Dù bây giờ người ta có
thể thấy từ nhân dân xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, nào: Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Quân đội
nhân dân, Công an nhân dân, Kiểm lâm nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân
dân… nhưng thực sự nó vẫn là một từ biến hóa khó xác định nhất.
Hôm qua ở khu phố người ta thu tiền quốc phòng, phòng
chống bão lụt, khuyến học, dân phòng, vì người nghèo… thì nhân dân là tất cả,
không chừa một ai, họ thu từ đầu phố đến cuối hẽm, từ kẻ sang đến người hèn, kẻ
có học đến thất học, từ nhà lá đến villa, biệt thự… tất tần tật!
Còn hôm nay khi người ta bảo có cán bộ trên trung ương
hay trên tỉnh về gặp gỡ nhân dân, lấy ý kiến một vấn đề gì đó, thì nhân dân chỉ
còn là một thiểu số những người “đáng tin cậy”. Đó là những ông bà từng có
chức có quyền nay đã về hưu hay những người buôn bán có máu mặt hoặc giàu
có theo kiểu “nhà mặt phố, bố làm to”… như ông thiếu tá biên phòng, bà
phó chánh án, chú bí thư, ông A chủ tiệm vật liệu xây dựng, chị B chủ hiệu
thuốc tây, Bà C tiệm vàng, cô D cây xăng, thằng X con ông Y… Còn những người
như thím Năm bán cháo đầu ngõ, ông Bảy vá xe đầu đường, chị Hai bán vé số, chú
Mười thợ hồ và cả ông thầy giáo già về hưu, ngoài đảng… lúc này lại không còn
trong diện nhân dân nữa!
Mới đây cả nước rộn lên vụ toàn dân Đồng Tâm (Mỹ Đức –
Hà Nội) một lòng nổi dậy chống bọn tham ô cưỡng đoạt đất đai thì người ta lại thấy lấn
cấn cái nguyên tắc “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” được ghi trong Hiến
pháp và Luật đất đai năm 2013. Nội dung đó nói rằng: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do
Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nói như vậy nghĩa là nhân dân vẫn chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu ngay trên chính mảnh
đất mà họ đã tốn biết bao mồ hôi, tiền của và cả xương máu ra để khai
khẩn, giữ gìn, chăm bón bao đời nay. Lúc này nội hàm từ nhân dân trong cái nguyên tắc sở hữu toàn dân cũng chỉ còn là một thiểu số có chức
quyền nhân danh Nhà nước đại diện sở hữu, còn tầng lớp nhân dân thực sự thì lại trở nên vô hình và nằm ngoài rìa cuộc chơi bởi cái nguyên
tắc sở hữu kỳ lạ đó!
Ngẫm nghĩ thấy thật đúng khi một nhà thơ viết về nhân dân:
Khi là cây mác cây chông,
Khi thành biển cả, khi không là gì. (Thường dân - Nguyễn Long).
Ngẫm nghĩ thấy thật đúng khi một nhà thơ viết về nhân dân:
Khi là cây mác cây chông,
Khi thành biển cả, khi không là gì. (Thường dân - Nguyễn Long).