Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Thật đáng tiếc!

Rừng người hâm mộ cuồng nhiệt

Ngôi sao bóng đá Hàn Quốc Park Ji Sung, đang thi đấu cho đội hình chính thức của MU, niềm tự hào của Châu Á, vừa đến Việt Nam trong một trận đấu từ thiện. Hàng trăm cổ động viên Việt Nam cuồng nhiệt chờ chực ở sân bay Tân Sơn Nhất để mong tận mắt được nhìn thấy thần tượng của mình bằng xương bằng thịt. Họ mang theo biểu ngữ, ảnh cầu thủ và cả cờ hoa… thế nhưng khi đến nơi chàng Park nhanh chân lên xe và ngồi lạnh lùng nhìn ra bên ngoài với gương mặt không một chút biểu lộ cảm xúc. Xem ti vi mà bỗng thấy tủi thân thay cho những con người hâm mộ cuồng nhiệt Việt Nam!
Sau trận đấu từ thiện với Navibank Sài Gòn lại có họp báo với hàng trăm phóng viên Việt Nam và nước ngoài nhưng nghe bảo Park cũng chỉ ngồi chưa đầy 5 phút và chỉ trả lời các câu hỏi của phóng viên Hàn Quốc thôi(?).
và bộ mặt lạnh lùng vô cảm của Park

Tại sao một ngôi sao tầm cỡ đi làm từ thiện mà lại thiếu thân thiện và cả một chút lịch sự tối thiểu đến thế nhỉ? Hay với anh chàng này thì từ thiện cũng chỉ là một phương tiện khả dĩ để đánh bóng tên tuổi của mình?
Nếu thế thì thật đáng tiếc!

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Nhớ "Người yêu tôi bệnh" của Nguyễn Đức Quang

NS Nguyễn Đức Quang (đứng) 

Khoảng những năm bảy mươi, khi chiến sự đang diễn ra ác liệt mà đỉnh điểm là mùa hè đỏ lửa 1972 và rải rác đâu đó, những anh em bạn bè cùng trang lứa với chúng tôi, có người đã phải vào Trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ, sau đó khoác áo lính lên đường và không bao giờ trở lại… Trong hoàn cảnh đó, như một sự giải tỏa, chúng tôi đến với phong trào du ca, bấy giờ là nhóm du ca “Về nguồn”, trụ sở đóng ở văn phòng Hội đồng tỉnh Phước Tuy, đối diện với trường trung học Châu Văn Tiếp, bây giờ là THPT Châu Thành (nhân tiện nói thêm là không biết đến bao giờ người ta mới chịu đổi tên cho ngôi trường này, bởi cái tên Châu Thành hiện tại chẳng ăn nhập vào đâu cả, thậm chí có người còn lầm tưởng tai hại rằng Châu Thành là tên con hay em của ông Châu Văn Tiếp ngày xưa!) và cũng từ đó chúng tôi gần gũi gắn bó hơn với những bài hát du ca (khi đùa thì lái lại là da …) của các Nhạc sĩ Viết Chung, Bùi Công Thuấn, Trầm Tử Thiêng … trong đó có NS Nguyễn Đức Quang, một huynh trưởng của du ca Việt Nam lúc bấy giờ và mãi mãi sau này, với những bài hát tình tự quen thuộc về tuổi trẻ, quê hương, dân tộc như Việt Nam quê hương ngạo nghễ, Xin nhận nơi này làm quê hương, Hy vọng đã vươn lên, Không phải là lúc, và cả Người yêu tôi bệnh…Lúc bấy giờ phong trào du ca ở Phước Tuy vẫn còn rất mới mẻ song với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, nên cứ thứ Bảy, Chủ nhật là anh em chúng tôi lại tụ tập ca hát ở tất cả những nơi nào có thể được như trụ sở Hướng đạo, CPS (chương trình phát triển sinh hoạt học đường mà trụ sở đặt tại trường Trung học Châu Văn Tiếp do thầy Trần Kim Sa làm trưởng nhóm) trụ sở Bình định và phát triển nông thôn, trường trung học Minh Phụng, Châu Văn Tiếp, Sư phạm, nhà thờ … cả dưới những tàn cây bóng mát, hoặc trong những tư gia nào có khuôn viên rộng rãi và khả dĩ chấp nhận chúng tôi. Chỉ với vài cây ghi ta thùng, những tờ nhạc in ronéo nhem nhuốc, cũng đủ để chúng tôi say sưa hát, lúc thì đồng ca, hợp xướng, lúc thì song ca, tam ca rồi cả đơn ca... Ở thời điểm đó, nhạc của Nguyễn Đức Quang luôn hừng hực lửa với cách đặt vấn đề trực khởi như: Không phải là lúc cứ ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi…/ Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm trong ưu phiền…/ Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn…/ Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó khăn… đã truyền cho lớp người trẻ tuổi đang mất phương hướng như chúng tôi thêm tin yêu vào cuộc sống, xóa đi thân phận nhược tiểu, nhen nhóm lên trong tâm hồn mỗi người lòng tự hào về một dân tộc quật cường; thắp lên trong đêm đen mù mịt của chiến tranh niềm hy vọng về tương lai hòa bình tươi sáng của dân tộc …


Nhưng rồi chiến sự ngày càng ác liệt, cục diện chính trị miền Nam lúc bấy giờ ngày càng trở nên rối rắm phức tạp, dẫu rằng chúng tôi chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó (điều quan tâm nhất bấy giờ của chúng tôi là đất nước ngưng tiếng súng và hòa bình như TCS từng ao ước ”Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm...”). Song hòa bình chưa tới (dẫu NĐQ đã thấy Hy vọng đã vươn lên trong lòng thuyền còn xa bến) và như một tất yếu, nhóm du ca chúng tôi tan rã mà chưa kịp có tên tuổi và các thành viên phải tản mát khắp nơi. Người thì trốn lính trên những tầng gác xép áp mái, có người vội thi vào trường sư phạm để được nhận giấy hoãn dịch, người thì về Sài Gòn để tiếp tục lang thang tránh né và có những người phải vào trường sĩ quan Thủ Đức hoặc trường Hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang... Chúng tôi như một đám bèo bọt trôi nổi trên dòng đời, hợp tan theo những biến động thời cuộc. Ở thời điểm đó người ta không thể biết mình sẽ sống chết lúc nào và sẽ ra sao ngày sau? Tất cả đều mịt mờ vô định! Nhưng trong những lúc bi quan nhất bao giờ chúng tôi cũng nhớ đến những bài hát du ca, trong đó có nhạc của Nguyễn Đức Quang: 


Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến
Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt
Hy vọng đã vươn dậy như làn tên đang rực lên trong màn đêm... (Hy vọng đã vươn lên)

Tôi đến với bài hát "Người yêu tôi bệnh" (còn có tên tiếng Anh khi dịch lời sang tiếng Anh là “My lover get sick”) của Nguyễn Đức Quang có muộn hơn và hát trong lần đến thăm người bạn gái đang bị bệnh. Tôi vẫn ngỡ đó chỉ là lời tâm tình của một người con trai khi chăm sóc cho người yêu của mình đang bị ốm. Nhưng đến khi cũng tình cờ biết rằng trên bản nhạc này, NS Nguyễn Đức Quang đã từng ghi dòng chữ Đi làm công tác xã hội là đã chọn một người yêu: Nguyễn Thị Quê Hương”. Vâng, như vậy, người yêu trong “Người yêu tôi bệnh” đâu chỉ là một người yêu bé bỏng cụ thể của tình đôi lứa mà còn là một hình ảnh thiêng liêng và lớn lao hơn, đó là người tình quê hương, người đang ngày đêm quằn quại bởi những vết thương do chiến tranh, chia rẽ, hận thù, đói nghèo gây ra… và từng giờ từng phút đang chờ đợi sự chung tay chăm lo, vun đắp, hàn gắn của mọi con dân nước Việt. Chúng tôi thích bài hát này hơn bắt đầu từ những nhận thức đó:

Nắng nóng cháy da đã về rồi
Trên thân người đẹp tôi
Bão tố buốt xương cũng về rồi
Cho thêm tàn phai

Nàng nằm đớn đau tháng năm dài buồn thiu
Nàng cầu cứu tôi giữa cơn bệnh đầy vơi
Đã lắm lúc thao thức vì nàng
Yêu nhau đâu đành dở dang
Nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần
Vỡ nát trái tim muôn phần

Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau, sớt chia chẳng được đâu!

Bây giờ thỉnh thoảng có dịp tụ họp bạn bè, chúng tôi vẫn hát lại bài này với ba giọng, nhiều lúc chỉ hát mà không cần đàn đệm. Bài hát cũ nhưng cảm xúc dường như vẫn tinh khôi như ngày nào. Nếu có ai hỏi tại sao thế, thì tôi có thể nói ngay rằng bởi người đẹp Nguyễn Thị Quê Hương yêu dấu kia vẫn còn đó nguyên vẹn căn bệnh trầm kha từ những vết lở lói do sự hoài nghi, chia rẽ và đói nghèo. Và ngày nay, một lần nữa lại đang đứng trước hiểm họa bom đạn chiến tranh do bọn tàu phương bắc cố tình gây hấn.

Hôm nay cũng lại tình cờ hay tin Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã từ trần vào ngày 27/3/2011 tại Little SaiGon, California sau một cơn bạo bệnh, hưởng thọ 68 tuổi, tôi xin nhắc lại kỷ niệm nhỏ này như một nén tâm hương thắp cho một người nhạc sĩ tài hoa mà tôi chưa từng gặp, nhưng vô cùng yêu mến. 

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

70.000 tỉ đồng để biên soạn lại sách giáo khoa?

Bảy mươi ngàn tỷ đồng là nhiều hay ít? Cố nhiên ai cũng cho là nhiều, quá nhiều, ngoại trừ có một vài người cho là ít, thậm chí rất ít. Một vài phép tính số học đơn giản cho chúng ta thấy có thể làm được việc gì với số tiền bảy mươi ngàn tỉ đồng?
Sao không xã hội hoá việc biên soạn SGK để đỡ tốn
kém lại vừa hiệu quả? 70 ngàn tỷ, thang thuốc quá
đắng nhưng liệu có dã được tật?
Đơn cử một vài việc (làm riêng mỗi việc chứ không làm tất cả cùng một lúc):

Đủ kinh phí để tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp như vừa qua trong vòng 500 năm tới (5 năm tổ chức 1 lần, 1 lần hết 700 tỉ).

Đủ để mua ô tô loại khá (1 tỉ đồng một chiếc) và phát không cho các vị vừa trúng cử, từ HĐND cấp huyện và thị xã cho đến Đại biểu Quốc hội, mỗi vị một chiếc. Còn cấp xã, cấp phường thì 6 người một chiếc (phải bình bầu hoặc bốc thăm).

Đủ để xây 140.000 căn hộ cho người thu nhập thấp.

Đủ để xây 2.000 ngôi trường mới khang trang hiện đại. Mỗi ngôi trường 35 tỉ là quá tuỵêt vời, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Nếu chia đều cho các tỉnh thì mỗi tỉnh sẽ có hơn 30 trường mới như vậy.

Đủ để mua SGK và phát không cho tất cả học sinh phổ thông trong vòng 35 năm tới .

Đủ để tăng lương cho giáo viên (mỗi người thêm 1 triệu đồng một tháng) trong vòng 6 hay 7 năm tới.
      ………

Đọc đến đây, chắc có nhiều độc giả sẽ cáu: “Sốt cả ruột! Gì mà cứ lải nhải “đủ để" mãi như thế! Mà lấy đâu ra bảy mươi ngàn tỉ ấy mới được chứ”.

Vâng, xin bạn cứ bình tĩnh đọc tiếp.

Số là kẻ viết bài này vừa được mời dự một cuộc họp để góp ý cho đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa Phổ thông sau năm 2015”. Mục tiêu của đề án: Hoàn thành xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa mới cho bậc trung học phổ thông để bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Kinh phí thực hiện: ước tính bảy mươi ngàn tỉ đồng!

Kẻ viết bài này được dự họp từ 8h30’ đến 11h30’ (ngày 1/6 vừa qua), được phát biểu ý kiến 7 phút và được nhận phong bì trong đó có 450.000 đ.

Thưa các bạn!
GS Văn Như Cương
Thế là trong danh mục các việc có thể làm với số tiền bảy mươi ngàn tỉ đồng mà tôi liệt kê trên đây có thêm một việc :

- Đủ để làm một chương trình và biên soạn SGK mới hơn và tốt hơn so với hiện nay.

Mới hơn thì chắc chắn rồi. Chả lẽ với ngần ấy tiền mà cuối cùng chẳng có gì mới? Tuy nhiên tốt hơn thì còn phải kiểm chứng trong quá trình thực hiện. Nhiều khi cái mới lại không tốt và cái tốt thì không mới!

Nếu các bạn là người có quyền quyết định thì các bạn sẽ chọn việc làm nào để tiêu cho hết số tiền bảy mươi ngàn tỉ đồng ấy? Xin nhớ là chỉ những việc làm cho ngành Giáo dục thôi đấy, vì số tiền ấy lấy trong nguồn kinh phí dành cho Giáo dục.

Còn nếu tôi có quyền thì tôi sẽ dùng số tiền ấy vào ba việc: một là xây 1.000 ngôi trường mới (mỗi cái 30 tỉ thôi), hai là phát không SGK cho mọi học sinh trong 5 năm tới, ba là tăng lương cho thầy cô giáo (mỗi người một năm thêm 10 triệu) trong 4 năm tới!!! Thế là vừa hết nhẵn 70.000.000.000.000 đồng nhé! (Các bạn chú ý: sau con số 7 là 13 con số 0).      

GS Văn Như Cương ( Nguồn Bee.net.vn)

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Từ một bản tin

Tự phát phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
Theo TTXVN, sáng 5.6, có một số người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM để thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc, bày tỏ thái độ phản đối việc các tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Những người này cho rằng, hành động của các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm công ước Luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Những người này tụ tập một cách trật tự, bày tỏ thái độ một cách ôn hoà, và sau khi được các đoàn thể, các cơ quan chức năng của Việt Nam giải thích, họ đã tự giải tán, ra về.
Cũng theo TTXVN, ngày 5.6, một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra “các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc” trước cửa đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM. TTXVN khẳng định đó là thông tin sai sự thật. (TTXVN)
(Nguồn: SGTT online ngày 6/6/2011)

Một trong số "những người này": Từ trái qua: Đình Vượng, Vương Đình Chữ, cụ Nguyễn Đình Đầu, cựu “quan chức” Mặt trận Tổ quốc Lê Hiếu Đằng, Nhà thơ Đỗ Trung Quân, Nhà báo Nguyễn Quốc Thái, cô Trần Tử Vân Anh, Andre Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm
Vẫn biết rằng do không được phép viết nên phải "lách", phải "cong cong quẹo quẹo", nhưng sao khi đọc dòng tin của TTXVN, với những từ ngữ ám chỉ “một số người”,những người này”, “họ”... người ta vẫn thấy dâng lên một nỗi chua xót và bất nhẫn. Tại sao những người yêu nước, dũng cảm bày tỏ thái độ của mình để bảo vệ đất nước trước nguy cơ xâm lược của kẻ thù, không những không được khen ngợi mà lại còn bị xem như những người xa lạ, ngoài lề, những kẻ “bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”. Dù rằng ai cũng biết trong số “những người này” còn có biết bao nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà thơ, có người là chiến sĩ cách mạng, từng vào tù ra khám, từng đi đầu trong phong trào SVHS xuống đường kiên cường chống Mỹ năm xưa, những người đã góp phần làm nên những chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Và cuối bản tin, chỉ một dòng kết nhỏ “... TTXVN khẳng định đó là thông tin sai sự thật” cũng đủ để người ta suy nghĩ, suy nghĩ rất nhiều để rồi hoang mang về sự trung thực, lòng dũng cảm và tính chân lý khách quan cần thiết của một cơ quan ngôn luận.

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Một thứ báo... đời?

Trang chủ của Tienphong online ngày 01/6/2011
Biển Đông sôi sục trước sự ngông cuồng ngạo mạn của Trung Quốc. Mọi tờ báo đều đưa tin. Duy chỉ có Báo Tiền phong, cơ quan trung ương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, là vẫn bình chân như vại và chỉ biết đưa lên trang nhất những loại tin nóng hết sức vớ vẩn như: Thanh Thảo từng nhận yêu Bình Minh; 10 điểm đến "ưa thích" của UFO; Siêu xe Ferrari va vào cột; Mỹ Linh có chê Tuấn Ngọc hát yếu?; Mỹ nhân lộ ảnh thời chưa "hoá thiên nga"...

Ô hô! Chả lẽ đến nước này mà cả chục triệu đoàn viên nhà mình cũng chỉ biết quan tâm đến mấy chuyện vớ vẩn đó, hay là tờ báo này đang đi bên lề cuộc sống của đất nước, của dân tộc? Đúng là thứ báo ... hại!