Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

Nhận lỗi


Theo Vietnamnet Khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tự nhận: "Bộ chịu trách nhiệm lớn nhất trước xã hội về đạo đức, lối sống của học sinh", nhiều độc giả chưa đồng tình. Vâng mà có lẽ cả các nhà giáo cũng khó mà đồng tình được. Bởi chất lượng giáo dục HS, trong đó có chất lượng đạo đức đâu chỉ do mỗi nhà trường mà còn  hệ quả của nền tảng giáo dục gia đình, của nền tảng đạo đức xã hội ... 
Vẫn biết rằng ngành giáo dục phải chịu một phần trách nhiệm về nội dung chương trình và chất lượng người Thầy, song thử hỏi làm sao thầy cô có thể dạy học sinh bỏ rác đúng chỗ, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khi ngoài đường nhan nhãn cảnh bỏ rác bừa bãi của người lớn hoặc có chỗ chỉ vì mục đích lợi nhuận mà người ta tổ chức ngấm ngầm xả chất thải độc hại giết chết cả một dòng sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng vạn con người? Làm sao giáo dục HS tuân thủ luật đi đường trong khi cha mẹ các em và mọi người trên đường vẫn hàng ngày vô tư vượt đèn đỏ, vô tư chạy vào đường cấm? Làm sao giáo dục các em phải giữ gìn ý thức nơi công cộng khi ngay ở Hà Nội, lễ hội hoa xuân năm nào, người ta cũng thi nhau cướp hoa và giẫm nát những thảm cỏ? Và làm sao thầy cô có thể dạy được các em sự thân thiện, lịch sự trong khi tính hung hăng bạo lực của người lớn nhan nhãn khắp nơi …
Ông thứ trưởng nhận lỗi về mình là thể hiện cao tinh thần trách nhiệm và sự thẳng thắn chính trực nhưng có lẽ ông lại không nghĩ rằng với cách nhận lỗi ôm đồm đó,chính ông lại gây khó khăn và áp lực cho các thầy cô giáo và các nhà quản lý tại các cơ sở giáo dục. Và vô hình trung ông cũng lại xem nhẹ vai trò giáo dục của gia đình và xã hội, những thành tố vốn hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách các em.

Viết tiếp: 
Nhưng ngẫm đi xét lại cho cùng thì những hình ảnh nêu gương xấu của người lớn hôm nay như: tham ô, sa đoạ, hung tợn, bạo hành, thiếu ý thức văn hoá nơi công cộng, nghèo lòng trắc ẩn ... phải chăng cũng chính là hệ quả của nền giáo dục một thời, khi mà trong nhà trường người ta cũng chỉ dạy những điều cao siêu mà quên mất việc bồi dưỡng những tình cảm, cảm xúc gần gũi đời thường và những phép tắc ứng xử văn hoá cần thiết trong cuộc sống?
Nếu nhà trường, gia đình và xã hội vẫn chưa là một môi trường đồng nhất thì mọi bài học giáo dục của các thầy cô đều trở nên khập khiễng.