Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Chuyển hệ Tango - Đức Tế

Trước Tết có anh bạn gửi qua mail cho bài này.
Lúc ấy vì bận nên chưa đọc kỹ, nay đọc lại  thấy thấm thía. Xin chép lại để đọc dần.




Mấy năm trước, đi dép lép xẹp. Mấy năm sau có những con đường chuyên bán giày nội ngoại, Ý và Brazin. Trẻ đánh giày kiếm ra tiền, lôi kéo cả người già xuống đường, nhìn vào chân thiên hạ.
Mấy năm trước, chẳng biết xi-đi (CD) là gì, chỉ mang máng nghe nói xi-đa. Mấy năm sau, cà phê, tư gia, quà sinh nhật, nhất nhất xi-đi đều có mặt. Và xi-đa được phát hiện cả ở Tây Nguyên đổi mới, nhà rông lợp tôn.
Có điều gì đi tới. Có điều gì thụt lùi.
Xưa cơm bụi là chính. Nay ăn tiệc đầy tháng con, mời hơn trăm khách ở nhà hàng đặc sản, quà tặng là từng cây vàng lá. Khách dự váy ngắn váy dài, cổ đeo dây chuyền năm sáu chỉ, bước xuống đời trên xe biển trắng chữ đen, hoặc bệ vệ bụng bia trên xe biển xanh chữ trắng.
Những con đường tân tạo lót đá trải nhựa từ bìa rừng tới phố, từ ruộng vườn lên núi. Đi ra khỏi nhựng địa đạo chật hẹp ngày xưa, khách có thể mua cô-ca ướp lạnh.
Dường tới tương lai sừng sững thấp cao và những đĩa tròn mở họng lên trời. Đường vào quá khứ xi-măng bôi lên tháp cổ và sơn hồng quệt lên mặt tượng tiền nhân.
Tiếng Anh trên môi người hành khất. Tiếng Việt trên môi Tây ba-lô. Và từng cặp, từng cặp tình yêu Đông-Tây. Người yêu có thể đi lấy chồng người nước ngoài. Bạn bè có thể chia tay xuất ngoại.

Có điều gì mở ra. Có điều gì khép lại.
Anh cụng li tôi. Tôi xiết chặt tay anh. Rồi chúng ta bá vai, hôn má. Rồi phúng điếu khi cha mẹ qua đời, rồi quà cáp đi thăm vợ bệnh, vân vân, mà chả cần là bạn. Chỉ cần là bạn hàng. Vâng, dù chỉ là bạn hàng thôi thì cũng phải chí tình. Có tình mới có tiền.
Thời nguyên tử. Lạc hậu rồi cái cảnh gia đình xum họp buổi tối, cha đọc báo, mẹ khâu áo, bà kể chuyện, con học bài. Giờ phải là gia đình ‘hạt nhân’. Ông bà già có thể gửi không kỳ hạn ở nhà dưỡng lão. Vợ có thể đều đều mỗi tối đi ra ngoài tập thể dục dụng cụ, giữ eo thon nhỏ kẻo chồng mất mặt trong những buổi tiếp tân mắt xanh môi đỏ. Chồng có thể đều đều về trễ vì phải ra ngoài giao lưu với bạn bè lo cho xong những thương vụ đột xuất. Con cái học hành thì đã có thầy cô dạy kèm. Nấu nướng dọn dẹp thì đã có người giúp việc.
Thời đại viễn thông, máy nhắn tin, máy fax…Thời con người chuyện trò mà chẳng thấy mặt nhau, chẳng ngửi được mùi nhau, chẳng đụng được giọt nước mắt, mồ hôi, chẳng cảm được hơi ấm, cơn lạnh người đối thoại. Nói cho nhiều, ngôn ngữ thuộc lòng, chẳng ý nghĩa bao nhiêu. Cảm phiền, cảm ơn, xin phép, xin lỗi, rất mong, vô cùng, hết sức… Bỏ máy xuống có thể rủa thầm kẻ mình vừa nói chuyện.
Có điều gì sụp đổ. Có điều gì vươn lên.
Tăng-gô vĩ đại, cuối thế kỷ hai mươi. Đi tới, thụt lùi. Mở ra, khép lại. Sụp đổ, vươn lên…
Tăng-gô vòng quanh. Lạy thầy, lạy mẹ, con đi. Đi đi con. Đi tới nữa đi con. Trước mặt con là đường thẳng. Đường thẳng xuyên suốt bốn bể năm châu. Đi quanh trái đất, đường thẳng thành đường vòng tròn. Và đích đến chính là nơi con đã bỏ đi, còn thầy, còn mẹ. Cuộc hành trình sẽ vô ích, nếu khi con trở về trí óc con không bình yên và trái tim con không rộng mở. Giữa buổi ăn nhanh, làm nhanh, nói nhanh, hưởng nhanh, yêu nhanh, hãy mang trong lòng tiếng kẽo kẹt nhịp nhàng của cô con gái gánh lúa giữa hoàng hôn đê làng, và tiếng cầu kinh của mẹ đều đều vĩnh cửu.
Tăng-gô đổi ngôi. Một tiến, một lùi. Cái tiến tạm thời, cái lùi mai phục, trên sàn nhảy vũ trụ, thế giới, thời gian. Tây hướng về Đông, bỏ bớt cá nhân, phục hồi gia đình, cộng đồng và giá trị tinh thần. Đông lại hướng về Tây, đề cao cái riêng tư và vật chất.
Tăng-gô bốn bước. Sao cứ hùng hổ đi nhanh hai bước cơm và áo ? Còn hai bước ý và tình, trí tuệ và tâm linh, lòng nhân và mộc mạc… ?
Tăng-gô người với người. Đừng đạp chân nhau. Đừng đụng đầu nhau. Đừng bịt miệng nhau. Đừng xiết bao tử nhau. Đừng xé nát tim nhau. Đừng ngoảnh mặt đi trước quá khứ của nhau.
Cuộc chuyển hệ và điệu múa mới chỉ bắt đầu. Chưa trễ.