Mấy tháng trời nay báo giấy, báo mạng xôn xao chuyện ông Trần Đăng Tuấn, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam từ chức.
Ở Việt Nam, việc một ông lớn bỗng dưng từ chức là chuyện lạ xưa nay hiếm, bởi mọi người đều nghĩ rằng quyền bao giờ cũng đi đôi với lợi, quyền càng lớn thì lợi càng to, mà đã là lợi thì ngu gì mà bỏ. Thấy lạ nên người ta ra sức tán dương ông, nào là người tài đức vẹn toàn, lại điềm đạm tế nhị được anh em, bạn bè kính mến, là người khai sáng ngành truyền hình Việt Nam, người có công đặt nền móng, xây dựng các chiến lược phát triển cho VTV, lại là người có chuyên môn cao, tiến sĩ chuyên ngành truyền hình đầu tiên của Việt Nam, được đào tào tại trường ĐH Tổng hợp Lomonosov và Viện Hàn lâm khoa học ở Liên Xô cũ cơ mà (những điều này có thể hoàn toàn đúng)... Và rồi dư luận đoán giá đoán non rằng ông bị chèn ép bởi những kẻ bất tài, bởi âm mưu bè phái (điều này không biết có đúng?)... Báo chí thi nhau lên tiếng, kể cả độc giả những người chẳng biết trời trăng mây nước gì nhưng vốn nhẹ dạ và nông nổi lại thêm “tâm lý bầy đàn” nên cũng ào ào góp gió. Chỉ có những người trong cuộc như Đài THVN và ông Trần Đăng Tuấn là vẫn im hơi lặng tiếng. Và sự im lặng bao giờ cũng là mảnh đất màu mỡ để gieo trồng những hạt giống “sự tích” và “huyền thoại”.
Nhưng đùng một cái ông Tuấn bỗng lên tiếng, nhưng lên tiếng một cách rất nghệ sĩ qua bài thơ “Có một ngày”, nghe bảo được viết trên điện thoại chỉ trong một đêm, (không biết anh nào rình mò mà thánh thế) và lại được một số ông nhà thơ chính hiệu con nai vàng bốc thơm rằng đó là một thi phẩm chất chứa đầy nỗi niềm tâm sự (?). Lại im lặng. Rồi sau đó ông lại tuyên bố rằng chỉ trả lời phỏng vấn một lần duy nhất về việc ông rời Đài THVN. Sau đó ông lại im lặng (!)
Và bây giờ, thêm một cái đùng, ông Tuấn bỗng tuyên bố sẽ về làm Tổng giám đốc AVG (Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu thuộc An Viên Group). Dư luận ngỡ ngàng, ra là thế! Bao nhiêu đồn đoán bỗng trở nên vô nghĩa. Như vậy thì làm gì có chuyện ông “rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi” như bao con người lam lũ khác, và cũng làm gì có chuyện Tết này ông thấm giọng bằng rượu đế để “Càng thấu tình men lá rượu ngô trong”...
Đọc lại những câu cuối “đầy nỗi niềm và cảm động” (chữ nghĩa của mấy ông nhà thơ thích chơi với người quyền chức và giàu có để hưởng lộc rơi lộc vãi), tôi chỉ băn khoăn cho những ai từng đoán già đoán non rồi thương cảm, xót xa cho nỗi niềm xuất xử của ông Tuấn.
Nhưng điều đáng nể nhất ở ông chính là tài năng P.R (Public Relations), nhất là P.R cho bản thân, vì chỉ có mỗi chuyện rất đỗi bình thường là chuyển từ việc làm này sang việc làm khác thôi mà ông đã khiến người ta phải hao tổn biết bao giấy mực(!) Quả là về khoản này ông rất giỏi, giỏi đến độ như tôi đây, một thằng dân quèn ngồi đáy giếng từ chỗ chẳng biết ông Tuấn kia là ai mà cũng phải biết, và còn biết cả tài năng làm thơ của ông nữa chứ. Xin bái phục!
CÓ MỘT NGÀY
Có một ngày
Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
Có một ngày
Không vui sướng cũng không ngần ngại
Tôi rẽ vào ngả đời
Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!
Tết này có ai cho rượu ngoại?
Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
Xuân này thôi họp hành lễ lạt
Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng
Giờ như bao chú cô bác khác
Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
Chút gian khó CỦA đời cha sẽ nếm
Để gần hơn bao thân phận mất còn!
Trần Đăng Tuấn
Hà Nội, 3-11-2010
Có một ngày
Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
Có một ngày
Không vui sướng cũng không ngần ngại
Tôi rẽ vào ngả đời
Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!
Tết này có ai cho rượu ngoại?
Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
Xuân này thôi họp hành lễ lạt
Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng
Giờ như bao chú cô bác khác
Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
Chút gian khó CỦA đời cha sẽ nếm
Để gần hơn bao thân phận mất còn!
Trần Đăng Tuấn
Hà Nội, 3-11-2010