Một nén hương thành kính dâng lên nhà thơ
Tôi tuy sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng từ trước giải phóng đã biết nhà thơ Hữu Loan qua bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim, bài thơ càng phổ biến hơn khi được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành nhạc phẩm Áo anh sứt chỉ đường tà. Thế nên tôi hết sức ngạc nhiên khi đọc bài Hữu Loan sống một mình ở hành tinh chết xa xôi của nhà báo Phạm Thành, tác giả kể tháng 5/1975, khi là bộ đội vào giải phóng Sài Gòn, lần đầu tiên được một nữ sinh viên Văn khoa bật băng cassette cho nghe bài hát Màu tím hoa sim do Khánh Ly hát (Thực ra là bài Áo anh sứt chỉ đường tà, mà hình như Khánh Ly chưa bao giờ hát bài này, kể cả bài Màu tím hoa sim do Dzũng Chinh soạn vì cả 2 đều không hợp với chất giọng của cô) mà tác giả không biết Hữu Loan là ai, rồi sau đó về quê Thanh Hoá (Hữu Loan ở đây) làm ở đài phát thanh 4,5 năm, lại đi học Đại học báo chí 4,5 năm, đến lúc đó mới biết về bài thơ này, mới biết về Hữu Loan. Nghe mà bán tín bán nghi, nhưng nếu thật thế thì quả là nghệ thuật bưng bít của miền Bắc bấy giờ quá siêu phàm. Bài hát này một thời chúng tôi hát say mê và luôn ám ảnh bởi những bi kịch của người lính trong chiến tranh, nhất là những năm bảy mươi, mùa hè đỏ lửa, khi mà miền Nam rục rịch có lệnh tổng động viên và bọn tôi những học sinh của những năm cuối ban trung học đệ nhị cấp có thể phải mặc áo lính ra chiến trường. Mà ngày ấy ra chiến trường thì gần như đồng nghĩa với cái chết. Thế nhưng may mắn là chúng tôi không phải ra trận, lại tiếp tục học và sống sót để đến khoảng đầu những năm 90 được gặp nhà thơ tại Bà Rịa.
Tôi nhớ hôm đó là một ngày giáp Tết nguyên đán, khoảng một hai giờ chiều, vợ tôi, một cô giáo đang tất bật với công việc tay trái là may vá để kiếm chút tiền sắm Tết. Tôi chỉ biết giúp vợ bằng cách đơm khuy, ủi quần áo để giao cho khách và nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Đang bận tối mắt thì thấy anh bạn nhà thơ hay nổ đạp xe hớt hải ghé vào bảo: “Qua ... qua nhà gấp, có ... có Hữu Loan ghé chơi”. Vì không thể ngờ một nhà thơ danh tiếng như thế mà lại ghé nhà cái anh bạn nhà thơ dỏm và hay nổ nên tôi hỏi lại: “Hữu Loan nào?”. Anh bạn vừa tất tả quay xe vừa trả lời, giọng lặp bặp cà lăm cố hữu: ”Màu ... màu ... tím hoa sim”. Trời ơi! Tôi vội nói qua quít với vợ vài câu rồi mặc quần áo đi ngay. Đến nhà anh bạn - lúc ấy đang ở tạm trong một căn phòng nhỏ của một cơ sở dòng tu thánh Phao-lồ, sau này dòng tu lấy lại nơi này để lập trường mẫu giáo tư thục Sao Mai - đã thấy nhà thơ Hữu Loan ngồi trên một chiếc giường con đặt ngoài hành lang. Lúc ấy nhà thơ độ ngoài bảy mươi, gầy, tóc dài và bạc nhưng trông còn khang kiện và dáng tiên phong đạo cốt lắm. Giọng nhỏ nhẹ, đều đều, chậm rãi, nhưng ánh mắt thì rất tinh anh. Tôi nhìn nhà thơ và cố hình dung ra thời trai trẻ, khi ông viết Màu tím hoa sim như thế nào, nhưng chịu!
Cùng tiếp nhà thơ hôm ấy ngoài anh bạn thơ hay nổ là chủ nhà và tôi còn có nhạc sĩ QL cùng vợ con. Chiếc mâm nhỏ trên giường chỉ có đĩa củ kiệu tôm khô, món nhậu Tết đặc thù của dân Nam bộ, một đĩa lạc rang và chai rượu đế Hoà Long. Thật tình nhìn mồi mỡ tiếp nhà thơ danh lừng như thế bọn tôi cũng ái ngại lắm nhưng bấy giờ đứa nào cũng nghèo, cũng khổ nên đành chịu. Hình như nhà thơ không quen món củ kiệu tôm khô miền Nam nên không đụng đến mà chỉ bốc mấy hạt lạc rang, vo vo trong tay thỉnh thoảng đưa lên miệng nhắm rượu. Có lẽ thấy nhà thơ không dùng nên vợ nhạc sĩ QL cứ gắp cho cậu con trai mấy con tôm khô ít ỏi trong đĩa, anh bạn thơ nổ của tôi bực lắm bèn đứng lên nướng thêm mấy con cá khô, tôi cũng cảm thấy ngượng nhưng chẳng biết làm sao, nhà thơ thì chẳng nói gì chỉ nhìn xa xăm, ít chuyện. Mãi đến khi hơi ngà ngà nhà thơ mới bắt đầu nói, ông kể thời ông đập đá và thồ đá đi bán ở Nga Sơn như thế nào, rồi chuyện mấy văn nghệ sĩ đối xử với bạn văn và với ông thế nào sau vụ Nhân văn giai phẩm, rồi về chiếc xe lăn của nhà thơ Quang Dũng, về bài thơ Cùng những thằng nịnh hót… Đến khi nhạc sĩ QL ôm đàn ghi ta xin hát tặng ông bài Áo anh sứt chỉ đường tà do Phạm Duy phổ nhạc thơ ông thì ông im lặng lắng nghe và mắt ngân ngấn nước cảm động, sau đó ông đọc lại nguyên văn bài thơ Màu tím hoa sim, trong đó có những câu mà ông bảo trước đó đã bị xén bớt. Thật bất ngờ khi nghe giọng đọc thơ ông trầm ấm, chắc khoẻ, khác hẳn giọng nhỏ nhẹ khi trò chuyện.
Ngồi độ vài tiếng thì ông bảo phải đi cho kịp chuyến xe về nhà người con hiện đang làm rẫy ở Hắc Dịch, Tân Thành. Thì ra ông vào Bà Rịa là để thăm con và anh bạn nhà thơ của tôi tình cờ biết được nên đón sẵn và nằng nặc mời ông ghé nhà để có dịp nổ! Nhưng thôi cũng phải ghi công cho hắn, vì nhờ hắn mà đời tôi một lần hân hạnh gặp được nhà thơ đầy nhân cách, một cây gỗ vuông chằn chặn.
Màu tím hoa sim
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...
Hữu Loan - 1949