Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Nghị gật



Thà ngu (ngủ) để chẳng nói xàm
Còn hơn tỉnh táo càm ràm khó nghe!

Luật pháp bất vị thân?

Thứ Năm, 18/3/2010, VietNamnet  đưa tin tên thầy giáo Phạm Văn Vân ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hiếp dâm một cháu học sinh 9 tuổi, lớp bốn, ngay tại trường. Hành vi đồi bại vô luân của hắn đã bị dân chúng phản ứng quyết liệt. Thế nhưng thật đáng buồn là khi đọc những dòng cuối của bản tin trên Vietnamnet như sau: “Tại phiên toà sáng 18/3, HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn Vân là đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm minh. Tuy vậy, xem xét trên nhiều tình tiết giảm nhẹ như; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, cố nội của bị can là liệt sĩ tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bố đẻ bị can là thương binh hạng ¾, bản thân bị can được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2006-2007… nên Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Vân, 15 năm tù giam và buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 44 triệu đồng theo khoản 4, điều 112 Bộ luật hình sự về tội hiếp dâm trẻ em”.
Không biết bản án thế là nặng hay nhẹ  nhưng thật đáng ngạc nhiên khi chốn pháp đình mà vẫn thiếu công tâm và còn phụ thuộc quá nhiều những cái râu ria vớ vẩn (!)
Nhớ lại mới đây Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh đã có một phát biểu hay đề cao vai trò của nền tư pháp độc lập, công bằng, nghiêm minh, khi ông nói: “Thành tích có thể rất nhiều nhưng khi xét xử thì phải theo luật”. (VietNamNet, 23/11). Đó là câu trả lời của ông khi được hỏi về vụ án Nông trường Sông Hậu, với bị cáo Trần Ngọc Sương (tức bà Ba Sương) người từng được phong danh hiệu là Anh hùng lao động vì đã có bề dày thành tích rất đáng nể khi làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu.
Trên phương diện luật pháp, điều vị Bộ trưởng nói là hoàn toàn chính xác. Pháp luật phải nghiêm minh, duy lý, công tâm. Anh hùng trong quá khứ không có nghĩa là hiện tại và tương lai không bao giờ mắc sai phạm và không thể bị xét xử. Nói cách khác, không thể vì bà Ba Sương có nhân thân tốt, có cống hiến trong quá khứ, mà đương nhiên miễn tố đối với bà. Đó là biểu hiện của một nguyên tắc bất biến: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Ấy thế mà Tòa án nhân dân Hà Tĩnh khi xử tên yêu râu xanh đội lốt thầy giáo lại đi ăn mày dĩ vãng hết sức buồn cười như cố nội của bị can là liệt sĩ tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bố đẻ bị can là thương binh hạng ¾, bản thân bị can được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2006-2007…
Chẳng lẽ luật pháp ta lại có sự biến thiên linh hoạt, du di tùy lúc, tùy nơi, tùy đối tượng? Và chuyện công pháp bất vị thân chỉ còn trong cổ tích? Nếu thế thì thật đang buồn!

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Gặp nhà thơ Hữu Loan ở Bà Rịa

                                                                       Một nén hương thành kính dâng lên nhà thơ
Tôi tuy sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng từ trước giải phóng đã biết nhà thơ Hữu Loan qua bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim, bài thơ càng phổ biến hơn khi được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành nhạc phẩm Áo anh sứt chỉ đường tà. Thế nên tôi hết sức ngạc nhiên khi đọc bài Hữu Loan sống một mình ở hành tinh chết xa xôi của nhà báo Phạm Thành, tác giả kể tháng 5/1975, khi là bộ đội vào giải phóng Sài Gòn, lần đầu tiên được một nữ sinh viên Văn khoa bật băng cassette cho nghe bài hát Màu tím hoa sim do Khánh Ly hát (Thực ra là bài Áo anh sứt chỉ đường tà, mà hình như Khánh Ly chưa bao giờ hát bài này, kể cả bài Màu tím hoa sim  do Dzũng Chinh soạn vì cả 2 đều không hợp với chất giọng của cô) mà tác giả không biết Hữu Loan là ai, rồi sau đó về quê Thanh Hoá (Hữu Loan ở đây) làm ở đài phát thanh 4,5 năm, lại đi học Đại học báo chí 4,5 năm, đến lúc đó mới biết về bài thơ này, mới biết về Hữu Loan. Nghe mà bán tín bán nghi, nhưng nếu thật thế thì quả là nghệ thuật bưng bít của miền Bắc bấy giờ quá siêu phàm. Bài hát này một thời chúng tôi hát say mê và luôn ám ảnh bởi những bi kịch của người lính trong chiến tranh, nhất là những năm bảy mươi, mùa hè đỏ lửa, khi mà miền Nam rục rịch có lệnh tổng động viên và bọn tôi những học sinh của những năm cuối ban trung học đệ nhị cấp có thể phải mặc áo lính ra chiến trường. Mà ngày ấy ra chiến trường thì gần như đồng nghĩa với cái chết. Thế nhưng may mắn chúng tôi không phải ra trận, lại tiếp tục học và sống sót để đến khoảng đầu những năm 90 được gặp nhà thơ tại Bà Rịa.
Tôi nhớ hôm đó là một ngày giáp Tết nguyên đán, khoảng một hai giờ chiều, vợ tôi, một cô giáo đang tất bật với công việc tay trái là may vá để kiếm chút tiền sắm Tết. Tôi chỉ biết giúp vợ bằng cách đơm khuy, ủi quần áo để giao cho khách và nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Đang bận tối mắt thì thấy anh bạn nhà thơ hay nổ đạp xe hớt hải ghé vào bảo: “Qua ... qua nhà gấp, có ... có Hữu Loan ghé chơi. Vì không thể ngờ một nhà thơ danh tiếng như thế mà lại ghé nhà cái anh bạn nhà thơ dỏm và hay nổ nên tôi hỏi lại: “Hữu Loan nào?”. Anh bn vừa tất tả quay xe vừa trả lời, giọng lặp bặp cà lăm cố hữu: Màu ... màu ... tím hoa sim”. Trời ơi! Tôi vội nói qua quít với vợ vài câu rồi mặc quần áo đi ngay. Đến nhà anh bạn - lúc ấy đang ở tạm trong một căn phòng nhỏ của một cơ sở dòng tu thánh Phao-lồ, sau này dòng tu lấy lại nơi này để lập trường mẫu giáo tư thục Sao Mai - đã thấy nhà thơ Hữu Loan ngồi trên một chiếc giường con đặt ngoài hành lang. Lúc ấy nhà thơ độ ngoài bảy mươi, gầy, tóc dài và bạc nhưng trông còn khang kiện và dáng tiên phong đạo cốt lắm. Giọng nhỏ nhẹ, đều đều, chậm rãi, nhưng ánh mắt thì rất tinh anh. Tôi nhìn nhà thơ và cố hình dung ra thời trai trẻ, khi ông viết Màu tím hoa sim như thế nào, nhưng chịu!



Một chút vui

4g30 sáng đi bộ thể dục với anh bạn cùng xóm trên đường ĐBP. 5g10 về qua ngã tư Phòng Công an. Trời vẫn tối, đèn cao áp sáng rực, đường vắng, thỉnh thoảng một vài chiếc xe qua lại.
Đèn đỏ - đường trống - một anh thanh niên dừng xe kiên nhẫn chờ đèn xanh bật lên. Thấy lạ, ai đi qua cũng quay nhìn người thanh niên nọ. Tôi bảo với người bạn: “Người tốt hiếm hoi còn sót lại”. Anh thanh niên không biết có nghe không nhưng nhìn chúng tôi cười. Nụ cười thật tươi dưới ánh đèn đường.
Trời buổi sáng chợt trong trẻo và dễ thương đến lạ!

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Cần cuộc đại chấn hưng đạo đức?

Xem đoạn video-clip trên mạng về vụ mấy nữ sinh THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội đánh nhau mà rùng mình, căm phẩn rồi trằn trọc mãi không ngủ được. Đúng như có người nhận xét đây không phải là vụ đánh nhau của mấy đứa học trò dại dột, nông nổi mà là hành động của một lũ con đồ hết sức dã man. Đáng tiếc là hành động dã man ấy lại diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật và ngay vườn hoa Pasteur, trung tâm của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật. Điều đáng nói và đáng nguyền rủa hơn hết là sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của rất nhiều người,  nhưng tất cả đều thơ ơ, vô cảm, dường như đối với họ, những cư dân luôn tự xưng là người Tràng An thanh lịch, thì đó là chuyện rất đỗi bình thường, không có gì phải ầm ĩ. Xin hãy đọc đoạn comment của một cư dân Hà Nội trên Vietnamnet về vụ việc trên:

(Nói) mọi người vô cảm thì không phải nhưng giữa thời buổi trắng đen hòa trộn điên đảo thì có ai dám? Nếu can dự vào những chuyện như vậy cuối cùng nhận được hậu quả thì đành đứng ngoài thôi. Một người vì mục đích tốt can thiệp vào nhưng tội vạ bị đổ ụp lên đầu qua sự điều tra không khách quan thì đành phải đứng thật xa mà nhìn. - Tuấn, Hoàn kiếm, gửi lúc 15/03/2010 18:34:41 

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Cánh diều vàng vọt


Ảnh: Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Cánh Diều Vàng phim truyện nhựa cho êkíp "Đừng đốt" gồm đạo diễn Đặng Nhật Minh, diễn viên Minh Hương và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Chuyển hệ Tango - Đức Tế

Trước Tết có anh bạn gửi qua mail cho bài này.
Lúc ấy vì bận nên chưa đọc kỹ, nay đọc lại  thấy thấm thía. Xin chép lại để đọc dần.




Mấy năm trước, đi dép lép xẹp. Mấy năm sau có những con đường chuyên bán giày nội ngoại, Ý và Brazin. Trẻ đánh giày kiếm ra tiền, lôi kéo cả người già xuống đường, nhìn vào chân thiên hạ.
Mấy năm trước, chẳng biết xi-đi (CD) là gì, chỉ mang máng nghe nói xi-đa. Mấy năm sau, cà phê, tư gia, quà sinh nhật, nhất nhất xi-đi đều có mặt. Và xi-đa được phát hiện cả ở Tây Nguyên đổi mới, nhà rông lợp tôn.
Có điều gì đi tới. Có điều gì thụt lùi.
Xưa cơm bụi là chính. Nay ăn tiệc đầy tháng con, mời hơn trăm khách ở nhà hàng đặc sản, quà tặng là từng cây vàng lá. Khách dự váy ngắn váy dài, cổ đeo dây chuyền năm sáu chỉ, bước xuống đời trên xe biển trắng chữ đen, hoặc bệ vệ bụng bia trên xe biển xanh chữ trắng.
Những con đường tân tạo lót đá trải nhựa từ bìa rừng tới phố, từ ruộng vườn lên núi. Đi ra khỏi nhựng địa đạo chật hẹp ngày xưa, khách có thể mua cô-ca ướp lạnh.
Dường tới tương lai sừng sững thấp cao và những đĩa tròn mở họng lên trời. Đường vào quá khứ xi-măng bôi lên tháp cổ và sơn hồng quệt lên mặt tượng tiền nhân.
Tiếng Anh trên môi người hành khất. Tiếng Việt trên môi Tây ba-lô. Và từng cặp, từng cặp tình yêu Đông-Tây. Người yêu có thể đi lấy chồng người nước ngoài. Bạn bè có thể chia tay xuất ngoại.

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Nhỏ và To





Tình cờ lượm trên mạng được bài viết vui vui nói về Nhỏ và To.
Nhớ lại gần đây nhiều người vẫn còn băn khoăn về chuyện "Việt Nam ta to hay nhỏ?". Trộm nghĩ, hình như chúng ta đang mắc căn bệnh: bị nhỏ cái cần to và bị to cái cần nhỏ. Không đúng thì thôi! He he …




Việt Nam ta là một đất nước nhỏ.
Đất nước nhỏ nhưng lại có cái thủ đô rất to.
Trong cái thủ đô rất to có những con đường rất nhỏ.
Trên những con đường rất nhỏ lại có những ngôi biệt thự rất to.
Trong những ngôi biệt thự rất to có những cô vợ nhỏ.
Những cô vợ nhỏ là của các ông quan to.
Các ông quan to xách những cái cặp rất nhỏ,
Trong những cái cặp rất nhỏ có những dự án rất to.
Những dự án rất to nhưng hiệu quả lại rất nhỏ.
Hiệu quả rất nhỏ nhưng thất thoát thì rất to.
Thất thoát thì rất to nhưng trách nhiệm thì rất nhỏ... 



Cứ theo đà này có lẽ mình còn có thể viết thêm nhiều câu nữa ... Ví dụ như “Trách nhiệm rất nhỏ nhưng lợi lộc lại rất to/ Lợi lộc rất to nhưng thanh tra cho là rất nhỏ …”. Nhưng thôi, có mà đến Tết cũng chưa hết!

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Cứ về Xuyên Mộc lại thấy buồn

Tôi vừa có chuyến về lại Xuyên Mộc, ghé thăm một người chị, người mà cả bọn chúng tôi hồi đó đều gọi là má Thành. Vẫn căn nhà nhỏ trong khu vườn rộng. Nơi ấy hơn ba mươi năm trước anh em bạn bè chúng tôi đã từng ăn dầm nằm dề trong suốt những ngày khốn khó của cơn đại hồng thủy thời bao cấp, thời mà mỗi đứa trai tráng tuổi hai mươi sức như Phù Đổng tụi mình mỗi tháng chỉ được có vài ba ký gạo hẩm mốc, còn lại là bột củ mỳ, là khoai lang xắt lát phơi khô, là bo bo, là chuối cả buồng còn xanh chưa kịp chín …Thế nên con người ta lúc nào cũng cảm thấy đói, thèm ăn, mơ được ăn, chỉ cơm trắng với mắm kho quẹt thôi cũng đã là sung sướng lắm rồi và đêm đến, trong cái lạnh của núi rừng thì chỉ một gói chè bánh ú, một phong kẹo đậu phụng hoặc một thỏi đường táng, một nhúm thuốc rê ... đã ltrở thành yến tiệc.

Nơi ấy, vẫn khu vườn hoang tàn xơ xác của mấy người đàn bà nghèo, cô quả nhưng giàu tình người đã cưu mang, chăm chút và san sẻ cho anh em chúng tôi từng viên thuốc, từng chén cháo, từng nồi nước xông … khi bệnh hoạn và cả những lúc mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng.

Mấy ai ra đi mà còn quay về chốn cũ, nhất là khi chốn cũ ấy lại nghèo nàn quê kệch; mấy ai yên ấm hôm nay mà nhớ những ngày gian khổ đã qua. Chắc chắn sẽ có nhiều người trong anh em chúng tôi không biết rằng nơi ấy vẫn còn những con người cũ kỹ của ngày xưa, họ vẫn sống, vẫn âm thầm cam phận trong cái lam lũ, nghèo khó của mình và họ cũng chẳng bao giờ mong rằng những chàng trai, cô gái hồn nhiên vô tư đến từ thành phố ngày xưa còn nhớ đến họ. Cái thời gian khó mà đầy ắp tình người ấy, với nhiều người trong anh em chúng tôi đã trở thành dĩ vãng mờ xa, nhạt nhòa cả trong ký ức!

Về lại Xuyên Mộc, đi qua Bà Tô sầm uất nhộn nhịp, lại đến thị trấn Xuyên Mộc buồn bã trong cái cũ kỹ không mấy thay đổi so với mấy chục năm trước, qua đình Long Tâm cây đa cũ vẫn xòe tán xanh um rợp mát cả một đoạn đường, rẽ vào con hẽm quen thuộc ngày xưa lầy lội dấu chân trâu bò nay đã trải nhựa với những căn nhà khang trang. Nhưng sao vẫn là con đường đất gồ ghề vào nhà má Thành, vẫn khu vườn xưa hoang vắng tiêu điều, vẫn gốc nhãn già nua trước sân từ lâu không đơm hoa kết trái vương trên cành chiếc võng rách tươm, vẫn gian nhà gỗ nhỏ trống chếnh và bóng má nghiêng nghiêng, lêu khêu giữa những hàng cây, những vạt nắng và cả những bờ cỏ dại.

           Ở đây, mọi thứ vẫn như cũ, dường như cả không gian, thời gian và vạn vật đều ngừng lại, tù đọng từ hơn ba mươi năm trước. Và giữa sân, thằng T. đứa con trai bé bỏng mà má Thành đầy kỳ vọng nay đã già xọp, còm cõi, xanh xao đang thả hồn bên chai rượu đế, miếng cá khô đù, tép bưởi xanh nhặt nhạnh trong vườn, miệng lẩm bẩm những câu nghễnh ngãng ... Má Thành ngồi đó nhìn thằng con, mắt dửng dưng rồi cúi xuống nhìn bàn tay đen đủi gầy guộc, hình như má cũng chẳng còn giọt nước mắt nào để khóc thương, dù là khóc thương cho thân phận của mình…

Mỗi lần về Xuyên Mộc lại thấy buồn, cái buồn day dứt phải đến mấy ngày mới thôi! Nhưng cũng chỉ biết buồn… thế thôi!