Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Cảnh sát khóc!

Anh cảnh sát Sevilla khóc mếu máo trong vòng tay thông cảm
của những người dân biểu tình hôm 22/7 (Ảnh: 
ABC-CBSNews)
Nghe mà tưởng như chuyện cổ tích hay tiếu lâm tào lao gì đó, bởi nó hết sức tréo ngoe xét trong cái diễn biến thông thường của đời sống. Hơn nữa lại khóc ngay trong khi làm nhiệm vụ đàn áp đám dân chúng biểu tình phản đối tổng thống. Làm gì có chuyện lạ lùng đến hoang đường như thế? Từ lâu hình ảnh cảnh sát thường gắn liền với dùi cui, súng ống, hơi cay, vòi rồng và thái độ hạch sách mọi lúc, mọi nơi, thái độ đó đi kèm với gương mặt lạnh lùng đến vô cảm. Hơn nữa thực tế cho thấy trong bất kỳ cuộc đối đầu nào thì cảnh sát cũng luôn ở phía nhà nước và là công cụ đắc lực để đàn áp nhân dân.

 Anh bạn mình có cô con gái đầu lòng rất dễ thương, tốt nghiệp phổ thông xong, không hiểu sao cháu lại muốn thi vào ngành cảnh sát. Anh bạn tôi lúc đầu còn phân vân lưỡng lự nhưng sau lại bảo nghề nào cũng là nghề, hơn nữa học ngành này vừa được nhà nước nuôi vừa lại chắc chắn ra trường có việc làm. Thế nhưng đến khi cháu tốt nghiệp và đi làm thì vẻ dễ thương hồn nhiên ngày xưa cũng không còn nữa mà thay vào đó là thái độ nghiêm nghị, cảnh giác đến lạnh lùng. Lạ quá, tại sao phải thế nhỉ? Nhiều lúc sang chơi tôi muốn hỏi bạn mình, nhưng lại thôi vì sợ anh buồn?

Còn chuyện cảnh sát khóc ở đây tuy lạ nhưng có thật, có điều nó xảy ra ở nước ngoài, không xa lắm đâu, Phi luật tân đấy thôi. Anh cảnh sát tên Sevilla đã bật khóc nức nở trong khi cố gắng ngăn cản dòng người biểu tình. "Tôi là một cảnh sát. Tôi chỉ đang làm công việc của mình", Sevilla nói trong nước mắt, để giải thích với những người biểu tình vì sao anh đang đối đầu với họ. Vụ biểu tình này xảy ra ở vùng Quezon thuộc thủ đô Manila của Philippine hôm 22/7/2013 khi những người dân bất bình với chính sách giảm nghèo đói kém hiệu quả của tổng thống Benigno Aquino.

Có lẽ phải gọi anh này là cảnh sát bồ tát mới đúng. Phải chi cảnh sát nào cũng có tấm lòng như anh thì đám thảo dân đỡ khổ biết chừng nào!

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Văn hóa cảm ơn xin lỗi!

Trưa nay xem TV trực tiếp phiên họp HĐND tỉnh BR-VT thấy ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo trả lời chất vấn mà thấy thương. Đại biểu hỏi vì sao trường xây tiền tỷ mà chất lượng thấp, lại nơi thừa, nơi thiếu; tại sao thiết bị dạy học kém chất lượng, cái cần thì không có, cái có lại không cần; tại sao nhà công vụ giáo viên mà giáo viên không vào ở, vân vân và vân vân. Ông giám đốc có lẽ cũng chuẩn bị kỹ lắm nhưng chủ tọa phiên họp lại bảo không cần đọc mà trả lời thẳng vào vấn đề; ông giám đốc lại vâng dạ và lại viện dẫn văn bản này văn bản nọ, chỉ đạo này chỉ đạo nọ, ông chủ tọa lại bảo ngắn gọn thôi vì không có thời gian… Ông giám đốc lại vâng dạ… cuối cùng thì ông cũng trả lời xong cùng với mồ hôi mẹ mồ hôi con, đến tội. Trước khi dứt lời, ông còn lịch sự nói về văn hóa cảm ơn, xin lỗi. Ông bảo văn hóa giáo dục là vậy, biết cảm ơn những người đã giúp mình, biết nhận lỗi khi mình sai sót và thế là ông cảm ơn tuốt tuồn tuột các lãnh đạo từ tỉnh đến huyện thị thành phố, đến các sở ban ngành đã quan tâm giúp đỡ cho giáo dục rất nhiều trong thời gian qua, nhờ thế mà giáo dục tỉnh nhà mới được nở mày nở mặt như hôm nay, rồi ông lại bảo những yếu kém, nếu có, là hoàn toàn thuộc về ngành giáo dục, vì chưa tham mưu đầy đủ thấu đáo cho lãnh đạo để có những chỉ đạo kịp thời… Thấy ông nói mình chợt nhớ cụ cố nhà mình, mỗi khi có chuyện xảy ra cụ lại ngã lăn ra đất, tay đấm ngực bình bịch, miệng lẩm bẩm "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...".

Thấy ông giám đốc trả lời mà thương. Thương vì ông chẳng dám nói ra những điều ông thực nghĩ trong đầu (vì nói ra thì chỉ có “từ chết đến bị thương”). Thế nên ông đành rối rít cảm ơn những người đã dồn khó cho mình và thành khẩn nhận những lỗi ông chẳng hề gây ra. Hu hu…

Nhưng thưa ông giám đốc, cách hành xử ấy liệu có làm cử tri hài lòng hoặc làm thay đổi tình hình, hay cũng chỉ là giải pháp tình thế để không mất lòng cấp trên cùng các sở ngành liên quan và cũng để ông tạm yên vị nơi cái ghế vốn rất chông chênh bấy lâu nay?

Tôi không trách ông nhưng chỉ mạn phép nhận xét vài điều như sau:

 1/. Trả lời chất vấn trong phiên họp HĐND thì chỉ có đại biểu HĐND là cao nhất, sao ông cứ phải rào đón bằng kiểu thưa trình các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tinh mần chi cho nó vừa thừa vừa mệt?

2/. Trả lời chất vấn của đại diện cử tri thì cần chi phải khen câu chất vấn này hay, chất vấn kia sâu sắc làm gì cho nhiễu sự? Nói cho công bằng thì phần lớn nghị nhà ta là nghị gật, nhưng khổ nỗi trực tiếp truyền hình mà không nói thì sợ dân chê, thế nên nhiều nghị đành hỏi đại chứ có biết chi mô. Vậy nên khen làm gì để cho người ta bảo mình xun xoe nịnh nọt (Mà nói thiệt, giữa nghị trường mà khen kiểu đó nghe mắc cười lắm lắm).

3/. Còn cái “văn hóa cảm ơn xin lỗi” đầy chất nhún nhường của ông, xét cho cùng, đâu có thuộc “văn phong” nghị trường mà nó thuộc "văn phong" nơi công quyền, nơi cơ chế xin-cho đang ung dung ngự trị, nơi đầy rẫy những kẻ thoắt ẩn thoắt hiện sau những vạt áo ngắn trước, dài sau cùng câu cửa miệng "Cho em xin...".

4/. Thêm cái này ngoài lề một chút: Tôi thấy ông rất “máu me” công nghệ thông tin (cũng phải, vì cái này nhiều tiền mà chóng hỏng vô cùng) thế nên ông có vẻ rất thích việc gắn camera ở các lớp học mà theo ông nói tại nghị trường là để các ông bà hiệu trưởng chỉ cần ngồi ở văn phòng mà nắm được tất cả tình hình (?) Hình như ông cho rằng cái "hiện đại" đó sẽ đi liền với chất lượng giáo dục tầm cao? Vì vậy chỉ riêng cái này thì ông đã bày vẽ để nhiều trường moi túi phụ huynh lắm lắm mà rồi cũng chẳng nên cơm cháo gì. Ông cứ bình tâm suy nghĩ và thử làm cái khảo sát xem có phải chất lượng nhà trường đi lên từ mấy cái camera theo dõi giáo viên và học sinh đó không? Theo tôi cái chủ yếu phải từ chất lượng người thầy, cái mà ông ít đề cập đến nhất (hình như sở trường của ông chỉ là xây dựng trường lớp và mua sắm thiết bị, máy móc).

Trách ông nhưng cũng thương ông, một trí thức mà phải xun xoe uốn lưỡi như thế kể ra cũng khổ tâm lắm lắm, nhưng vì “đại cục”, không thế không được. Thôi ông ạ, gặp thời thế thế thời phải thế. Ngày xưa Hàn Tín còn lòn trôn giữa chợ thì sao?

Tôi nghĩ mà thương cho ông và thương cả cái sự nghiệp mà ông đang là người đại diện. Hu hu…

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Mất cảnh giác

Mấy hôm nay cả nước chộn rộn vụ Arsenal du đấu tại Việt Nam. Mình dù già khú đế và không mê lắm Arsenal nhưng cũng mạng xem báo chí thả sức tung hê vung vít để biết mà đấu hót với lũ trẻ.

Buổi sớm Arsenal sang Hà Nội, cả đêm các fan Việt ta thấp thỏm ở phi trường để nhìn thần tượng. Rôi Arsenal dạo chơi thủ đô cũng làm đảo lộn cả Hà thành, có cậu Vũ Xuân Tiến, sinh viên dược, còn chạy rông cả 5 cây số đuổi theo chiếc bus chở đội tuyển, khiến ông HLV Arsène Wenger cảm động dừng xe mời lên giao lưu chụp ảnh tưng bừng. Rồi đến ngày thi đấu, lại cảnh vé chợ đen, chen lấn, cờ hoa, kèn trống mới hoành tráng làm sao. Người Việt ta mến khách đến tận tụy khiến Arsenal cảm động đến rơi nước mắt (đó là mình dựa theo logic mà đoán vậy thôi, chứ có thấy đâu). Tỷ số trận đấu là 7-1 chứ 70-1 cũng chẳng là cái đinh gì, miễn được thấy thần tượng, đá với thần tượng, ấy ấy với thần tượng là ngất ngư con tàu đi rồi. Ôi, thương thay thế kỷ vắng niềm vui… (Mượn ý thơ CLV)

Chỉ tiếc ngất ngư quá, say mê quá đến mất cảnh giác nên khi Arsenal về nước, mới té ngửa lão xăng nhà ta thừa dịp đẩy giá lên kỷ lục tự lúc nào. Ngao ngán như sau một bữa nhậu linh đình, lúc tỉnh dậy thấy đầu óc bải hoải tứ chi rã rời, lại thất thểu dắt xe ra cây xăng đổ năm chục ngàn đi làm thì chỉ thấy lưng lửng bình.

Chưa hết đâu, xăng mà tăng thì mọi thứ sẽ đều tăng, kể cả huyết áp, cholesterol và đường trong máu nữa. Thôi mình đi uống thuốc đây.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Khi hoàng gia học nghề nông

Mình nhớ, sau trận lụt kinh hoàng ở Thái Lan vào khoảng cuối năm 2011, xem tivi thấy đài HTV phỏng vấn ông nào đó người Thái, đang làm chuyên gia tư vấn cho Sài gòn về việc chỉnh trang quy hoạch đô thị. Ông bảo cách nay mấy chục năm nhà vua Thái Lan đã cảnh báo việc phát triển đô thị thiếu tính toán như hiện nay sẽ có nguy cơ ngập lụt lớn cho Băng Cốc vì các vùng đất ngập nước có vai trò trữ nước bị biến thành các khu công nghiệp, đồng thời xây dựng đô thị đã chặn mất ngã thoát nước tự nhiên ra vịnh Thái Lan. Và bây giờ quả đúng là như vậy! Ông chuyên gia này còn nói thêm sở dĩ Thái Lan sớm nổi tiếng về xuất khẩu lúa gạo và trái cây ngon ngọt là vì hầu hết thành viên hoàng gia Thái Lan đều xuất thân từ các học viện nông nghiệp.

Thì ra là thế, từ lâu họ đã xác định đúng thế mạnh của đất nước nên con vua cháu chúa đều học nông nghiệp. Học để hiểu biết và tìm cách giúp dân phát triển lúa gạo, hoa trái làm giàu đất nước. Chả trách nông sản xứ này vang danh thế giới và kinh tế họ phát triển hơn ta đến ba bốn chục năm. Còn ở ta... các cụ "hoàng gia" nhà mình biết học gì ngoài các lớp lý luận Mác - Lê nin, thế mới khố!!!