Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Nhớ "Người yêu tôi bệnh" của Nguyễn Đức Quang

NS Nguyễn Đức Quang (đứng) 

Khoảng những năm bảy mươi, khi chiến sự đang diễn ra ác liệt mà đỉnh điểm là mùa hè đỏ lửa 1972 và rải rác đâu đó, những anh em bạn bè cùng trang lứa với chúng tôi, có người đã phải vào Trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ, sau đó khoác áo lính lên đường và không bao giờ trở lại… Trong hoàn cảnh đó, như một sự giải tỏa, chúng tôi đến với phong trào du ca, bấy giờ là nhóm du ca “Về nguồn”, trụ sở đóng ở văn phòng Hội đồng tỉnh Phước Tuy, đối diện với trường trung học Châu Văn Tiếp, bây giờ là THPT Châu Thành (nhân tiện nói thêm là không biết đến bao giờ người ta mới chịu đổi tên cho ngôi trường này, bởi cái tên Châu Thành hiện tại chẳng ăn nhập vào đâu cả, thậm chí có người còn lầm tưởng tai hại rằng Châu Thành là tên con hay em của ông Châu Văn Tiếp ngày xưa!) và cũng từ đó chúng tôi gần gũi gắn bó hơn với những bài hát du ca (khi đùa thì lái lại là da …) của các Nhạc sĩ Viết Chung, Bùi Công Thuấn, Trầm Tử Thiêng … trong đó có NS Nguyễn Đức Quang, một huynh trưởng của du ca Việt Nam lúc bấy giờ và mãi mãi sau này, với những bài hát tình tự quen thuộc về tuổi trẻ, quê hương, dân tộc như Việt Nam quê hương ngạo nghễ, Xin nhận nơi này làm quê hương, Hy vọng đã vươn lên, Không phải là lúc, và cả Người yêu tôi bệnh…Lúc bấy giờ phong trào du ca ở Phước Tuy vẫn còn rất mới mẻ song với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, nên cứ thứ Bảy, Chủ nhật là anh em chúng tôi lại tụ tập ca hát ở tất cả những nơi nào có thể được như trụ sở Hướng đạo, CPS (chương trình phát triển sinh hoạt học đường mà trụ sở đặt tại trường Trung học Châu Văn Tiếp do thầy Trần Kim Sa làm trưởng nhóm) trụ sở Bình định và phát triển nông thôn, trường trung học Minh Phụng, Châu Văn Tiếp, Sư phạm, nhà thờ … cả dưới những tàn cây bóng mát, hoặc trong những tư gia nào có khuôn viên rộng rãi và khả dĩ chấp nhận chúng tôi. Chỉ với vài cây ghi ta thùng, những tờ nhạc in ronéo nhem nhuốc, cũng đủ để chúng tôi say sưa hát, lúc thì đồng ca, hợp xướng, lúc thì song ca, tam ca rồi cả đơn ca... Ở thời điểm đó, nhạc của Nguyễn Đức Quang luôn hừng hực lửa với cách đặt vấn đề trực khởi như: Không phải là lúc cứ ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi…/ Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm trong ưu phiền…/ Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn…/ Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó khăn… đã truyền cho lớp người trẻ tuổi đang mất phương hướng như chúng tôi thêm tin yêu vào cuộc sống, xóa đi thân phận nhược tiểu, nhen nhóm lên trong tâm hồn mỗi người lòng tự hào về một dân tộc quật cường; thắp lên trong đêm đen mù mịt của chiến tranh niềm hy vọng về tương lai hòa bình tươi sáng của dân tộc …


Nhưng rồi chiến sự ngày càng ác liệt, cục diện chính trị miền Nam lúc bấy giờ ngày càng trở nên rối rắm phức tạp, dẫu rằng chúng tôi chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó (điều quan tâm nhất bấy giờ của chúng tôi là đất nước ngưng tiếng súng và hòa bình như TCS từng ao ước ”Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm...”). Song hòa bình chưa tới (dẫu NĐQ đã thấy Hy vọng đã vươn lên trong lòng thuyền còn xa bến) và như một tất yếu, nhóm du ca chúng tôi tan rã mà chưa kịp có tên tuổi và các thành viên phải tản mát khắp nơi. Người thì trốn lính trên những tầng gác xép áp mái, có người vội thi vào trường sư phạm để được nhận giấy hoãn dịch, người thì về Sài Gòn để tiếp tục lang thang tránh né và có những người phải vào trường sĩ quan Thủ Đức hoặc trường Hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang... Chúng tôi như một đám bèo bọt trôi nổi trên dòng đời, hợp tan theo những biến động thời cuộc. Ở thời điểm đó người ta không thể biết mình sẽ sống chết lúc nào và sẽ ra sao ngày sau? Tất cả đều mịt mờ vô định! Nhưng trong những lúc bi quan nhất bao giờ chúng tôi cũng nhớ đến những bài hát du ca, trong đó có nhạc của Nguyễn Đức Quang: 


Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến
Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt
Hy vọng đã vươn dậy như làn tên đang rực lên trong màn đêm... (Hy vọng đã vươn lên)

Tôi đến với bài hát "Người yêu tôi bệnh" (còn có tên tiếng Anh khi dịch lời sang tiếng Anh là “My lover get sick”) của Nguyễn Đức Quang có muộn hơn và hát trong lần đến thăm người bạn gái đang bị bệnh. Tôi vẫn ngỡ đó chỉ là lời tâm tình của một người con trai khi chăm sóc cho người yêu của mình đang bị ốm. Nhưng đến khi cũng tình cờ biết rằng trên bản nhạc này, NS Nguyễn Đức Quang đã từng ghi dòng chữ Đi làm công tác xã hội là đã chọn một người yêu: Nguyễn Thị Quê Hương”. Vâng, như vậy, người yêu trong “Người yêu tôi bệnh” đâu chỉ là một người yêu bé bỏng cụ thể của tình đôi lứa mà còn là một hình ảnh thiêng liêng và lớn lao hơn, đó là người tình quê hương, người đang ngày đêm quằn quại bởi những vết thương do chiến tranh, chia rẽ, hận thù, đói nghèo gây ra… và từng giờ từng phút đang chờ đợi sự chung tay chăm lo, vun đắp, hàn gắn của mọi con dân nước Việt. Chúng tôi thích bài hát này hơn bắt đầu từ những nhận thức đó:

Nắng nóng cháy da đã về rồi
Trên thân người đẹp tôi
Bão tố buốt xương cũng về rồi
Cho thêm tàn phai

Nàng nằm đớn đau tháng năm dài buồn thiu
Nàng cầu cứu tôi giữa cơn bệnh đầy vơi
Đã lắm lúc thao thức vì nàng
Yêu nhau đâu đành dở dang
Nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần
Vỡ nát trái tim muôn phần

Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau, sớt chia chẳng được đâu!

Bây giờ thỉnh thoảng có dịp tụ họp bạn bè, chúng tôi vẫn hát lại bài này với ba giọng, nhiều lúc chỉ hát mà không cần đàn đệm. Bài hát cũ nhưng cảm xúc dường như vẫn tinh khôi như ngày nào. Nếu có ai hỏi tại sao thế, thì tôi có thể nói ngay rằng bởi người đẹp Nguyễn Thị Quê Hương yêu dấu kia vẫn còn đó nguyên vẹn căn bệnh trầm kha từ những vết lở lói do sự hoài nghi, chia rẽ và đói nghèo. Và ngày nay, một lần nữa lại đang đứng trước hiểm họa bom đạn chiến tranh do bọn tàu phương bắc cố tình gây hấn.

Hôm nay cũng lại tình cờ hay tin Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã từ trần vào ngày 27/3/2011 tại Little SaiGon, California sau một cơn bạo bệnh, hưởng thọ 68 tuổi, tôi xin nhắc lại kỷ niệm nhỏ này như một nén tâm hương thắp cho một người nhạc sĩ tài hoa mà tôi chưa từng gặp, nhưng vô cùng yêu mến.