Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Lạ đời và ngược ngạo

Một cảnh trong bộ phim tàu nói tiếng Việt
Sáng nay trong chương trình thời sự, nhà đài VTV thông báo: Nhà nước đã yêu cầu không được công chiếu bộ phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, và nói thêm nếu địa phương nào cho chiếu thì phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng bộ phim.

Nghe không cho chiếu thấy cũng được, bởi vì bộ phim này thực chất là bộ phim tàu nói tiếng Việt và bọn tàu rõ ràng muốn thể hiện sự áp chế văn hoá ngay trong dịp đại lễ này. Mình chỉ là anh dân ngu khu đen mà xem qua trailer bộ phim cũng thấy rõ điều đó, huống gì những bậc thức giả.

Diễn viên tàu tham gia đóng phim
Nhưng nghe kỹ sao thấy lạ quá! Tại sao địa phương nào chiếu thì phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng bộ phim này? Ô hay, thế còn những người phê duyệt kịch bản, rồi ê-kíp làm phim … những kẻ đã quăng đến hơn một trăm tỷ đồng vào bộ phim tàu lao này thì phủi tay à? 

Lạ đời và ngược ngạo!

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Blog đạo chi nan ...

Gần tháng nay đường về nhà sao mà khó khăn quá. Nhà của mình mà vào lúc được lúc không. Tưởng chỉ có đường vào xứ Thục của Lý Bạch mới là “Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên” hoặc đường sang Tây Trúc thỉnh kinh của thầy trò Đường tăng mới thế, nào dè…
Không biết tình hình bà con khác thế nào, quê nhà có xa ngái? Nghe bảo hình như có gì đó ... Ngàn năm có một ...
Đành ngửa cổ mà than rằng: “Blog đạo chi nan …"

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Phải chăng mình hồ đồ?

Tối, đi bộ ngang qua nhà thờ, dừng chân nghe thử giọng cha xứ ấm áp rao giảng cho các con chiên đang ngồi vòng trong vòng ngoài ngôi nhà thờ chánh tòa mới xây.
Nhưng, thật lạ khi nghe vị cha đạo giảng câu chuyện về một đoàn người hành hương đi qua vực thẳm.Trong đoàn người ấy vẫn còn một số người phân vân chưa dám bước qua cây thánh giá mong manh của vị thánh đã bắc để qua bên kia sự an toàn. Họ phân vân, lưỡng lự vì còn những gánh nặng về gia đình.
Thấy thế, vị thánh dẫn đầu đoàn hành hương bèn nói: “Những ai yêu cha mẹ hơn ta thì không thể làm môn đệ của ta được”.
Tôi là người ngoại đạo nên không biết câu chuyện ấy, lời phán ấy trích từ Cựu ước hay Tân ước, và dù lời phán ấy mang tính ẩn dụ cao siêu về đức tin đến đâu đi nữa, tôi vẫn cho rằng nội dung hiển ngôn của lời phán ấy không phải là điều đúng đắn.
Vì theo tôi, và có lẽ rất nhiều người khác, đều dễ dàng nhận ra rằng: “Tình yêu vốn không dung nạp hay kết hợp được với sự ích kỷ. Bởi tình yêu chính là sự vị tha”.
Phải chăng có một sự nhầm lẫn nào đó?
Chưa bao giờ tôi mong rằng mình là một kẻ hồ đồ như tối hôm nay. 
Vì điều đó sẽ làm tôi dễ chịu hơn để có một đêm yên giấc. A-men!

Ôi khai giảng!

Những đứa trẻ này cảm xúc thế nào về ngày khai giảng?
Trưa, ghé nhà cậu em gặp mấy đứa cháu mới đi dự lễ khai giảng về mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bèn hỏi: “Khai giảng dzui không con?”.  Mấy đứa bé nhăn nhó: “Trời ơi, dzui gì mà dzui, tụi con học cả tháng rồi mà còn bắt khai giảng. Ừa, mà sao bắt tụi con đi học ngày chủ nhựt hả bác Hai?" (Ở tỉnh tui bọn nhỏ đã phải đi học từ 2/8/2010).
Tui cứng họng. Vì tụi nó nói đúng, tại sao ngày nghỉ lại bắt học sinh tới trường? Và vì sao "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường" lại là ngày chủ nhật? Chủ nhật mà đến trường thì học với ai? Liệu điều này có trái luật lao động không?
Ngồi giở mấy tờ báo ra xem, thấy tờ nào cũng đưa tin “Khắp nơi nô nức khai giảng …”. Thiệt đúng là miệng lưỡi nhà báo ! Ai nô nức? Mấy đứa nhỏ, các thầy cô giáo, hay đó chỉ là cảm giác "tự sướng" của mấy ổng? Chả lẽ đã đi học cả tháng trời, tập vở quăn queo, quần áo lấm lem đầy mực, chép bài đã rã cả tay, bạn bè đánh nhau ì xèo, thầy cô đã quen ráo trọi … mà tụi nó vẫn còn cái “cảm giác trong sáng nảy nở trong lòng như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng …” như tâm trạng của cậu nhỏ trong truyện “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh sao?
Thiệt tình mà nói, ngay cả việc các quan chức phải bấm bụng bỏ ngày chủ nhật để đi dự lễ khai giảng với các trường chắc cũng không dzui dzẻ gì (nhưng chả lẽ không đi), huống hồ đám con nít đang tuổi ăn, tuổi chơi.
Chắc chắn ngành giáo dục phải coi lại việc tựu trường và khai giảng. Nếu xem lễ khai giảng chỉ là một việc mang tính hình thức thì nên bỏ quách cho rồi, còn muốn cái cảm giác ngày khai giảng luôn tươi mới, chân thật và thiêng liêng trong ký ức con trẻ thì nên chọn một ngày thôi, ngày đầu tiên đến trường trong năm. Đừng bắt lũ trẻ học cả tháng rồi mới làm lễ khai giảng, kỳ cục lắm!
Điều này có khó gì đâu? Cái khó duy nhất là ngành giáo dục có mạnh dạn thoát khỏi cái kiểu tư duy cũ kỹ theo lối mòn hay không mà thôi! Chả lẽ các vị không thấy rằng luật lao động quy định thời gian làm việc trong tuần ít dần đi là để cho mọi người có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, bồi bổ cho sức lực lao động. Thế mà các vị lại lấy mất của thầy cô và các cháu ngày chủ nhật nghỉ ngơi chỉ để làm một việc vô bổ và ngớ ngẩn?
Thôi sự đã lỡ, nhân đây cũng chỉ xin các thầy cô đừng ra đề tập làm văn bắt tụi nhỏ phải nêu lại cảm xúc trong ngày khai trường thì tội cho các cháu lắm lắm!

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Bức ảnh để đời

Một trong những bức ảnh để đời của GS trong dịp sang Mỹ
Thật đáng buồn khi thấy một vị giáo sư TSKH, từng là thứ trưởng BGD-ĐT, và hiện đang giữ trọng trách Tổng thư ký hội đồng chức danh giáo sư của một quốc gia mà mỗi lần đi ra nước ngoài chỉ nghĩ được mỗi chuyện là làm sao có thể bắt tay lâu lâu những nhân vật nổi đình nổi đám như Bill Gates, Bush, Putin ... để … có được những tấm ảnh để đời, rồi khoe khoang với mọi người. Nghe kể, mỗi lần như thế ông đều phải lao tâm khổ tứ để rặn ra một câu nịnh nào đó không đụng hàng, để đối tác không rút tay lại, và để ông cầm lâu lâu cho các bác phó nhòm tha hồ ngắm nghía tìm những góc ảnh đẹp (!) [nguồn: Vietnamnet]
Thêm bức ảnh để đời với GS Châu?
Đáng hổ thẹn hơn khi điều này còn được ông GS khoe khoang ra chiều đắc ý với các cháu sinh viên nhà ta nữa chứ! Có lẽ trước khi khoe công khai với sinh viên, ông đã từng khoe với rất nhiều người rồi, nên khi nói về điều này ông GS có vẻ trơn tru hoạt bát lắm.
Thôi cũng xin chúc mừng GS lần nữa vì chợt nhớ mới đây ông cũng đã nhanh tay ôm để có thêm một tấm ảnh để đời với GS Ngô Bảo Châu ở sân bay hay ở Mỹ Đình gì đó!

Hãnh diện thay cho một vị Giáo sư, tiến sĩ khoa học!

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

Xin các Thầy Cô ...

1.Sự vật thì luôn luôn vận động và biến đổi, do đó xin các Thầy Cô đừng nhìn học sinh trong trạng thái “tĩnh”, trạng thái “chết”. Vì nếu nhìn thế thì học sinh luôn là một lũ oắt con ngớ ngẩn, chẳng biết gì. Cũng như các bậc làm Cha Mẹ chẳng bao giờ thấy những đứa con lớn khôn trong mắt mình. Xin Thầy Cô hãy nhìn các em ở trạng thái “động”, trong sự phát triển để thấy học sinh bây giờ nhạy bén hơn chúng ta ngày trước, dĩ nhiên là nhạy bén cả với cái tốt lẫn cái chưa tốt. Tuy thế, công bằng để thấy rằng các em cũng biết suy xét, nhìn nhận sự vật, cuộc sống bằng những góc nhìn riêng, mới mẻ, độc đáo và cũng không kém phần tinh tế.