Thứ Năm, 18/3/2010, VietNamnet đưa tin tên thầy giáo Phạm Văn Vân ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hiếp dâm một cháu học sinh 9 tuổi, lớp bốn, ngay tại trường. Hành vi đồi bại vô luân của hắn đã bị dân chúng phản ứng quyết liệt. Thế nhưng thật đáng buồn là khi đọc những dòng cuối của bản tin trên Vietnamnet như sau: “Tại phiên toà sáng 18/3, HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn Vân là đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm minh. Tuy vậy, xem xét trên nhiều tình tiết giảm nhẹ như; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, cố nội của bị can là liệt sĩ tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bố đẻ bị can là thương binh hạng ¾, bản thân bị can được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2006-2007… nên Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Vân, 15 năm tù giam và buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 44 triệu đồng theo khoản 4, điều 112 Bộ luật hình sự về tội hiếp dâm trẻ em”.
Không biết bản án thế là nặng hay nhẹ nhưng thật đáng ngạc nhiên khi chốn pháp đình mà vẫn thiếu công tâm và còn phụ thuộc quá nhiều những cái râu ria vớ vẩn (!)
Nhớ lại mới đây Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh đã có một phát biểu hay đề cao vai trò của nền tư pháp độc lập, công bằng, nghiêm minh, khi ông nói: “Thành tích có thể rất nhiều nhưng khi xét xử thì phải theo luật”. (VietNamNet, 23/11). Đó là câu trả lời của ông khi được hỏi về vụ án Nông trường Sông Hậu, với bị cáo Trần Ngọc Sương (tức bà Ba Sương) người từng được phong danh hiệu là Anh hùng lao động vì đã có bề dày thành tích rất đáng nể khi làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu.
Trên phương diện luật pháp, điều vị Bộ trưởng nói là hoàn toàn chính xác. Pháp luật phải nghiêm minh, duy lý, công tâm. Anh hùng trong quá khứ không có nghĩa là hiện tại và tương lai không bao giờ mắc sai phạm và không thể bị xét xử. Nói cách khác, không thể vì bà Ba Sương có nhân thân tốt, có cống hiến trong quá khứ, mà đương nhiên miễn tố đối với bà. Đó là biểu hiện của một nguyên tắc bất biến: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Ấy thế mà Tòa án nhân dân Hà Tĩnh khi xử tên yêu râu xanh đội lốt thầy giáo lại đi ăn mày dĩ vãng hết sức buồn cười như cố nội của bị can là liệt sĩ tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bố đẻ bị can là thương binh hạng ¾, bản thân bị can được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2006-2007…
Chẳng lẽ luật pháp ta lại có sự biến thiên linh hoạt, du di tùy lúc, tùy nơi, tùy đối tượng? Và chuyện công pháp bất vị thân chỉ còn trong cổ tích? Nếu thế thì thật đang buồn!