Ngày 14/7/2010 vừa qua, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Cục di sản văn hoá đã giao cho Viện Âm nhạc, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Tp Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành xây dựng hồ sơ khoa học về đơn ca tài tử Nam bộ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới. Nghe nói toàn bộ kinh phí cho điều tra, khảo sát rồi xây dựng hồ sơ bao gồm việc in các tập sách nghiên cứu, thống kê, sách ảnh về đờn ca tài tử; làm phim video, ghi âm các nhóm trình diễn đờn ca tài tử tiêu biểu ở Nam bộ; chụp các bộ ảnh và viết báo cáo khoa học … lên đến 12,92 tỷ đồng.
Mới nghe thì cũng vui vì có thể Việt Nam ta lại có thêm một di sản văn hoá được thế giới công nhận góp phần khẳng định bề dày văn hoá dân tộc, tạo thêm sức hấp dẫn đối với bạn bè năm châu, thế nhưng vẫn cứ băn khoăn rằng liệu có cần phải bỏ ra một số tiền lớn như thế để được UNESCO công nhận lấy tiếng, xong rồi lại “xếp tàn y lại để dành hơi”, rồi lâu lâu lại “đập cổ kính ra tìm lấy bóng” để nhớ và tự hào về nó? Hay là cần kíp tìm cách nào để chính người Việt mình hiểu rõ hơn về đờn ca tài tử (đừng nhầm lẫn với cải lương), rồi phục hồi và phổ cập loại hình nghệ thuật này trong nhân dân, nhất là giới trẻ các tỉnh Nam bộ, từ đó hình thành một không gian văn hoá riêng cho đờn ca tài tử, tạo nên một sản phẩm văn hoá đặc thù đầy hấp dẫn của vùng sông nước Nam bộ?
Có thể người ta cho rằng trước nguy cơ mai một của đờn ca tài tử mà cần thiết phải gấp rút làm hồ sơ đề nghị công nhận chăng? Song nếu trước nguy cơ đó thì việc đề nghị công nhận nó với việc tìm cách cứu vãn, hồi sinh nó, việc nào cần kíp và hợp lẽ hơn? Hay đây lại là kế hoạch của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch để lập thành tich chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long?