Tháng nào em cũng gọi điện về,
mỗi cuộc gọi kéo dài cả giờ đồng hồ, vượt qua hàng mấy ngàn cây số, băng qua
những lục địa, đại dương mênh mông, thế mà tiếng nói em vẫn nhẹ bâng và chậm
rãi như ngày nào, dẫu rằng lúc này em đã là một người đàn bà ngoài bốn mươi.
Ngày xưa nghe cách nói, cách đi đứng, ai cũng bảo số con bé này rồi sẽ sung
sướng an nhàn lắm đây. Vậy mà ...
Bao giờ em cũng
hỏi han về sức khoẻ các anh chị, các cháu, rồi giỗ bố, giỗ mẹ thế nào, anh chị
có thường xuyên gặp nhau không? Lần nào tôi cũng quanh co, bởi tuy gần nhưng
anh em bên này có gặp nhau mấy đâu? Sau những lời hỏi thăm là em nói về gia
đình mình, về người chồng hay đau yếu, về hai đứa con gái ngây thơ dễ thương …
tất cả đều bằng một giọng điệu thật dịu dàng pha chút tự hào, thỉnh thoảng lại
chen vào tiếng cười ngắn và nhẹ làm tôi hình dung đến nụ cười của mẹ tôi ngày
xưa. Lạ một điều là chẳng bao giờ thấy em than vãn về những khó khăn vất vả, về
những thiếu thốn vật chất, dẫu cả hai vợ chồng em đều thất nghiệp và cả nhà
đang hưởng trợ cấp xã hội của chính phủ.
Nhìn vào bản đồ
trên Google, nơi em ở là một thị trấn thuộc một bang miền đông bắc Châu Úc xa
xăm và mênh mông, khí hậu nhiệt đới gần giống Việt Nam, nhưng người Việt ở đây
thì ít ỏi và thưa thớt. Có phải vì thế mà em hay tham dự các lớp học dành cho
người nhập cư để có dịp gặp gỡ những người cùng quê, để có dịp được nói tiếng
Việt và được nghĩ về quê nhà.
Lần gọi này em
lại kể về chuyện người chị em bạn dâu cũng ở bên đó đang mắc bệnh hiểm nghèo và
bị chồng ruồng rẫy. Cả hai đều ít học nên họ đối xử với nhau tàn nhẫn và thô
bạo. Điều đó làm em đau lòng và lo lắng. Em hỏi tôi lòng phụ bạc có mang tính
di truyền và liệu ngày nào đó em có phải lâm vào tình huống như vậy hay không? Hỏi
nhưng rồi em lại tự trả lời. Em bảo em sẽ không để vậy đâu, rồi em cười thật
nhẹ. Sau tiếng cười đó là những suy nghĩ gì tôi không rõ, nhưng tôi tin ở em
mình, đứa em gái bé bỏng, khờ dại ngày nào sẽ đủ bản lĩnh vượt qua tất cả để
sống một cách thanh thản và tự trọng.
Em lại bảo gần
đến giỗ cậu rồi (anh em tôi gọi Bố Mẹ bằng Cậu Mợ) và em muốn gửi chút tiền nhờ
anh chị làm mâm cơm hộ em. Tôi từ chối bởi em có dư dật gì cho cam. Mỗi tháng
cả nhà hưởng trợ cấp xã hội khoảng ngàn rưỡi đô Úc, mà chồng thì bệnh hoạn tật
nguyền, hai đứa con thì còn nhỏ và đang đi học. Trăm thứ để lo, trăm thứ để
tính, chưa kể đến hoàn cảnh một mình bơ vơ nơi đất khách quê người. Mọi vui
buồn chỉ một mình em biết, một mình em hay, không người chia sẻ, không ai đỡ
đần. Mỗi lần nghĩ đến điều đó tôi lại muốn khóc, lại thương bố mẹ mình và
thương đứa em út lênh đênh xứ lạ.