Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Hồn quê giữa phố

Chàng thanh niên với cái nhìn ngơ ngác bên vệ đường CMT8
Chiều nay trên đường về nhà, dừng xe ở ngã tư chờ đèn đỏ, bỗng bắt gặp hình ảnh người thanh niên ngồi bên vỉa hè đang kết những con chim, con châu chấu, bông hoa bằng lá kè để bán làm quà cho trẻ con.
Món quà lạ giữa phố bỗng khơi gợi cả một ký ức tuổi thơ ngày xưa nơi bộn bề sông nước, ruộng đồng... Vậy mà mọi người qua đường đều hờ hững, ngay cả một ánh nhìn!
Đèn xanh. Dòng người ồn ào cuộn đi để lại bụi, khói cùng người thanh niên và những con thú bằng lá lẻ loi, lạc lõng bên vệ đường.

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

FIFA đổi luật, Việt Nam tham dự world cup


-     Tối qua tui nằm mơ thấy đội tuyển VN mình tham dự world cup  ông ơi!
-     Thôi, mơ mộng gì cha, tui nhớ cách đây 8 năm, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) có đưa ra một bản đề án mục tiêu phát triển, trong đó nói đến năm 2014, đội tuyển Việt Nam mình sẽ lọt vào vòng chung kết World Cup. Nghe ai cũng mắc cười, bởi mấy chả nghĩ bóng đá các nước tự dưng họ khựng lại hết để mình qua mặt họ rồi tiến khơi khơi vào vòng chung kết chắc?
-     Tất cả đều có thể. Chứ ông nghĩ xem hồi tháng 1/2009, trước khi Triều Tiên lọt vào vòng chung kết, FIFA xếp họ hạng 117, mà Việt Nam mình bây giờ cũng đang hạng 117 nè, hơn nữa ngay sau khi Triều Tiên đã lọt vào vòng chung kết, đá đấm ì xèo ở Nam Phi thì thứ hạng của họ cũng chỉ được FIFA xếp trên Việt Nam mình 3 bậc chứ mấy!
-     Ông lạc quan quá đi thôi, chứ tui cứ nghĩ đến tương lai bóng đá nước mình là thấy rầu, ngay cái vị trí số một Đông Nam Á còn chưa lấy được, đội tuyển quốc gia thì cà ạch cà đụi, cầu thủ thì tật lớn hơn tài, liên đoàn thì "ấm a ấm ớ",  "ù ù cạc cạc", chẳng thấy có động tĩnh gì. Dzậy thì mơ mộng nỗi gì?
-     Ẩy, vậy mà tui vẫn mơ thấy Việt Nam mình vào vòng chung kết ông ơi!
-     Mệt ông quá! Dzậy ông mơ năm đó là năm nào?
-     Năm nào thì tui không rõ nhưng chỉ biết là khi đó FIFA đã đổi luật rồi.
-     Đổi là đổi thế nào?
-     Nè nha, vòng chung kết lúc đó không phải qua đấu loại để chọn 32 đội như bây giờ mà đội tuyển nước nào cũng được vào thẳng vòng chung kết, không cần vòng loại. Do đó số đội tham gia đông lắm, dzui như hội chợ và cái vòng chung kết này kéo dài cả năm trời lận!
-     Trời ơi, mơ dzậy thì mơ làm quái gì cho mệt …
-   Thì chẳng phải mấy bác vê ẹp ẹp (VFF) nhà mình cũng tưởng 2014 này FIFA đổi luật nên mới dự báo như thế là gì (?)

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Đờn ca tài tử: di sản văn hoá thế giới?

Ngày 14/7/2010 vừa qua, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Cục di sản văn hoá đã giao cho Viện Âm nhạc, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Tp Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành xây dựng hồ sơ khoa học về đơn ca tài tử Nam bộ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới. Nghe nói toàn bộ kinh phí cho điều tra, khảo sát rồi xây dựng hồ sơ bao gồm việc in các tập sách nghiên cứu, thống kê, sách ảnh về đờn ca tài tử; làm phim video, ghi âm các nhóm trình diễn đờn ca tài tử tiêu biểu ở Nam bộ; chụp các bộ ảnh và viết báo cáo khoa học … lên đến 12,92 tỷ đồng.

Mới nghe thì cũng vui vì có thể Việt Nam ta lại có thêm một di sản văn hoá được thế giới công nhận góp phần khẳng định bề dày văn hoá dân tộc, tạo thêm sức hấp dẫn đối với bạn bè năm châu, thế nhưng vẫn cứ băn khoăn rằng liệu có cần phải bỏ ra một số tiền lớn như thế để được UNESCO công nhận lấy tiếng, xong rồi lại “xếp tàn y lại để dành hơi”, rồi lâu lâu lại “đập cổ kính ra tìm lấy bóng” để nhớ và tự hào về nó? Hay là cần kíp tìm cách nào để chính người Việt mình hiểu rõ hơn về đờn ca tài tử (đừng nhầm lẫn với cải lương), rồi phục hồi và phổ cập loại hình nghệ thuật này trong nhân dân, nhất là giới trẻ các tỉnh Nam bộ, từ đó hình thành một không gian văn hoá riêng cho đờn ca tài tử, tạo nên một sản phẩm văn hoá đặc thù đầy hấp dẫn của vùng sông nước Nam bộ?

Có thể người ta cho rằng trước nguy cơ mai một của đờn ca tài tử mà cần thiết phải gấp rút làm hồ sơ đề nghị công nhận chăng? Song nếu trước nguy cơ đó thì việc đề nghị công nhận nó với việc tìm cách cứu vãn, hồi sinh nó, việc nào cần kíp và hợp lẽ hơn? Hay đây lại là kế hoạch của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch để lập thành tich chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long?

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Giáo dục tay phải

1.   Con gái tui sinh ra đã thuận tay trái, làm bất cứ việc gì cũng đều tay trái, đến khi đi học lớp một, mới ngày đầu tiên gia đình đã được cô giáo mời đến để “mắng vốn” về cái tội thuận tay trái của cháu, cô yêu cầu gia đình bằng mọi cách phải rèn cho cháu sử dụng tay phải nếu không thì không thể học được!
Lời cô là “thánh chỉ”, hơn nữa “vì tương lai con em ” cả gia đình tôi lao vào chương trình rèn luyện quyết liệt cho cháu. Đầu tiên tôi bắt cháu cầm bất kỳ vật gì cũng phải bằng tay phải, rồi tập viết bằng tay phải, cứ mỗi lần cháu quên, dùng sang tay trái là nhắc nhở, rồi quát tháo, thậm chí còn có cả cây roi nhỏ chuyên dùng để khẽ vào cái tay sai trái của cháu. Có thể nói đây là một quá trình rèn luyện vô cùng khó khăn và đầy nước mắt, nước mắt của con gái tui và của cả mẹ nó (khóc vì thương con ấy mà).
Mọi sự cố gắng rồi cũng được đền đáp, con gái tui cuối cùng cũng đã viết được bằng tay phải, cả nhà vui mừng, cô giáo cũng thở phào nhẹ nhõm, cô bảo: “Có thế chứ, nếu không làm sao học được, rồi lại ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua của lớp (?)”.
Thế nhưng sao tui cứ băn khoăn vì thấy ở nước ngoài việc trẻ con thuận tay trái là việc bình thường đâu ai bắt phải sửa, thậm chí những người danh tiếng như Hoàng đế La Mã Lulius Caesar, Vua Pháp Napoleon, Nữ hoàng Anh Victoria, Thủ tướng Anh Churchill, Chủ tịch Cuba Fidel Castro rồi các tổng thống Mỹ như  George Bush cha, Bill Clinton, Obama đều sử dụng tay trái, ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như hoạ sĩ Leonardo da Vinci, Michelangelo, Picasso, nhạc sĩ Mozart, thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles, Paul McCartney...cũng là những người thuận tay trái và ngày nay các nhà khoa học cũng kết luận rằng những người có chỉ số IQ cao đa phần là người thuận tay trái, rồi có hẳn một ngày quốc tế dành cho những người thuận tay trái là ngày 13/8 hàng năm, thế mới kỳ chớ!
Còn ở Việt Nam, ngay từ ngày xưa cha ông ta cũng đã có tư tưởng coi thường những người thuận tay trái, nên có câu tục ngữ: “Đàn ông tay chiêu đập niêu không vỡ, đánh vợ không đau” (tay chiêu = tay trái), coi thường như thế bởi họ khác mọi người, không giống với số đông, mà thói quen người ta luôn coi số đông là chân lý, “chân lý thuộc về mọi người” mà! Điều đó cũng có nghĩa mọi sự khác biệt với số đông đều không phải chân lý và không được tôn trọng, quan niệm này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và giáo dục ta nghiễm nhiên trở thành nền giáo dục của những người thuận tay phải là vậy. Nói đến đây tôi chợt nhớ có vị cán bộ chuyên môn ở Sở giáo dục nọ khi dự giờ hội giảng cấp Tỉnh, thấy một cô giáo viết bằng tay trái, vị này liền phán: “Chỉ nhìn cách viết tay trái thôi là đủ đánh rớt rồi”!

2.   Mới đây, báo Thanh Niên ra ngày 06/7/2010 đưa tin trong kỳ thi đại học vừa qua có mấy thí sinh dự thi không hợp lệ vì các em này chỉ mới học lớp 11. Khi phát hiện ra điều này, các hội đồng thi xôn xao, Bộ giáo dục, Cục khảo thí cũng xôn xao, ai cũng bảo các khâu kiểm tra hồ sơ còn nhiều sơ hở nên đã để lọt lưới các thí sinh này. Nói thế vì theo quy chế thi, chỉ những HS có bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc chương trình tương đương mới được dự thi đại học, hay nói rõ hơn là phải học xong chương trình phổ thông, được nhà trường cấp học bạ, rồi được công nhận tốt nghiệp ở kỳ thi quốc gia các em mới đủ tiêu chuẩn dự thi, đằng này các em này lại mới chỉ học xong lớp 11 (!)
Thế nhưng ở các nước khác có những HS còn rất nhỏ tuổi đã được dự thi đại học rồi được các trường đại học nhận vào học hẳn hoi. Như cậu bé Song Yoo-gun, thần đồng khoa học 7 tuổi người Hàn Quốc đã thi đỗ kỳ thi tuyển sinh ĐH của trường ĐH Inha năm 2005, rồi cậu bé người Singapore, Muhammad Haikal Abdullah Zain cũng đã xuất sắc vượt qua kì thi A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông cao cấp) do hội đồng Anh tổ chức khi chưa tròn 13 tuổi và cậu bé này đã quyết định nộp đơn vào khoa Y,  Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS- National University of Singapore). Một chú nhóc khác, cũng 10 tuổi, tên là Alex Jaeger ở hạt Cherokee (phía đông nam bang Kansas, Mỹ)  đã được Trường đại học Pittsburg State hân hoan chào đón. Gần ta nhất, mới đây, Em Tô Lưu Dật, 10 tuổi, thí sinh nhỏ tuổi nhất trong kỳ thi đại học vừa qua tại Trung Quốc, đã đỗ vào Đại học Công nghệ Nam Phương (Thâm Quyến, Trung Quốc). Ông Chu Thanh Thời, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Nam Phương đã xác nhận thông tin này đồng thời cũng cho biết: “Dật là cậu bé có tư chất rất thông minh, nếu đào tạo tốt rất có khả năng em sẽ trở thành nhân tài kiệt xuất”.
Người ta là thế, còn ở ta thì không. Phải chăng chính quy định gò bó của ta, vô tình hay hữu ý, chỉ công nhận một cách học tập duy nhất, chính thống là học ở nhà trường và nguồn kiến thức duy nhất cũng phải do thầy cô trong nhà trường truyền đạt. Mọi hình thức học tập và nguồn kiến thức khác, không thông qua ông thầy đều không được công nhận. Quy định vậy nên mọi học sinh đều chỉ có một con đường học tập giống nhau, dù là người bình thường hay tài năng, thần đồng. Suy cho cùng thì đây cũng là biểu hiện của nền giáo dục tay phải, vốn không chấp nhận sự khác biệt.

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

Vô thức tập thể


Cả tuần nay khi đọc bất kỳ một tờ báo hay dạo qua bất kỳ trang web, blog nào cũng đều thấy thiên hạ xôn xao bàn tán đến vụ Vinashin, vụ ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang, rồi xa hơn nữa là bằng tiến sĩ "lạ" của cha giám đốc gì gì đó ở Phú Thọ… Thiệt tình mà nói đọc riết, nghe riết cũng ớn đến tận óc, thậm chí có nhiều nơi còn nhay đi nhay lại như mấy bà tám buôn chuyện đường dài nghe mà muốn xây xẩm mặt mày.

Mà nghĩ cũng lạ toàn những chuyện tày đình dính dáng đến nhiều người lại toàn là kẻ có chức có quyền, rồi liên quan đến tiền muôn bạc tỷ của nhà nước mà sao chẳng ai hay biết? Hay biết nhưng ngại và còn chờ “chỉ đạo”? Thế nên trước khi có bản kết luận của Uỷ ban kiểm tra trung ương đảng thì chẳng thấy anh nào dám hó hé nửa lời, nhưng chỉ sau khi bản kết luận kia được công bố là đủ thứ ý kiến ý cò, bàn ra tán vào, rồi phân tích phân tiếc nở rộ như nấm mối sau mưa. Anh nào cũng cao giọng dường như để chứng tỏ cái tinh thần đấu tranh chống tiêu cực của mình là hơn tất cả, có anh còn mạnh mồm tuyên bố đã nhìn thấy trước vụ việc và từng cảnh báo nhưng chẳng ai nghe, thế mới kinh chứ! Nghĩ mới thấy cái tâm lý bầy đàn nó ghê gớm thiệt, hơn nữa khi cái tâm lý đó được cái gọi là định hướng báo chí dẫn dắt nữa thì nó càng lợi hại biết chừng nào!

Nhưng nghĩ cho cùng thì đó cũng mới chỉ là ý kiến kết luận về mặt đảng đối với những ông đó với tư cách đảng viên thôi, chớ còn đã có toà án nào kết luận tội trạng trên cơ sở luật pháp nhà nước đâu, mà các bác kia ngoài tư cách đảng viên thì còn là tư cách công dân, là công chức nhà nước nữa chứ! Thế nên nếu thấy nhạt mồm ta hè nhau chửi rủa xỉa xói chút đỉnh cho bõ ghét thì được, chớ còn quy kết tội trạng này nọ là phải chờ mấy ông quan toà, chớ có tuỳ tiện! Hơn nữa chuyện đâu chỉ có thế, mấy ông “phát lộ” này có khi chỉ là phần nổi của tảng băng, còn phần chìm kia, nếu “phát lộ” tiếp có khi trời long đất lở không chừng?

Ngày nay khi mà công nghệ thông tin phát triển rần rần thì các bác làm quan nhà mình phải thiệt là cẩn thận, phải biết giữ mình, chớ ham hố bậy bạ, rủi có bề gì là vô phương bưng bít, mà đâu phải chỉ luật pháp mới đáng ngán, nhiều khi cái vô thức tập thể được khoác áo dư luận hay đạo đức xã hội còn đáng sợ gấp trăm gấp nghìn lần, nó dư sức làm con người ta chết thảm thương trước khi toà tuyên án.

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Hết cột cờ

Mấy hôm nay cả nước rộn rã vì kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thành công tốt đẹp với tỷ lệ đỗ bình quân gần 93% trong cả nước. Đặc biệt trong đó rất đáng phấn khởi khi nhiều địa phương phía Bắc còn khó khăn về đời sống kinh tế, sơ sở vất chất thiếu thốn, song tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lại vươn lên đứng đầu trong cả nước như Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Hà Giang, Hoà Bình … trên cả thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lớn khác (thế mới kinh!). Đáng chú ý hơn là một số địa phương ngay năm đầu của chiến dịch “Hai không” thì tỷ lệ tốt nghiệp cả tỉnh không quá 35% nay cũng đã vọt lên hàng top-ten dẫn đầu cả nước như Yên Bái từ tỷ lệ đỗ  27% năm 2007, nay vọt lên 98,5%, Hoà Bình từ 33% nay nhảy lên gần 95,4%, thậm chí có ngôi trường ở Quảng Ngãi cách đây vài năm có tỷ lệ đỗ 0% thì nay cũng đã trên 90%. Thiệt xiết bao vui mừng và đó là minh chứng hùng hồn cho tinh thần vượt khó, lòng hiếu học của con người Việt Nam và trên hết là chiến lược tài tình của Bộ Giáo dục …
Cứ với đà phấn đấu thi đua dạy tốt-học tốt, rồi đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng toàn diện, cộng với khí thế hừng hực của các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong toàn ngành giáo dục hiện nay thì chỉ một vài năm nữa, tất cả các trường phổ thông trong cả nước sẽ có tỷ lệ học sinh lên lớp, đỗ tốt nghiệp từ 100% … trở lên. (Này, đừng có mà trố mắt ngạc nhiên như thế, đó cũng là một cách phấn đấu vượt chuẩn, tăng năng suất chào mừng lễ lạc. Bình thường thôi!).
Chợt nhớ câu chuyện vui do một anh bạn kể cách đây đã 30 năm. Trong sân một bệnh viện tâm thần, mấy anh bệnh nhân ngồi buồn bèn rủ nhau leo lên cột cờ để xem nó cao tới đâu. Một anh leo được tới đỉnh cột thì thấy không thể leo được nữa vì không còn chỗ bám. Sợ người khác không biết mà tiếp tục leo lên nữa thì nguy hiểm, anh ta bèn dán lên chót cột cờ một tờ giấy có ghi dòng chữ: ”Đến đây là hết cột cờ” và buồn bã leo xuống.
Đáng khen là dù tâm thần nhưng anh bạn kia vẫn biết cảnh báo về cái giới hạn của cột cờ, e rằng kẻ khác không biết được điều đó thì nguy hiểm lắm thay!
Thấy vậy, tôi cũng chợt thấy cần phải nhắc khéo rằng tỷ lệ 100% là tột đỉnh vinh quang rồi không thể hơn được nữa đâu. Hãy biết để mà định liệu, kẻo lại say sưa mà đi quá cái giới hạn "cột cờ” thì hỏng.
Bởi không lẽ đã đến 100% lại tuột xuống vì đã "hết cột cờ" hay sao?