Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Tôi chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào!

Chắc chắn nhiều người khi nghe Thủ tướng nói thế sẽ cảm thấy lo lắng, vì ở một đất nước mà tổ chức Minh bạch thế giới (Transparency International - TI), xếp hạng 120/180 về chỉ số tham nhũng, trong khi Malaysia hạng 56/180, Thái lan hạng 84/180 mà Thủ tướng lại quá lạc quan cho rằng không cần thiết phải thực thi trách nhiệm và quyền hạn được luật pháp gíao cho, mà cụ thể là quyền miễn nhiệm, cách chức những cán bộ dưới quyền có sai phạm.

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Youth (Trẻ) - Samuel Ullman

Bài thơ của Samuel Ullman (1840-1924) định nghĩa rất hay thế nào là trẻ, từng được xem là “cẩm nang bỏ túi” của giới doanh nhân Nhật. Điều thú vị là tác giả người Đức định cư ở Mỹ nhưng bài thơ lại được phổ biến ở Nhật hơn ở Mỹ. (Nguồn: "Tuổi trẻ cuối tuần").

Trẻ không phải là thể trạng mà là trạng thái tâm lý. Đó không phải là việc môi đỏ, má hồng hay đôi chân dẻo dai, mà là sự hăng say, ước mơ cháy bỏng và cảm xúc dạt dào. Nó là sự tươi mát của suối nguồn cuộc sống.

Trẻ nghĩa là khi lòng can đảm vượt qua nỗi rụt rè, thích phiêu lưu hơn sự an nhàn. Người ta không già đi bởi năm tháng mà chỉ già đi vì từ bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm da nhăn, nhưng tâm hồn chỉ hằn nếp khi bạn không còn lòng nhiệt tình. Lo ngại, ngờ vực, tự ti, sợ hãi và chán chường - là những thứ có thể làm cho người trẻ trở nên già.
Dù sáu mươi hay mười sáu, trong trái tim mỗi người đều có chỗ cho sự ngưỡng mộ điều kỳ diệu, sự háo hức trẻ thơ với điều sắp tới, và sự thú vị với trò chơi cuộc sống.
Chừng nào trái tim bạn còn nhận được tín hiệu của cái đẹp, sự hi vọng, niềm vui, nhận chân được sức mạnh của con người và trời đất thì bạn vẫn còn trẻ.
Khi trái tim bạn đóng kín bởi sự bi quan và nghi kỵ thì bạn đã già, dù ở tuổi hai mươi. Còn khi trái tim bạn vẫn rộng mở đón nhận tín hiệu lạc quan thì bạn vẫn trẻ dù ở tuổi tám mươi./.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Em gái


Tháng nào em cũng gọi điện về, mỗi cuộc gọi kéo dài cả giờ đồng hồ, vượt qua hàng mấy ngàn cây số, băng qua những lục địa, đại dương mênh mông, thế mà tiếng nói em vẫn nhẹ bâng và chậm rãi như ngày nào, dẫu rằng lúc này em đã là một người đàn bà ngoài bốn mươi. Ngày xưa nghe cách nói, cách đi đứng, ai cũng bảo số con bé này rồi sẽ sung sướng an nhàn lắm đây. Vậy mà ...
 Bao giờ em cũng hỏi han về sức khoẻ các anh chị, các cháu, rồi giỗ bố, giỗ mẹ thế nào, anh chị có thường xuyên gặp nhau không? Lần nào tôi cũng quanh co, bởi tuy gần nhưng anh em bên này có gặp nhau mấy đâu? Sau những lời hỏi thăm là em nói về gia đình mình, về người chồng hay đau yếu, về hai đứa con gái ngây thơ dễ thương … tất cả đều bằng một giọng điệu thật dịu dàng pha chút tự hào, thỉnh thoảng lại chen vào tiếng cười ngắn và nhẹ làm tôi hình dung đến nụ cười của mẹ tôi ngày xưa. Lạ một điều là chẳng bao giờ thấy em than vãn về những khó khăn vất vả, về những thiếu thốn vật chất, dẫu cả hai vợ chồng em đều thất nghiệp và cả nhà đang hưởng trợ cấp xã hội của chính phủ.
Nhìn vào bản đồ trên Google, nơi em ở là một thị trấn thuộc một bang miền đông bắc Châu Úc xa xăm và mênh mông, khí hậu nhiệt đới gần giống Việt Nam, nhưng người Việt ở đây thì ít ỏi và thưa thớt. Có phải vì thế mà em hay tham dự các lớp học dành cho người nhập cư để có dịp gặp gỡ những người cùng quê, để có dịp được nói tiếng Việt và được nghĩ về quê nhà.
Lần gọi này em lại kể về chuyện người chị em bạn dâu cũng ở bên đó đang mắc bệnh hiểm nghèo và bị chồng ruồng rẫy. Cả hai đều ít học nên họ đối xử với nhau tàn nhẫn và thô bạo. Điều đó làm em đau lòng và lo lắng. Em hỏi tôi lòng phụ bạc có mang tính di truyền và liệu ngày nào đó em có phải lâm vào tình huống như vậy hay không? Hỏi nhưng rồi em lại tự trả lời. Em bảo em sẽ không để vậy đâu, rồi em cười thật nhẹ. Sau tiếng cười đó là những suy nghĩ gì tôi không rõ, nhưng tôi tin ở em mình, đứa em gái bé bỏng, khờ dại ngày nào sẽ đủ bản lĩnh vượt qua tất cả để sống một cách thanh thản và tự trọng.
Em lại bảo gần đến giỗ cậu rồi (anh em tôi gọi Bố Mẹ bằng Cậu Mợ) và em muốn gửi chút tiền nhờ anh chị làm mâm cơm hộ em. Tôi từ chối bởi em có dư dật gì cho cam. Mỗi tháng cả nhà hưởng trợ cấp xã hội khoảng ngàn rưỡi đô Úc, mà chồng thì bệnh hoạn tật nguyền, hai đứa con thì còn nhỏ và đang đi học. Trăm thứ để lo, trăm thứ để tính, chưa kể đến hoàn cảnh một mình bơ vơ nơi đất khách quê người. Mọi vui buồn chỉ một mình em biết, một mình em hay, không người chia sẻ, không ai đỡ đần. Mỗi lần nghĩ đến điều đó tôi lại muốn khóc, lại thương bố mẹ mình và thương đứa em út lênh đênh xứ lạ.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Người nhà


Chuyện cái ông trung tá hải quân Mỹ dắt nguyên một chiến hạm to đùng sang thăm Việt Nam thế mà cũng thành câu chuyện thời sự buổi tối của ông cụ hàng xóm nhà tui. Ông lão 81 tuổi, vợ mới chết tháng trước, vừa quạt phành phạch cái quạt giấy xua lũ muỗi dai như đỉa đói vừa bảo “Chú nghĩ thế nào về việc cha Lê Bá Hùng, hạm trưởng một tàu khu trục thuộc hạm đội 7 của Mỹ sang thăm Việt Nam? Tui ậm ừ qua chuyện: “Thì chắc trên đường công tác ghé thăm hữu nghị chớ sao Bác?”. Ông cụ xì một tiếng rồi bảo: ”Ai hơi đâu mà hữu nghị hữu nghiếc?”. Tui ngạc nhiên: “Chớ theo bác ổng qua làm gì?”. “Ậy, chả qua lúc này mới hay chớ!”. Tui hỏi lại:” Bác bảo hay là hay làm sao?”. Ông lão thủng thỉnh: ”Nè, chú coi, hải quân Mỹ thì thiếu cha gì người làm hạm trưởng  mà lại phái thằng cha trung tá chánh hiệu Việt Nam này sang.

Trong khi ta đang hục hặc với TQ mà lực lượng hải quân ta thì còn yếu, nay cha này sang, hạm trưởng Mỹ nhưng mà gốc Việt và chả nói rõ ràng là chả sinh tại Huế. Thế thì đứt đuôi là người nhà rồi còn gì. Vậy phải chăng ta đang bắt tay với Mỹ để đề phòng thằng Tàu và Mỹ đang cử người nhà sang thăm dò tình hình trước để giúp ta. Cho nên thằng chả mới dám nói sự hiện diện của chúng tôi là để nhấn mạnh cam kết của Mỹ với người dân Việt Nam. He he có “người nhà” cam kết thì yên tâm rồi còn gì, chú!”.Tui giật mình bảo: “Bác suy luận kiểu gì mà kinh thế, ta với Mỹ làm sao là người nhà được, hàng ngày đài báo ta còn chửi Mỹ xa xả, nào diễn biến hoà bình,nào âm mưu nhiều mặt … thì làm sao dám cho cáo vào nhà, hơn nữa ông già của cha này lại là sĩ quan hải quân miền Nam Việt Nam trước đây mà?”. Ông lão quắc mắt nhìn tui như thằng ngố: “ Ủa chú nói lạ! Đã đánh giặc thì người Việt nào cũng phải đánh chứ phân biệt gì người Nam, người Bắc chú?”
Tui ngáp dài bảo:”Thôi Bác đi nghỉ sớm đi, mai còn ra chợ, hơi đâu mà lo nghĩ cái chuyện vĩ mô”. Ông cụ cười hè hè: “Ờ há, ngủ mai còn dậy sớm nấu chè bán chớ! Chú nói có lý, có lý!”.
Nói thế nhưng không biết tối nay ông lão có nằm mơ thấy ông trung tá nọ lái nguyên cái chiến hạm to đùng neo lại bến nước sau nhà để ghé thăm lão không? Thiệt tình!

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Thành Long hay Lý Tiểu Long?



Xem báo thấy tin ngôi sao điện ảnh Thành Long (Jackie Chan), đại sứ tổ chức Operation Smile sang Việt Nam quảng bá cho chương trình phẫu thuật nụ cười dành cho trẻ em với những chi tiết đầy ấn tượng về anh, như nụ cười dễ thương, hành động ga-lăng với phụ nữ, tài dỗ trẻ con nín khóc, và việc tham gia các ca phẫu thuật một cách tận tụy …
Tất cả đều cho thấy một hình ảnh Thành Long thật thân thiện, cởi mở. Rồi nhớ lại những bộ phim của anh cũng vậy. Trong phim bao giờcũng có những màn đấm đá nghẹt thở nhưng luôn được đan xen bằng những chi tiết hài hước gây cười nhằm giảm đi ấn tượng bạo lực, để người xem không cảm thấy căng thẳng, nặng nề. Nhờ thế mà phim anh ăn khách và Thành Long được mến mộ như là người bạn thân thiết của công chúng.
Chợt nhớ về Lý Tiểu Long (Bruce Lee). Mấy hôm nay kênh CineMax cũng đang giới thiệu bộ phim về cuộc đời Lý Tiểu Long, một diễn viên nổi tiếng, một tài năng võ thuật siêu đẳng của Trung Quốc ở những thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Nhưng thực tình xem cảnh đánh đấm của Lý Tiểu Long tôi vẫn cảm thấy rờn rợn thế nào ấy. Mặt Lý Tiểu Long đanh lại, mắt long lên đầy hận thù, cơ thể gồng lên những cơ bắp cuồn cuộn, rồi anh ta vừa đánh đối thủ vừa rú lên thích thú một cách man dại và mọi quyền cước đều tập trung triệt hạ đối thủ một cách nhanh nhất. Trong phim, Lý Tiểu Long là một sát thủ đích thực.
Có thể tôi không hiểu được cái hay của phim quyền cước nên hình tượng Lý Tiểu Long chẳng những không gợi lên những ấn tượng tốt đẹp mà nó lại gợi lên hình ảnh của những Liễu Thăng, Sầm Nghi Đống, Tôn Sĩ Nghị … những kẻ mang dòng máu kiêu ngạo, hiếu chiến, tàn bạo của phương Bắc và gần đây là bóng dáng những anh lính Tàu tràn sang biên giới phía Bắc thẳng tay đập phá trường học, đốt sách giáo khoa, giết thường dân vô tội, cướp bóc tài sản … hồi tháng hai, năm 1979...

Vậy thì Thành Long hay Lý Tiểu Long?

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Dị biệt văn hoá?

Sáng nay xem báo thấy vụ một sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ bị cảnh sát Mỹ hành hung quá tay. Thanh tra cảnh sát Mỹ đã vào cuộc, lãnh sự quán của ta ở San Francisco cũng đã lên tiếng. Vì sao? Vì sinh viên này cầm dao hăm dọa giết một sinh viên cùng phòng. Thế là có chuyện.