Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Tư duy quần áo

Tục ngữ có câu Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng ở ta vẫn còn nhiều người tư duy không qua nổi cái quần, cái áo. Nghe bảo ở Hà Nội nếu một người ăn mặc xuềnh xoàng hoặc đi xe loại cà tàng mà vào nhà hàng thì sẽ bị bảo vệ “sa thải” ngay từ vòng gửi xe. Mới đây lại một GS trẻ của ĐH Hoa Sen ở Sài Gòn bị ném đá tơi bời vì tội dám mặc quần đùi khi lên lớp thực hiện một bài giảng, dù thanh minh thanh nga cỡ nào thì ông thầy vẫn bị phang túi bụi bởi người ta đưa ra cái lý do nặng ngàn cân là Truyền thống 4000 năm văn hóa, rồi Y phục xứng kỳ đức… , dù ai cũng biết rằng biện minh bằng lý do truyền thống là một kiểu ngụy biện trước làm sao sau làm vậy và kiểu ngụy biện này thường được bảo vệ quyết liệt, sống mái bởi những bộ óc sống lâu cũ kỹ, nó thẳng tay xóa bỏ mọi cách nghĩ mới mẻ, khác biệt và giết chết mọi sáng kiến từ trong trứng nước, vì đó là kiểu tư duy theo tôn ti, không chấp nhận trứng mà đòi khôn hơn rận. 

Mới đây ông tân Bí thư thành ủy Sài Gòn gặp gỡ 80 thanh niên ưu tú tiêu biểu của thành phố. Vì gặp thanh niên nên ông mặc chiếc áo xanh Đoàn và Vietnamnet khen vội bằng cái title “Chiếc áo đặc biệt của Bí thư TP.HCM và cuộc khảo sát bất ngờ”  rồi chapeau bên dưới in đậm: “Không phải veston đóng hộp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân mặc chiếc áo truyền thống của Đoàn thanh niên trong cuộc gặp gỡ đại diện thanh niên TP.HCM sáng nay, mang tinh thần đối thoại hứng khởi đúng chất cán bộ Đoàn, truyền lửa đến các bạn trẻ”. Không biết có tí hứng khởi nào được mang đến từ chiếc áo xanh kia không, nhưng sao vẫn thấy giông giống trước đây mỗi lần quan chức dự lễ hội của thiếu niên, bao giờ cũng quấn trên cổ chiếc khăn quàng đỏ thắm, có khi hứng lên còn tung tăng cùng các cháu nhảy điệu sol đố mì, chợt nghĩ vui rằng cứ theo đà này thì khi đi gặp hội phụ nữ chắc sẽ mặc áo dài, nếu đi gặp đồng bào dân tộc sẽ khoác lên người bộ đồ thổ cẩm… Cách suy nghĩ và hành động như thế rất dễ dắt người ta cắm cúi đi theo vết xe cũ, dù chiếc xe đi trước có đổ chổng vó đi nữa.

Một ông GS trẻ mặc quần đùi làm phương tiện truyền đạt cách thức thoát khỏi mọi ràng buộc của thói quen, kinh nghiệm để có được tư duy sáng tạo và cũng một ông GS không còn trẻ mặc cái áo của Đoàn để hy vọng mình mang đến sinh khí của tuổi trẻ, nhưng hai người lại hổng giống nhau chút nào!