Tại sao người Việt lạc quan nhất thế giới, và có nên vui mừng về điều này không?
Người Việt lạc quan nhất thế giới. Đó là kết quả thăm dò vừa được công bố từ Viện dư luận BVA và tổ chức quốc tế Gallup. Quốc gia có chỉ số bi quan nhất thế giới là Pháp (61%).
Gallup là một tổ chức quốc tế đặt tại Mỹ, nơi chuyên cung cấp các dịch vụ nghiên cứu bản chất và hành vi con người trong hơn 75 năm qua. Còn BVA là cơ quan nghiên cứu danh tiếng hàng thứ 4 tại Pháp và thứ 23 trên toàn thế giới với gần 40 năm kinh nghiệm. Đây không phải lần đầu tiên, mấy năm trước, Gallup International (GIA) cũng tiến hành khảo sát, lấy phiếu thăm dò tại 53 quốc gia về chỉ số lạc quan của người dân, và kết quả cũng cho thấy người Việt đứng đầu thế giới.
Trong top 10 quốc gia đầu bảng, Việt Nam chiếm vị trí số 1. Với chỉ số 61%, Việt Nam đã bứt xa các quốc gia cùng nhóm như Trung Quốc, Brazil, Peru (đều ở mức 49%). Theo các nhà phân tích của viện BVA và Gallup: Yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã cổ vũ tinh thần dân chúng. Trong khi tại Pháp lại có tới 61% người dân được hỏi tỏ ra bi quan lo ngại. Tỷ lệ bi quan lo ngại này ở Anh cũng chiếm tới 52%, với Tây Ban Nha là 48% và với người Ý là 41%. Lý giải về hiện tượng bi quan của người Pháp, nhà tâm thần học nổi tiếng Serge Hefez cho biết: do người Pháp cảm thấy không còn được nhà nước quan tâm nữa, họ tỏ thái độ bất mãn khi thấy một số giá trị xã hội cơ bản như bình đẳng, công bằng không còn được tôn trọng, chênh lệch quá lớn giữa của cải, gia sản của lớp người được ưu đãi so với tầng lớp trung lưu…
Làm thế nào giải thích các quốc gia đang nổi lên như Việt Nam chẳng hạn lại là quốc gia có chỉ số lạc quan nhất thế giới về tương lai của mình? Trả lời câu hỏi của báo Le Figaro (Pháp), bà Celine Bracq, Phó giám đốc viện dư luận BAV lý giải: đó là do cuộc khủng hoảng kinh tế tác động mạnh ở các quốc gia phương Tây khi các nước này cứ tiếp tục nghèo đi, đã đánh mất niềm tin vào mô hình kinh tế của mình và có cảm giác nó đang gây trì trệ, Trái lại ở các quốc gia đang phát triển, đang nổi lên, tăng trưởng cứ tiếp tục tăng bất chấp khủng hoảng…
Vâng thì chúng ta vượt qua khủng hoảng, chúng ta tăng trưởng. Vâng thì thế giới khối anh vẫn đang khốn đốn trong vòng xoay của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Không phủ nhận những bước chuyển thay của nền kinh tế, nhưng liệu những sự chuyển thay đó và mô hình của chúng ta có đáng tin hơn và… bỏ xa (!?) các nền kinh tế khác? Chẳng lẽ những Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý giờ đây đang trông chờ, ngưỡng vọng về mô hình Việt Nam? Chẳng lẽ những “giá trị xã hội cơ bản như bình đẳng, công bằng và mức chênh lệch giữa của cải, gia sản của lớp người được ưu đãi so với tầng lớp trung lưu…” ở Việt Nam là hơn hẳn thế giới?
Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý và… thiên hạ cho dù có dậm chân tại chỗ, thậm chí có lúc có khi sụt giảm, nhưng nền kinh tế của các quốc gia trên đang ở mức nào? Không khó để xếp vị thế nền kinh tế Việt Nam đang đứng ở cung bậc nào của nấc thang thế giới. Sống trong một nền kinh tế chưa vượt khỏi cái ao làng Đông Nam Á mà đa phần người dân lại vẫn an nhiên tự tại, mỉm cười lạc quan tin tưởng, dễ bằng lòng, dễ chấp nhận thì có đáng để… vui không? Ngược lại, tôi nghĩ đó là một mối nguy!
Mấy Tết rồi (và Tết này chắc cũng vậy) tôi về quê thấy nhiều nhà tiếp bia, thậm chí bia lon, 333 hẳn hoi, không còn rượu gạo nút chuối như trước. Mừng. Bảo đó là sự thay chuyển lớn cũng đúng. Nhưng đó mới là ta nhìn với ta, nhìn so với cái bóng của chính mình. Trong chừng đó thời gian, mình bước (hơn mình) được mươi thước, nhưng người khác họ đã bay tới… cung trăng! Vì thế, so là so với thiên hạ, chứ không phải nhìn so với chính cái bóng của mình.
Các cặp vợ chồng dân quê và tầng lớp thị dân nghèo ở đô thị luôn có chỉ số ly dị thấp hơn rất nhiều so với lớp người giàu và trí thức. Một anh đạp xích lô chỉ dám mong ước một ngày kiếm đủ dăm chục nhét túi, tối về ực ly rượu gạo, 3 xoa 2 đập rồi leo lên giường ôm vợ- thế là hạnh phúc, và họ bằng lòng với chỉ số hạnh phúc đó. Nhưng nhiều, rất nhiều cặp trí thức, học giả chỉ vì một câu nói hay thái độ dửng dưng cũng đủ để họ dắt nhau ra tòa.
Vì thế, trong khi báo chí tỏ ra hồ hởi trước kết quả về chỉ số niềm tin “nhất thế giới” của người Việt, tôi lại nhìn đó là một nỗi lo. Nỗi lo về cái bản tính tiếp nhận các hiện tượng, sự thể và cuộc sống một cách rất dễ dãi theo cảm tính, hiếm khi biết lật ngược lại vấn đề, dễ chấp nhận dễ hòa nhập, dễ bằng lòng với thực tại mà ít đòi hỏi quyết liệt cho những thay chuyển lớn.
Tôi thích câu này của Vương Trí Nhàn: Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người ta định lớn – người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn Việt Nam khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu, Tô Hoài…, luôn luôn chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được, từ đó nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết…!
Xã hội Việt, nhìn từ đó mà ra! Một đất nước, một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng, dễ dàng chấp thuận thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn. Nhìn ở nghĩa đó, cái chỉ số niềm tin kia là đáng lo chứ không phải đáng mừng!
T. D. N.
Nguồn: Truongduynhat