Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

Xin các Thầy Cô ...

1.Sự vật thì luôn luôn vận động và biến đổi, do đó xin các Thầy Cô đừng nhìn học sinh trong trạng thái “tĩnh”, trạng thái “chết”. Vì nếu nhìn thế thì học sinh luôn là một lũ oắt con ngớ ngẩn, chẳng biết gì. Cũng như các bậc làm Cha Mẹ chẳng bao giờ thấy những đứa con lớn khôn trong mắt mình. Xin Thầy Cô hãy nhìn các em ở trạng thái “động”, trong sự phát triển để thấy học sinh bây giờ nhạy bén hơn chúng ta ngày trước, dĩ nhiên là nhạy bén cả với cái tốt lẫn cái chưa tốt. Tuy thế, công bằng để thấy rằng các em cũng biết suy xét, nhìn nhận sự vật, cuộc sống bằng những góc nhìn riêng, mới mẻ, độc đáo và cũng không kém phần tinh tế.

2.Xin các Thầy Cô hãy tập khen học sinh. Phải tập vì khen rất khó mà chê thì lại dễ, chửi mắng lại càng dễ hơn. Một nhà sư phạm đã nói đại ý rằng khi giận dữ, chửi mắng học sinh  là lúc người thầy đã hoàn toàn bất lực. Vậy hãy tìm cách khen ngợi, động viên, khuyến khích để học sinh hứng thú học tập, vì đó mới đích thực là nghệ thuật của dạy học. Câu chuyện giáo dục trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 26/12/2006 cho thấy hiện nay phần lớn học sinh đã hoàn toàn mất hứng thú học tập mà thay vào đó là tâm lý nặng nề, sợ hãi, thậm chí căm ghét những buổi học nặng nề về kiến thức, lê thê về thời gian và nhất là căng thẳng vì những lời mắng mỏ không biết mệt mỏi của thầy cô (!)


3.Xin các thầy cô đừng lợi dụng vị thế của người thầy mà áp đặt học sinh, áp đặt kiến thức và áp đặt cả những quy tắc trong cuộc sống, bởi chân lý và những chuẩn mực cuộc sống không bất biến và đâu chỉ là độc quyền của người Thầy hay của Sách giáo khoa mà nó có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như gia đình, bè bạn, cuộc sống, sách báo, internet và cả những trải nghiệm của chính bản thân …

Một câu chuyện khác trên báo Tuổi trẻ ngày 25/12/2006. Giáo viên giảng: Bình Ngô đại cáo là một áng thiên cổ hùng văn cho muôn đời sau. Học sinh hỏi: Ai là người đầu tiên nói thế? Giáo viên trả lời: Sách xưa nói thế. Học sinh hết ý kiến! Câu chuyện khác: Giáo viên giảng: vận tốc tối đa của ánh sáng là 3.108 m/s. Học sinh  hỏi: Làm thế nào để biết đó là vận tốc tối đa của ánh sáng? Giáo viên phán: Khoa học chứng minh thế. Học sinh hết ý kiến … Nhưng đằng sau sự im lặng và hết ý kiến đó là một lỗ hổng lớn, một sự hoang mang về tri thức khoa học lẫn niềm tin vào người Thầy.
Xin đừng áp đặt những suy nghĩ của thầy cô cho học sinh  mà hãy khơi gợi, dẫn dắt, giúp đỡ để các em tự tìm đến chân lý. Dĩ nhiên điều này bao giờ cũng khó vì đó là phương pháp, là nghệ thuật. Thử nghĩ nếu học sinh  hỏi 2 với 2 là mấy thì việc trả lời kết quả sẽ dễ biết bao so với việc chúng ta phải dẫn dắt, giảng giải cho học sinh biết tại sao kết quả là 4, mà không là 3, là 5 hay là một con số khác?

Xin các Thầy Cô hãy làm quen với cách tư duy hồn nhiên, mới mẻ mà vô cùng sinh động của các em. Ví dụ: một đứa trẻ lần đầu tiên thấy cái nĩa, em gọi đó là cái thìa rách. Cô giáo bảo: Dốt, làm gì có cái thìa rách? Thế nhưng khi chê học sinh cô chỉ dựa duy nhất vào cái kiến thức mà cô đã tích lũy sẵn về cái nĩa, mà cô không biết rằng để gọi đó là cái thìa rách, em bé đó đã vận dụng vốn hiểu biết sẵn có của mình (về cái thìa) để nhận thức một sự vật khác, mới mẻ, chưa biết (cái nĩa). Đó thực sự là một quá trình nhận thức đầy chủ động, sáng tạo và thông minh.

Một cô giáo dạy sinh vật yêu cầu học sinh sưu tập bướm để nộp chấm điểm. Đến ngày, học sinh A nộp 2 con bướm, một vàng, một trắng, cô giáo cho điểm 10. Nhưng lại có học sinh  khiếu nại: Bạn A chỉ có bướm vàng thôi còn bướm trắng là của bạn B đổi cho. Cô liền phán: Thế thì cả A và B đều điểm 5 thôi. Cách giải quyết có cô thật phi lý. Tai sao học sinh  không có quyền chia sẻ với nhau những hiểu biết và cả những thành quả. Do đó, tại sao học sinh  A bắt được 2 bướm vàng mà lại không có quyền đổi cho bạn để bộ sưu tập của mình, và cả của bạn mình, phong phú hơn? Cô giáo cần thấy rằng vấn đề cốt lõi không dừng ở chỗ học sinh nhiều bướm mà ở chỗ HS biết được nhiều loại bướm.

Giáo viên X cho một đề kiểm tra dùng cho nhiều lớp. Sau khi cho lớp thứ nhất làm bài, cuối giờ sau khi thu bài, Gíáo viên sửa và cho luôn đáp án. Sang giờ thứ hai, có một khoảng thời gian ra chơi, một số học sinh lớp bên cạnh sang chơi, thấy đáp án bèn chép lại. Giáo viên X cho rằng học sinh  vi phạm nội quy và yêu cầu Giáo viên chủ nhiệm hạ bậc hạnh kiểm của những học sinh này (?) Hãy suy xét cẩn thận. Nếu bảo học sinh  này sai vì lỗi tìm cách xem đáp án, thì hỏi ai là người tạo điều kiện cho các em biết trước đáp án? Cái chính là ở trình độ, năng lực sư phạm của người thầy!

Học sinh bàn tán với nhau trong giờ chơi: “Trong lớp, Ổng Bả cấm tụi mình không được làm việc riêng, nhưng Ổng Bả liên tục gọi điện thoại, nhắn tin thì có phải làm việc riêng không?”.
Học sinh  nói với cô chủ nhiệm: Có nhất thiết cô phải quan trọng giờ A, giờ B đến thế không? Cô biết có những giờ A do chúng em im lặng (trật tự), mà im lặng vì buồn ngủ, vì chẳng hiểu gì, rồi lỡ có phát biểu mà sai thì thầy cô chửi như tát nước vào mặt. Còn có những giờ B, do lớp hơi ồn ào một chút, nhưng chúng em lại cảm thấy thoải mái, hứng thú và hiểu bài?

4. Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng cái yếu nhất của học sinh chúng ta là khả năng làm việc theo nhóm và năng lực diễn đạt ý tưởng của mình. Có thể đúng vì người Việt ta quen sống khép kín, ngại chia sẻ, hay đố kỵ nên xa lạ với cách làm việc theo nhóm, trong khi sức mạnh của tập thể là điều ai cũng biết. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu:”Ba ông thợ da bằng Gia Cát Lượng”. Tục ngữ ta thì hằng hà sa số. Hơn nữa khi là học sinh thì mấy khi các em có dịp trình bày suy nghĩ riêng của mình? Hầu hết, nếu được nói, thì các em chỉ biết nói những ý được thầy cô mớm sẵn! Vì thế xin các Thầy Cô hãy cho các em một cơ hội. Cơ hội để các em được nghĩ thật, nói thật. Chỉ có thế các em mới có thể làm thật và những gì thủ đắc được từ nhà trường hôm nay mới thật sự là của các em. Và để các em có thể trở thành chính mình, những cá thể riêng biệt, độc đáo, không lẫn lộn trong cái trần gian muôn màu lắm vẻ này.
Xin các thầy cô…
                            (Viết đầu năm 2007, nay đăng lại nhân mùa tựu trường 2010 và cũng để lưu giữ)