Tôi rẽ vào ngả đời
Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!
Tết này có ai cho rượu ngoại?
Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
Xuân này thôi họp hành lễ lạt
Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng
Giờ như bao chú cô bác khác
Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
Chút gian khó CỦA đời cha sẽ nếm
Để gần hơn bao thân phận mất còn!

Trần Đăng Tuấn
Hà Nội, 3-11-2010

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Đề ảnh

Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du, Độc thương nhiên nhi thế hạ 

(Tự dịch: Trước sau nào thấy bóng người
Mênh mang trời đất, riêng ta bùi ngùi)
(Đăng U Châu đài ca - thơ Trần Tử Ngang - đời Đường - TQ)


Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Cha và Con và ... nỗi lo

Kim Jong-Il: "Không biết thằng nhãi ranh này có làm nên trò trống gì không, hay lại 
để chúng nó cướp mất bố cái ngai vàng của ông nội để lại? Thiệt là lo quá đi thôi!

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Người Việt lạc quan: Có nên vui không?

Tại sao người Việt lạc quan nhất thế giới, và có nên vui mừng về điều này không?
Người Việt lạc quan nhất thế giới. Đó là kết quả thăm dò vừa được công bố từ Viện dư luận BVA và tổ chức quốc tế Gallup. Quốc gia có chỉ số bi quan nhất thế giới là Pháp (61%).
Gallup là một tổ chức quốc tế đặt tại Mỹ, nơi chuyên cung cấp các dịch vụ nghiên cứu bản chất và hành vi con người trong hơn 75 năm qua. Còn BVA là cơ quan nghiên cứu danh tiếng hàng thứ 4 tại Pháp và thứ 23 trên toàn thế giới với gần 40 năm kinh nghiệm. Đây không phải lần đầu tiên, mấy năm trước, Gallup International (GIA) cũng tiến hành khảo sát, lấy phiếu thăm dò tại 53 quốc gia về chỉ số lạc quan của người dân, và kết quả cũng cho thấy người Việt đứng đầu thế giới.
Trong top 10 quốc gia đầu bảng, Việt Nam chiếm vị trí số 1. Với chỉ số 61%, Việt Nam đã bứt xa các quốc gia cùng nhóm như Trung Quốc, Brazil, Peru (đều ở mức 49%). Theo các nhà phân tích của viện BVA và Gallup: Yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã cổ vũ tinh thần dân chúng. Trong khi tại Pháp lại có tới 61% người dân được hỏi tỏ ra bi quan lo ngại. Tỷ lệ bi quan lo ngại này ở Anh cũng chiếm tới 52%, với Tây Ban Nha là 48% và với người Ý là 41%. Lý giải về hiện tượng bi quan của người Pháp, nhà tâm thần học nổi tiếng Serge Hefez cho biết: do người Pháp cảm thấy không còn được nhà nước quan tâm nữa, họ tỏ thái độ bất mãn khi thấy một số giá trị xã hội cơ bản như bình đẳng, công bằng không còn được tôn trọng, chênh lệch quá lớn giữa của cải, gia sản của lớp người được ưu đãi so với tầng lớp trung lưu…
Làm thế nào giải thích các quốc gia đang nổi lên như Việt Nam chẳng hạn lại là quốc gia có chỉ số lạc quan nhất thế giới về tương lai của mình? Trả lời câu hỏi của báo Le Figaro (Pháp), bà Celine Bracq, Phó giám đốc viện dư luận BAV lý giải: đó là do cuộc khủng hoảng kinh tế tác động mạnh ở các quốc gia phương Tây khi các nước này cứ tiếp tục nghèo đi, đã đánh mất niềm tin vào mô hình kinh tế của mình và có cảm giác nó đang gây trì trệ, Trái lại ở các quốc gia đang phát triển, đang nổi lên, tăng trưởng cứ tiếp tục tăng bất chấp khủng hoảng…
Vâng thì chúng ta vượt qua khủng hoảng, chúng ta tăng trưởng. Vâng thì thế giới khối anh vẫn đang khốn đốn trong vòng xoay của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Không phủ nhận những bước chuyển thay của nền kinh tế, nhưng liệu những sự chuyển thay đó và mô hình của chúng ta có đáng tin hơn và… bỏ xa (!?) các nền kinh tế khác? Chẳng lẽ những Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý giờ đây đang trông chờ, ngưỡng vọng về mô hình Việt Nam? Chẳng lẽ những “giá trị xã hội cơ bản như bình đẳng, công bằng và mức chênh lệch giữa của cải, gia sản của lớp người được ưu đãi so với tầng lớp trung lưu…” ở Việt Nam là hơn hẳn thế giới?
Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý và… thiên hạ cho dù có dậm chân tại chỗ, thậm chí có lúc có khi sụt giảm, nhưng nền kinh tế của các quốc gia trên đang ở mức nào? Không khó để xếp vị thế nền kinh tế Việt Nam đang đứng ở cung bậc nào của nấc thang thế giới. Sống trong một nền kinh tế chưa vượt khỏi cái ao làng Đông Nam Á mà đa phần người dân lại vẫn an nhiên tự tại, mỉm cười lạc quan tin tưởng, dễ bằng lòng, dễ chấp nhận thì có đáng để… vui không? Ngược lại, tôi nghĩ đó là một mối nguy!
Mấy Tết rồi (và Tết này chắc cũng vậy) tôi về quê thấy nhiều nhà tiếp bia, thậm chí bia lon, 333 hẳn hoi, không còn rượu gạo nút chuối như trước. Mừng. Bảo đó là sự thay chuyển lớn cũng đúng. Nhưng đó mới là ta nhìn với ta, nhìn so với cái bóng của chính mình. Trong chừng đó thời gian, mình bước (hơn mình) được mươi thước, nhưng người khác họ đã bay tới… cung trăng! Vì thế, so là so với thiên hạ, chứ không phải nhìn so với chính cái bóng của mình.
Các cặp vợ chồng dân quê và tầng lớp thị dân nghèo ở đô thị luôn có chỉ số ly dị thấp hơn rất nhiều so với lớp người giàu và trí thức. Một anh đạp xích lô chỉ dám mong ước một ngày kiếm đủ dăm chục nhét túi, tối về ực ly rượu gạo, 3 xoa 2 đập rồi leo lên giường ôm vợ- thế là hạnh phúc, và họ bằng lòng với chỉ số hạnh phúc đó. Nhưng nhiều, rất nhiều cặp trí thức, học giả chỉ vì một câu nói hay thái độ dửng dưng cũng đủ để họ dắt nhau ra tòa.
Vì thế, trong khi báo chí tỏ ra hồ hởi trước kết quả về chỉ số niềm tin “nhất thế giới” của người Việt, tôi lại nhìn đó là một nỗi lo. Nỗi lo về cái bản tính tiếp nhận các hiện tượng, sự thể và cuộc sống một cách rất dễ dãi theo cảm tính, hiếm khi biết lật ngược lại vấn đề, dễ chấp nhận dễ hòa nhập, dễ bằng lòng với thực tại mà ít đòi hỏi quyết liệt cho những thay chuyển lớn.
Tôi thích câu này của Vương Trí Nhàn: Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người ta định lớn – người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn Việt Nam khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu, Tô Hoài…, luôn luôn chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được, từ đó nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết…!
Xã hội Việt, nhìn từ đó mà ra! Một đất nước, một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng, dễ dàng chấp thuận thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn. Nhìn ở nghĩa đó, cái chỉ số niềm tin kia là đáng lo chứ không phải đáng mừng!
T. D. N.
Nguồn: Truongduynhat

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Hoan hô ông Putin!

Nếu không chắc thì đừng có hứa
TT - Trong cái ngày giá lạnh cuối cùng của năm cũ 2010, ông Putin, vị thủ tướng đầy quyền lực của nước Nga, đã dạy cho các thuộc cấp của mình một bài học nhớ đời. Bài học ấy đơn giản chỉ mấy từ: “Nếu không chắc thì đừng có hứa”.
“Nếu không chắc thì đừng có hứa” là câu chuyện về việc khắc phục lưới điện ở thủ đô Matxcơva sau khi chúng bị phá hủy bởi một trận mưa đá. Thống đốc vùng Boris Gromov, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Smartko và lãnh đạo Công ty điện lực Nicolai Shvets hứa sẽ cấp điện trở lại cho người dân vào chiều tối 31-12-2010. Thế nhưng đến giao thừa, người dân vẫn phải sống trong bóng tối và không có điện để sưởi ấm. Điều này không chỉ khiến người dân nổi giận mà chính thủ tướng của họ cũng nổi giận.
“Nếu không chắc thì đừng có hứa”. Giả dụ mấy từ này được nói ra từ miệng những người dân nghèo thấp cổ bé họng thì có lẽ nó không có nhiều trọng lượng và các quan chức dễ bỏ ngoài tai. Nhưng khi nó được phát ra từ ông Putin, người ta có thể nhìn thấy sức mạnh ngàn cân của nó khiến ba vị công bộc có cỡ của nước Nga phải cúi đầu xin lỗi người dân và lủi thủi xách hành lý đến đón giao thừa cùng với họ trong cảnh tối tăm và lạnh giá theo đúng chỉ thị của ông ấy. Ở đây, ông Putin đã dạy dỗ thuộc cấp theo đúng phương sách của minh triết phương Đông: ”Phải lo trước cái lo của dân và phải biết khổ cái khổ của dân mình”.
“Nếu không chắc thì đừng có hứa”. Đó không chỉ là bài học mà còn là một chân lý. Vì lời hứa không được thực hiện đó có thể đẩy 4.000 người dân Matxcơva đến chỗ chết do cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông nước Nga; trong khi trách nhiệm lớn nhất, cao cả nhất của người cầm quyền là phải bảo vệ bằng được người dân của mình.
“Nếu không chắc thì đừng có hứa”. Người dân ta cũng từng nghe nhiều “lời hứa chưa chắc” nhưng chưa thấy có quan chức nào phải xách hành lý ra đi để “khổ cái khổ của người dân” như ba ông người Nga trên kia.
Hi vọng rằng một ngày nào đó bài học “Nếu không chắc thì đừng có hứa” cũng sẽ được áp dụng tại VN để những lời hứa hão không còn đất sống! 
NGỌC VINH (nguồn: Tuoitreonline)

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Xót!

Chỉ một tờ quảng cáo... vậy thôi!

Tờ quảng cáo này được dán ở một góc đường của thành phố Đài Bắc – Đài Loan, với những bạn không hiểu tiếng Trung hoặc không đọc được chữ Phồn Thể thì có thể nó chỉ là một tờ quảng cáo bình thường giống như những thông báo “Khoan cắt bê tông”, “Hút hầm cầu”.. vẫn dán nhan nhản ở các bờ tường và cột điện ở các phố Hà Nội.. và có thể nó chỉ nhẹ nhàng như thế nếu như bạn không hiểu nó đem lại thông điệp gì cho bạn..
Đầu tiên hãy để tôi dịch nguyên gốc để các bạn hiểu ý nghĩa của nó:
GIỚI THIỆU CÔ DÂU VIỆT NAM
Trong vòng 3 tháng đảm bảo cưới được về nhà
(Thời gian đi về hoàn thành trong 6 ngày)
CHỈ CẦN 20 VẠN ĐÀI TỆ (Khoảng 130 triệu VNĐ)
Bốn đảm bảo lớn:
Một: Đảm bảo là trinh nữ
Hai: Trong vòng 3 tháng cưới về nhà
Ba: Không phải trả thêm chi phí nào
Bốn: Trong vòng 1 năm nếu cô dâu trốn sẽ được đền bù 1 cô dâu mới
Bên dưới là điện thoại liên hệ!
(Nguồn: caféminh.com)


Bình: Chúng ta hành động để có tất cả, nhưng điều đó liệu có ý nghĩa gì nếu đồng bào của mình, nhất là những người phụ nữ, lại trở thành những món hàng như thế này?

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Happy new year