Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Văn hóa cảm ơn xin lỗi!

Trưa nay xem TV trực tiếp phiên họp HĐND tỉnh BR-VT thấy ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo trả lời chất vấn mà thấy thương. Đại biểu hỏi vì sao trường xây tiền tỷ mà chất lượng thấp, lại nơi thừa, nơi thiếu; tại sao thiết bị dạy học kém chất lượng, cái cần thì không có, cái có lại không cần; tại sao nhà công vụ giáo viên mà giáo viên không vào ở, vân vân và vân vân. Ông giám đốc có lẽ cũng chuẩn bị kỹ lắm nhưng chủ tọa phiên họp lại bảo không cần đọc mà trả lời thẳng vào vấn đề; ông giám đốc lại vâng dạ và lại viện dẫn văn bản này văn bản nọ, chỉ đạo này chỉ đạo nọ, ông chủ tọa lại bảo ngắn gọn thôi vì không có thời gian… Ông giám đốc lại vâng dạ… cuối cùng thì ông cũng trả lời xong cùng với mồ hôi mẹ mồ hôi con, đến tội. Trước khi dứt lời, ông còn lịch sự nói về văn hóa cảm ơn, xin lỗi. Ông bảo văn hóa giáo dục là vậy, biết cảm ơn những người đã giúp mình, biết nhận lỗi khi mình sai sót và thế là ông cảm ơn tuốt tuồn tuột các lãnh đạo từ tỉnh đến huyện thị thành phố, đến các sở ban ngành đã quan tâm giúp đỡ cho giáo dục rất nhiều trong thời gian qua, nhờ thế mà giáo dục tỉnh nhà mới được nở mày nở mặt như hôm nay, rồi ông lại bảo những yếu kém, nếu có, là hoàn toàn thuộc về ngành giáo dục, vì chưa tham mưu đầy đủ thấu đáo cho lãnh đạo để có những chỉ đạo kịp thời… Thấy ông nói mình chợt nhớ cụ cố nhà mình, mỗi khi có chuyện xảy ra cụ lại ngã lăn ra đất, tay đấm ngực bình bịch, miệng lẩm bẩm "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...".

Thấy ông giám đốc trả lời mà thương. Thương vì ông chẳng dám nói ra những điều ông thực nghĩ trong đầu (vì nói ra thì chỉ có “từ chết đến bị thương”). Thế nên ông đành rối rít cảm ơn những người đã dồn khó cho mình và thành khẩn nhận những lỗi ông chẳng hề gây ra. Hu hu…

Nhưng thưa ông giám đốc, cách hành xử ấy liệu có làm cử tri hài lòng hoặc làm thay đổi tình hình, hay cũng chỉ là giải pháp tình thế để không mất lòng cấp trên cùng các sở ngành liên quan và cũng để ông tạm yên vị nơi cái ghế vốn rất chông chênh bấy lâu nay?

Tôi không trách ông nhưng chỉ mạn phép nhận xét vài điều như sau:

 1/. Trả lời chất vấn trong phiên họp HĐND thì chỉ có đại biểu HĐND là cao nhất, sao ông cứ phải rào đón bằng kiểu thưa trình các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tinh mần chi cho nó vừa thừa vừa mệt?

2/. Trả lời chất vấn của đại diện cử tri thì cần chi phải khen câu chất vấn này hay, chất vấn kia sâu sắc làm gì cho nhiễu sự? Nói cho công bằng thì phần lớn nghị nhà ta là nghị gật, nhưng khổ nỗi trực tiếp truyền hình mà không nói thì sợ dân chê, thế nên nhiều nghị đành hỏi đại chứ có biết chi mô. Vậy nên khen làm gì để cho người ta bảo mình xun xoe nịnh nọt (Mà nói thiệt, giữa nghị trường mà khen kiểu đó nghe mắc cười lắm lắm).

3/. Còn cái “văn hóa cảm ơn xin lỗi” đầy chất nhún nhường của ông, xét cho cùng, đâu có thuộc “văn phong” nghị trường mà nó thuộc "văn phong" nơi công quyền, nơi cơ chế xin-cho đang ung dung ngự trị, nơi đầy rẫy những kẻ thoắt ẩn thoắt hiện sau những vạt áo ngắn trước, dài sau cùng câu cửa miệng "Cho em xin...".

4/. Thêm cái này ngoài lề một chút: Tôi thấy ông rất “máu me” công nghệ thông tin (cũng phải, vì cái này nhiều tiền mà chóng hỏng vô cùng) thế nên ông có vẻ rất thích việc gắn camera ở các lớp học mà theo ông nói tại nghị trường là để các ông bà hiệu trưởng chỉ cần ngồi ở văn phòng mà nắm được tất cả tình hình (?) Hình như ông cho rằng cái "hiện đại" đó sẽ đi liền với chất lượng giáo dục tầm cao? Vì vậy chỉ riêng cái này thì ông đã bày vẽ để nhiều trường moi túi phụ huynh lắm lắm mà rồi cũng chẳng nên cơm cháo gì. Ông cứ bình tâm suy nghĩ và thử làm cái khảo sát xem có phải chất lượng nhà trường đi lên từ mấy cái camera theo dõi giáo viên và học sinh đó không? Theo tôi cái chủ yếu phải từ chất lượng người thầy, cái mà ông ít đề cập đến nhất (hình như sở trường của ông chỉ là xây dựng trường lớp và mua sắm thiết bị, máy móc).

Trách ông nhưng cũng thương ông, một trí thức mà phải xun xoe uốn lưỡi như thế kể ra cũng khổ tâm lắm lắm, nhưng vì “đại cục”, không thế không được. Thôi ông ạ, gặp thời thế thế thời phải thế. Ngày xưa Hàn Tín còn lòn trôn giữa chợ thì sao?

Tôi nghĩ mà thương cho ông và thương cả cái sự nghiệp mà ông đang là người đại diện. Hu hu…